Phó đức phương là ai

[HNMCT] - Phó Đức Phương là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, với số lượng lớn ca khúc được khán giả yêu mến. Bên cạnh những cống hiến trong sáng tạo nghệ thuật, ông còn được coi là “người hùng” của âm nhạc Việt Nam khi khởi nguồn cho việc bảo vệ tác quyền một cách bài bản.

Cha đẻ của Về quê, Một thoáng Tây Hồ vừa chia tay cuộc đời để trở về chốn phiêu diêu sau 76 năm "ở trọ nơi cõi tạm". Bài viết này như một lời chia tay, một lời cảm ơn của chúng tôi gửi tới vị nhạc sĩ có tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội, cho Kinh Bắc và cho đất Việt thân yêu.

Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội tạo nên cái tôi

Giả sử ai đó yêu cầu chọn một ca khúc xuất sắc nhất của Phó Đức Phương, thật khó, bởi ông là cha đẻ của rất nhiều ca khúc nổi tiếng đã được thử thách qua thời gian. Nhưng nếu bắt buộc phải chọn, tôi sẽ dành ưu tiên cho Về quê. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn ca khúc ấy, bởi khi soi chiếu vào kho tàng dân ca Việt, sẽ thấy những gì thành công nhất, có sức sống vượt thời gian, đi sâu vào đời sống tinh thần mỗi người dân nhất chính là những bài hát giãi bày được tâm tư, tình cảm của người nghe. Và Về quê có đầy đủ những yếu tố đó. 

Ngược thời gian, ca khúc này được khởi nguồn từ “đơn đặt hàng” của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh vào năm 1998 khi nhà hát chuẩn bị tham dự một hội diễn nghệ thuật, vì thế, việc ca khúc mang âm hưởng dân ca quan họ là điều dễ hiểu. Song, cái thú vị ở đây là người nghe khó cảm nhận được một làn điệu quan họ trong ca khúc bởi ông đã khai thác và sử dụng quan họ một cách tài tình. Chính vì thế, ngay từ khi ra đời, Về quê không chỉ nằm trong khuôn khổ một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh mà nhanh chóng lan tỏa và được đón nhận ở khắp nơi.

Quan họ là đặc sản của vùng đất Kinh Bắc, quê ngoại của Phó Đức Phương, nơi ông có nhiều năm tháng gắn bó và vì thế, không ngạc nhiên khi quan họ ảnh hưởng rất nhiều tới thế giới quan sáng tác của Phó Đức Phương. Nó hiện hữu ngay từ tác phẩm đầu tay Những cô gái quan họ khi nhạc sĩ mới 22 tuổi.

Nhưng, tài tình ở chỗ, dù cùng khai thác một chất liệu âm nhạc nhưng mỗi ca khúc lại có âm hưởng khác nhau, khiến cho khán giả không dễ nhận thấy ảnh hưởng của quan họ trong một tác phẩm còn người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp sẽ có cảm giác ngạc nhiên thú vị khi phát hiện chất liệu âm nhạc dân gian được khai thác tài tình đến thế. Ví như bài Hồ trên núi, thoạt nghe ta tưởng như những điệu hò lao động của miền sông nước là chất liệu chính, rồi không gian rộng thoáng của núi rừng phía Bắc sẽ là nét chủ đạo trong ca khúc này, song ngay từ câu mở đầu ca khúc, khi chia làm hai ý nhạc với ý nhạc thứ nhất “Thuyền ta ngược thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…” với nét nhạc trì tục mang âm hưởng của hò sông nước thì ý nhạc thứ hai ở ngay sau đó “Non xanh mà nước biếc ối a, khoan nhặt mái chèo hừ là, khoan nhặt mái chèo ối a…” lại xuất hiện những tiếng đưa hơi, phụ từ thường có trong quan họ, tất nhiên nó đã có sự biến đổi.

