Sự thật về trò chơi Rồng rắn lên mây

Hôm trước mình có đọc bài phân tích về nguồn gốc của “ Bắc Kim Thang”, thấy khá hay và cuốn, có chút kinh dị vì vốn dĩ nó thân thuộc nhưng đằng sau nó ai dè ghê vậy. Mình tò mò nên lên mạng tìm hiểu thử mới biết được không chỉ “ Bắc Kim Thang” mà còn 1 số bài đồng dao khác nội dung phía sau cũng tương tự. Mình lập thớt này để chia sẻ và luận bàn với vozer tí, nếu các thím có thêm thông tin hoặc sự tích gì khác về các bài đồng dao khác thì bổ sung nhé.
Bài 1: Rồng rắn lên mây.
Những câu ca dao tục ngữ, những bài đồng dao ra đời đều có nguồn cội từ dân gian. Chúng ra đời thấm nhuần hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của thời kì đó, được cha ông sáng tạo nên và truyền miệng lại cho thế hệ sau. Chính vì tính truyền miệng, vô danh mà các tác phẩm dân gian thường có rất nhiều dị bản. Các bài đồng dao cũng vậy, qua nhiều năm, đồng dao trở thành những bài hát, trò chơi vui vẻ của trẻ nhỏ mà ý nghĩa gốc cũng như hoàn cảnh lịch sử ở trong đó cũng mờ dần đi. Trong những bài đồng dao lại thường mang những sự kiện quan trọng, đôi khi lại vô cùng đau thương của dân tộc hay trong tín ngưỡng của các gia đình dân gian, điển hình là bài đồng dao "Rồng rắn lên mây".

Trò chơi "Rồng rắn lên mây" luôn là một trò chơi hấp dẫn của trẻ em. Sẽ có một bên đóng vai "tà" – người thầy thuốc đứng ở một bên. Bên kia là một đám trẻ xếp hàng dọc bám gấu áo nhau "rồng rắn". Người đóng vai thầy thuốc sẽ đối đáp với đám trẻ đến xin thuốc chữa bệnh và đến cuối cùng sẽ bắt đầu đuổi bắt một người trong đám trẻ xếp hàng. Nguyên văn lời đối thoại của bài đồng dao ấy như sau:
"Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
Thầy thuốc có nhà hay không?"
Thầy thuốc báo không có nhà thì lại đi vòng từ đầu.
  • Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?
  • Rồng rắn: rồng rắn đi lấy thuốc cho con
  • Thầy thuốc: con lên mấy?
  • Rồng rắn: con lên một
  • Thầy thuốc: thuốc chẳng ngon
  • Rồng rắn: con lên hai
  • Thầy thuốc: thuốc chẳng ngon
[Cứ thế đến mười]
  • Rồng rắn: con lên mười
  • Thầy thuốc: thuốc ngon vậy, xin khúc đầu
  • Rồng rắn: khúc đầu toàn xương toàn xẩu.
  • Thầy thuốc: xin khúc giữa.
  • Rồng rắn: khúc giữa toàn máu toàn me.
  • Thầy thuốc: xin khúc đuôi
  • Rồng rắn: Khúc đuôi tha hồ mà đuổi.
Trò chơi mang lại cảm giác hồi hộp cho người chơi khi tất cả những đứa trẻ phải bảo vệ người bị bắt khỏi nhân vật "thầy thuốc". Trò chơi vui vẻ là vậy nhưng lại ẩn chứa phía sau câu chuyện đau thương, nỗi ám ảnh của nhân dân từ ấy tới thời nay vẫn chưa dứt.
Đó là câu chuyện xuất phát từ một dòng họ Việt Nam xưa. Vào thời kì phong kiến, người Việt hay sống theo quần thể làng xã, những người có mối quan hệ họ hàng thường sống quây quần với nhau. Cho tới tận bây giờ, ở rất nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước, nếp sống gần gũi này vẫn được duy trì. Vì thế nếu chỉ cần có một gia đình ở trong dòng họ có chuyện, cả một vùng xung quanh cũng nhốn nháo theo.
