Tờ báo cách mạng đầu tiên đó Hồ Chí Minh sáng lập khi Người ở Pháp có tên gọi là gì

  [QK7 Online] - Không chỉ nước ta, mà cả bạn bè quốc tế, ai cũng thừa nhận Nguyễn Ái Quốc là một nhà báo lớn. Không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam, mà Người còn là một nhà báo quốc tế, vì ngay từ đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX, Người đã từng viết rất nhiều cho các tờ báo, đầu tiên là ở Pháp, rồi ở Nga, Trung Quốc v.v.. Không chỉ viết báo, Bác Hồ còn là người sáng lập ra hàng chục tờ báo, cả nước ngoài và trong nước, trong đó có Báo Thanh niên, tờ báo đầu tiên của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tờ Le Paria do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút

   Điều đặc biệt, là Bác Hồ chưa từng có thẻ nhà báo. Bác Hồ viết báo, làm báo là do nhu cầu  cứu nước, nhu cầu của cách mạng đòi hỏi. Ngay từ sau khi xuất dương đi tìm đường cứu nước, nơi đặt chân đầu tiên ở hải ngoại là nước Pháp, nước của kẻ thù đang thống trị dân tộc mình, Người lăn lộn trong giới công nông, những người cùng khổ, để hiểu ra một điều khá phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ là: Ở đâu cũng có kẻ áp bức và người bị áp bức. Những bài báo đầu tiên Người viết là để bênh vực những người khốn khổ, cho dù họ là dân tộc nào, màu da gì. Những bài báo Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp được đăng trên các tờ Đời sống thợ thuyền, Nhân loại và những tờ báo cánh tả Pháp. Từ đây, Bác Hồ nhận thấy người Pháp hiểu biết quá ít về xứ sở được bọn thực dân Pháp gọi là “xứ An Nam, xứ Đông Dương thuộc Pháp”, và sự cai trị tàn ác của chúng. Người nung nấu ý định muốn viết những  bài báo về thực trạng của nước nhà, của xứ sở Đông Dương. Ngay từ lúc bấy giờ, Người đã xác định: Báo chí là vũ khí đấu tranh sắc bén của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam

   Từ một người tự học viết báo, năm 1921, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người cùng một số chính khách các nước thuộc địa tại Pháp thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, và năm 1922, chính Người lập ra tờ báo Người cùng khổ [Le Paria] – một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế. Theo Bác Hồ, tên gọi Người cùng khổ phản ánh đúng hoàn cảnh sống của các dân tộc bị áp bức. Số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1/4/1922. Tên báo được viết bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Bác Hồ không chỉ làm chủ bút, mà còn là tác giả của phần lớn các bài báo, các bức ký họa và tranh châm biếm, kiêm cả việc quản lý và phát hành. Từ đây, các số báo Người cùng khổ qua tay các thủy thủ, vượt đại dương về nước, đánh thức phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

   Cuối năm 1924, Bác Hồ về Quảng Châu [Trung Quốc], mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta. Người sáng lập Báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927 đã ra được 88 số bằng tiếng Việt. Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo biên tập và viết nhiều bài chính luận. Thắng 12/1926, Bác Hồ lập ra Báo Công nông cho giai cấp công nhân, và nông dân nước ta. Tháng 2/1927, Bác sáng lập Báo Lính kách mệnh, [tiền thân của Báo Quân đội nhân dân] dành cho đội ngũ những chiến sĩ cách mạng. Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật từ năm 1922 tại Pháp, năm 1925 tại Quảng Châu [Trung Quốc], năm 1928 tại Thái Lan, năm 1929 tại Hồng Kông do Bác Hồ sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị, lãnh đạo nhân dân Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ngay năm 1930, Đảng ta ra đời, Bác Hồ đã sáng lập Tạp chí Đỏ, xuất bản từ ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên đắc lực của các báo Đảng khác như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta v.v.. Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập Báo Việt Nam độc lập năm 1941 và Báo Cứu quốc năm 1942. Các tờ báo này thực sự đã là những hồi kèn xung trận, thức tỉnh đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

   Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951, Báo Sự thật [tiền thân của Báo Nhân dân] ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân dân, một cơ quan ngôn luận gần gũi hơn, thiết thực hơn, sâu rộng hơn, và số đầu tiên ra ngày 11/3/1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo thực hiện, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình. Từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5525 ngày 1/6/1969, Báo Nhân dân đã đăng 1.205 bài viết của Bác Hồ với 23 bút danh. Trong những bài báo ấy, có nhiều bài báo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà ngày nay vẫn là những bài học sống còn của Đảng ta.

