Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên của Đông Nam á

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời [2/9/1945] - Biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do

Ngày phát hành: 04/09/2018 Lượt xem 22286



Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa [nay là nước CHXHCN Việt Nam]. Ảnh: Tư liệu


Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời [2/9/1945] đã khắc vào dòng chảy lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Hơn 70 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị của sự kiện trọng đại này.
Kết quả của phong trào giải phóng dân tộc lâu dài, gian khổ


Ngược dòng thời gian, vào năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Dù phong trào kháng chiến của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, nhưng triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng [ký Hiệp ước Giáp Thân 1884], chấp nhận làm tay sai cho giặc. Từ đó, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị “nô dịch” thuộc địa hết sức thâm độc, hà khắc. Nhân dân sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, cuộc đời lầm than cơ cực.
Tuy nhiên, không sự áp bức, bóc lột tàn bạo nào có thể tiêu diệt tinh thần yêu nước quật khởi của nhân dân Việt Nam. Những cuộc đấu tranh anh dũng của bao lớp người vẫn liên tục diễn ra, tiêu biểu như phong trào Cần Vương [cuối thế kỉ 19], khởi nghĩa nông dân [cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20], phong trào dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản [đầu thế kỉ 20]... Do nhiều nguyên nhân khác nhau cả chủ quan và khách quan, các phong trào đều đi đến thất bại, bị “dìm trong biển máu”.
Chịu vô vàn tổn thất, hi sinh to lớn do chủ nghĩa thực dân thẳng tay đàn áp, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam ngày càng cháy bỏng. Nhưng để khát vọng ấy trở thành hiện thực thì cách mạng cần phải có hướng đi mới, phù hợp với những biến chuyển lớn của thời đại, nhất là sau khi Cách mạng Tháng Mười nước Nga thành công năm 1917.
Năm 1920, sau nhiều năm bôn ba hoạt động khắp nơi trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh [khi đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc] đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam: Con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin do Đảng Cộng sản - chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lãnh đạo.
Trải qua một quá trình tích cực vận động, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập [tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương], đánh dấu bước ngoặt trên con đường tranh đấu vì độc lập, tự do.
Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, đặc biệt là cuộc vận động trực tiếp giành chính quyền [1939 - 1945]. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất: liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn.
Từ năm 1941, quá trình chuẩn bị mọi mặt cho “cuộc giải phóng” diễn ra rộng khắp các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn; từ phát triển căn cứ địa, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang đến tổ chức mặt trận đoàn kết cứu nước... Chưa bao giờ, khát vọng hòa bình, không khí cách mạng lại sục sôi cao trào đến thế. Cả đất nước như một đồng cỏ khô, chỉ cần một đốm lửa nhỏ đưa vào là sẽ bùng lên thiêu cháy bè lũ cướp nước và tay sai.
Tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, quân đội và chính quyền tay sai rơi vào trạng thái hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước theo tinh thần: dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Nghe theo hiệu lệnh, cả dân tộc vùng lên như “bão táp”. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14 - 28/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thực sự thuộc về tay nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đây là thành quả cách mạng hoàn toàn xứng đáng sau cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh: Tư liệu TTXVN


Nhân tố nền tảng và động lực bảo đảm vững chắc nền độc lập, tự do

Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công triệt để nhất trong lịch sử. Nó phát huy được cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan mọi xích xiềng nô lệ của chủ nghĩa thực dân và phát xít, rửa sạch nỗi đau mất nước kéo dài gần một thế kỉ; đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại cả ngàn năm, đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân ta từ kiếp sống nô lệ thành người dân tự do, làm chủ vận mệnh nước nhà.
Dựa trên cơ sở thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời [2/9/1945], trở thành nhân tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà nhân dân ta hằng khát khao và cũng vừa mới giành được. Từ đây, một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra: kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trên thực tế, ngay sau khi thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất chuyên chính vô sản, là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Không lâu sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội [6/1/1946] và Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, tạo cơ sở pháp lí vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc và hành động của các thế lực thù địch đang nuôi dưỡng mưu đồ đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược [1945 - 1975], thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn khẳng định: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”...
Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 đã tạo thêm động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã rút ra một bài học sâu sắc từ cách mạng Việt Nam: trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc nhược tiểu nếu quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, có đường lối đấu tranh đúng, biết tạo thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa thì hoàn toàn có thể đứng lên tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, xây dựng chế độ mới, xóa bỏ mọi áp bức, bất công.
Phát huy bản chất và những giá trị của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Đó cũng chính là “phương cách” tốt nhất để vươn đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[Theo TTXVN/Báo Tin tức]

