Quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Từ năm 2012 đến nay, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước [KBNN] được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính. Qua 5 năm triển khai, việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC vẫn còn nhiều vướng mắc, một số nội dung mới cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, do đó ngày 15/02/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN, thay thế Thông tư số 164/2011/TT-BTC.

Thông tư số 13/2017-TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2017 giúp tăng cường quản lý, kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt trong nội bộ hệ thống KBNN để giảm bớt khối lượng thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN; đồng thời, tạo thuận lợi cho KBNN và các đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện

Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngoài việc kế thừa những nội dung vẫn còn phù hợp tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC; có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

1. Về tổ chức thu tiền mặt [Điều 5]: So với Thông tư số 164/2011/TT-BTC, Thông tư bổ sung quy định định kỳ tối đa không quá 5 ngày làm việc hoặc số dư tài khoản chuyên thu vượt quá 1 tỷ đồng, đơn vị phải làm thủ tục chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại [NHTM] về tài khoản của đơn vị tại KBNN [Thông tư số 164/2011/TT-BTC chỉ quy định định kỳ tối đa không quá 5 ngày làm việc].

2. Về nội dung chi tiền mặt: bổ sung nội dung chi bằng tiền mặt đối với các khoản thanh toán cá nhân là chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh. Đồng thời quy định bổ sung vềthanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản, gồm: đối tượng áp dụng và các nội dung thực hiện chi trả qua tài khoản, trong đó, quy định cụ thể quy trình các bước thực hiện thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản; bổ sung thêm quy định về thanh toán cá nhân qua tài khoản đối với các đơn vị khối an ninh, quốc phòng.

3. Về thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng: Thông tư quy định phạm vi thực hiện; quy trình thực hiện thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng; thời gian thanh toán thẻ tín dụng và việc chấp nhận hoặc từ chối thanh toán của KBNN. So với Thông tư 164/2011/TT-BTC thì Thông tư này không quy định về số lượng thẻ tín dụng, giao thủ trưởng đơn vị giao dịch phối hợp với NHTM nơi mở tài khoản quyết định và tự chịu trách nhiệm cho phù hợp với thực tế nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng, đơn vị giao dịch có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng và bảo quản an toàn thẻ tín dụng; đồng thời phải làm thủ tục thanh toán đầy đủ, đúng hạn.

4. Đăng ký rút tiền mặt: Thông tư bổ sung quy định việc cán bộ nhận đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị KBNN, tổng hợp, báo cáo Giám đốc KBNN hoặc người được ủy quyền phê duyệt; đồng thời, thông báo số lượng và thời gian dự kiến rút tiền mặt tại ngân hàng cho NHTM nơi KBNN mở tài khoản để ngân hàng chủ động cung cấp tiền mặt cho KBNN; bổ sung hình thức đăng ký qua dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN; quy định đơn vị sử dụng NSNN đăng ký rút tiền mặt qua điện thoại, thì phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt khi đến KBNN làm thủ tục thanh toán; bổ sung mẫu văn bản đăng ký rút tiền mặt; KBNN phải mở sổ theo dõi việc đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư….

5. Về định mức tồn quỹ tiền mặt: Thông tư bổ sung quy định định kỳ hàng quý [trước ngày 25 tháng cuối quý], KBNN cấp tỉnh có trách nhiệm xác định và thông báo cho các KBNN cấp huyện trực thuộc định mức tồn quỹ tiền mặt quý sau. Trường hợp KBNN cấp tỉnh chưa thông báo định mức tồn quỹ tiền mặt quý, thì các đơn vị thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt đã được thông báo trước đó; đồng thời, đưa ra công thức xác định định mức tồn quỹ tiền mặt quý, các đơn vị thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt đã được thông báo trước đó.

