Quy định pháp luật về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc cho ví dụ

Mục lục bài viết

  • 1. Chia thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc ?
  • 2. Các ngoại lệ của thừa kế theo di chúc ?
  • 3. Thừa kế tài sản không có di chúc ?
  • 4. Người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc ?
  • 5. Bố mẹ mất đều không để lại di chúc xử lý thế nào ?

1. Chia thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc ?

Chào luật sư, Ông tôi mất năm 2016 hiện tại ông còn mẹ già và 3 người anh ruột. Ông tôi có 4 người con, con trai lớn của ông tôi bị tai nạn lao động chết vào năm 2014 [lúc 30 tuổi] có vợ và 2 con gái. ông có căn nhà và mảnh đất [khoảng 5 tỷ ] và một khoản tiền gửi tiết kiệm.

Trước đó năm 2015, Ông tôi có lập di chúc để lại cho con trai thứ 2 căn nhà và và con trai thứ 3 được hưởng khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Người con trai út của ông tôi bị bệnh tâm thần. Đầu năm 2017, gia đình tôi xảy ra tranh chấp về thừa kế tài sản muốn chia đều tài sản cho 4 người con của ông tôi nhưng 2 người con được hưởng di chúc không đồng ý ?

Mong luật sư tư vấn giúp tôi !

Luật sư trả lời:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, trong trường hợp di chúc là hợp pháp, thì tài sản sẽ được phân chia theo ý muốn của người để lại di sản. Tuy nhiên, để giải quyết một số tranh chấp về thừa kế, pháp luật có quy định về những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Trong trường hợp của ông bạn để lại là di chúc hợp pháp thì căn cứ theo Điều 644 của Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a] Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b] Con thành niên mà không có khả năng lao động."

Như vậy mặc dù ông bạn để lại di chúc không chia tài sản cho người con út bị tâm thần, nhưng căn cứ quy định trên thì người con út vẫn được hưởng phần đi sản bằng 2/3 suất của một người được thừa kế theo pháp luật. Ở đây không có khả năng lao động được hiểu là trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viện từ 81% trở lên. Người bị bệnh tâm thần bị mấy năng lực hành vi dân sự không có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi có thể đã được Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự, không thể tự mình tham gia vào các quan hệ dân sự sẽ thuộc trường hợp hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Trường hợp di chúc của ông bạn để lại là di chúc không hợp pháp thì tài sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ vào quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a] Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b] Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c] Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."

Trong trường hợp này tài sản của ông bạn sẽ chia đều cho 4 người con và mẹ của ông bạn vì đều thuộc vào hàng thừa kế thứ nhất [chia 5 suất]. Người con cả đã chết năm 2014 thì vợ và 2 người con gái sẽ được thừa kế thế vị theo Điều 652 của Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

2. Các ngoại lệ của thừa kế theo di chúc ?

Kính chào luật sư, Hiện tại em muốn mở một di chúc do bố em để lại, em thấy Bộ luật dân sự 2015 có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, em đọc nhiều lần mà không hiểu nội dung như thế nào ?

Mong được luật sư tư vấn. Em xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a] Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b] Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Khoản 1 điều này được hiểu như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi

- Trong trường hợp những người này không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc được hưởng phần di sản ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật thì họ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật.

VD: Ông A lấy Bà B có 3 đứa con là C [28 tuổi nhưng bị liệt 2 tay], Đ [ 22 tuổi bình thường] và E [ 15 tuổi] . Ông A chết để lại tài sản có gía trị 800.000.000 [Tám trăm triệu đồng]. Ông để lại di chúc như sau: Bà B - 300 triệu, C- 200 triệu, D -200 triệu và E - 100 triệu.

Nếu tính thừa kế theo pháp luật thì Bà B = C = D = E = 800 triệu / 4 = 200 triệu

Có thể thấy E là người chưa thành niên nhưng chỉ được hưởng thừa kế là 100 triệu [ chỉ bằng 1/2 một suất thừa kế theo pháp luật] do đó E được chia lại thừa kế và được hưởng một phần như sau

Thừa kế của E = 2/3 x 200 triệu = 133,3 triệu

E được nhận thêm 33,3 triệu và phần này do các cá nhân khác trích vào theo tỉ lệ 3:2:2

Các trường hợp không được hưởng thừa kế cũng được tính tương tự.

Khoản 2 điều này được hiểu như sau:

Người từ chối nhận di sản và những người sau:

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a] Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b] Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c] Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

...

Không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 điều 644 trên.

3. Thừa kế tài sản không có di chúc ?

Xin chào luật sư! Xin nhờ luật sư tư vấn cho tôi một việc: Ông bà nội tôi có 9 người con [bác tôi đã mất], ba tôi đứng thứ hai. Ông bà tôi mất và không có làm di chúc thừa kế cho con cháu.

Ba tôi bị bệnh và mất tính đến nay là gần 20 năm rồi. Trong khoảng thời gian đó, chú tôi liên tục bán đất đai của ông bà nội để lại và chia đều cho các anh chị em nhưng lại không có phần của ba tôi. Ba tôi được chôn cất tại nghĩa trang gia tộc. Giờ đây, nhà nước có quyết định giải tỏa đất trên để quy hoạch cây xanh và đền bù đất tại khu vực đó. Chú tôi gọi điện thông báo là sẽ bóc mộ của ba tôi và gia đình tôi không có bất cứ quyền quyết định gì trong vấn đề này. Vậy tôi xin hỏi:

- Chú tôi làm như vậy là đúng hay sai? - Nếu chú tôi bóc mộ mà khộng có sự đồng ý của gia đình tôi thì sẽ xử lý thế nào? Luật sư có thể chỉ cho tôi mẫu đơn tường trình sự việc để gởi đến địa phương được không? - Gia đình tôi có được hưởng thừa kế phần tài sản mà chú tôi đã bán và sở hữu trong gần 20 năm qua không?.