Bên cạnh Kinh Bắc, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới Phó Đức Phương. Một trong những đặc trưng âm nhạc của Thăng Long, khi vang lên người ta cảm nhận được tâm hồn Thăng Long, tính cách Thăng Long, hồn cốt Thăng Long. Điều đó có ở ca trù. Ca trù hiện hữu trong tác phẩm của Phó Đức Phương ở nhiều mức độ khác nhau. Rõ nét nhất là ca khúc Một thoáng Tây Hồ, ở mức độ khác là Trên đỉnh Phù Vân và một số ca khúc khác.

Những thăng trầm của lịch sử đã tạo cho Thăng Long - Hà Nội một sự trầm hùng, như lắng đọng cùng thời gian, như muốn bứt phá theo thời cuộc. Đặc trưng này có tác động sâu sắc đến Phó Đức Phương, hóa thành những nốt nhạc, lời ca nhảy múa trong tâm trí người nhạc sĩ để rồi lại “bay” ra với cuộc đời thông qua âm nhạc. Nhắc đến Phó Đức Phương thì không thể không nhắc tới những Không thể và có thể, Chảy đi sông ơi, Bên dòng sông Cái, Huyền thoại hồ Núi Cốc... Dù là ca khúc có nội dung như thế nào, viết về địa phương cụ thể nào thì nó vẫn mang đậm nét riêng của Phó Đức Phương, và cái nét riêng ấy chính là được kết tụ từ văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội.

Người hùng của giới nhạc sĩ

Tôi còn nhớ cách đây chừng hai thập niên, tác giả của ca khúc Hà Nội và tôi, nhạc sĩ Lê Vinh đã phải “lên báo than thở” rằng: “Tôi như bị đẩy xuống đầm cá sấu”. Đó là giai đoạn khó khăn của nhạc sĩ khi vướng phải lùm xùm liên quan đến vấn đề tác quyền âm nhạc. Thực tế giai đoạn đó, việc vi phạm bản quyền khá phổ biến nên việc Lê Vinh lên tiếng giống như một tiếng kêu lạc lõng, đôi lúc khiến anh rơi vào bế tắc. 

Đúng thời điểm quyền tác giả âm nhạc gần như bị lãng quên ấy, một “người hùng” của giới nhạc sĩ xuất hiện, không ai khác chính là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Bằng việc thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam [gọi tắt là Trung tâm], Phó Đức Phương không chỉ lên tiếng bảo vệ quyền tác giả cho những đứa con tinh thần của mình mà còn cho các nhạc sĩ ở Việt Nam, thậm chí cả giới nhạc sĩ Việt ở hải ngoại và nhạc sĩ thế giới có tác phẩm được sử dụng tại Việt Nam.

Ở thời điểm thành lập Trung tâm năm 2002, việc lên tiếng bảo vệ tác quyền khiến không ít người cho rằng Phó Đức Phương đang “đánh cối xay gió”; thậm chí trong con mắt của không ít người, Phó Đức Phương trở thành một con người khác, “hiếu chiến” hơn, khi ông chẳng nề hà danh tiếng của mình, sẵn sàng xuất hiện ở một điểm biểu diễn nào đó để đòi quyền lợi chính đáng cho nhạc sĩ...

Sau nhiều năm, thành quả của ngày hôm nay chứng minh rằng những việc mà ông làm là không vô nghĩa, theo thời gian, ý thức tác quyền trong lĩnh vực xuất bản album, sản phẩm âm nhạc đã dần vào nếp; giới nhạc sĩ, đặc biệt là những nhạc sĩ lớn tuổi được bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình bằng vật chất cụ thể, cải thiện đáng kể cuộc sống, điều mà họ khó có được trước đó...

