Uống thuốc cách nhau bao lâu

Một nguyên nhân làm cho thuốc không đạt được hiệu quả, gây độc là do không giữ đúng khoảng cách giữa các lần, các đợt dùng thuốc.

Khoảng cách giữa các lần, các đợt dùng thuốc

Khi vào cơ thể, hoạt chất tách ra khỏi sản phẩm, hấp thu vào máu rồi phân bổ về các cơ quan, tổ chức. Tại đó, hoạt chất đạt đến nồng độ ngưỡng nhất định mới có hiệu lực. Sau đó, do quá trình chuyển hóa thải trừ, hoạt chất sẽ giảm dần xuống một nồng độ nào đó thì hết hiệu lực. Phải nghiên cứu tốc độ chuyển hóa, thải trừ hoạt chất, để định ra thời điểm dùng thuốc bổ sung, sao cho sau khi uống bổ sung thì hoạt chất sẽ có nồng độ ổn định ở ngưỡng có hiệu lực. Khoảng cách giữa lần dùng thuốc đầu và lần uống bổ sung sau, gọi là khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Một ví dụ về penicillin G: Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều 3g thì chỉ sau 30 phút đạt được nồng độ đỉnh [Cmax] trong máu là 300-400mcg/ml, song do phân bố rất nhanh vào các mô tổ chức và dịch cơ thể, thuốc đào thải rất nhanh, nên sau 1 giờ nồng độ trong máu giảm xuống còn 40 - 50mcg/ml và sau 4 giờ nồng độ đó giảm xuống chỉ còn 3mcg/ml. Nồng độ 3mcg/ml cao hơn nồng độ tối thiểu có hiệu lực [MIC] nhưng nếu không tiêm bổ sung thì sẽ tụt xuống dưới nồng độ cần thiết và sẽ không còn hiệu lực nữa. Xuất phát từ điểm này người ta khuyến cáo dùng penicillin G tiêm tĩnh mạch thì khoảng 4 - 6 giờ phải tiêm nhắc lại một lần.

Cần tuân thủ thời gian giữa các lần dùng thuốc cho đúng.

Cũng có những bệnh mạn tính phải dùng thuốc dài ngày nhưng vì dùng liên tục thì thuốc gây độc, nên bắt buộc sau mỗi đợt dùng phải nghỉ một thời gian rồi mới dùng lại đợt sau. Thời gian nghỉ dùng đó chỉ vừa đủ mà không kéo quá dài để bệnh không bùng phát trở lại. Khi dùng đợt tiếp theo thì sẽ tiếp tục được kết quả của đợt dùng trước đó. Ví dụ, muốn chữa khỏi nấm móng chân phải uống ketoconazol tối thiểu là 12 tuần. Vì ketoconazol độc nên phải dùng cách quãng, khởi đầu dùng thuốc trong 1 tuần rồi nghỉ dùng 3 tuần [tổng cộng cả dùng thuốc và ngừng dùng là 4 tuần]. Sau đó lặp lại chu trình dùng này thêm 2 đợt nữa [8 tuần] nên tổng cộng là 12 tuần. Dùng cách quãng như vậy ít độc hơn cách dùng liên tục trong 12 tuần liền.

Cũng có thuốc khi dùng tích lũy lại mỗi lần một ít, đến một lúc nào đó thì có một lượng tích lũy khá lớn. Nếu ta tiếp tục dùng thuốc ấy, thì liều mới dùng này cộng với lượng tích lũy sẽ gây độc. Do đó sau một đợt dùng thì buộc phải nghỉ hay chuyển sang dùng thuốc khác. Sau một thời gian nghỉ có thể quay lại dùng thuốc đó...

Những sai sót xảy ra và cách khắc phục

Do quen với suy nghĩ một ngày chỉ bao gồm thời gian từ sáng đến tối nên có người bệnh dùng toàn bộ tổng liều trong nhiều lần tập trung vào ban ngày [trong vòng 12 giờ] còn cả đêm thì không dùng thuốc. Cần làm cho người bệnh hiểu là tổng liều và số lần dùng trong ngày là tính cả ngày, đêm [trong 24 giờ].