CHÂU Á - DÂN CHỦ

Các quốc gia thành viên ASEAN. Photo : //asean.org

Các quốc gia Đông Nam Á chưa bao giờ được khen về tự do chính trị và tôn trọng nhân quyền. Nay hầu hết các nước thành viên ASEAN - một tổ chức mà sự thiếu đoàn kết hiển hiện rõ nét - dường như lại thống nhất với nhau để đặt dấu chấm hết cho mô hình dân chủ kiểu phương tây. Báo Le Monde chạy tựa « Đông Nam Á - giai đoạn dân chủ đang khép lại ».

Hồi đầu năm 2018, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Chulalong-korn tại Bangkok, ông Thitinan Pongsudhirak đã dự báo trong một bài viết đăng trên trang Nikkei Asian Review của Nhật : « Năm 2018 sẽ đánh dấu điểm khởi đầu cho một giai đoạn trong đó các nguyên tắc toàn trị mà các chế độ « bán-dân chủ không tự do » áp đặt sẽ trở thành một quy chuẩn ở châu Á ».

Trên thực tế, mô hình phát triển hậu Cộng Sản Trung Quốc - sự pha trộn giữa độc tài chính trị và tự do kinh tế được áp dụng ở khắp khu vực Đông Nam Á. Theo nhà phân tích Joshua Kurlantzich, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh học hỏi sát sao mô hình Trung Quốc, góp phần phá vỡ dân chủ tại đất nước mình.

Từ sau cuộc đảo chính năm 1962, Miến Điện nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn quân sự. Từ tháng 04/2016, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi - biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ - lên cầm quyền. Khi đó người ta tin rằng Miến Điện sẽ trở thành biểu tượng dân chủ cho cả khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều mỉa mai của lịch sử là dưới thời của bà Aung San Suu Kyi, tự do dân chủ còn kém hơn cả thời tổng thống Then Sein, dưới chế độ tập đoàn quân sự. Tất cả đều lo ngại về liên minh giữa bà Aung San Suu Kyi và quân đội.

Trước cảnh hàng trăm ngàn người Hồi Giáo thiểu số Rohingya bị chính quyền quân sự « thanh lọc sắc tộc », lãnh đạo Aung San Suu Kyi vẫn lặng thinh trước mọi chỉ trích của phương Tây. Dư luận quốc tế cho rằng bà đang đứng về phía quân đội.

Trong khi đó, Philippines, quốc gia đã từng được ca ngợi sau cuộc Cách mạng lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos hồi năm 1986, cũng đang rẽ dần sang ngả toàn trị. Đắc cử vào tháng 05/2016, tổng thống Duterte đã thóa mạ tổng thống Mỹ Barack Obama và Giáo Hoàng là « con hoang ». Chiến dịch  chống ma túy mà tổng thống Duterte tiến hành từ khi đắc cử mang tính bạo lực hiếm có : theo thống kê chính thức, gần 4.000 người đã bị cảnh sát Philippines sát hại, còn theo một thượng nghị sĩ đối lập, con số này là gần 20.000 nạn nhân.

Nếu như chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Philippines có lẽ sẽ được lưu trong lịch sử như dấu ấn của một chính quyền ngày càng « điên loạn », thì Thái Lan lại là một vương quốc thường xuyên có đảo chính với những vụ trấn áp đẫm máu của tập đoàn quân sự cầm quyền. Từ năm 1932 đến ngày 22/05/2014, có tổng cộng 12 cuộc đảo chính. Gần đây, cũng có giai đoạn Thái Lan tổ chức bầu Quốc Hội. Năm 1997, Thái Lan có Hiến Pháp mà nhiều người coi là mang tính dân chủ. Được đi bỏ phiếu, đối với nhiều người dân Thái Lan, là một điều quý giá và một hành động mà họ ao ước có được.

Nhưng kể từ đó, chính quyền Thái Lan « đóng dấu ngoặc đơn dân chủ ». Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, một lần nữa tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền và lần lữa không muốn tổ chức bầu cử. Cho dù bầu cử được tổ chức vào đầu năm 2019 như dự kiến, thì nhờ có Hiến Pháp mới hồi năm 2016, chắc chắn các tướng lĩnh quân đội vẫn sẽ là những người cầm quyền thực sự tại đất nước này.