Có thể nói trong suốt hơn 50 năm hoạt động âm nhạc, Phó Đức Phương như con tằm rút ruột nhả tơ cho cuộc đời bằng những ca khúc đậm đà chất liệu âm nhạc dân tộc, góp phần định hình dòng ca khúc đại chúng Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể. Bên cạnh sáng tác, ông còn là người đặt nền móng bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tên tuổi và những đóng góp của Phó Đức Phương đã và sẽ còn được nhắc tới một cách trân trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, mất ngày 19-9-2020 tại Hà Nội. Ông để lại những tác phẩm tiêu biểu có giá trị nghệ thuật cao như: Những cô gái quan họ, Về quê, Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân... 

Các album đã phát hành: Phó Đức Phương I - Trên đỉnh Phù Vân [Saigon Audio - 1997], Phó Đức Phương II - Một thoáng Tây Hồ [Saigon Audio - 1997], Phó Đức Phương III - Chảy đi sông ơi [Saigon Audio - 1998]. Bên cạnh đó là các liveshow: Con đường âm nhạc, Phó Đức Phương - Những giấc mơ trên sóng [2005], Trên đỉnh Phù Vân [2016], Khúc hát phiêu ly [10-7-2020]... 

Năm 2001, nhạc sĩ Phó Đức Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Người tráng sĩ sông Hồng đã ra đi

Ông vĩnh viễn ra đi nhưng những sáng tác của ông: "Hồ trên núi", "Chảy đi sông ơi!", "Trên đỉnh Phù Vân", "Không thể và có thể", "Về quê", "Những cô gái quan họ"... sẽ còn sống mãi với người yêu nhạc

  • Dâng trào cảm xúc đêm nhạc Phó Đức Phương "Khúc hát phiêu ly"

  • Nhạc sĩ Phó Đức Phương lạc quan dù phải chiến đấu với căn bệnh ung thư tuỵ

  • Phó Đức Phương: Cuộc đời lên thác, xuống ghềnh

  • Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh tiết lộ Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và ông đều 2 vợ

Tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời sáng 19-9 vì ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi, để lại nỗi thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. Vậy là "bộ tứ sông Hồng" trong làng nhạc Việt Nam: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ đã có người vĩnh viễn đi xa.

Mất mát quá lớn

Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói ông bàng hoàng khi hay tin người bạn thân của mình đã từ giã cõi trần, "bộ tứ sông Hồng" đã không còn trọn vẹn mà mất đi một mảnh ghép quan trọng. Vẫn biết quy luật sinh - lão - bệnh - tử, vẫn biết sẽ có ngày phải chia tay nhau, nhưng ông vẫn chết lặng khi nghe tin dữ. Với nhạc sĩ Trần Tiến, sự ra đi của Phó Đức Phương là mất mát quá lớn.

Trong cuốn "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam", Nguyễn Thụy Kha cho biết theo gia phả dòng họ, nhạc sĩ Phó Đức Phương vào hàng cháu gọi nhà cách mạng Phó Đức Chính là chú. Ông sinh năm 1944, quê ở Đa Ngưu - Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng là học sinh giỏi toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1965, muốn đi theo con đường âm nhạc, tận hiến cho âm nhạc, Phó Đức Phương lấy lý do gia cảnh khó khăn quyết định bỏ học vào làm công nhân nông trường chăn nuôi lợn ở Hòa Bình. Một năm sau, ông mới thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam [tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia] ở tuổi 22. Ngay trong năm 1966, ông đã nổi tiếng với ca khúc "Những cô gái quan họ".

"Tôi nhớ khi đó chừng năm 1967, giữa kỳ chống Mỹ ác liệt, những bài hát hồi ấy chủ yếu vang lên ảnh hưởng anh hùng ca tới mức chói gắt. Tự nhiên giữa không khí như vậy, xuất hiện bài hát "Những cô gái quan họ" của Phó Đức Phương thấm đẫm âm hưởng trữ tình của đồng bằng Bắc Bộ. Bài hát hệt như dòng suối mát lành chảy qua khu đồi trơ đá sỏi, hệt như luồng gió mát rượi lùa qua trưa hè nóng bức. Có thể gọi là may cũng được, có thể gọi là tài, chắc cũng chẳng ai phản đối. Bài "Những cô gái quan họ" bằng sự tự khẳng định, ngay lập tức đã đóng chặt tên tác giả Phó Đức Phương vào tâm tưởng giới mến mộ âm nhạc nói riêng, nhân dân nói chung. Không nhiều người biết tác giả của bài hát này khi đó đang ở thời kỳ mới vào trường nhạc…" - đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha [trích trong cuốn "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam - Một thời đạn bom"] .

