Nhà máy xử lý chất thải rắn xã tịnh hiệp

Quy hoạch các điểm xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

22/05/2019

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hạn chế, bất cập trong vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà máy ở Quảng Ngãi như tại Đức Phổ, Nghĩa Kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý rác. Trong khi, lượng rác thải phát sinh không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 500 tấn/ngày, nhất là các loại chất thải rắn. Chính vì thế, việc quy hoạch các điểm xử lý rác để giải quyết rốt ráo, tránh tình trạng rác thải ứ đọng, môi trường sống bị ô nhiễm là cần thiết.

    Trước thực trạng trên,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có ý kiến chỉ đạo​ quy hoạch các điểm xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau khi Chính phủ và các Bộ ngành ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; làm cơ sở để triển khai thực hiện.

    Để giải quyết yêu cầu trước mắt về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ổn định và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo định hướng sau: Đối với các huyện miền núi và các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức: chưa lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn này và tiếp tục thực hiện tại những khu vực hiện tại đang tiến hành xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nếu có vị trí nào có vi phạm lớn về khoảng cách theo quy định thì tiến hành khảo sát đo đạc lại và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và Sở Xây dựng.

Lượng rác thải tồn động ngày càng nhiều ở Quảng Ngãi

     Đối với huyện Đức Phổ: Thống nhất với đề xuất và giao UBND huyện Đức Phổ khảo sát vị trí mới tại xã Phổ Nhơn làm khu Liên hiệp xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ thay cho tại thôn An Điền, xã Phổ Nhơn tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 07/3/2013 của UBND tỉnh. UBND huyện Đức Phổ chịu trách nhiệm về tính phù hợp và đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh an toàn tối thiểu của khu xử lý đối với khu dân cư, công trình gần nhất theo QCXDVN 01:2008/BXD và các quy chuẩn, quy định có liên quan; đồng thời lấy ý kiến đồng thuận của người dân theo quy định.

    Đối với khu vực huyện Tư Nghĩa: Yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 81/TB-UBND ngày 26/4/2019; đồng thời, UBND huyện Tư Nghĩa phải tổ chức chuẩn bị vị trí dự phòng bãi chôn rác thải tạm tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa.

    Đối với khu vực huyện Sơn Tịnh: Thống nhất cho phép UBND huyện Sơn Tịnh khảo sát một vị trí làm khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tịnh Hiệp. UBND huyện Sơn Tịnh chịu trách nhiệm về tính phù hợp và đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh an toàn tối thiểu của khu xử lý đối với khu dân cư, công trình gần nhất theo QCXDVN 01:2008/BXD và các quy chuẩn, quy định có liên quan; đồng thời lấy ý kiến đồng thuận của người dân theo quy định.

Châu Long

Sơn Tịnh thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, từ năm 2014 đến nay, huyện Sơn Tịnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Trong thời gian qua, huyện Sơn Tịnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường cho mọi đối tượng biết nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Phối hợp và hỗ trợ nguồn kinh phí cho các đơn vị truyền thông, Đoàn thanh niên, Mặt trận, Hội liên hiệp phụ nữ, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong việc tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào công tác bảo vệ môi trường bằng những hình thức diễu hành, mít tinh, hưởng ứng các ngày lễ. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường ở cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phân công Trưởng phòng phụ trách công tác môi trường và 1 cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp làm công tác này, tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đối với cấp xã, bố trí 11 công chức địa chính - xây dựng kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước về môi trường. Hàng năm, huyện đã bố trí hơn 2,5 tỷ đồng cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện. Riêng năm 2019 là 3,6 tỷ đồng. UBND huyện Sơn Tịnh đã tiến hành tổ chức khảo sát, tìm vị trí phù hợp để quy hoạch bãi xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Tịnh Hiệp tổ chức họp dân lấy ý kiến và được thống nhất của nhân dân trong vùng quy hoạch bãi xử lý rác thải rắn tại núi Bằng Toan, thuộc xóm 3A, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, vị trí này cách khu dân cư khoảng 550 mét, có diện tích khoảng 10 ha.

          Trong công tác kiểm tra bảo vệ môi trường, phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện tập huấn đánh giá tiêu chí môi trường cho 11 xã; xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong nông thôn mới tại các xã, hướng dẫn hoàn thành báo cáo và thẩm định tiêu chí số 17 về môi trường ở các xã: Tịnh Giang, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Trà và Tịnh Sơn. Hàng năm, UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện. Tổ chức kiểm tra các nội dung phản ánh của nhân dân về chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện và đã hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nhằm đảm bảo không gây anh hưởng đến môi trường xung quanh. Được biết, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Sơn Tịnh đã xác nhận 105 hồ sơ kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

          Trong thời gian tới, huyện Sơn Tịnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan nhằm nâng cao kết quả thực hiện công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, xử lý các loại chất thải rắn đảm bảo qui định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát, xử lý việc gây ô nhiễm dòng nước suối Bản Thuyền do Nhà máy mỳ Tịnh Phong gây ra và ô nhiễm dòng kênh chìm Sơn Tịnh do Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây xả thải. Bên cạnh đó, huyện đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng vứt rác thải bừa bãi, không đúng qui định.Thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong nhân dân nhằm tạo bước chuyển biến nhận thức cho người dân; có biện pháp để chấm dứt ngay tình trạng để rác và nước thải chưa qua xử lý xuống sông, ngòi, ao, hồ, các nguồn nước tự nhiên; kiểm tra, xử lý triệt để các đơn vị gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh; khuyến khích các dịch vụ thu gom, phân loại và xử lý rác; đảm bảo hệ thống nước và xử lý chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi [đặc biệt là trong các khu tập trung đông dân cư]; vận động nhân dân hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; phát triển hệ thống cung cấp nước sạch trong nông thôn để đảm bảo nhân dân được sử dụng nước sạch; các dự án cấp phép mới phải được đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường… Đặc biệt, huyện cũng cần phải phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Chủ Đề