Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 28/10, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu tham dự hội thảo hợp tác phát triển khoa học và công nghệ [KH&CN] 5 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ X do UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức tại Phú Thọ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đề nghị trong thời gian tới ngành KH&CN các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng, địa phương; đẩy mạnh xây dựng và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ, thị trường KH&CN. Đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong việc ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng thứ 2 từ phải sang thăm quan các gian hàng sản phẩm KHCN của tỉnh Lai Châu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được của hoạt động KH&CN ở các địa phương trong vùng; đồng thời trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN của vùng trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng đến một số vấn đề như: Hiệu quả triển khai các Chương trình phát triển KH&CN; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào đời sống nhằm tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng bền vững; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2020; thuận lợi và khó khăn trong phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn các tỉnh…

Trong thời gian qua, ngành KH&CN của 5 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 2 năm 2018 – 2019, ngành KH&CN của 5 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã có 327 đề tài, dự án trong đó số đề tài/dự án cấp Nhà nước là 56; đề tài/dự án cấp tỉnh là 271 [lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 57,2%; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 31%; lĩnh vực khác chiếm 20,3%]. Tham gia ý kiến về công nghệ là 27 dự án đầu tư, tham gia thẩm định đánh giá tác động môi trường của 285 dự án. Có 2 tỉnh Phú Thọ, Lai Châu có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Các kết quả nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến ứng dụng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, giải quyết những vấn đề về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp.

Các sản phẩm chủ lực của vùng, địa phương được quan tâm nhiều hơn, tập trung đến việc xây dựng nhãn hiệu, phát triển sản xuất, đầu tư, khai thác và phát triển sản phẩm đặc thù có lợi thế, nhiều sản phẩm địa phương đã đem lại giá trị kinh tế cao cho khu vực nông thôn của các tỉnh trong vùng. Hợp tác KH&CN giữa Sở KH&CN các tỉnh với các trường đại học, cao đẳng, các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học trên địa bàn ở mỗi tỉnh được quan tâm, hình thành được nhiều nghiên cứu có giá trị thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN 5 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác KH&CN và trao cờ đăng cai năm 2021 cho Sở KH&CN Hà Giang.

Duy Khôi


Ảnh minh họa


Theo Chiến lược, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.

Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, phổ biến đầy đủ đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược nêu trên, nhằm góp phần chung tay cùng cả nước phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp có liên quan trong Chiến lược của quốc gia lồng ghép vào chiến lược, kế hoạch 5 năm, hằng năm; đồng thời cụ thể hóa bằng các nội dung công việc, hoạt động đổi mới, sáng tạo trên lĩnh vực được giao quản lý của đơn vị và chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách; tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng giao Viện khoa học tổ chức nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tập trung nghiên cứu về khoa học tổ chức để không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng hiệu quả, phù hợp vào thực tiễn của Bộ, ngành Nội vụ. Trong đó, giao Viện Khoa học tổ chức nhà nước tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện Chiến lược của Bộ theo quy định.

Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất về việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, cơ chế, chính sách quan tâm đến nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Bộ; đẩy mạnh phong trào, tổ chức nghiên cứu, học tập, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng yêu cầu Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm thông tin, các trang thông tin nội bộ tăng cường công tác truyền thông về Chiến lược nêu trên.

Thanh Tuấn

Ngày 11/5/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Về phía thành phố Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, những năm qua, thành phố đã và đang ưu tiên phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực.

Thực hiện những mục tiêu này, thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Dự thảo Chiến lược xác định ba khâu đột phá và bảy giải pháp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa Thủ đô và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các chuyên gia triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các các sở, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội về đánh giá thực trạng và gợi ý định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, các cuộc tọa đàm xây dựng dự thảo Chiến lược, gửi xin ý kiến của các chuyên gia có uy tín trên địa bàn.

Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình với quan điểm, mục tiêu, nội dung của dự thảo Chiến lược. Đồng thời, nhấn mạnh dự thảo Chiến lược phải nêu bật được vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đóng góp vào sự phát triển hiện đại, bền vững của Thủ đô và cả nước. Đặc biệt, cần nhấn mạnh tầm quan trọng vị trí, vai trò của Thủ đô như “Hà Nội đi trước”, “Hà Nội đi đầu”, “Hà Nội vượt trội”. Như mục tiêu tới năm 2025, Hà Nội ở vị trí tốp 3 cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Trong đó, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đóng vai trò dẫn dắt.

GS,TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, dự thảo Chiến lược cần phân tích những thành tựu và tồn tại trong hoạt động phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Hà Nội, nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại để có mục tiêu và giải pháp phù hợp. Về giải pháp, nên khuyến khích các trường đại học, các viện hàn lâm, viện nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tham gia nghiên cứu các yêu cầu cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh kết nối, liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ trên toàn thành phố, trong nước và quốc tế.

PGS, TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và công nghệ [Đại học Quốc gia Hà Nội] đề xuất, trong phần giải pháp của dự thảo Chiến lược có thể bổ sung hai giải pháp: Đó là đề xuất đề án thí điểm mô hình sandbox [cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý] để thử nghiệm ứng dụng các chính sách khoa học và công nghệ. Đồng thời, thành phố cũng nên chú trọng giải pháp về P&C [tạo sản phẩm và thương mại hóa] bởi thời gian qua, thành phố mới chỉ tập trung cho R&D [nghiên cứu và phát triển].

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, thành phố mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ, ý kiến xây dựng quý báu, từ đó là cơ sở giúp Sở tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030 sẽ là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.

Gia Minh

Video liên quan

Chủ Đề