Còn theo tác giả Bruno Philip, các nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt cũng chưa bao giờ có dân chủ thực sự, thậm chí gần đây các nước này còn ngày càng siết chặt gọng kiềm và « bịt miệng » dân chúng. Hồi tháng 06, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua luật an ninh mạng, theo đó nhà chức trách sẽ yêu cầu Facebook và Google gỡ bỏ mọi bình luận mang tính chỉ trích chính quyền Việt Nam trong vòng 24 giờ. Đối với tác giả Bruno Philip, dường như chỉ có Malaysia và Indonésia là hai quốc gia đặc biệt tại Đông Nam Á vẫn còn dân chủ.

Giải thích về sự mất dân chủ tại Đông Nam Á, giáo sư Thitinan Pongsudhirak cho rằng lý do đầu tiên là sự phát triển kinh tế trong khu vực, sự cải thiện mức sống vật chất đã cho phép các nhà lãnh đạo chính trị « làm dịu » nỗi bất bình của dân chúng.

Tuy nhiên, tác giả kết luận, không thể nói tới sự mất dân chủ ở những nước mà dân chủ chưa bao giờ tồn tại thực sự. Giống như nhận xét của giáo sư Thomas Pepinsky cộng tác với « Chương trình Đông Nam Á » thuộc Đại học Cornell, Hoa Kỳ : « Viễn cảnh thực sự trong khu vực này không phải là sự thụt lùi từ dân chủ sang toàn trị, mà là sự ăn sâu bám rễ bền lâu của chế độ toàn trị, tại những nước vốn không hề có dân chủ ».

Tổng thống Erdogan : người « phân đôi » Thổ Nhĩ Kỳ

Giống như trong tuần qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan vẫn là nhân vật được báo chí Pháp nhắc tới nhiều. Báo Le Monde đăng bài phỏng vấn giáo sư Thổ Nhĩ Kỳ Soli Ozel, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Montagne Paris về các lý do khiến ông Erdogan tái đắc cử tổng thống : « Người Thổ Nhĩ Kỳ yêu quý tổng thống Erdogan ở những điểm mà phương Tây ghét bỏ ». Trong mục Ý kiến và Tranh luận, báo Les Echos giới thiệu bài viết « Erdogan hay nghệ thuật nắm quyền ».

Còn tờ Le Figaro nhận định trong bài viết « Erdogan : một vị tổng thống của hai nước Thổ Nhĩ Kỳ » là đằng sau sự tái đắc cử của tổng thống Erdogan là sự phân cực tại nước này. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đương đại vốn là quốc gia chìm ngập trong căng thẳng và chia rẽ : những người theo tôn giáo chống lại những người không theo đạo, người Thổ chống người Kurdistan, thành phố đối đầu với vùng nông thôn… Nhưng nay, sau 16 năm cầm quyền, đến lượt chính con người tổng thống Erdogan khiến sự phân cực ở đất nước này lại trở nên trầm trọng hơn, hay nói cách khác ông đã đào thêm hố sâu ngăn cách tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giáo sư khoa học chính trị Emre Erdogan, thuộc đại học Bilgi, kỳ bầu cử tổng thống vừa qua đã cho thấy hai phe cánh đối lập nhau : một bên là tín đồ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và tìm kiếm một lãnh đạo quyền lực, một « siêu tổng thống » và bên kia là những người khát khao dân chủ, chống sự thống trị của « một cá nhân duy nhất ». Nhiều người phản đối tổng thống Erdogan vì chỉ muốn có « một cuộc sống bình thường ». Họ lấy làm tiếc vì 16 năm qua ông Erdogan đã chia rẽ xã hội, chính trị hóa mọi lĩnh vực của xã hội. Từ đấu tranh cho nữ quyền, cho người đồng giới, bảo vệ môi trường, cho đến đấu tranh vì hòa bình… đều bị quy là làm chính trị.

Bà Jana Jabbour, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ, dự báo sau kỳ bầu cử, người ta hy vọng ông Erdogan sẽ có những cử chỉ mang lại hòa bình. Việc ông Erdogan tuần qua thông báo sẽ gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và trả tự do có điều kiện cho nhà báo Mehmet Altan dường như đi theo chiều hướng này.

