Tại sao đinh bộ lĩnh chết

Bị hoạn quan âm mưu sát hại?

Chính sử chép rằng, “Đỗ Thích đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa, rơi vào miệng, cho là điềm tốt bèn nảy ra ý định giết vua” và thi hành kế hoạch ngay sau đó khi “Thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, Đỗ Thích bèn lẻn vào giết chết nhà vua, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc Công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu”. 

Cho đến bây giờ, những lý giải về cái chết đầy bí ẩn của Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa được hậu thế đồng tình. Trong cuốn “Cội nguồn” [tập 2], Tiến sĩ Đinh Công Vĩ viết: “Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, Vụ Bản, Nam Định và sự tích đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam đều nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Bộ Lĩnh chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương truy đuổi.

Còn lời truyền ngôn của người dân trong vùng quê vua Đinh kể rằng: Đỗ Thích là cận vệ gần gũi của vua, đến với vua thì thấy vua đã bị giết. Thích giật mình hoảng hốt, đang định kêu lên thì quân mai phục đổ ra. Thích sợ quá trèo lên máng nước trong cung trốn, sau đó thì bị phát hiện, bị bắt, rồi bị giết”. 

Dựa trên những cứ liệu này, TS Vĩ khẳng định đã có những kẻ chủ mưu trong việc giết cả hai cha con vua Đinh. Họ đặt Đỗ Thích vào bẫy để biến ông thành vật hy sinh, thành kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử thay cho họ. Cùng lý giải như ông Vĩ, ông Nguyễn Văn Son đặt câu hỏi: “Làm sao có thể tin được hành động giết cả hai cha con nhà vua của Đỗ Thích chỉ từ nguyên nhân mơ có điềm tốt nên giết vua? 

Một số nhà nghiên cứu hiện nay cũng cho rằng Đỗ Thích không thể làm chuyện này. Bởi Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ... đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ.

Vì vậy Thích không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.Vả lại cung cấm là chốn trọng địa,vua Đinh và con trai đã chinh chiến nhiều năm, võ nghệ đầy mình, dù vua Đinh và con trai say rượu, Đỗ Thích cũng khó lòng hành thích được.

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách “Việt Nam văn minh sử” nêu ra một giả thiết khác: Đỗ Thích là “gian tế” của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm.

Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết cũng không dám “làm to chuyện” gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này. 

Tất cả những giả thiết này đều thể hiện một ý chung nhất, rằng, cái chết của hai cha con Đinh Tiên Hoàng đều không thể đơn giản như những gì “Đại Việt sử ký toàn thư” đã viết. 

Ông Nguyễn Văn Son nêu ra những ý kiến xung quanh cái chết đầy bí ẩn của vua Đinh Tiên Hoàng

Hoặc đã nhận ra âm mưu thâm độc của nhà Tống?

Sử sách có ghi, năm 972, 4 năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã cử Nam Việt Vương Đinh Liễn đi sứ nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, còn Nam Việt Vương Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.

Đến năm 975, nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ Quận vương. Động tác này của nhà Tống chứng tỏ nhà Tống đã… qua mặt Đinh Tiên Hoàng, chỉ “làm việc bang giao với Đinh Liễn”. 

Ông Nguyễn Văn Son, Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, một người con ở đất Cố đô Hoa Lư, sau khi nghiên cứu qua rất nhiều tài liệu sử sách ghi lại, đã khái lược như sau: Sau khi lên ngôi, vua Đinh rất để ý đến chuyện bang giao hữu hảo với triều đại phong kiến phương Bắc khi quyết định cử con trai cả đi sứ nhà Tống, một chuyến đi lành ít, dữ nhiều. 

Nhưng không ngờ nhà Tống lại đón Đinh Liễn bằng nghi thức thiên tử “tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến” [có nghĩa là ba ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn]. Trong các bữa tiệc, tất cả các đấng quân vương, quần thần đều phải đến chào hỏi, khi về còn sai người tiễn Đinh Liễn đến tận biên giới cùng với lụa là, châu báu.