Do cách kê đơn không thực rõ ràng, nhiều đơn thuốc in sẵn thường chỉ có chữ sáng và chiều hay chỉ có lời dặn uống sau hay trước bữa ăn. Nếu ghi không thực rõ như vậy thì người bệnh dùng sau hay trước hai bữa ăn chính là trưa và tối chỉ cách nhau 6 giờ, trong khi đúng ra là phải dùng cách nhau 12 giờ.

Do không thực hiện nghiêm y lệnh, ví dụ bác sĩ ra y lệnh penicillin G 500.000 IU x 4 lần [tiêm bắp] thì chắc chắn điều dưỡng viên hiểu rõ là mỗi lần tiêm bắp 500.000IU và mỗi 6 giờ tiêm lặp lại một lần. Tuy nhiên, từ 9 giờ sáng [sau giờ ra y lệnh] cho đến chậm nhất là 9 giờ tối, điều đưỡng viên đã tiêm bắp xong 4 lần, cách nhau chỉ 4 giờ một lần [để ban đêm không phải thức dậy và việc giao ca không phải giao thuốc]. Như vậy, có khoảng thời gian 12 giờ liền [từ 9 giờ đêm cho đến khi tiêm lần đầu liều thuốc hôm sau vào 9 giờ sáng] người bệnh không dùng thuốc. Vì vậy, thầy thuốc phải dành thời gian theo dõi việc thực hiện y lệnh và bệnh viện phải có quy chế kiểm tra việc thực hiện một cách nghiêm ngặt thì mới khắc phục được sai sót này.

Do quên giờ dùng: Thiếu sót này bắt nguồn từ cách làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi không theo giờ giấc ổn định của người bệnh, mặt khác, cũng bắt nguồn từ chỗ thiếu hiểu biết về bệnh và thuốc. Ví dụ, đối với người bệnh tăng huyết áp thì huyết áp thường tăng dần từ sau 12 giờ đêm cho đến đỉnh cao nhất là 12 giờ trưa, sau đó giảm dần cho đến mức thấp nhất là 12 giờ đêm. Đúng ra, người tăng huyết áp nên dùng thuốc vào khoảng 7 - 8 giờ sáng [là giờ huyết áp đang tăng] nhưng có người quên đến buổi ăn trưa hay chiều mới dùng [lúc huyết áp đang giảm] hay sáng ra đã dùng, song đến 9 - 10 giờ thấy nhức đầu lại dùng thêm một lần nữa [tăng liều ngoài chỉ định]. Dùng như thế là không theo quy luật sinh lý về tác dụng của thuốc. Nếu người bệnh sinh hoạt có nề nếp, hiểu biết rõ về bệnh và thuốc thì sẽ tránh được điều này.


Ai cũng biết là nên uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng bạn có biết có những điều rất nhỏ khi uống thuốc mà nếu không chú ý sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc, thậm chí làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.

Uống thuốc đúng liều lượng và thời gian
Nhiều người có cách uống thuốc rất tùy hứng, ví dụ bữa trưa quên uống thuốc thì bữa tối sẽ uống gấp đôi để bù lại. Hoặc uống thuốc được 1-2 ngày thấy bệnh đỡ thì ngừng uống thuốc với lý do “khỏi rồi, ngại uống thuốc lắm”. Những thói quen uống thuốc như thế rất có hại, không những làm giảm tác dụng chữ bệnh của thuốc mà còn có thể khiến các tác dụng phụ của thuốc gia tăng. Để dùng thuốc có hiệu quả cao, bạn nên uống đúng liều lượng và thời gian bác sĩ hướng dẫn.

Việc uống thuốc theo đúng liều lượng và đúng khoảng cách giờ trong ngày là rất quan trọng. Có những loại thuốc phải dùng 3 hoặc thậm chí 4 lần trong ngày, có loại chỉ 2 hoặc 1 lần trong ngày là vì có những loại thuốc thải trừ nhanh, chỉ sau 8 tiếng hoặc 6 tiếng thì nồng độ thuốc trong máu đã giảm đi một nửa cho nên phải uống thường xuyên hơn và ngược lại. Ngoài ra, một số loại thuốc còn phải uống đúng thời điểm, ví dụ thuốc corticoid nên uống vào buổi sáng, thuốc ngủ, thuốc an thần nên uống vào buổi tối.