Bi kịch bắt đầu khi anh Trỗi, ở độ tuổi ngoài bốn mươi vẫn còn đang khỏe mạnh, trúng gió mà mất đột ngột trong đêm. Anh Trỗi là con thứ hai của bà cụ Mai - dòng họ Trần làng Thanh Phiến [địa danh được đổi tên]. Cả dòng họ đau xót đưa tiễn, làm ma chay đầy đủ, đem chôn cất ở nghĩa địa của làng. Dòng họ Trần trước nay thân thiết khăng khít, chỉ là không phải hộ phú trong làng, đa số là nông dân làm đồng làm ruộng, thuê mướn quanh năm. Chính vì thế nên các gia đình đều ở trong cảnh bần hàn. Nén đau thương, vợ con anh Trỗi vẫn tiếp tục quay trở lại cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Ai ngờ bất hạnh vẫn chưa dứt. Chưa đầy 9 tháng sau cái chết của anh Trỗi, bà Mai lâm bệnh nặng mà chết. Bà Mai năm đó đã ngoài 70, ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nên mọi người cũng nghĩ rằng bà đã hết vận cùng số. Dù cũng có đau xót nhưng con cháu vẫn hùn tiền bạc để lo ma chay cho bà cụ. Trong một năm đã có hai đám tang, kinh tế của dòng họ ngày một kiệt quệ. Tuy nhiên nghĩa tử là nghĩa tận, họ không muốn làm qua loa sơ sài.
Vào hôm đưa bà cụ ra ngoài đồng hạ huyệt, người dân làng cũng đi tiễn đưa. Đám đưa kéo dài trên con đường đất. Mây đen từ từ kéo về, gió bắt đầu thổi. Lúc ấy mới là đầu giờ chiều mà đàn chim đã xao xác trên bầu trời. Đoàn người đang lúi húi ngoài nghĩa địa đào mả cho kịp giờ lành mà không để ý tới đàn chim đã bâu đầy những cây dâu xung quanh. Đột nhiên, những con quạ kêu rống lên thê thiết khiến người nghe cũng cảm thấy rờn rợn.
Đêm hôm ấy, tiếng quạ kêu ám ảnh cả giấc ngủ của những con người đi đưa ma. Nửa đêm, chị Hậu, vợ anh Tư, con trai thứ tư của bà Mai giật mình tỉnh giấc. Chị nghe thấy tiếng kêu từ đâu đó vẳng lại. Thấy không khí trong nhà lạnh buốt, chị mở cửa sổ bên hiên nhà, gần giường nằm mong đón ít khí trời. Nay vẫn đang là mùa hè, vậy mà ban đêm trong nhà lại lạnh lẽo bất thường. Khi vừa mở cửa ra, chị Hậu giật mình nhìn thấy một con chim trông giống cú, đậu ngay trên cây nhãn ngoài bờ rào. Nó nhìn chằm chằm vào cửa sổ nhà chị, kêu lên một tiếng lớn "Écccc" rồi bay đi. Chị cảm thấy sợ hãi nhưng không biết rõ sẽ có chuyện gì xảy ra.
Cuối tuần sau, trong họ có đám giỗ cụ, các gia đình mới có dịp tụ hội. Chị Hậu ngồi cùng mâm với các chị em gái, em dâu trong nhà. Mọi người xì xầm nói chuyện với nhau các mẩu chuyện cỏn con vụn vặt hàng ngày. Chị Hậu thấy mặt cô em họ bên chồng có phần xám xịt thì mới cất tiếng hỏi thăm. Cô em họ này là con em trai bà Mai, đã lấy chồng ở ngay làng bên. Cô ở hơi xa nên cũng không sâu sát chuyện của gia đình. Hỏi ra, hóa ra nhà cô có sự lạ.


" Thằng con em... Thằng Thìn ấy chị, thằng cả. Hôm qua đi làm đồng về nó như người khác ấy..."
"Khác như nào? Nó ốm à?"