Sau đấy, sứ thần nhà Tống sang giao hảo nhưng không tiếp chuyện với Đinh Tiên Hoàng, coi Hoàng đế nước Nam khi ấy đã là Thái Thượng Hoàng, chỉ tiếp chuyện Đinh Liễn. 

Với những mắt xích này, ông Son cho rằng nhà Tống đang có một âm mưu “trọng dụng, nể mặt” Đinh Liễn, để chỉ chờ khi Đinh Tiên Hoàng khuất núi, rất có thể đất nước Đại Cồ Việt non trẻ, mới tuyên bố độc lập tự chủ được vài năm lại rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc như trước đây.

Đó là lý do chính khiến vua Đinh quyết định phế truất ngôi vị Thái tử của Đinh Liễn, lập Đinh Hạng La, khi ấy mới là đứa trẻ, làm Thái tử. 

Xung quanh chuyện Đinh Tiên Hoàng phế trưởng, lập út, Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong “Việt sử giai thoại”: “Tiếc thay, Đinh Tiên Hoàng, người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đủ để được hào kiệt đương thời tôn làm Vạn Thắng Vương, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh và sâu sắc để quyết đoán đúng đắn những vấn đề ngỡ như rất bình thường của chính sự”. 

Ngô Sĩ Liên viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con. Nếu không như vậy thì tội đại ác của Đỗ Thích vì đâu mà có, đúng như lời sấm truyền?”.

Cuốn “Ngọn cờ lau lịch sử” còn lý giải đơn giản hơn: “Do Đinh Liễn phản đối vua cha đặt cũi hổ và vạc dầu để trừng phạt kẻ phản nghịch nên Đinh Tiên Hoàng nóng tính, bực mình, không cho Liễn làm Thái tử nữa”. 

Ông Son giả thiết: “Có thể việc phế Đinh Liễn chính là nguyên nhân khiến hai cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết chết đầy bí ẩn. Vì nhà Tống đã lập mưu mua chuộc con bài Đinh Liễn, để sau này dễ bề thôn tính và cai quản Đại Cồ Việt. Nhận ra âm mưu thâm độc của nhà Tống, vua Đinh dù rất đau lòng nhưng cũng phải làm một việc chẳng đặng đừng”.

Ông Son trầm ngâm: “Với một con người Trung, Hiếu, Dũng, Chí, Tín như Đinh Tiên Hoàng, phải phế đứa con đã cùng ông vào sinh ra tử, đã cùng ông dẹp loạn 12 sứ quân, đã phải đi làm con tin từ thuở mới 6 tuổi, ông đau lòng lắm chứ.

Nhưng Hoàng đế nghĩ đến việc lớn hơn, nghĩ đến nền độc lập tự chủ của đất nước có thể lại rơi vào tay giặc nên buộc phải phế con trai trưởng, để thể hiện sự bất hợp tác với nhà Tống”. 

Nhật Thu

Vua Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm [từ đầu năm 968 đến cuối năm 979] thì bị sát hại, nguyên nhân cái chết được bàn cãi rất nhiều trong lịch sử, đây là một trong những nghi án lớn nhất sử Việt.

Tóm tắt bài viết:

  • Duyên kỳ ngộ giữa Đinh Bộ Lĩnh với sư trụ trì chùa Giao Thủy
  • Lời sấm đoán trước vụ mưu sát vua Đinh Tiên Hoàng
  • Tiên đoán của một đạo sĩ về Dương Vân Nga
  • Nhìn nhận lại sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát

Theo chính sử thì Đinh Tiên Hoàng có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng ông lại lập con út Hạng Lang làm Thái tử. Vì vậy đầu năm Kỷ Mão 979, Đinh Liễn tức giận sai người giết Hạng Lang. Tháng 11 [âm lịch] năm đó, một viên quan là Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Ông được táng ở sơn lăng Trường Yên, kinh đô Hoa Lư.

Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư. [Ảnh: Hungquoc, Wikipedia, Public Domain]

Tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu, thì Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua. Đỗ Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ… đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ. Vì vậy Đỗ Thích không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.

Chính vì vậy, xung quanh vụ án giết vua Đinh Tiên Hoàng, đã có rất nhiều giả thiết được đưa ra, xoay quanh những việc tranh đoạt quyền lực trong triều đình lúc bấy giờ. Đồng thời, cũng có khá nhiều lời tiên tri được lưu truyền trong dân gian về vụ án này. Mặc dù không thể khẳng định được những lời tiên tri này là lời người sau đưa ra nhằm phủ một lớp màn lên vụ án hay chăng, nhưng âu đây cũng là những chi tiết đáng để tham khảo.

Duyên kỳ ngộ giữa Đinh Bộ Lĩnh với sư trụ trì chùa Giao Thủy

Chùa Giao Thủy chính là chùa Cổ Lễ, Nam Định ngày nay. Nơi đây thuở còn trẻ Đinh Bộ Lĩnh đã gặp sư trụ trì chùa Giao Thủy, và nhà sư đã có lời tiên đoán trước về số phận của ông.

Sách “Đại Việt sử ký tiền biên” có ghi chép rằng:

Khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thuỷ, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài.”

Về sự kiện này sách “Thiên Nam ngữ lục” ghi rằng:

Mệnh trời đã định nẻo xưa,
Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương.
Thường thường có khí hào quang,
Đêm đêm sáng dậy bên giang trùng trùng.
Bộ Lĩnh hỏi chúng ngư ông,
“Ấy gì mà sáng dưới sông đấy rầy?”
Chúng ngư bèn bảo rằng bây:
Sáng ở sông này đã mười hai năm.

“Việt sử diễn âm” đời nhà Mạc viết:

Được một báu vàng đem lên,
Đánh phải đầu thuyền khuyết một góc đi.
Sáng ngày thầy hỏi trước sau,
Ngọc khuê nghĩ mới đem hầu thầy coi.
Nhìn đi nhìn lại một thôi,
Giờ lâu thầy mới mở lời nói ra.
Con ta phúc đức thay là,
Ngày sau làm chúa quốc gia trị đời.
Nghĩ hiềm phúc hậu chẳng dài,
Vắn dài có số tượng trời đã chia.

Lời sấm đoán trước vụ mưu sát vua Đinh Tiên Hoàng

Dân gian cũng lưu truyền rằng, vào năm 974, tức 5 năm trước khi xảy ra vụ án mưu sát Đinh Tiên Hoàng, đã xuất hiện lời sấm rằng:

Đỗ Thích thí Đinh Đinh,
Lê gia xuất Thánh minh,
Cạnh đầu đa hoành nhi,
Đạo lộ tuyệt nhân hành,
Thập nhị xưng đại vương,
Thập ác vô nhất thiện,
Thập bát tử đăng tiên,
Kế đô nhị thập thiên.

Có nghĩa là:

Đỗ Thích giết hai Đinh,
Nhà Lê nổi thánh minh,
Tranh nhau nhiều hoành nhi,
Đường sá người vắng tanh.
Mười hai xưng đại vương,
Toàn ác không một thiện,
Mười tám con lên tiên,
Sao kế đô hai chục ngày.

Lời sấm này nói về việc Đỗ Thích mưu sát hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn [Đỗ Thích thí Đinh Đinh], đồng thời nói một người họ Lê sẽ xưng Đại Vương, sau này ứng với Lê Hoàn.

Tiên đoán của một đạo sĩ về Dương Vân Nga

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, con trai là Đinh Toàn mới 6 tuổi còn nhỏ chưa thể lo được việc nước, vì thế Lê Hoàn làm nhiếp chính xưng là Phó Vương.

Lúc này nhà Tống đã đập tan các cát cứ trong nước, thống nhất Trung Hoa, quân Tống ở phía bắc nhân cơ hội vua Đinh mới mất nên lăm le đem quân tiến đánh Đại Cồ Việt.