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, người gắn bó nhiều năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhận xét âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn tạo cho người nghe cảm xúc mới lạ. Mỗi tác phẩm mang một phong vị riêng, không lặp lại ngôn ngữ âm nhạc của chính mình. Nếu như "Những cô gái quan họ" cho người nghe cảm nhận về sự duyên dáng, mượt mà đầy nữ tính và thuần Việt mang đậm nét văn hóa của người phụ nữ vùng quê Kinh Bắc ngoan cường trong bom đạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ thì ở những sáng tác càng về sau này, người nghe tiếp nhận được là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ.

"Hồ trên núi", "Chảy đi sông ơi!", "Trên đỉnh Phù Vân", "Không thể và có thể", "Về quê"…, mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương được nhạc sĩ Trần Lệ Chiến ví von là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mà cách kể của mỗi câu chuyện một khác. "Những cốt truyện của ông nhiều khi được bắt nguồn từ vốn cổ, từ những điển tích, điển cố nhưng tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc. Kể cả với những bài được ông sử dụng những cung quãng trúc trắc, đòi hỏi người thể hiện không chỉ ở giọng hát mà còn cả bản lĩnh nghề nghiệp và sự thấu hiểu trong ngôn từ, âm nhạc, mới có thể lột tả được thần thái của tác phẩm… thì sau cùng vẫn cứ cho người nghe một cảm xúc vô cùng đẹp đẽ về âm nhạc" - nhạc sĩ Trần Lệ Chiến bình luận.

Ngôn ngữ âm nhạc của Phó Đức Phương cũng đa sắc, mang màu sắc âm hưởng của âm nhạc tôn giáo, thoát tục. Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến chia sẻ trong câu chuyện với các nhạc sĩ tiền bối rằng có người nói đùa có lẽ nhạc sĩ Phó Đức Phương có khả năng "thông linh" nên ông đã nhận được những tín hiệu đặc biệt, để có thể kể những câu chuyện lịch sử bằng âm nhạc mà không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được. Trong "Bài ca thần chim lạc" ông đã "nhập đồng" để có thể cất lên những câu hát - nói khiến người nghe rung động: "Ta là thần chim lạc, sải cánh chín tầng trời/Qua biển Đông sóng dậy, về núi Tây điệp trùng/Đây Hồng Hà nặng đỏ, kia chín nhánh sông Rồng"…

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: TƯ LIỆU

Người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ

Tháng 3-2020, các bác sĩ báo cho nhạc sĩ Phó Đức Phương ông đã bị ung thư tụy.

Nhà báo Ngô Bá Lục nhớ lại, ngày 3-3-2020, anh cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đến ghi hình chương trình "Giai điệu kết nối" tại trường quay của VTV về "bộ tứ sông Hồng". "Hai chú cháu ngồi nói chuyện. Trường quay đang chuẩn bị nên chú bảo: Này, bạn của tớ, tớ đang bị nghi ung thư, mấy bạn bác sĩ hẹn 11 giờ trưa nay qua sinh thiết để xét nghiệm, nhưng mà tớ nghĩ là ung thư thật" - nhà báo Ngô Bá Lục kể. Anh cho hay nhìn nhạc sĩ không được khỏe so với bình thường nhưng vẫn phong độ và đặc biệt, tinh thần vẫn vui vẻ. Ngay sau khi buổi ghi hình kết thúc, nhạc sĩ vào viện nhận kết quả mình bị ung thư tụy. Biên tập viên Kiều Ngân của VTV nhớ lại sáng đó nhạc sĩ đã có lịch nhập viện nhưng vì lời mời của cô nên ông đến ghi hình trước rồi mới vào bệnh viện.