"Không chị ạ, em làm cơm tối, gọi chúng nó vào ăn. Thằng Thìn nó lừ lừ đi vào, hỏi chẳng nói chẳng rằng. Lao vào mâm cơm dùng tay bốc ăn thùm thụp. Em quát nó cũng không dừng lại. Bố nó mới nắm lấy tay nó giữ lại thì tự nhiên nó vứt văng cái bát ra, khóc lóc gà gật trông tội lắm, rồi bắt đầu nói linh tinh. Nghe ghê cả người ấy chị!"
"Thằng bé nói gì?" Cả mâm cơm bắt đầu tò mò nghe câu chuyện của cô em chồng.
"Nó mếu máo tự nhận mình là anh Trỗi. Cứ "anh Trỗi đây, mày không nhận ra anh à, anh khổ quá!" Mà anh Trỗi thì mất gần năm nay rồi. Em thấy cũng ngờ ngợ nhưng thường tính thằng Thìn trầm trầm, chưa bao giờ như này nên em cũng thử dỗ dành ngồi nghe... Thằng bố định lao vào đánh con nhưng em cản lại. Em nghĩ là có khi anh Trỗi về thật. Anh ấy khóc ghê lắm, nói không ra câu, cứ mấp máy mãi. Em nghe câu được câu mất. Anh ấy kêu bị đánh đau, bị ép nói ra gì đó...Rồi bảo là không dám về nhà...Bảo nhà mình cẩn thận, tìm người giúp đi thôi..."
"Thế thôi á? Ghê thật đấy!" Chị Hậu xuýt xoa. Những người phụ nữ ngồi xung quanh cũng xôn xao. Chị Hậu nhân dịp cũng kể vụ con chim cú tối hôm trước.
"Tôi nghe ấy, chim cú lợn kêu thường là không có điềm tốt đâu. Nhà cô Hậu cẩn thận đấy!"
"Vụ thằng Thìn liệu có thật không? Hay là báo với ông trưởng họ đi?" Một người đề nghị.
"Em cũng không biết tại sao anh lại về trên người thằng bé, cũng không rõ anh muốn gì. Em nghĩ không nên làm to chuyện lên, vì các anh các chú còn phải lo việc lớn, tiền nong cũng đủ mệt rồi. Mình phụ nữ cứ làm cho anh Trỗi cái lễ là được. Em theo chồng rồi nên cũng nhờ các chị vậy..."
"Dù sao thời gian tới cũng phải để ý mọi sự trong nhà..." Người phụ nữ lớn tuổi nhất nói.
Vậy là câu chuyện bên mâm cơm dần trôi đi như thế. Sau hôm ấy, một vài người phụ nữ cũng đứng ra làm lễ cho anh Trỗi bên nhà của anh, thế rồi thôi. Chị Hậu sống trong lo lắng một thời gian, luôn cẩn thận. Nhưng mấy tháng sau cũng chẳng có chuyện gì xảy ra cả, vậy nên chị cũng quên đi sự cảnh giác. Bẵng đi tầm một năm, vào một hôm, trời mưa lớn.
Anh Tư đội cái nón lá, ôm theo đống vải bạt, định vượt mưa chạy ra ngoài đồng.

"Anh đi đâu thế! Mưa to lắm!" Chị Hậu nói với theo.
"Anh ra cứu lúa, tự nhiên mưa to thế này, nó ủng hết mất!" Thế rồi anh chạy đi mất. Cả nhà cửa có mỗi hai sào ruộng, nếu năm nay không thu hoạch được thì đúng là cả nhà chị lại rơi vào cảnh bữa đói bữa no.
Chị Hậu lo lắng nhìn mây vần vũ trên bầu trời, từng tiếng sấm nổ đùng đoàng.