6. Về các khoản phí: So với Thông tư số 164/2011/TT-BTC, Thông tư bổ sung các nội dung sau: các đơn vị giao dịch không phải trả phí liên quan đến các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt để thực hiện thu, chi NSNN tại KBNN; nộp hoặc rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi của các đơn vị giao dịch tại KBNN; các khoản phí liên quan đến sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng thì đơn vị giao dịch thực hiện chi trả theo thỏa thuận với ngân hàng; các khoản phí mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại ngân hàng, phí chuyển tiền vào từng tài khoản của cá nhân, các loại phí phát hành, phí thường niên của thẻ tín dụng là một khoản chi của NSNN; các khoản chi phí phát sinh do lỗi của đơn vị giao dịch trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng do đơn vị tự xác định nguồn chi trả theo nguyên tắc không lấy tiền có nguồn gốc từ NSNN để chi trả…

          7. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước: Bổ sung thêm trách nhiệm của KBNN bảo mật các thông tin về số liệu tài khoản thanh toán của cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hồ Ngọc Nam [Tài chính doanh nghiệp]

Ngày 17/08/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2021/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước [gọi tắt là Thông tư]. Theo đó, Thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số quy định đáng lưu ý, cụ thể:

Tại Điều 1 của Thông tư, đối tượng áp dụng đã được bổ sung thêm các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thông tư cũng giải thích lại Kho bạc Nhà nước [KBNN] cấp tỉnh là KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KBNN cấp huyện là KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Cụm từ "phòng giao dịch trực thuộc KBNN cấp tỉnh" đã được bỏ đi.

Về nguyên tắc quản lý thu ngân sách nhà nước tại Khoản 2, Điều 3 của Thông tư số 328/2016/TT-BTC cũng đã được sửa đổi: các khoản thu ngân sách nhà nước phải được nộp trực tiếp vào KBNN hoặc vào tài khoản của KBNN tại ngân hàng, trừ trường hợp cơ quan thu hoặc tổ chức được cơ quan thu ủy nhiệm thu được trực tiếp thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan thu, tổ chức được cơ quan thu ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước có trách nhiệm nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thu ngân sách nhà nước vào tài khoản của KBNN mở tại ngân hàng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn. [Thông tư đã bỏ quy định về trường hợp ở những địa bàn khó khăn trong việc nộp qua ngân hàng hoặc nộp trực tiếp tại KBNN hoặc không tổ chức thu tiền tại địa điểm làm thủ tục hải quan]

Trong công tác phối hợp thu và uỷ nhiệm thu ngân sách nhà nước, Thông tư số 72 đã sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 328. Theo đó, Thông tư 72 quy định trường hợp KBNN cấp tỉnh hoặc KBNN cấp huyện đã ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt, song người nộp ngân sách nhà nước vẫn đến KBNN cấp tỉnh hoặc KBNN cấp huyện để nộp ngân sách nhà nước thì KBNN cấp tỉnh hoặc KBNN cấp huyện vẫn phải thực hiện thu tiền mặt từ người nộp ngân sách nhà nước. Thông tư số 72 cũng bổ sung thêm việc loại trừ các trường hợp các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 136/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Đối với trường hợp KBNN cấp tỉnh hoặc KBNN cấp huyện thay đổi ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản hoặc thành lập đơn vị KBNN mới [do chia tách, sáp nhập địa bàn], Thông tư số 72 quy định KBNN cấp tỉnh hoặc KBNN cấp huyện phải thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước với ngân hàng thương mại nơi mới mở tài khoản. Bỏ quy định phải có văn bản đề nghị hủy bỏ phối hợp thu ngân sách nhà nước với ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản cũ.

Thông tư còn bổ sung thêm 2 hình thức thu thu ngân sách nhà nước: qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Các loại chứng từ quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Thông tư 328/2016/TT-BTC được sửa đổi thành chứng từ nộp ngân sách nhà nước với các loại chứng từ được sửa đổi, bổ sung như sau: bảng kê nộp thuế; giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước; biên lai thu phạt vi phạm hành chính không in sẵn mệnh giá và in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá và in sẵn mệnh giá; biên lai thu thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính…

Ngoài ra, các quy định về thu ngân sách nhà nước  bằng đồng việt nam, Thu ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ, hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước, đối chiếu số liệu báo cáo định kỳ tình hình thu ngân sách nhà nước, báo cáo kế toán thu ngân sách nhà nước … cũng được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư 72/2021/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.

Chu Thị Hương

Video liên quan

Chủ Đề