Thời điểm dùng thuốc liên quan đến bữa ăn cũng rất quan trọng và cần tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi có những loại thuốc phải uống xa bữa ăn [trên 1 tiếng trước khi ăn và trên 2 tiếng sau khi ăn] vì thức ăn làm thuốc chậm hoặc kém hấp thụ. Tuy nhiên, cũng có những thuốc phải uống trong bữa ăn [sau khi đã có thức ăn trong dạ dày] vì chúng kích thích dạ dày thậm chí có thể gây loét, thủng, xuất huyết dạ dày nếu uống trong lúc dạ dày trống [ điển hình là aspirin, các loại thuốc giảm đau, chống viêm…]


Uống thuốc đúng liều lượng và uống bằng nước lọc


Uống thuốc bằng nước lọc là tốt nhất

Nước để uống thuốc thì cũng không phải dùng loại nào cũng được. Một số loại khoáng chất có trong thức ăn, thức uống như sắt, canxi có thể gây giảm hấp thu thuốc [ví dụ như sữa có canxi, một số loại nước ép hoa quả có chất sắt...]. Hoặc một số chất như tanin có trong trà có thể ức chế hấp thu chất sắt khi uống thuốc viên sắt.

Cácloại nước khôngdùng để uống thuốc :
- Nước nho ép :có thể ức chế enzyme trong quá trình hấp thụ thuốc, làm giảm tác dụng và tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh

- Cà phê, chè, coca : có chứa caffein có hại cho dạ dày,có thể làm tăng các phản ứng phụ.

-Sữa: Canxi có trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh

- Rượu: Trong quá trình điều trị, uống thuốc thì không nên dùng rượu, bia bởi sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan, hạn chế tác dụng chữa bệnh và tăng tác dụng phụ của thuốc

- Các loại đồ uống có chứa chất xơ : sẽ làm liên kết nhiều loại thuốc khác nhau và hậu quả làm giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc.


Dùng nước lọc là cách thích hợp để uống phần lớn các loại thuốc viên. Khi uống thuốc với nhiều nước, chúng ta đã tạo ra một dung dịch thuốc được pha loãng có thể tích lớn trong dạ dày, tạo nên áp suất lớn, làm dạ dày nhanh rỗng hơn. Điều đó có nghĩa là thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày ngắn và dung dịch thuốc được nhanh chóng trôi xuống ruột - vị trí hấp thu tối ưu với đa số các loại thuốc uống.

Uống thuốc với nhiều nước sẽ giúp thuốc tiếp cận với bề mặt của ống tiêu hóa nhiều hơn, tức làm tăng diện tích tiếp xúc nên thuốc được hấp thu nhanh hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời.
Đối với những thuốc có độ tan kém, lượng nước uống kèm không những làm tăng độ tan mà còn giúp thuốc hấp thu nhanh và triệt để hơn.

Đề phòng dị ứng khi uống quá nhiều loại thuốc một lúc
Mỗi một loại thuốc đều có công hiệu riêng, mang tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau. Do đó, uống nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu, phân bố, trao đổi và đào thải, cũng như sự kết hợp giữa thuốc với nhau. Nếu như loại thuốc có chất chua uống cùng với kháng sinh sẽ làm giảm công hiệu của thuốc, hai loại thuốc này nên uống cách nhau 2-3 giờ. Vì vậy, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý, uống mỗi một loại thuốc ít nhất cách nhau khoảng một giờ.

Có một số loại thuốc khi dùng chung làm tăng tác dụng của nhau dẫn đến hiện tượng quá liều trong khi vẫn uống đúng liều. Một số loại thuốc khác thì lại làm giảm tác dụng của nhau mà điều này thì tương đương với việc uống thuốc không đủ liều.Ngoài ra, một số người có tình trạng dị ứng đối với một số loại thuốc nào đó khiến cho việc dùng thuốc đôi khi dẫn đến những tác dụng phụ bất ngờ. Tình trạng suy chức năng cơ quan hoặc những bệnh tiềm ẩn hoặc mãn tính và tình trạng dị ứng của cơ thể là những yếu tố quan trọng mà bác sĩ phải cân nhắc rất thận trọng khi quyết định dùng thuốc. Bản thân người bệnh nếu có bất cứ tiền sử gì về sức khỏe thì nên thông tin cho thầy thuốc để cân nhắc chọn thuốc phù hợp.

L.A

Video liên quan

Chủ Đề