Trưởng khoa Luật quốc tế Đại học Luật Hà Nội Lê Minh Tiến

Khoa Pháp luật quốc tế là một trong những đơn vị được thành lập ngay từ  những ngày đầu thành lập Trường. Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, hiện nay Khoa Pháp luật quốc tế là một trong sáu khoa chuyên ngành luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, giữ vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cử nhân luật; thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành luật quốc tế.

   Quá trình hình thành, phát triển của Khoa luôn gắn bó chặt chẽ với mục tiêu chung của Trường là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập toàn cầu. Trên cơ sở mục tiêu chung đó, Khoa đặt ra mục tiêu cụ thể là xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến, hội nhập nhằm trang bị cho sinh viên, học viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về pháp luật quốc tế, thực tiễn pháp lý quốc tế và những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lĩnh vực luật quốc tế. Thông qua chương trình đào tạo, mục tiêu của Khoa không chỉ hướng đến việc cung cấp kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và thực hành luật.

   Trong suốt quá trình phát triển từ khi thành lập cho đến nay, Khoa không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, cải tiến phương pháp giảng dạy đồng thời khuyến khích tinh thần nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn của các giảng viên, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Trường. Khi mới thành lập, Khoa chỉ có 9 cán bộ, giảng viên thì hiện nay, mặc dù Bộ môn Luật thương mại quốc tế vừa được tách khỏi Khoa Pháp luật quốc tế để thành lập Khoa riêng, nhưng số lượng cán bộ, giảng viên của Khoa vẫn tương đối hùng hậu với trên 30 giảng viên và 1 trợ lý Khoa. Tất cả các giảng viên của Khoa đều có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ, trong đó có 11 tiến sỹ và 3 phó giáo sư. 

Ban chủ nhiệm Khoa hiện nay bao gồm có Chủ nhiệm Khoa: TS. Lê Minh Tiến và 02 Phó Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Ngân và TS. Trần Minh Ngọc.

   Khoa Pháp luật quốc tế có 3 Bộ môn  gồm Bộ môn Công pháp quốc tế, Bộ môn Tư pháp quốc tế và Bộ môn Luật ASEAN và các Liên kết quốc tế đảm nhiệm giảng dạy 11 môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình đào tạo cử nhân ngành luật, cử nhân ngành luật thương mại quốc tế và cử nhân ngành luật kinh tế. Các giảng viên của các bộ môn còn tham gia đào tạo sau đại học chuyên ngành Luật quốc tế.

   Đội ngũ giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế là sự kết hợp giữa nhiều thế hệ, có năng lực, trình độ, có lòng nhiệt tình và yêu nghề. Ngoài công tác giảng dạy, các giảng viên của Khoa còn tích cực tham gia biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo và thực hiện nhiều dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có hàm lượng tri thức khoa học cao. Chi bộ Khoa Pháp luật quốc tế với trên 20 Đảng viên, luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên Khoa Pháp luật quốc tế luôn tích cực hoạt động, gắn liền công tác phong trào với công tác chuyên môn, đạt nhiều thành tích cao.

   Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu trở thành Khoa đào tạo chuyên ngành luật quốc tế đáp ứng nhu cầu của xã hội, Khoa luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất chiến lược là nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện tối đa cho giảng viên có cơ hội học tập nâng cao trình độ, kỹ năng. Mỗi giảng viên của Khoa phải thực sự là người giảng viên giỏi về chuyên môn, tốt về nhân cách, năng động - sáng tạo trong công việc

  • Tin tức
  • Hoạt động của trường

HỘI THẢO KHOA HỌC: PHÁP LUẬT ASEAN – 50 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Đăng vào 29/05/2017 09:38

Trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN], hưởng ứng Tuần lễ nghiên cứu khoa học năm 2017, sáng ngày 24/5/2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ để: “Pháp luật ASEAN – 50 năm hình thành và phát triển”.

  

Tham dự Hội thảo có TS. Lê Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – thương binh và xã hội; GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và kinh tế ASEAN; TS. Vũ Đức Long – nguyên Cục  trưởng Cục con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp; các đại biểu đến từ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, Vụ đối ngoại - Văn phòng Quốc hội, Học viện Tư pháp, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao, Học viện An ninh nhân dân, Khoa Kinh tế luật - Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính trị quốc gia, Đại học Vinh, các cơ quan báo chí… cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do TS. Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng và ThS. Lê Minh Tiến – Phó Chủ nhiệm Khoa pháp luật quốc tế đồng chủ trì.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích quá trình hình thành và phát triển của ASEAN và Cộng đồng ASEAN; làm rõ các đặc trưng và vai trò của pháp luật Cộng đồng ASEAN; đánh giá về các vấn đề pháp lý của Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN [APSC], Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC] và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN [ASCC]; làm rõ các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành tiêu biểu của ASEAN như tương trợ tư pháp hình sự ASEAN, tự do hoá thương mại hàng hoá ASEAN, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia và nhà đầu tư ASEAN, đảm bảo môi trường bền vững ASEAN; đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN và triển vọng của quan hệ hợp tác này… 

  

     Các đại biểu đều đánh giá chung, sau một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ASEAN đã được không ít thành công nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để giải quyết được những điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn hơn từ ASEAN cũng như mỗi quốc gia thành viên. Cùng với quá trình phát triển của ASEAN, pháp luật ASEAN cũng đã có sự phát triển đáng kể, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu về một tổ chức quốc tế hoạt động theo pháp luật thì khuôn khổ pháp lý của ASEAN vẫn còn những  vấn đề cần hoàn thiện. Đối với Việt Nam, sau 22 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển của tổ chức này, được đánh giá là một thành viên “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự phát triển hơn nữa của ASEAN trong thời gian tới cũng như vai trò của Việt Nam trong tổ chức này.

  

Với những kết quả trên, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Hội thảo đã tạo ra được một diễn đàn để các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên trong trường và các nhà nghiên cứu khoa học, những người làm công tác thực tiễn trao đổi, nghiên cứu về pháp luật ASEAN và các vấn đề liên quan tới pháp luật ASEAN. Đây là luận cứ khoa học để các nhà nghiên cứu đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật ASEAN đồng thời là nguồn tài liệu hữu ích cho công tác học tập, nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội./.

Quỳnh Hoa

Chủ Đề