Buổi chiều hôm ấy, người dân đưa anh Tư về, cả người cháy đen. Người ta bảo, anh bị sét đánh dưới gốc cây. Chị Hậu sốc nặng, ngã khuỵu xuống. Tai ương xảy đến bất ngờ, dù đã được ứng báo nhưng lại chẳng ai có thể tránh được. Cả làng xôn xao. Dòng họ Trần mới hơn 2 năm mà đã có 3 người chết. Cả dòng họ phải họp lại.
"Tôi vừa đi gặp các ông bà trong làng về. Đợt chú Trỗi mất, ngày tháng an táng xem thế nào? Ai xem?" Ông trưởng họ nói với cả gia đình.
"Đợt đó cũng bất ngờ nên mọi người mới chỉ nhờ ông Miên trong làng xem ngày tốt, chứ cũng...chưa đi xem tử tế ạ..." Một người trả lời.
"Giời ơi! Sao lại tắc trách thế! Cái chuyện lễ nghi là quan trọng. Ông Miên chỉ là thầy Nam bốc thuốc, đâu có rành được. Tôi nghe hiện tượng này chưa nhiều, nhưng cũng có nơi bị, vừa được các ông bà trong làng nói cho. Nghe nói là trùng...trùng tang gì đó. Sẽ chết cả loạt!"
Cả dòng họ tím tái mặt mày, cuống cuồng lên. Lời ông trưởng họ không phải không có lí. Trong 2 năm rồi đã có tận ba người chết, hai người bất đắc kì tử.
"Vậy giờ phải làm sao ạ... Thế này thì sao mà chịu nổi..." Đám đàn bà mếu máo khóc lóc. "Không biết rồi sẽ đến lượt ai nữa..."
"Tôi đã hỏi được địa chỉ của một thầy rất nổi tiếng cách đây mấy thôn. Thôi thì đành phải đi cầu cứu vậy. Mọi người luân phiên nhau mà lo. Đây là chuyện có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả dòng họ đấy!"
Thế rồi sau đó, những người có tiếng nói trong dòng họ Trần đành lặn lội đường xa tới tìm gặp ông thầy pháp giỏi kia. Nghe nói người này ngoài việc là thầy lang bốc thuốc cứu người thì còn trị việc âm rất tốt. Tuy nhiên, các quan lại, các trưởng làng nhiều nơi cũng tới nhờ cậy việc riêng, cửa nhà ông thầy lúc nào cũng đông nghịt người. Những người họ Trần đi đi về về mấy phen mà vẫn chưa gặp được thầy.
Trong lòng nóng như lửa đốt, họ chỉ sợ tai ương lại tiếp tục ập xuống. Cầu cạnh tới gần chục lần, cuối cùng họ cũng gặp được ông thầy vào lúc chiều muộn. Thầy ngồi giữa phản, tay cầm chiếc quạt, nghe họ trình bày rồi ngẫm nghĩ tính toán.
"Hỏng! Hỏng rồi! Sao lên chỗ thầy muộn thế? Tận 2 năm. Tắc trách quá!"

"Sao ạ... Thầy cứ nói chúng con nghe!"
"Nhà này bị thần trùng nhắm cửa rồi. Người mất đầu tiên mất giờ xấu, phải giờ Sát đạo, trùng tang Tam xa. Chưa bắt đủ 7 người, chửa xong đâu!!"
Những người họ Trần nghe thế hốt hoảng, cầu cứu: "Vậy tức là phải bảy người chết cơ ạ. Thầy ơi thầy thương xót, cứu giúp chúng con. Chúng con không học hành gì, dốt nát, không biết gì cả. Sẽ cố gắng hết sức theo ý thầy..."
"Tôi biết các anh chị cũng chẳng giàu có gì. Tiền bạc danh lộc tôi không thiếu, nên tôi cũng chẳng cần tiền bạc của anh chị. Tôi sẽ tận lực giúp đỡ, nhưng xong việc, tôi cần các anh chị tặng cho một thứ."
Dù chưa biết đó là thứ gì nhưng nghe thầy nói về việc trùng tang, hồn phách họ bay cả lên mây, vội vàng đồng ý.