   Từ khi xuất dương đi tìm đường cứu nước cho đến phút cuối đời, cùng với những hoạt động cách mạng và lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn là một nhà báo-một nhà báo lớn nhưng chưa từng có thẻ. Bởi báo chí đối với Bác Hồ không phải là một nghề, mà cầm bút viết báo, đối với Người là cầm trong tay một vũ khí sắc bén để chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản. Với một động cơ vĩnh cửu là vì độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của con người. Đó là ý nghĩa nhân văn cao cả nhất trong suốt cuộc đời của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh kính yêu!

       Phạm Như Hùng

Nơi ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Năm 1925, tại Quảng Châu [Trung Quốc], đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Đây là “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ, viết bằng giấy sá, in bằng bàn tay.

Tờ báo Thanh niên tiêu biểu cho tổ chức cách mạng đến nỗi người ta thường gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội là Đảng Thanh niên”[1].

Tháng 11/1924, sau hơn một năm ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu - trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc. Qua sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những người ưu tú để rèn luyện, giáo dục, thành lậpViệt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Thuộc địa Pháp có viết: “Hà Nội, ngày 27/2/1925/ Tuyệt mật/ Sở cảnh sát Hà Nội nhận được nhiều tin tức nói rằng có một người An Nam vừa từ Châu Âu đến Quảng Châu. Người này bắt liên lạc với bọn cách mạng. Người này sống với bọn Cộng sản Nga và lấy tên là Lý Thuỵ. Y rất am hiểu hoạt động của những tên cách mạng An Nam ở Châu Âu cũng như phương pháp cách mạng Nga… Là một tên có nghị lực, Lý Thuỵ đã thiết lập một hội yêu nước mới và đào tạo bọn Cộng sản trong khuôn khổ hội này như một số tên di cư sang Hoa Nam. Chúng vừa in những truyền đơn bằng chữ Trung Quốc kêu gọi tham gia hội, một số truyền đơn đã vào Đông Dương”[2].

Ngôi nhà số 13, nay là số 248 - 250, đường Văn Minh [Quảng Châu, Trung Quốc] -

trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên,nơi tờ báo Thanh niên xuất bản những số đầu tiên - Ảnh Tư liệu.

Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báoThanh niêntại ngôi nhà số 13 [nay là số 248 - 250], đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo.

Báo Thanh niên xuất bản được 202 số, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, số 202 ra ngày 14/2/1930. Báo Thanh niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Măng sét của báo viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh. Phần lớ mỗi số báo có hai trang cỡ trung bình 13cm x 19cm, một số ít ra 4 trang.

Nội dung chính trị cơ bản của báo Thanh niên là: Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hoà được; Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi.

Tháng 4/1927, tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến chuyển bất lợi. Những hoạt động cách mạng của Việt Nam trên đất Trung Quốc phải chuyển vào bí mật. Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời khỏi Quảng Châu đến Vũ Hán rồi đi Liên Xô. Khi ấy báo Thanh niên mới xuất bản được 88 số. Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chuyển đến Hồng Kông, tiếp tục cho xuất bản báo Thanh niên.

Báo Thanh niên được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thuỷ, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc.“…Cần phải nói ngay rằng, tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc”[3].

Hiện nay, di tích ngôi nhà số 13 [nay là số 248 - 250], đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - nơi ra đời số báo Thanh niên đầu tiên rất được coi trọng, quan tâm, đầu tư, cải tạo nhiều lần. Từ năm 1971, Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ địa chỉ này làm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cách mạng Quảng Đông. Những năm qua, bảo tàng đã gìn giữ và phát huy tác dụng di tích lịch sử này; đồng thời thường xuyên tôn tạo, nâng cấp vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn, vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan của kháchViệt Nam, Trung Quốc và bạn bè quốc tế.

Ngoài các phòng trước đây là nơi ở của học viên, phòng nghỉ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được khôi phục lại, tại ngôi nhà còn dành một phòng riêng giới thiệu về “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Quảng Châu”. Ở phòng trưng bày này giới thiệu nhiều tài liệu, hình ảnh về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu những năm 1924 - 1927 với những hiện vật quý như chiếc ghế mây kiểu bành, chiếc máy chữ, máy in Ronéo, bàn làm việc của Người… Đặc biệt ở đây trưng bày bức tranh lớn “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu”.

Từ Quảng Châu, Báo Thanh niên đã góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh niên ra đời đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đây, ngày 21/6 hàng năm được chọn là ngày “Báo chí cách mạng Việt Nam”./.

[1]Trần Văn Giàu, “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, H.1978.

[2]E. Cabelev, “Đồng chí Hồ Chí Minh”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, H.1985.

[3]Louis Marty,“Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp”,Nha công tác chính trị và công an trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản, H.1933.

Theo Btlsqsvn.org.vn

Video liên quan

Chủ Đề