Tuy nhiên, tổng thống Erdogan cũng sẽ liên minh với những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, chống người Kurdistan và ủng hộ các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Với sự ra đời của bản Hiến Pháp mới, ông Erdogan sẽ chừa lại rất ít chỗ cho đối thoại và chỉ trích, bằng chứng là một tòa án ở Izmir vừa mới ra lệnh tạm giam 12 người bị cáo buộc là « xúc phạm tổng thống ».

Cuộc chiến thu hút và « giữ chân » nhân tài

Việc thiếu hụt nhân tài lên tới đỉnh điểm vào năm 2018, tại Pháp, việc tuyển dụng những người tài năng ngày càng khó khăn với các doanh nghiệp ; đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, phát triển phần mềm và khoa học dữ liệu. Trong bài viết « Cuộc chiến nhân tài : làm thế nào để thu hút và giữ chân họ », báo kinh tế Les Echos giới thiệu nhiều biện pháp.

Lắng nghe để thấu hiểu mong muốn và cảm nhận của các tài năng là điều quan trọng nhất, chứ không phải tiền lương. Giờ không còn là thời các các công ty tuyển dụng người tài mà là « người tài tuyển dụng doanh nghiệp ». Thứ hai là nhà tuyển dụng phải làm nổi bật những ưu đãi đặc biệt so với các công ty khác, như số ngày nghỉ phép được hưởng lương, những ưu đãi về thuế thu nhập …

Tiếp theo là hiện đại hóa môi trường lao động và đảm bảo tiện nghi cho nhân viên, đề xuất cho họ những dự án thú vị trong tương lai, đào tạo và mang lại cho họ những cơ hội được thi tài. Và cuối cùng là đảm bảo cho nhân viên có sự cân đối hài hòa giữa công việc và cuộc sống cá nhân, chẳng hạn dịch vụ giữ trẻ cho các ông bố bà mẹ, khả năng làm việc từ xa …

Béo phì, tiểu đường : tác hại của thuốc trừ sâu

Tác hại của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm đối với con người hiện càng được chứng minh rõ ràng. Các nhà khoa học của Viện Nông học Quốc gia và Viện Quốc gia về sức khỏe và Nghiên cứu y khoa cho thấy các loài gặm nhấm tiếp nhận lâu dài thực phẩm có dư lượng 6 loại thuốc bảo vệ thực vật phổ thông trong ngưỡng cho phép, sẽ tích mỡ nhiều, tăng cân nhanh chóng và bị tiểu đường.

Các nghiên cứu năm 2013 và 2017 trên 50.000 người cũng chỉ ra rằng những người tiêu dùng nhiều thực phẩm sạch bio ít có nguy cơ thừa cân, béo phì và tiểu đường loại 2 hơn là những người khác.

Trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde quan tâm đến thời sự trong nước với tựa trang nhất « 80km/h, câu chuyện về một quyết định không được lòng dân ». Sau ba năm tỉ lệ tử vong của người tham gia giao thông tăng liên tục, thủ tướng Pháp mới đây ban hành quy định giảm bớt tốc độ chạy xe 10km/giờ, từ ngày 01/07/2018. Quyết định này bị đa phần công luận phản đối và làm giảm mức độ được lòng dân của chính phủ. Vẫn liên quan tới thời sự Pháp, báo kinh tế Les Echos nói tới « Bộ Tài Chính Pháp đối đầu với những cái bẫy ngân sách đầu tiên cho năm 2019 ».

Nhìn sang nước Đức, báo Le Figaro chạy tựa trang nhất « Angela Merkel bị lung lay vì cuộc khủng hoảng di dân ». Tương lai chính trị của thủ tướng Đức vẫn bất định do các mâu thuẫn giữa đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của bà Merkel và phe cánh hữu thuộc đảng CSU. Chính phủ liên minh tại Đức vẫn có nguy cơ tan rã, do hai đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU và đảng CSU không tìm được tiếng nói đồng thuận về hồ sơ người nhập cư, cho dù hồi tuần trước Hội Đồng Châu Âu đã đạt được thỏa thuận đón tiếp di dân.

Báo La Croix chú ý tới sự biến đổi khí hậu qua hàng tựa « Khí hậu, sự thay đổi tăng nhanh ». Các nghiên cứu mới đây cho thấy tốc độ biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với chúng ta đang lo ngại. Còn báo Libération quan tâm tới thể thao qua hàng tựa « World Cup 2018 - Bằng cách nào Mbappé trở thành người dẫn đầu ? ». 

Video liên quan

Chủ Đề