Thi học sinh giỏi có lợi ích gì

Thi học sinh giỏi: được và mất


Bắt đầu từ bậc tiểu học, các cấp giáo dục từ trường đến thị xã, tỉnh, thành phố, quốc gia đều tổ chức những cuộc thi học sinh giỏi 2 môn Toán – Tiếng việt [với cấp tiểu học] hoặc các môn nhất định [với cấp Trung học cơ sở trở lên]. Được đi thi học sinh giỏi là vinh dự với rất nhiều học sinh. Đặc biệt với những học sinh giỏi đạt giải cao từ tỉnh, thành phố, hay quốc gia, danh hiệu học sinh giỏi sẽ trở thành một niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp cho mỗi học sinh từ thời cắp sách đến trường.


Bạn Vũ Thị Mai Phương [giải Nhì học sinh giỏi môn Sinh cấp quốc gia năm 2010] cho biết: “Cảm giác mình được đạt giải, được gia đình, thầy cô và bạn bè chúc mừng làm mình mãi không quên. Cho đến tận khi mình vào đại học hay ra trường đi làm, mình vẫn rất vui và tự hào khi nhớ lại những ngày tháng ôn thi, những giây phút căng thẳng trong phòng thi hay những giây phút vỡ òa vì hạnh phúc khi nghe được kết quả thi.”


Nguyễn Duy Linh [giải Nhì học sinh giỏi môn Địa lý cấp quốc gia năm 2013]: “Biết được kết quả, mình rất mừng cũng như rất xúc động vì công sức của nhiều tháng ôn luyện đã được đền đáp xứng đáng.”



Ảnh minh họa.


Tuy nhiên, không phải ai tham gia kỳ thi học sinh giỏi cũng giành được những danh hiệu đáng ngưỡng mộ như vậy. Kỳ thi học sinh giỏi đã lấy của các bạn học sinh rất nhiều thời gian để học tập, vui chơi và đổi lại là nỗi buồn bã, căng thẳng, xấu hổ của mỗi bạn học sinh khi thi trượt.


P.T.N [học sinh trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội] tâm sự: “Mình được đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố. Lúc biết rằng mình có tên trong danh sách học sinh được chọn đi thi, mình rất vui và tự hào. Mình và các bạn cùng thi trong suốt 3 tháng đã dồn toàn tâm toàn ý để ôn tập môn văn mà bỏ bê, xao nhãng những môn học khác trên lớp. Nhưng đổi lại, đến khi thi, đề thi lại quá khó và khác với dự kiến của các thầy cô ôn thi, mình đã cố sức làm, nhưng kết quả là trượt. Mình đã khóc và suy sụp rất nhiều.”


K.Q.T [cựu học sinh chuyên Tin của một trường THPT chuyên]: “Lên lớp 12, lớp mình không ai đồng ý đi thi học sinh giỏi môn Tin cả. Thứ nhất là vì chúng mình cảm thấy lực học không đủ để đi thi, thứ hai là để tránh tình trạng học tập, ôn thi vất vả, xao nhãng các môn thi đại học [phần lớn kiến thức trong kỳ thi học sinh giỏi không – liên – quan đến kiến thức trong kỳ thi đại học] mà kết quả vẫn trượt!”


Tự lượng được sức mình, nhiều học sinh đã chọn cách "né" các kỳ thi học sinh giỏi để có thể học tập tốt trên lớp cũng như chuẩn bị cho kỳ thi đại học.


Có nên thi học sinh giỏi hay không?



Trước khi tham gia vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi, các bạn học sinh cần ước lượng được sức học của bản thân, cũng như xác định cho mình động cơ, động lực rõ ràng. Nếu bạn vẫn chưa có được những định hướng rõ ràng, hãy nhờ giáo viên của bạn tư vấn thêm.


Cô Bùi Thu Trà [giáo viên môn Văn – THPT chuyên Nguyễn Huệ] cho hay: “Qua nhiều năm ôn luyện học sinh giỏi, tôi cảm thấy buồn và tiếc cho các em học sinh đã chăm chỉ học tập nhưng lại không đạt điểm cao trong các kỳ thi. Các em học sinh cần tự ước lượng được lực học, sức học của mình trước khi quyết định có tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi hay không. Về phần giáo viên, tôi sẽ đánh giá đúng sức học của các em để tập trung bồi dưỡng cho các em thực sự có năng lực.”

Nỗi ám ảnh mang tên “Học sinh giỏi”

Dù đã 12 năm trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhớ lại quãng thời gian ôn thi HSG quốc gia năm xưa, Lê Thu Trang - cựu học sinh Chuyên Vật lý trường THPT Chuyên Lam Sơn [ Thanh Hoá] không khỏi rùng mình, ám ảnh.

