Luân chuyển vị trí là gì

Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ là một trong sáu biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trải qua gần sáu năm thực hiện, đến nay công tác này đã bộc lộ không ít những khó khăn, vướng mắc.

Theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị mình [cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ], có thời hạn công tác đủ 36 tháng tại các vị trí trong các lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.

Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là bắt buộc, thường xuyên, phải khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân; không gây mất đoàn kết và không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải đúng nguyên tắc hoán vị, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trái với chuyên môn, nghiệp vụ đang làm hoặc đang phụ trách; nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Thực tế trong quá trình thực hiện đã gặp phải một số vướng mắc về đối tượng, vị trí công tác, thời hạn chuyển đổi. Theo Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng phải chuyển đổi là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ. Cần phân biệt giữa “chuyển đổi vị trí công tác” và “luân chuyển cán bộ”. “Luân chuyển cán bộ” là chính sách của Đảng trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý để họ có điều kiện nâng cao trình độ hiểu biết và đủ năng lực thực tiễn đáp ứng được yêu cầu của người lãnh đạo, quản lý [Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ chính trị]; còn “chuyển đổi vị trí công tác” là để tránh việc cán bộ, công chức, viên chức làm lâu ở một vị trí sẽ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng định nghĩa đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm tất cả cán bộ, công chức, trong đó có cả người là lãnh đạo, quản lý và người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thực tế có rất nhiều đối tượng tham nhũng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Những đối tượng này thường gây ra những vụ tham nhũng lớn, thiệt hại rất nghiêm trọng, nhưng không phải chuyển đổi vị trí công tác. Điều này gây tâm lý thắc mắc, thiếu công bằng trong số cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải chuyển đổi vị trí.

Nghị định số 158/2007/NĐ-CP có quy định 21 lĩnh vực, ngành, nghề phải chuyển đổi và yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; chính quyền các địa phương; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội từ cấp xã trở lên; các doanh nghiệp nhà nước; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải ban hành văn bản quy định cụ thể danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong 21 lĩnh vực, ngành, nghề đó. Thực tế, một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng, chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thì ít có người phù hợp để chuyển đổi; hoặc đối với cấp cơ sở, các phòng ban chuyên môn cấp huyện, một số lĩnh vực như: kế toán, kế hoạch tài chính, tư pháp, địa chính... chỉ có một người đảm nhiệm, trong khi công tác quy hoạch, dự nguồn cán bộ để thực hiện chuyển đổi vị trí chưa được quan tâm đúng mức như công tác luân chuyển cán bộ, không có nguồn cán bộ để thay thế, chuyển đổi kịp thời. Do đó, việc chuyển đổi vị trí công tác còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với tất cả các trường hợp, ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực là 3 năm [đủ 36 tháng]. Thực tế, thời hạn 3 năm cho mọi vị trí, ngành, nghề, lĩnh vực là chưa phù hợp. Có những vị trí, thời hạn 3 năm chỉ vừa đủ để cán bộ, công chức, viên chức làm quen và bước đầu thực hiện tốt công việc, chưa đủ thời gian và điều kiện để phát huy hết năng lực, đến thời hạn lại phải chuyển đổi sang vị trí công tác khác, ảnh hưởng đến chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị. Ngược lại, có những vị trí, công việc đặc thù nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng đòi hỏi thời gian chuyển đổi phải ngắn hơn, không nhất thiết phải đủ 36 tháng, hạn chế tác dụng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, chẳng hạn như các công chức lãnh đạo ngành kiểm lâm [Hạt trưởng, Hạt phó], ngành Quản lý thị trường [Đội trưởng, Đội phó] là những công chức được bổ nhiệm có thời hạn 5 năm, muốn chuyển đổi địa bàn sau 3 năm theo quy định cũng khó thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa xây dựng danh mục cụ thể và kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị mình, nên kết quả thực hiện chuyển đổi theo quy định chậm, số lượng được chuyển đổi không nhiều. Có nơi nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ với việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến số liệu thống kê về kết quả thực hiện Nghị định 158/2007/NĐ-CP thời gian qua chưa chính xác, báo cáo số lượng chuyển đổi lớn, nhưng đó là kết quả của việc thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh. Việc chuyển đổi vị trí công tác có lúc, có nơi đã bị người có thẩm quyền lợi dụng vì mục đích cá nhân, trù dập cán bộ, công chức, những người thẳng thắn, dám đấu tranh, dám phê bình... Điều này không những không hạn chế được tham nhũng mà còn làm nảy sinh thêm hành vi tiêu cực, tham nhũng mới, có khi nghiêm trọng hơn.
Nghị định số 158/2007/NĐ-CP chỉ đề cập đến đối tượng, vị trí, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác, mà chưa có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ như: nhà ở công vụ, các chế độ phụ cấp khác…  đặc biệt là chuyển đến công tác ở một số đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong khi chế độ tiền lương, sinh hoạt phí của cán bộ, công chức, viên chức còn quá thấp, điều kiện sống, phương tiện đi lại và kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Điều này tạo tâm lý bất ổn trong cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện tốt Nghị định số 158/2007/NĐ-CP trong thời gian tới, phát huy hiệu quả, tác dụng công tác quản lý, sử dụng cán bộ nói chung, nhiều ý kiến cho rằng: cần mở rộng đối tượng chuyển đổi vị trí công tác, bao gồm cả một số vị trí lãnh đạo, quản lý trong những ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác cần linh hoạt với tính chất từng ngành, nghề, lĩnh vực và từng vị trí công tác cụ thể, có thể từ 01 đến 05 năm, không nên cứng nhắc 3 năm; Quá trình thực hiện, phải đảm bảo công khai, dân chủ, đúng kế hoạch; Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi an tâm công tác, phát huy tốt nhất khả năng, năng lực chuyên môn và hoàn thành nhiệm vụ./.

Phạm Ngọc Bảo Trân:[Tham khảo bài viết của đ/c Lê Văn Lân, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN]

Chủ Đề