Trước tình thế cấp bách, cần có người thống nhất các lực lượng chuẩn bị chống giặc, thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào cho Lê Hoàn để ông lên ngôi vua. Lê Hoàn sau khi lên ngôi cũng lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Điều này khiến các sử gia nghi ngờ Lê Hoàn và Dương Vân Nga có thể tham gia vào việc mưu sát Đinh Tiên Hoàng.

Trong dân gian lưu truyền câu chuyện rằng, khi Dương Vân Nga mới sinh ra thường hay khóc dạ đề, có một đạo sĩ đi qua thấy đứa bé khóc mãi không thôi, liền đến xem và nói rằng:

Nín đi thôi, nín đi thôi!
Một vai gánh vác cả đôi sơn hà

Đạo sĩ nói xong thì đứa bé cũng nín khóc. Câu nói của vị đạo sĩ đã ứng nghiệm khi sau này Dương Vân Nga lấy cả hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Dù Dương Vân Nga có tham gia mưu sát Đinh Tiên Hoàng không, thì phải chăng đó cũng là số mệnh?

Nhìn nhận lại sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát

Sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận rằng:

Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lễ nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước… Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó.

Cũng giống như trường hợp bà Nguyễn Thị Lộ, vợ lẽ của Nguyễn Trãi, bị những kẻ hãm hại vu oan là con rắn mẹ của đàn rắn con mà cụ Nguyễn Phi Khanh, cha Nguyễn Trãi lỡ phát cỏ chết; rất có thể những câu chuyện dân gian về Đinh Tiên Hoàng là do những kẻ hãm hại ông đặt ra nhằm hợp thức hóa việc giết hại vua. Mặc dù vụ án Nguyễn Trãi cũng có khá nhiều lời tiên tri hợp lý hơn, đáng để tham khảo [Xem bài: Hai lần nhận được lời tiên tri, Nguyễn Trãi vẫn không thoát nổi số mệnh bị tru di tam tộc], nhưng ở thời hiện đại này, chúng ta không thể quay ngược thời gian để xét xem đâu mới là lời tiên tri thực sự.

Quay lại nhìn nhận sự kiện vua Đinh bị mưu sát dưới góc độ lịch sử, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Ngày nay, số đền thờ các trung thần này rất nhiều so với vài đền thờ Lê Hoàn và thái hậu họ Dương.

Các nhà nghiên cứu có đặt giả thiết là hành động của Lê Hoàn có sự trợ giúp của Dương Vân Nga. Trong bối cảnh cung đình của nhà Đinh lúc ấy có 3 hoàng tử, trưởng là Liễn, thứ là Toàn, út là Hạng Lang. Liễn là con trưởng, có nhiều công lao; Hạng Lang lại được vua yêu nên đã lập làm thái tử dù mới lên 4 tuổi, khó có thể bộc lộ những phẩm chất cao siêu hơn Đinh Liễn. Tiên Hoàng lại có những 5 hoàng hậu; có thể đã xảy ra cuộc đua ganh giữa 5 hoàng hậu về tương lai của ngôi thái tử.

Trong cuộc đua ganh này, Dương hậu đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa. Sau sự kiện Đinh Liễn giết Hạng Lang, Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn mà vẫn dự định để Liễn nối nghiệp. Có thể điều này làm phật ý Dương hậu khi bà cho rằng trước đã đặt Hạng Lang trên Liễn thì nay Liễn cũng phải ở dưới Toàn; và Dương Hậu đã cùng Lê Hoàn hành động.

Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến nhà Tống phát binh xâm lược Đại Cồ Việt chính là do Đinh Liễn, người đã đi lại với nhà Tống và được chính vua Tống phong chức, bị hại. Việc phong Liễn cho thấy nhà Tống thừa nhận ngôi vị của Liễn. Với danh nghĩa trừng trị kẻ phản nghịch, nhà Tống phát binh. Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống có thể đã khiến nhân dân tha thứ cho ông [Xem bài: Vị vua Việt dám tiến đánh Trung Quốc, không bị trách mà còn được tặng đai ngọc].