Thời điểm đấy, kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học được tách riêng biệt. Kết thúc kỳ thi HSG quốc gia, Thu Trang vội vã lao đầu vào ôn luyện, chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng. Trong 6 môn thi tốt nghiệp, cô mất gốc tới 5 môn học. 

“Thi thử tốt nghiệp điểm của mình thấp nên thực sự rất ám ảnh, căng thẳng cực độ. Sợ nhất là mang tiếng đi thi HSG quốc gia, là học sinh trường chuyên mà trượt tốt nghiệp. Mà đã trượt tốt nghiệp thì coi như cánh cửa đại học cũng khép lại” – Thu Trang chia sẻ.

Lê Thu Trang- cựu học sinh Chuyên Vật lý trường THPT Chuyên Lam Sơn [Thanh Hoá] cảm thấy hối hận khi năm xưa chỉ tập trung ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.   

Dù đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nhưng quãng thời gian ôn thi HSG, thi đại học luôn là nỗi ám ảnh tột cùng đối với Thu Trang.

“Thi đại học xong, mình nhận ra bị rối loạn nhịp sinh hoạt, đau dạ dày, mất ngủ triền miên... Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ chọn học đều chứ không chỉ tập trung cho môn thi HSG” – Trang bày tỏ.

Từng miệt mài ôn luyện, trải qua bao căng thẳng, áp lực đến ngột thở để giành giật “tấm vé” vào đội tuyển thi HSG quốc gia nhưng khi nhìn lại quãng thời gian ấy, Lê Ngọc Mai - cựu học sinh Chuyên Sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn [Thanh Hoá] cảm thấy hối hận và nuối tiếc.

“Em đi thi không có giải, vội lao đầu vào ôn thi đại học. Cái giá của việc thi HSG là học lệch, mà đã lệch rồi thì rất khó để nắn lại. Em vẫn nhớ như in ngày thi môn Toán của kỳ thi đại học, em cố làm bài trong trạng thái thấp thỏm lo âu. Phần vì căng thẳng, áp lực, phần là do mất gốc. Kết quả, em chỉ đạt 19.5 điểm khối B và mất cơ hội vào các trường đại học Y Dược” – Ngọc Mai bùi ngùi kể lại.

Tuổi 18, lần đầu đối diện với thất bại, điều khiến Ngọc Mai ám ảnh hơn hết là nỗi xấu hổ với thầy cô, bạn bè cùng trang lứa, sự cắn rứt khi bố mẹ mang tiếng có con đi thi HSG Quốc gia nhưng trượt đại học.

“May mắn, thời điểm ấy, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, động viên em ôn thi lại. Năm sau, em đã đỗ Trường Đại học Y Thái Bình. Đáng lẽ ra khi ấy, em không nên lựa chọn con đường ôn thi HSG sẽ không bị chậm lại 1 năm so với bạn bè cùng trang lứa” – Mai chia sẻ

Thông thường, sau khi kết thúc chương trình học kỳ I thì nhiều Phòng Giáo dục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện cho học sinh lớp 9 để lựa chọn những em có kết quả tốt nhất tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Để tham gia được kỳ thi này, học sinh có ít nhất một học kỳ ôn luyện cùng giáo viên, một số trường còn tổ chức ôn thi học sinh giỏi từ lớp 6 nên phải nói rằng những em vào đội tuyển là cả một quá trình ôn luyện gian nan.

Nếu học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà đạt giải thì đó cũng là niềm vui cho chính cả em và cả thầy cô được phân công giảng dạy, nhưng nếu không đạt giải thì đó là một nỗi buồn dai dẳng cho cả thầy và trò.

Vì thế, nhiều học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở bây giờ không thích thú với việc được vào đội tuyển, thậm chí một số em được nhà trường lựa chọn thì phụ huynh vào trường xin cho con mình không tham gia ôn thi học sinh giỏi.

Nhiều học sinh cấp Trung học cơ sở không mặn mà với việc ôn thi học sinh giỏi

[Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại]

Những được mất của việc học sinh tham gia ôn thi học sinh giỏi

Thực tế, vẫn có những học sinh thích tham gia ôn thi học sinh giỏi, nhất là những học sinh ở khu vực đô thị để các em có cơ hội trau dồi về môn học được sâu hơn và cũng là cách để các em làm quen với các dạng đề nhằm hướng tới thi tuyển sinh 10 vào trường chuyên của tỉnh.

Nhưng, cũng có rất nhiều học sinh không thích thú với việc ôn thi học sinh giỏi văn hóa vì thời gian ôn thi quá dài, mật độ học tập rất cao vì khi đã ôn thi là học sinh thường xuyên phải vào trường ôn tập với giáo viên.

Không chỉ ôn tập ở trường mà bao giờ giáo viên cũng giao thêm bài tập hoặc các đề thi từ các năm trước hoặc đề thi của các tỉnh bạn để học sinh làm thử.

Vì thế, khi tham gia ôn thi cùng các bạn trong đội tuyển thì việc học, ôn, làm bài tập sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục mới đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn, giao nhiệm vụ của thầy cô.

Cũng chính vì vậy mà nhiều môn học khác sẽ không được đầu tư, sẽ phải lơ là để đầu tư cho môn mà mình đang ôn thi, nhất là giai đoạn gần đến kỳ thi thì học sinh gần như phải bỏ các môn học khác để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi.

Thế nhưng, học là một chuyện mà thi đậu là là một chuyện khác bởi kỳ thi học sinh giỏi có tính cạnh tranh gay gắt giữa các nhà trường với nhau.

Bởi, dù là cấp huyện hay cấp tỉnh tổ chức thì số lượng đạt giải cũng chỉ dao động khoảng 25-30% số học sinh tham dự. Vậy nên, 10 em thi thì có thể 7-8 em sẽ rớt mà rớt ngay từ vòng huyện. Những học sinh rớt vòng huyện cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải “bỏ cuộc chơi”.


Mặt trái của các kỳ thi học sinh giỏi

Một số em đậu cấp huyện cũng không có cơ hội được ôn luyện tiếp vì mỗi huyện thường chỉ được chọn 5-6 em/môn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Những em được chọn trong đội tuyển của huyện tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lại tiếp tục ôn luyện thêm mấy tháng nữa mới diễn ra kỳ thi.

Kỳ thi cấp tỉnh cũng chỉ lấy tối đa là 30% học sinh tham dự, thành ra những em rớt trong kỳ thi cấp tỉnh cũng chiếm phần lớn mà rớt lúc này còn ngậm ngùi nhiều hơn việc không được tham gia đội tuyển cấp huyện.

Nhưng, cho dù đậu học sinh giỏi cấp tỉnh thì hiện nay các em cũng chỉ được khen thưởng mấy trăm ngàn đồng theo quy định của Sở Tài chính [khoảng trên dưới 500 ngàn đồng- tùy từng giải].

Những ưu tiên khác chẳng có gì vì từ nhiều năm nay Bộ đã chủ trương bỏ cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10 đối với học sinh giỏi cấp tỉnh!

Những thua thiệt của học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện

Thực ra, những học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở- dù là học sinh giỏi cấp tỉnh thì việc đạt giải cũng không bù đắp cho những thua thiệt của các em. Bởi, học sinh lớp 9 bao giờ cũng phải trải qua một kỳ thi cạnh tranh rất khốc liệt- đó là kỳ thi tuyển sinh 10.

Và, ai cũng biết kỳ thi tuyển sinh 10 thì bao giờ cũng có ít nhất 3 môn thi [Toán, Anh, Văn], một số tỉnh còn có thêm các môn tổ hợp nữa. Trong khi những học sinh tham gia đội tuyển mải mê với những đề thi, ôn tập cho 1 môn thì các em học sinh khác đã có thời gian ôn luyện cho những môn thi tuyển sinh 10.


Thi học sinh giỏi không có ý nghĩa về chiến lược phát triển con người

Kết thúc kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thường rơi vào cuối tháng 3 hàng năm nên sau kỳ thi này thì những em thi học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian cho các môn học còn lại để bù đắp lượng kiến thức các môn còn lại.

Những khu vực mà thi lớp 10 có tính cạnh tranh ít còn đỡ, những trường lớn, những trường có uy tín thì tỉ lệ chọi cao và nếu muốn đậu được các trường này thì những em học sinh tham gia đội tuyển phải đầu tư gấp nhiều lần so với các bạn khác. Đó là chưa kể những em thi rớt học sinh giỏi mà không vững vàng về ý chí còn dao động, chán nản, bỏ bê chuyện học hành.

Suy cho cùng, kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay không đem lại lợi ích cho học sinh [đạt giải cao nhất cũng không được ưu tiên trong tuyển sinh 10], không đem lại lợi ích rõ ràng cho giáo viên ôn thi….

Nếu được giải, thầy trò được thưởng vài trăm ngàn đồng nhưng phải đầu tư suốt cả gần 1 năm học mà thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở bây giờ có đến 70% rớt thì sẽ có mấy thầy cô, học trò được nhận thưởng, được hưởng niềm vui trọn vẹn?

Có lẽ, đã đến lúc các địa phương nên cân nhắc kỹ việc “nên” hay “không nên” tổ chức thi học sinh giỏi cấp Trung học phổ thông như hiện nay nữa hay không bởi thực tế nó chẳng đem lại lợi ích rõ ràng cho học trò và đội ngũ thầy cô giáo mà lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc.

Đó là chưa kể những bàn tán về tính trung thực trong kỳ thi này, nhất là kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện bởi có nhiều thầy cô giáo vừa ôn thi, vừa ra đề, vừa chấm thi!

KIM OANH

Video liên quan

Chủ Đề