Những ngày tháng cuối cùng, tác giả của "Chảy đi sông ơi" phải chiến đấu ngày đêm với căn bệnh quái ác. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu với âm nhạc của ông vẫn luôn cháy bỏng, ông vẫn luôn lạc quan, rằng sẽ chiến thắng được bệnh tật. Con gái nhạc sĩ, Phó Khánh Chi, chia sẻ dù phải điều trị bệnh, ông ấy vẫn đầy lạc quan, sung sức và đầy ắp ý tưởng trong sáng tác âm nhạc. Ông dự định viết về những nhân vật lịch sử để những thế hệ sau này sẽ nhớ về những người hùng áo vải của dân tộc thông qua các sáng tác của ông.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tin rằng ông phải hoàn thành sứ mệnh theo "lệnh của bề trên", đó là một vệt những tác phẩm âm nhạc viết về những bậc thánh nhân, tiền nhân, tiên tổ. Phó Đức Phương từng viết về các nhân vật lịch sử: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và muốn viết tiếp về các bậc anh hùng: Quang Trung, Lý Thường Kiệt...

Ca sĩ Thanh Lam cho biết khi đến thăm nhạc sĩ trước đêm nhạc cuối cùng của ông hồi tháng 7-2020, điều khiến chị bất ngờ chính là cách nhạc sĩ bình tĩnh đối diện với bệnh tật. "Ông nói cuộc đời luôn phải đối diện với những thử thách, thì bây giờ là một thử thách mới. Khi nhìn thấy nụ cười của nhạc sĩ, nghe nhạc sĩ nói chuyện, tôi hiểu ông vẫn còn nhiều ước mơ, khát vọng, hoài bão" - Thanh Lam tâm sự.

Ca sĩ Mỹ Linh cũng chia sẻ ấn tượng của chị về hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương khi còn trên giường bệnh trong bệnh viện là "đôi mắt sáng rực và nụ cười ngoác đến tận mang tai".

Với ca sĩ Tùng Dương, Phó Đức Phương là người yêu say đắm quê hương, đất nước. Ông tạo nên một trường phái âm nhạc riêng, ở đó chất dân gian ngấm vào từng giai điệu, từng lời ca. Khi hát hay nghe những sáng tác của ông, mọi người đều cảm nhận được niềm tự hào và có mong muốn điều gì đó cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Nam ca sĩ này cho hay mình may mắn đã gặp được nhạc sĩ Phó Đức Phương trên con đường âm nhạc. Nhạc sĩ như người cha đã tiếp thêm sức mạnh, năng lượng cho ca sĩ, không chỉ trong con đường ca hát mà trong cả cuộc sống. "Tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất đặc biệt và thiêng liêng. Nó không chỉ giống như tình thân của những người trong gia đình mà còn có sự trân trọng, ngưỡng mộ tài năng của nhau. Phó Đức Phương chính là người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết" - Tùng Dương bộc bạch.

"Đời sông không hề tiếc vơi đầy"

Không chỉ đắm đuối trong âm nhạc, Phó Đức Phương cũng được ghi nhận là người đi tiên phong trong bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam. Nhắc đến Phó Đức Phương là nhắc đến chặng đường gần 20 năm ông gắn bó với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ. Không biết bao nhiêu sóng gió đã xảy ra, rồi xung đột, mâu thuẫn, nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương kiên quyết chấp nhận những phiền toái về phía mình để bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp. Trong tác phẩm "Chảy đi sông ơi", Phó Đức Phương từng viết "Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy". Trong cuộc sống đời thường, ông cũng như vậy. Sống hết mình, cống hiến hết mình.

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: "Những cô gái quan họ", "Hồ trên núi", "Một thoáng Tây Hồ", "Nha Trang thu", "Trên đỉnh Phù Vân".

Yến Anh

Video liên quan

Chủ Đề