- Nếu tôi muốn khởi kiện để đòi lại tất cả những gì thuộc về chúng tôi suốt thời gian qua thì có được không? và khả năng thắng kiện của chúng tôi có cao không?. Chi phí mà chúng tôi nhờ luật sư trong suốt vụ kiện này có cao lắm không?

Cũng xin kể rõ hơn cho luật sư: Nhà tôi có 4 chị em, tôi là chị hai. Ba tôi mất khi tôi vừa học xong cấp 3, mẹ tôi phải bán nhà để trang trải tiền thuốc thang suốt mấy năm trời ba tôi nằm liệt 1 chổ, rồi thuê nhà sống cũng gần khu nhà của nội tôi. Từ lúc ba tôi mất cho đến nay: Chú tôi liên tục bán đất đai rồi chia đều cho các cô chú trong nhà nhưng tuyệt nhiên không có phần của ba tôi và chúng tôi cũng không được biết việc buôn bán này. Chúng tôi chỉ biết khi có dịp ghé qua xóm cũ và nghe mọi người nói. Nghĩa trang gia tộc cũng đã bị chú tôi bán 1 phần, chúng tôi biết được là do lên thăm mã ba tôi. Và bây giờ, khi có chủ trương của nhà nước, chú tôi cũng muốn cướp đi quyền lợi của gia đình tôi. Chúng tôi quá khó khăn, nên không biết nhờ ai để tư vấn, giúp đỡ. Giờ đây, lại đụng chạm đến hương hỏa của người đã khuất, nên tôi muốn một lần làm cho rõ trắng đen và cũng muốn đòi lại sự công bằng cho gia đình mình.

Tôi khẩn khoản nhờ luật sư tư vấn và giúp đỡ cho gia đình chúng tôi!

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về công ty chúng tôi! Vấn đề của bạn tôi xin được trả lời như sau:

Ông bà bạn không để lại di chúc khi mất do đó tài sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, tài sản được chia đều cho 9 người con và bố bạn cũng được hưởng. Bố bạn mất thì phần di sản đó chị em bạn sẽ được hưởng thay. Việc chú bạn bán tài sản của ông bà mà không chia phần của bố bạn cho chị em bạn là trái quy đinh của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 645 BLDS thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, tính đến nay thì thời hiệu khởi kiện đã hết nên bạn không thể khởi kiện để đòi phân di sản đáng ra chị em bạn được hưởng.

Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác người chết, thay đổi tấm bia ghi tên người chết, san phẳng mồ mả của người chết trái với ý chí người thân thích của họ. Trong trường hợp này chú bạn tiến hành bóc mộ của bố bạn mà không hỏi ý kiến gia đình bạn là trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 246 Bộ luật hình sự

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Về mẫu đơn khởi kiện bạn có thể tham khảotại đây.

Trân trọng./.

4. Người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc ?

Kính gửi quý công ty. Các luật sư cho em hỏi chồng em vừa mới mất được 2 tháng, trước khi mất anh ấy có đứng tên một sổ đỏ đất do bố, mẹ chồng tặng cho trước khi kết hôn với em và anh có để lại di chúc để toàn bộ phần đất này cho 2 mẹ con em. Tuy nhiên, các anh chị em chồng lại yêu cầu 2 mẹ, con em phải chia cho mẹ chồng 1 nửa phần đất này [ bố chồng đã mất].

Vậy luật sư cho em hỏi yêu cầu của các chị, em chồng là đúng hay sai ạ ?

Cám ơn luật sư.

Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin mà bạn cung cắp thì chồng bạn mất có di chúc để lại toàn bộ phần đất mà chồng bạn đứng tên cho hai mẹ, con. Đối với trường hợp này theo di chúc thì hai mẹ, con bạn sẽ được hưởng phần tài sản mà chồng bạn để lại. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại điều 644 Bộ luật dân sự 2015 thì những người sau đây sẽ được hưởng 2/3 một suất thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc. Cụ thể:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a] Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b] Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định trên thì mẹ chồng của bạn thuộc trường hợp được thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc, do đó, mẹ chồng của bạn sẽ được nhận 2/3 một suất thừa kế phần di sản mà chồng bạn để lại [ trừ trường hợp mẹ chồng bạn từ chối nhận di sản thừa kế].

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

5. Bố mẹ mất đều không để lại di chúc xử lý thế nào ?

Thưa Luật sư, cho em hỏi, mẹ em mất đã lâu, bố em đi bước nữa. Bây giờ bố em cũng đã mất nhưng không để lại di chúc. Pháp luật giải quyết như thế nào ?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật Minh Khuê. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, xử lý tài sản khi mẹ bạn mất.

Mẹ bạn mất không để lại di chúc, cho nên, phần tài sản riêng của mẹ bạn và phần tài sản của mẹ bạn trong khối tài sản chung với ba bạn sẽ được mang ra chia thừa kế theo pháp luật.

Thứ hai, xử lý tài sản khi ba bạn mất.

Ba bạn mất không để lại di chúc cho nên tài sản riêng của ba bạn và tài sản của ba bạn trong khối tài sản chung với vợ mới của ông sẽ được mang ra chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật của ba bạn sẽ được hưởng thừa kế.

Trong thông tin bạn cung cấp không nói rõ ba bạn với vợ mới có con hay không cho nên chúng tôi không thể xác định được phần di sản này sẽ được chia làm mấy phần. Bạn căn cứ vào điều luật trên để biết rõ hơn những ai được hưởng và phần di sản mà mỗi người được hưởng.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất mong sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề