Thuốc gia truyền đỗ thái nam

Những ngày gần đây, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chứng nghiện thuốc Đông y bán trôi nổi trên thị trường. Lúc đầu, người bệnh uống vì mệt mỏi, đau nhức, viêm khớp, viêm mũi… sau đó, nạn nhân ngày càng nghiện thuốc, mắt lờ đờ, da mỏng, “mập mình”; có trường hợp người bệnh là nam giới bị thêm chứng vú to.

Hút mỡ vẫn “lòi” mỡ

Đầu tháng 7, Bệnh viện [BV] Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhân [BN] nam C.H.S. [57 tuổi, nhà ở Q.5] đến khám vì nổi mụn nhọt khắp người. Trong lúc thăm khám, bác sĩ [BS] Lê Thái Vân Thanh phát hiện thân hình BN bị biến dạng với hai vú rất to, xệ xuống; bụng tích nhiều mỡ với nhiều sẹo chi chít. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tay chân anh S. bị teo cơ do tăng dị hóa đạm. Nguyên nhân là do anh đã tự ý uống một lượng lớn thuốc chứa corticoid. Anh S. cho biết, anh làm nghề đóng giày dép khu Chợ Lớn.

Hàng ngày, anh phải gò đế giày nên người đau rã rời không ngủ được, có lần chị bán thuốc lá vỉa hè mách anh uống một loại thuốc Đông y gia truyền, một gói chỉ 2.000đ/ngày là bảo đảm ngủ ngon. Đến nay anh S. đã uống gần 20 năm. “Vài năm trước, thấy bụng to như… bụng ông địa, tôi đã đi hút mỡ bụng nhưng một thời gian sau, những tảng mỡ lại tiếp tục “lòi” ra. Gần đây, khắp người lại nổi mụn nhọt, mắt nhìn mờ, sợ da nhiễm trùng nên tôi tìm đến BS da liễu…”. Tuy nhiên, điều trị được vài ngày, anh S. đã không trở lại BV vì không thể sống thiếu thuốc “bí truyền” này.

BS Lê Thái Vân Thanh cho biết, gần đây BV gặp rất nhiều BN là người lao động chân tay, nội trợ bị mờ mắt, đục thủy tinh thể, “mập mình”, rậm lông và tóc… do uống thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc có chứa corticoid. Tác dụng phụ sau khi uống thuốc chứa corticoid còn nặng hơn cả thuốc bôi ngoài da.

Cách đây vài ngày, chị Ph.Nh.Y. [45 tuổi, ở Bình Dương] tìm đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vì sau hai tháng uống thuốc Đông y gia truyền không rõ nơi sản xuất để trị viêm mũi, hai mắt của chị lúc nào cũng ríu lại, buồn ngủ, mặt mày sưng húp, đờ đẫn. Chị Y. kể, chị bị viêm mũi dị ứng, khi thời tiết chuyển mùa lại hắt hơi, chảy mũi. Chị được người hàng xóm mách uống loại thuốc trị viêm mũi gia truyền.

“Nhìn thuốc được đóng gói bắt mắt, lại ghi bảo đảm khỏi bệnh, dùng cho cả trẻ con nên tôi uống ngay. Sau hai tháng uống thuốc, tôi cũng bớt hắt hơi, giảm viêm mũi nhưng phù hai mi mắt, tóc và lông mọc nhiều ở cổ và sau gáy, thân hình mập lù, tay chân nhỏ, da mỏng đi với nhiều vết bầm, tay chân rất dễ bị trầy. Đặc biệt, rất thèm ăn, tăng cân nhanh chóng nên đi đứng nặng nề” - chị Y hoang mang.

Tương tự, bà Tr.T.L. [63 tuổi, nhà ở Q.Gò Vấp] cũng tìm đến Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vì sau một thời gian uống thuốc “viêm thấp khớp” do một người xưng là Đỗ Thái Nam bào chế; mặt bà bỗng tròn trịa, rất thèm ăn. Bà L. cho biết, bà bị viêm khớp ở hai đầu gối. Mỗi lần uống thuốc “gia truyền” này là hết đau ngay tức khắc nhưng phải uống liên tục, nếu dừng lại một ngày thì khớp càng đau hơn.

Bệnh nhân S. bị tích mỡ dày ở lưng như “gù lưng trâu" và biến chứng vú to

Thuốc dỏm mà còn...cấm giả mạo

Nhờ bà L. chỉ dẫn, chúng tôi đến trực tiếp nhà bà Thoa bán thuốc “viêm thấp khớp” trên đường Trần Phú, Q.5 để mua thuốc “bí truyền”. Sau một lúc tiếp “bệnh nhân lạ” trong tư thế đề phòng, bà Thoa bắt đầu xởi lởi. Bà Thoa cho biết, thuốc này do nhà bà làm ra để bán, chứ không khám bệnh.

Bà đi xuống nhà dưới, lôi lên một đống thuốc gia truyền, giới thiệu với tôi một bịch lớn chứa 100 gói “viêm thấp khớp” và 100 gói “viêm mũi”, bà L. hớn hở: “Tôi bán đủ loại thuốc điều trị viêm mũi, viêm xoang, sổ mũi, mặt mũi đau nhức… cho đến các loại thuốc trị nhức mỏi đau lưng, tê bại, thấp khớp, thần kinh tọa, cột sống; thậm chí cho người bị bệnh thận, hay không ăn được, ngủ được. Mỗi gói chỉ có 1.500đ. Nếu muốn chuyển đi tỉnh, tôi sẽ gửi qua bưu điện hoặc xe đò”. Bà Thoa cho biết, bà bán rất nhiều loại thuốc này cho khách, chủ yếu là người dân lao động, người bệnh ở quê ít tiền không có điều kiện chữa ở bệnh viện.

Khi tôi hỏi: “Thuốc này uống một tháng có hết bệnh không?”, bà Thoa xua tay: “Chỉ trong vài ngày đã hết bệnh. Chúng tôi còn in trên bao bì chữ “bảo đảm khỏi bệnh”. Khi mở gói thuốc viêm khớp đựng trong bao nylon được hàn lại bằng lửa nham nhở, chúng tôi thấy thuốc không có số đăng ký, mỗi gói có 10 viên màu nâu được vo tròn bằng thủ công không đồng đều.

Mẫu hướng dẫn sử dụng chỉ ghi: “Người lớn uống một gói, ngày uống một lần. Bệnh nặng thì uống hai lần/ngày, mỗi lần một gói. Trẻ em uống nửa gói, ngày một lần. Bảo đảm sẽ khỏi bệnh”. Riêng thuốc trị “viêm mũi” có màu trắng, với số đăng ký: 189 2015, còn khuyến cáo “Đề phòng giả mạo”! Nhãn thuốc ghi cụ thể thành phần gồm: Thục địa, bạch trực, ngưu tất, quế khâu, hà thủ ô, đại hồi, mật ong...

Xem xét các gói thuốc này, BS Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, ngay cả tên dược liệu cũng viết sai, ví dụ bạch truật mà ghi là bạch trực! Nếu gói thuốc có đúng thành phần như công bố thì nó chỉ có mục đích tăng sức đề kháng, không có tác dụng tức thời trị viêm mũi dị ứng, viêm khớp…

BS Năm cảnh báo: những BN này đã uống phải thuốc Đông y không rõ nguồn gốc có chứa tân dược, nhất là corticoid. Thuốc Đông y thuần túy không bao giờ có tác dụng nhanh ngay sau khi uống mà ít nhất cũng sau một - hai tuần với cơ địa đáp ứng tốt. Nếu uống một loại thuốc mà có tác dụng giảm đau ngay thì đó không phải là thuốc y dược cổ truyền, có thể đã bị trộn tân dược.

Dược sĩ Phạm Thị Mỹ Linh, thành viên Hội Dược sĩ BV TP.HCM cho biết: một số nơi sản xuất thuốc từ dược liệu còn trộn thuốc tây y vào nhằm tăng tác dụng thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì thuốc Đông dược không hề ghi thành phần, hàm lượng, cảnh báo thận trọng nên người sử dụng dễ bị ngộ độc hoặc bị tác dụng phụ.

Khi cầm mớ thuốc gia truyền chúng tôi mua từ bà Thoa, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết đây là thuốc dỏm, số đăng ký giả mạo. Nhãn bao bì của thuốc cũng không đúng quy định của Bộ và không có ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng… Trước đây, Sở đã phát hiện một số loại thuốc Đông y trôi nổi có trộn tân dược nhưng núp bóng thuốc gia truyền. Sở sẽ có biện pháp giải quyết nguồn thuốc trôi nổi này. Những thuốc Đông y thành phẩm muốn lưu thông trên thị trường phải được Hội đồng Y khoa của Sở phê duyệt.

Theo Theo PNO

Phóng to
Các loại đông dược được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM phát hiện có chứa tân dược - Ảnh: L.TH.H.

Chị Nguyễn Thị Trúc Lâm [44 tuổi, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM] cho biết thời gian gần đây, qua giới thiệu của người quen, chị có mua và uống hai loại thuốc trị viêm xoang mũi và viêm thấp khớp của lương y Đỗ Thái Nam [ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM]. Sau khi uống được gần hai tháng, chị thấy bớt đau nhức khớp hẳn, còn triệu chứng viêm xoang mũi gần như không còn. Trong thời gian uống thuốc chị thấy ăn ngon miệng, ngủ được và tăng cân rất nhanh, từ 43kg lên 48kg. Nghe bạn bè nói tăng cân nhanh như vậy có thể là trong thuốc có chứa chất tăng trọng gì đó nên chị rất lo lắng.

Chị Nguyễn Thu Thủy [gần 50 tuổi, Cà Mau] kể bác sĩ chẩn đoán chị bị thoái hóa cột sống, dính khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống, gai cột sống. Dù đã uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm, hiện giờ chị đi lại rất khó khăn. Một người bạn giới thiệu với chị có một loại thuốc rất hay của Malaysia tên là “Tuyết liên phong thấp linh”. Chị liền mua thuốc về uống. “Uống vào tôi thấy nhẹ nhõm ngay. Đi đứng dễ dàng và không đau đớn” - chị Thủy cho biết.

Trong khi đó, ông L.B.K. [65 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM] cũng kể bị đau nhức và đã uống thuốc đông y hiệu “Long phụng cao” trị phong thấp, nhức mỏi. Sau khi dùng hai chai ông thấy hết đau nhức ngay.

Bệnh gì cũng trừ tuyệt [?!]

Sáng 27-10, theo phản ảnh của bạn đọc, chúng tôi đến nhà ông Đỗ Thái Nam [địa chỉ 356/8 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh]. Sau một hồi gọi cửa, một người đàn ông khoảng 60 tuổi ra hỏi mua thuốc gì. Sau khi nghe tôi nói, ông này vào nhà mang ra mười gói thuốc trị viêm xoang và mười gói viêm thấp khớp, rồi tính tiền 75.000 đồng. Ông còn lấy 5-6 cái danh thiếp bỏ vào trong bịch thuốc cho tôi.

Danh thiếp ghi: Lương y Đỗ Thái Nam. Phương thuốc đông y gia truyền đặc trị viêm xoang mũi, viêm họng, thấp khớp, suy thận, đau bao tử, mỡ trong máu, nhiễm trùng đường ruột, thanh huyết bạch đới [huyết trắng], thuốc bổ [ăn ngon ngủ khỏe], bảo đảm hết bệnh. Xác minh từ Phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM, ông Đỗ Thái Nam không có giấy phép hành nghề.

Hôm sau, chúng tôi đến đại lý bán sỉ thuốc cao đơn hoàn tán nội, ngoại nhập có tên “Nhơn Hòa dược hãng” [ở đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.6] hỏi mua một số đông dược. Người bán tính tiền hai lọ Tuyết liên phong thấp linh [Saurean Fong Sep Lin] 166.000 đồng, 20 gói Cảm thông tán 16.000 đồng và hai chai Long phụng cao 32.000 đồng.

Ngoài hộp thuốc Tuyết liên phong thấp linh ghi nhà sản xuất là Welip [M] Sdn Bhd, Malaysia [hai lọ có số lô 5266, hạn dùng 8-2010]; thuốc không có số đăng ký nhập khẩu của Bộ Y tế VN. Trong toa thuốc ghi: có công dụng trị phong thấp, viêm khớp xương, đau nhức cơ bắp, đau lưng và thần kinh tọa…

Còn thuốc Long phụng cao do cơ sở Hạnh Hòa ở H.Bình Chánh, TP.HCM sản xuất. Bao bì hộp thuốc ghi: “Trị phong thấp, tê bại, thiếu máu, sưng thũng, đau lưng, gân cốt, sưng khớp xương, đau bắp thịt, nhức lưng, đau mình… Nên dùng phong thấp nhức mỏi Long phụng cao sẽ công hiệu mau lẹ bất luận bệnh nhẹ, nặng gì cũng sẽ trừ tuyệt”.

Trá hình đông dược

Ngày 28-10, chúng tôi gửi các thuốc Long phụng cao, Cảm thông tán, Tuyết liên phong thấp linh, viêm thấp khớp đến Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM [Bộ Y tế] để kiểm nghiệm. Riêng thuốc viêm xoang mũi bộ phận nhận mẫu không nhận xét nghiệm vì không có tên cơ sở, người sản xuất.

Sau ba tuần, kết quả kiểm nghiệm trả lời thuốc nước Long phụng cao [mẫu do PV Tuổi Trẻ mua] có acid salicylic, viêm thấp khớp có paracetamol, Tuyết liên phong thấp linh có betamethason acetat.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y dược TP.HCM - khẳng định nếu là đông dược nhưng có trộn lẫn tân dược thì là thuốc giả mạo, bất hợp pháp, không được phép lưu hành và sử dụng cho người bệnh. Mục đích của người sản xuất đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh. Khi uống đông dược mà giảm và hết ngay các triệu chứng, bệnh nhân rất thích, cứ tưởng đông dược trá hình này là thần dược. Thậm chí khi thấy ăn được, ngủ được [do tác dụng phụ của thuốc nhóm corticoid] người dân lại tưởng nhờ uống đông dược nên “mát huyết”.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức, acid salicylic là hoạt chất giống như aspirin, có tác dụng chống viêm, hạ nhiệt, có thể gây tác hại đến dạ dày nếu dùng không đúng chỉ định. Paracetamol có tác dụng hạ sốt, giảm đau, gây hại gan nếu dùng sai hướng dẫn của thầy thuốc. Betamethason acetat là thuốc thuộc nhóm corticoid có hoạt tính rất mạnh, tác dụng giảm đau, có chỉ định dùng trong điều trị chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Sử dụng Betamethason acetat không đúng có thể gây loét dạ dày, tăng huyết áp, làm loãng xương, gây suy giảm miễn dịch dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng...

Với các loại tân dược, nếu sử dụng đúng là rất cần thiết nhưng bắt buộc phải sử dụng như tân dược, dùng phải cẩn trọng, có sự theo dõi của thầy thuốc - đặc biệt là betamethason acetat. Nếu sử dụng bừa bãi thì vô cùng nguy hiểm, dễ gây hậu quả khó lường.

LÊ THANH HÀ

Video liên quan

Chủ Đề