Phuong pháp xử lý nạn nhân khi bị điện giật

Khi có người bị điện giật, bất cứ ai nhìn thấy cũng có trách nhiệm tìm mọi biện pháp để cứu người bị nạn. Việc cứu người cần được tiến hành nhanh chóng kịp thời và có phương pháp, bởi đó là yếu tố quyết định đến tính mạng của nạn nhân.

Hình 1. Sơ cứu người khi bị điện giật?

Những thống kê về tai nạn điện giật cho thấy rằng nếu việc xử lí cấp cứu được tiến hành càng nhanh thì tỉ lệ nạn nhân được cứu sống càng cao, trong một phút nếu được tách nhanh khỏi nguồn và được sơ cứu thì tỉ lệ được cứu sống rất cao, khoảng 98%, còn nếu kéo dài đến 6 phút thì còn 2%.

Các bước thực hiện gồm 2 bước cơ bản sau:

1. Tách nạn nhân khỏi nguồn điện

Hình 2. Tách nạn nhân khỏi nguồn điện.

1.1. Trường hợp cắt được nguồn

Cần nhanh chóng cắt nguồn điện bằng công tắc, cầu dao, máy cắt điện,… và khi cắt cần lưu ý những điểm sau:

  • Nếu nạn nhân ở trên cao thì cần có vật hoặc người hứng đỡ.
  • Cắt điện cũng có thể dùng búa, rìu, kéo, dao,… có cán cách điện để chặt đứt nguồn điện.

1.2. Trường hợp không cắt được nguồn điện

Cần phân biệt nạn nhân bị nạn bởi điện cao áp hay hạ áp.

  • Điện hạ áp [U < 1000V]: Cần có vật cách điện tốt như sào, gậy tre, gỗ khô,… gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Nếu nạn nhân nắm vào dây điện cần phải đứng trên vật cách điện khô như bàn, ghế, thảm, bệ gỗ hoặc đi ủng và đeo găng tay cách điện để gỡ nạn nhân ra hoặc dùng dao, búa, rìu,… có cán cách điện để chặt đứt dây điện.
  • Điện cao áp [U > 1000V]: Tốt nhất người cứu phải có ủng, găng tay và sào cách điện,… Nếu trong trường hợp không có các dụng cụ kể trên thì phải làm ngắn mạch bằng cách lấy dây bằng kim loại ném lên đường dây làm ngắn mạch các pha.

2. Cấp cứu ngay sau khi tách nạn nhân khỏi nguồn điện

Cần căn cứ tình trạng sức khỏe nạn nhân để cứu thích hợp.

Hình 3. Sơ cứu ngay sau khi tách nạn nhân khỏi nguồn điện.

2.1. Nạn nhân chưa mất tri giác

Đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí, cấp tốc mời bác sĩ ngay, còn không đưa đến cơ quan y tế gần nhất.

2.2. Nạn nhân mất tri giác

Dù đã mất tri giác nhưng tim còn đập và còn thở nhẹ, cần đặt nạn nhân nơi thoáng khí, bằng phẳng, nới rộng quần áo, thắt lưng rồi cho ngửi amoniac hoặc nước giải, xoa bóp nạn nhân sau đó mời bác sĩ đến ngay.

2.3. Nạn nhân đã tắt thở

Nếu người bị nạn đã tắt thở, toàn thân co giật, cần đặt nạn nhân nơi thoáng khí, nới rộng quần áo thắt lưng lau sạch máu và nước bọt, tiến hành hô hấp nhân tạo đến khi có bác sĩ đến, có ý kiến quyết định mới thôi.

2.4. Phương pháp hô hấp nhân tạo

Hình 4. Phương pháp hô hấp nhân tạo.

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa, kê đầu bằng vật mềm, để ngã ngửa ra phía sau. Kiểm tra khí quản có thông suốt hay không. Nếu hàm bị co cứng phải mở miệng bằng cách để tay ở dưới góc hàm dưới, tỳ ngón cái vào mép để đẩy hàm dưới ra.
  • Kéo ngửa nạn nhân về phía sau sao cho cằm và cổ trên một đường thẳng để khí được vào dễ dàng. Đẩy hàm dưới về phía trước đề phòng lưỡi rơi xuống đóng thanh quản.
  • Mở miệng, bịt mũi nạn nhân. Người cấp cứu hít một hơi, thổi mạnh vào miệng nạn nhân. Nếu không thổi vào miệng được thì có thể bịt kín miệng và thổi vào mũi. Việc thổi khí cần làm nhẹ nhàng và liên tục 10-12 lần trong 1 phút với người lớn và trẻ em 20 lần. Lặp lại các bước trên nhiều lần.
  • Nếu có 2 người cấp cứu thì 1 người vừa hô hấp nhân tạo một người vừa xoa bóp nhịp tim, người xoa bóp tim đặt 2 tay chồng lên nhau và đặt ở 1/3 xương ức của nạn nhân, ấn khoảng 4-6 lần rồi thì dừng 4s để người kia thổi khí vào miệng nạn nhân. Khi ấn cần ép mạnh lòng ngực xuống khoảng 4-6cm sau đó giữ tay lại khoảng 1/3s rồi mới để tay lại vị trí ban đầu.

Các thao tác cần thực hiện liên tục đến khi có bác sĩ và có quyết định ngừng thì mới ngừng.

Câu hỏi

  • Trình bày các phương pháp cứu hộ khi người bị điện giật.

Chủ Đề