Vay vốn ngân hàng có phải mua bảo hiểm không

Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Ngân hàng không được ép khách hàng mua bảo hiểm khi cho vay

Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng [nếu có]. Quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động làm việc và lưu ý đối tác ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, không được ép mua bảo hiểm kèm các gói sản phẩm vay của ngân hàng.

Tin liên quan

Vay ngân hàng là cách giúp bạn giải quyết nhanh chóng các khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc không biết có phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng không?

Gần đây xuất hiện thông tin về việc phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được vay vốn ngân hàng khiến người vay khá hoang mang. Nhiều khách hàng không rõ đây là quy định hay chỉ là "biến tướng" của hoạt động kinh doanh tín dụng. Vậy thực hư việc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng như thế nào? Pháp luật quy định ra sao về vấn đề này?

Khách hàng cần đặc biệt chú ý: Không có quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ. Hay nói cách khác, khách hàng không phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại các ngân hàng.

Hiện nay, rất nhiều công ty bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng để bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản... Kênh phân phối này gọi là Bancassurance [phân phối bảo hiểm qua ngân hàng].

Trên thực tế Bancassurance đã mang lại hiệu quả kinh doanh rất tốt cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Lợi nhuận thu được từ kênh Bancassurance cũng khá ấn tượng. Năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng chỉ chiếm 20%/tổng số phí bảo hiểm thu được của cả thị trường, nhưng đến tháng 8/2019 tỷ lệ này là gần 30%. Báo cáo triển vọng thị trường 2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt [VDSC] công bố đầu tháng 1/2021 cũng cho thấy, tỷ trọng phí thu từ kênh Bancasssuarance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020.

Chính sự lớn mạnh và phát triển này mà nhiều công ty bảo hiểm chính thức ký kết phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm với các ngân hàng như: Generali ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng Phương Đông [OCB] trong thời hạn 15 năm, Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp tác với Sacombank trong thời hạn lên đến 20 năm và SHB trong 15 năm, VietinBank và Tập đoàn Tài chính Manulife ký kết thỏa thuận nhằm thiết lập quan hệ hợp tác về phân phối bảo hiểm trong vòng 16 năm...

Điều này khiến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng càng sôi động hơn. Tuy nhiên, hoạt động bán chéo bảo hiểm này xảy ra một vài “biến tướng” khi khách hàng lên tiếng về việc họ bị "ép" phải mua bảo hiểm mới được vay vốn ngân hàng. Khách hàng được tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe… với điều kiện sẽ được giải ngân nhanh. Để được vay, khách hàng đành phải ngậm ngùi tham gia gói bảo hiểm một cách không vui vẻ.

Không có quy định phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng

Báo Chinhphu.vn đã từng thông tin về việc khách hàng bị “ép” phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng. Cụ thể: “Theo phản ánh của ông Lê Việt Vương [Bà Rịa - Vũng Tàu], ông có nhu cầu vay thế chấp một khoản tiền tại Ngân hàng ACB chi nhánh Rạch Dừa, Vũng Tàu, ngân hàng đề nghị ông phải mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 13 triệu đồng/năm, yêu cầu đóng trước 1 năm.

Nếu ông Vương không mua bảo hiểm thì mức phí phạt khi trả tiền trước hạn là 5%, nếu ông mua bảo hiểm thì sẽ được giảm mức phạt xuống 2%.

Việc này dẫn đến khi ông Vương vay 2 tỷ đồng làm ăn kinh doanh, thường sẽ trả hết trong 1-2 năm đầu, nếu ông không mua bảo hiểm thì ngoài số tiền lãi cố định phải trả thì ông Vương phải đóng trả thêm gần 100 triệu đồng tiền phí phạt, nếu ông mua bảo hiểm thì số tiền phạt sẽ giảm xuống còn 40 triệu đồng”.