Các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại [vì là quan nội thị] và lúc bấy giờ ông không thể thanh minh mình vô tội lúc nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách “Việt Nam văn minh sử” nêu ra một giả thiết khác:

Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để “diệt khẩu”.

Tuy nhiên, giả thiết này còn có những điểm không thoả đáng. Nguyễn Bặc là bạn “chí cốt” của Tiên Hoàng từ nhỏ. Quan hệ giữa ông và Tiên Hoàng rất gần, quan điểm cho rằng ông nảy ý định phản Tiên Hoàng là hơi gượng ép. Dù ông có bụng “thờ” Hạng Lang chứ không “thờ” Liễn [chọn chủ tương lai] thì cũng chỉ giết Liễn chứ không thể giết luôn cả Tiên Hoàng. Thứ nữa, nếu Nguyễn Bặc bày đặt sai Đỗ Thích giết cha con vua Đinh thì sau khi Thích hành sự xong, ông phải lập tức “đón lõng” bắt Thích ngay và chém tức khắc, không thể để trốn tránh tới 3 ngày, vì nhỡ trốn tránh lọt vào tay người khác lại khai ra ông, như vậy ông sẽ bị lộ là chủ mưu.

Cũng tác giả Lê Văn Siêu trong sách “Việt Nam văn minh sử” nêu ra thêm một giả thiết nữa:

Đỗ Thích là “gian tế” của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm. Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết, cũng không dám “làm to chuyện” gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này.

Giả thiết này kém thuyết phục nhất. Cha con vua Đinh bị giết tháng 10 năm 979. Lê Hoàn lên thay ngôi nhà Đinh tháng 7 năm 980, hơn nửa năm sau [sau khi đã dẹp các trung thần nhà Đinh]. Nhà Tống mãi tháng 3 năm 981 mới mang quân sang, tức là gần 1 năm rưỡi sau khi cha con vua Đinh bị hại. Nếu nhà Tống rắp tâm hại cha con vua Đinh để đánh chiếm thì phải sắp sẵn quân, chờ khi được tin “Đã giết được Giao Chỉ quận vương” là vượt biên giới ngay để người Nam bị “sét đánh không kịp bưng tai” thì mới chiếm được.

Sự thực là tin vua Đinh bị hại đến khá muộn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cha con vua Đinh bị hại từ tháng 10 năm 979, tới tận tháng 6 năm 980, Tri Ung châu nhà Tống là Hầu Nhân Bảo mới dâng biểu lên Tống Thái Tông tâu nên đánh Giao Chỉ và từ tháng 7 năm đó vua Tống mới bắt đầu động binh. Tới khi Lê Hoàn đã lên ngôi [tháng 7 năm 980], nghe tin nhà Tống động binh và đưa thư dụ hàng, tới tháng 10 năm đó vẫn thác xưng danh của Đinh Toàn xin nối ngôi vua cha Tiên Hoàng để gửi thư sang vua Tống nhằm hoãn binh. Nhà Tống khi đó vẫn dè dặt dùng “lễ” để chiêu dụ trước. Nếu nhà Tống chủ mưu và chưa muốn dùng binh, ít ra cũng động binh sớm để áp sát biên giới, uy hiếp rồi sai sứ sang doạ để Giao Chỉ quy phục. Sự thực là nhà Tống động binh muộn và ra quân cũng muộn, đủ thời gian cho Lê Hoàn dẹp xong nội loạn, giữ vững nhân tâm và chuẩn bị đón đánh thắng lợi.

Dẫu rằng câu chuyện về vụ án giết hại vua Đinh vẫn chưa ngã ngũ, người sau vẫn phải suy tư nhiều lắm trước câu thơ:

Nghĩ hiềm phúc hậu chẳng dài,
Vắn dài có số tượng trời đã chia.

Trần Hưng

Xem thêm:

  • Hào hùng Vạn Thắng Vương – P3: Thống nhất giang sơn về một cõi

Mời xem video:

Video liên quan

Chủ Đề