Mấy ngày sau, ông thầy tới tận nhà thờ Tổ của dòng họ Trần làm lễ. Ông mang theo các hình nhân lớn. Cả họ tấp nập chuẩn bị lễ cúng: Gà, xôi, oản,... vẫn cố gắng có đủ. Thầy khấn vái làm lễ, cho lần lượt từng người trong họ đội mâm trên đầu truyền cho nhau. Lễ bái cả ngày, đến cuối buổi, các hình nhân cũng được hóa. Xong xuôi, ông thầy còn đưa ra một bài thuốc yêu cầu mọi người chế uống, được gọi là thuốc giải trùng tang. Vị thuốc bao gồm vị dẫn đầu là núc nác [hùng hoàng], chu sa, gỗ vông,... Đến tận thời điểm bây giờ, vị thuốc này vẫn còn được lưu truyền trong các ngôi chùa nhốt trùng nổi tiếng.
Sau đó, một năm trôi qua mà cả dòng họ vẫn chưa có thêm người mất, tất cả mọi người thở phào thoát nạn. Bởi trùng tang liên táng cần có người mất liên tiếp trong 3 năm, mỗi người không cách quá 1 năm. Đúng lúc mọi thứ dần êm đẹp thì người thầy phái người tới truyền lời, yêu cầu dòng họ Trần giao cho thầy điều mà họ hứa. Thầy muốn có đứa trẻ nhỏ nhất trong họ, là con trai, nhận làm con nuôi để theo nghiệp thầy. Nghe thấy vậy, mẹ của đứa trẻ thảng thốt, không muốn giao con đi. Cô cho rằng đó là việc của dòng họ, tại sao mình cô phải chịu thiệt? Vì thế người mẹ đưa con trốn đi, nhất quyết không chịu giao cho thầy. Người trong họ cũng xót cháu nên đành kệ. Sự bội hứa này khiến người thầy pháp hết sức bực bội. Thầy không có gia đình, cảnh neo người nên muốn có người nối dõi.
Một tuần sau, sự lạ xảy ra. Trên thân hình của những người dòng họ Trần bắt đầu xuất hiện những vết bầm tím như bị ai đánh, người nhức mỏi không chịu nổi. Ông thầy lang mới nhắn nhủ rằng nếu như không giao đứa trẻ ra, đoàn âm binh ông nuôi sẽ luôn quấy nhiễu các gia đình. Ngay cả người mẹ của đứa trẻ cũng không thoát. Không chịu nổi sự hành hạ, dòng họ bắt người mẹ phải giao con đi. Vụ việc trùng tang đã chấm dứt nhưng đổi lại là sự chia ly trong nước mắt của hai mẹ con.
Câu chuyện đó mới lan truyền thành bài đồng dao sau này, thực chất là nói về vụ cắt trùng tang của dòng họ Trần. "Rồng rắn lên mây" tức ám chỉ cả một đoàn người phải "lên mây" chầu trời, bỏ mạng sống. Vì thế họ phải tìm đến nhà ông thầy thuốc có cây núc nác – vị thuốc giải trùng tang để xin sự cứu trợ, tuy nhiên ông thầy này lại có "nhà điểm binh" tức là có nuôi đoàn âm binh hung hãn. Việc đoàn người rồng rắn tìm đến nhà thầy mấy lần mới gặp được cũng được dân gian miêu tả lại khi hỏi tới 10 lần thì thầy mới "có nhà và cho thuốc".
Tuy nhiên sau hành động cho thuốc, người thầy lại muốn xin một khúc của đoàn người rồng rắn. "Khúc" ở đây có thể hiểu là xin một người. Khúc đầu ám chỉ những người lớn ở đầu dòng họ, không thể bắt đi nên mới nói "toàn xương xẩu", họ đã già. Khúc giữa là những người thành niên hay trung tuổi, cũng không thể bắt đi nên mới nói "toàn máu toàn me" – họ là huyết mạch của dòng họ, nơi khai chi tán diệp. Vậy nên chỉ còn "khúc cuối" là những đứa trẻ thơ trong họ. Việc đoàn người rồng rắn đồng ý cho thầy "tha hồ đuổi" khúc cuối cũng ám chỉ khi những người dòng họ Trần vô tình đồng ý để thầy thuốc bắt người. Việc đoàn người rồng rắn cố gắng bảo vệ người đứng cuối của hàng khỏi người đóng vai thầy thuốc cũng là giễu nhại lại khoảng thời gian cả dòng họ đứng ra bao che cho hai mẹ con kia chạy trốn.