Thực tế không riêng trường hợp trên mà nhiều khách hàng khác cũng bị rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nam”, phải mua bảo hiểm mới vay được tiền, khiến họ phải chịu áp lực tài chính từ hai nơi: Khoản tiền lãi để trả ngân hàng và tiền phí bảo hiểm định kỳ.

Ý kiến của độc giả về bài viết “Cảnh báo ngân hàng 'ép' khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ” trên báo tuoitre.vn cũng cho thấy đây là vấn đề đáng cảnh báo.

Các chuyên gia nói gì?

Chia sẻ trên báo Người Lao Động, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết: “Ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ là một hình thức liên kết kinh doanh giống như bán "bia kèm lạc". Và trong bối cảnh tín dụng sụt giảm, tài sản thế chấp và thu nhập của khách hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay, nhân viên ngân hàng thường chào mời người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm an toàn cho khoản vay. Tuy vậy, để quan hệ tín dụng không bị méo mó, ngân hàng cần cung cấp cho khách hàng mọi thông tin về điều kiện vay vốn, mối quan hệ giữa khoản vay với sản phẩm bảo hiểm. Còn người vay tiền cũng cần tính toán đến các chi phí khi vay tiền để xem việc ngân hàng đề nghị mua bảo hiểm có hợp lý, nếu không thì có thể lựa chọn ngân hàng khác để vay tiền”.

Như vậy, mua bảo hiểm khi vay vốn không phải là quy định bắt buộc mà chỉ là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Nhân viên ngân hàng chỉ tư vấn và giới thiệu về sản phẩm, còn khách hàng có quyền quyết định mua hoặc không mua bảo hiểm. Các hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm sẽ được xử phạt theo quy định.

Quy định của pháp luật về mua bảo hiểm

Khoản 4, Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 quy định rõ: Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Đồng thời, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.

Còn Khoản 3, Điều 38, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Xử lý nghiêm hành vi ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng

Trước tình trạng ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng. Đồng thời phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có.

Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh:

  • Các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khách, ngân hàng không được "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.
  • Việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình, các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.
  • Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho các nhân viên ngân hàng. Phải đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm.

Còn về quy định của pháp luật đối với việc xử lý vi phạm trong bán bảo hiểm, Điểm đ, Khoản 2, Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a] Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b] Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

c] Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

d] Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

đ] Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức”.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”

Như vậy, mức phạt trong trường hợp cá nhân có hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức là 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng kèm theo hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.

Bị ngân hàng "ép" mua bảo hiểm nhân thọ thì phải làm gì?

Nếu khi vay vốn ngân hàng bạn bị "ép buộc" mua bảo hiểm nhân thọ thì hãy thực hiện các cách thức sau:

  • Nếu được mời mua bảo hiểm nhân thọ mà bạn không có nhu cầu hãy từ chối. Bạn có thể trình bày việc bản thân và gia đình đã tham gia bảo hiểm nhân thọ và không có nhu cầu mua thêm.
  • Khi nhận tiền giải ngân vay vốn, nếu ngân hàng trích thu lại tiền phí bảo hiểm nhân thọ hoặc phát hành cho bạn thẻ tín dụng rồi yêu cầu bạn cà thẻ để mua bảo hiểm nhân thọ thì hãy thông báo với lãnh đạo ngân hàng hoặc Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Bạn hoàn toàn có quyền ghi âm lại lời ép buộc này để làm bằng chứng.
  • Lựa chọn ngân hàng khác để vay vốn

Thực tế việc tham gia bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng cũng là một điều tốt, tuy nhiên bảo hiểm nhân thọ là một loại hình bảo hiểm dài hạn nên phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của khách hàng, chứ không phải vì lợi nhuận của các ngân hàng. Nếu khách hàng khi bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng, hãy biết tự bảo vệ mình, mạnh mẽ đấu tranh với hành vi sai trái của ngân hàng. Mua bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn tự nguyện, là sự thỏa thuận giữa ngân hàng và người mua. Ngân hàng không thể bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn 

Video liên quan

Chủ Đề