Trẻ em luôn học theo người lớn rất nhanh nên những nghi lễ cúng bái, diễu hành thời xưa đều bị chúng sao chép lại rồi biến thành trò chơi của mình. Ngay cả câu chuyện này cũng được sao chép và giễu nhại thành trò vui giữa đám trẻ, dần mất đi ý nghĩa thực sự phía sau.
Tuy nhiên, cũng có một cách hiểu khác về bài đồng dao này liên quan tới lịch sử chống giặc của cha ông ta. Đó là vào thời điểm thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân một cổ hai tròng – thực dân nửa phong kiến.
"Rồng" có thể hiểu là vua, "rồng rắn lên mây" tức là vua chúa đều đã chạy trốn đi nơi nào, không còn ở lại giúp nhân dân. Thực dân Pháp tràn vào xâm lược, mang theo các cống phẩm để trồng trọt, trong đó có một loại cây lạ được người dân gọi là cây núc nắc [lúc lắc]. Nhà điểm binh cũng nhằm ám chỉ các căn cứ đóng quân của thực dân Pháp trên đất Việt.
"Thầy thuốc" trong quan niệm của phong kiến xưa là những người có học thức, có tài y thuật và được kính trọng, hay đi giúp đỡ nhân dân. Tuy nhiên ở thời điểm này chẳng có ai cứu giúp nhân dân nên bài đồng dao mới chế nhạo việc thầy thuốc không có nhà. Số tuổi của những đứa con cũng ám chỉ những năm thực dân Pháp đô hộ, dân đen lầm than không ai thương xót. Những người có thẩm quyền đều đã bị mua chuộc. Tới năm thứ 10 thì thực dân Pháp đã thành lực lượng "thầy "chính, ban thuốc để chữa bệnh và đồng hóa nhân dân. Đạt được mục đích, chúng bắt đầu "xin một khúc".
Ở trong giả thiết này, "khúc" lại được hiểu là Bắc – Trung – Nam, ba miền của Tổ quốc. Pháp muốn xâm chiếm lấy một vùng của Việt Nam làm thuộc địa. Lúc này khúc đầu là miền Bắc, gần với Trung Quốc và các nước Liên Xô, cộng thêm phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra quyết liệt. Đối với chúng, miền Bắc toàn "xương xẩu" khó ăn. Tiếp đến là khúc giữa, - miền Trung. Nơi này cũng đang có triều đình phong kiến đóng đô, thêm phong trào khởi nghĩa của tướng Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Thuyết nên khúc này nếu muốn lấy phải đổ máu hi sinh. Vì vậy "toàn máu toàn me", vẫn đáng bỏ qua. Chỉ có miền Nam – khúc cuối, Pháp cố gắng đánh chiếm được, dùng thế uy hiếp triều đình phải giao các tỉnh miền Nam cho chúng, sau cùng cũng giành được thuộc địa. Vì vậy nên bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" còn ám chỉ cả lịch sử một thời kì đau thương của dân tộc, mất miền Nam vào tay thực dân Pháp.
Dù có thể được hiểu theo cách nào chăng nữa, các bài đồng dao đều chứa đựng những câu chuyện từ ngày xưa, lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng, là hồn cốt của cha ông, đáng được lưu truyền và trân quý.
*Câu chuyện tham khảo bài nghiên cứu của Nguyễn Hùng Vĩ, quan điểm về lịch sử của nhà phê bình văn học Trương Tửu, bài viết về văn hóa giễu nhại và diễn xướng của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn.

Video liên quan

Chủ Đề