Vẻ đẹp phẩm chất của người đàn bà làng chài

Cảm nhận tính cách, phẩm chất và những vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa [Nguyễn Minh Châu] – Văn Mẫu 12

Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm về văn chương “nghệ thuật nhìn trở lại cuộc sống, nghệ thuật không bao giờ chết. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một cái nhìn: sự trường tồn ấy mãi mãi đang nhìn vào khoảnh khắc thực tại. Cái vĩnh cửu đang nhìn cái khoảnh khắc.” Như thế để thấy nhà văn luôn tôn trọng hiện thực và sáng tạo nghệ thuật trên nền hiện thực không ngừng vận động ấy, để tự nó bộc lộ được vẻ đẹp vốn có. Soi mình vào trong tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu – Chiếc thuyền ngoài xa- để thấy mối quan hữu cơ giữa nghệ thuật và cuộc sống cũng là để nhìn cuộc đời bằng lăng kính khách quan hơn. Chiếc thuyền ngoài xa không dừng lại ở câu chuyện về nghệ thuật mà còn là câu chuyện đời đầy éo le của một người đàn bà hàng chài. Nhà văn đã đặt nhân vật mình vào vị trí trung tâm của bức tranh thiên nhiên để từ đó bộc lộ được tính cách, phẩm chất và những vẻ đẹp khuất lấp ở người phụ nữ này.

Là một nhà văn từng có nhiều sáng tác về cuộc chiến cũng từng chịu ảnh hưởng của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn nhưng khi hướng ngòi bút về cuộc sống đời thường, Nguyễn Minh Châu đã có sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm và phong cách nghệ thuật. Trong bài viết “Hãy đọc lời điếu văn cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” ông từng chia sẻ quan niệm sáng tác của mình là khắc họa cuộc sống theo bản chất thật của nó, theo đúng sự vận động tất yếu, không máy móc, khoa trương. Cũng cách nhìn ấy, nhà văn đã đưa những suy tư vào truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, một câu chuyện đậm chất hiện thực, đậm triết lý nhân sinh và cũng rất đời thường.

Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983, khoảng thời gian cả nước từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đời sống mới vẫn còn nhiều vấn đề bức thiết đặt nhà văn vào nỗi trăn trở không yên. Truyện ngắn được xây dựng trên tình huống truyện ấn tượng, lôi cuốn thông qua cái nhìn về cuộc đời và nghệ thuật của nhân vật Phùng. Trong lần nhận nhiệm vụ đi săn một bức ảnh thuyền và biển cho tờ lịch sắp tới, Phùng phát hiện ra bức tranh hoàn mỹ về chiếc thuyền lưới vó trong buổi bình minh. Người nghệ sĩ say sưa trước vẻ đẹp hiếm có này thì lại bất ngờ khi chính trên chiếc thuyền đầy chất thơ ấy bước ra là một cảnh đời ngang trái. Một người đàn ông tàn nhẫn đánh vợ mình còn người đàn bà thì cam chịu. Vì lòng trắc ẩn và lẽ phải, Phùng nhờ bạn mình là chánh án huyện khuyên giải để giúp người đàn bà kia được tự do. Nhưng trái lại, bà ấy từ chối bằng mọi lý do để xin đừng bắt bỏ chồng. Qua cuộc hành trình tìm về lẽ phải, chân lý, nhà văn đã từng bước hé mở cho chúng ta hoàn cảnh của người đàn bà hàng chài để từ đó những nét đẹp trong tính cách, phẩm chất của bà ấy hiện lên ấn tượng và có sức bám riết tình cảm người đọc.

Người đàn bà là nhân vật trung tâm trong câu chuyện nhưng bà ấy lại không hề được nhắc đến tên riêng. Bà được gọi bằng “chị”, “mụ” những cách gọi hoà lẫn vào đám đông quần chúng nhỏ nhoi, thấp bé. Đã vậy ngoại hình của người đàn bà cũng lấm láp, thô kệch, thậm chí là xấu xí ở tuổi 40. Cuộc đời bà cứ như định sẵn là xấu số khi từ bé mặt đã rỗ vì bệnh đậu mùa, tưởng đâu chẳng thể lấy được chồng, may mà có anh thanh niên hiền lành chịu cưới. Những tưởng cuộc sống đạm bạc mà êm đềm đâu ngờ cái đói, cái nghèo luôn bủa vây, cảnh con đông, cùng cực khiến bà phải hứng chịu đòn roi từ người chồng phẫn uất. Tuy nhiên cái đẹp, cái quý giá trong tâm hồn bà vẫn không bị những đau buồn, khổ cực che khuất.

Trước hết chúng ta thấy người đàn bà hàng chài là người nhẫn nhục, cam chịu một cách đáng thương. Hình ảnh đầu tiên Phùng nhìn thấy người đàn bà là cảnh bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn trên bãi biển mà không một lời oán than, không chống trả cũng không trốn chạy. Đâu chỉ thế trong lúc ở toà án huyện, nơi bà có quyền lên tiếng nhưng người đàn bà vẫn cam chịu, chấp nhận mọi sự một cách thản nhiên. Cả câu chuyện không có bất cứ lời nói, hành động nào của bà thể hiện sự phản kháng hoặc chống lại hoặc phẫn nộ nào. Sự nhẫn nhục đến câm lặng này chúng ta cũng từng tìm thấy ở Mị, cô con dâu gạt nợ và sống hờ như một chiếc bóng, cả những người đàn bà không một chút ý thức trỗi dậy vì nghĩ ấy là số kiếp mình phải chịu. Người đàn bà không cam chịu vô lý. Sở dĩ bà chấp nhận đòn roi và nỗi đau thể xác cũng vì nghĩ rằng sự nhẫn nhục của mình là phương thức duy nhất cứu rỗi bao số phận đáng thương và cũng vì nghèo đói. Tuy sự nhẫn nhục này có chút tiêu cực nhưng đứng trên hoàn cảnh của bà thì điều đó thật đáng thương, ấy cũng là nét đẹp trong tính cách của người đàn bà chịu đựng mọi đau khổ để bảo vệ hạnh phúc.

Người đàn bà hàng chài cam lòng chấp nhận mọi thiệt thòi, chấp nhận cả “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” suy cho cùng nguyên nhân xuất phát từ tấm lòng giàu yêu thương và đức hy sinh, sự bao dung nhân hậu của bà. Bà nghĩ rằng những trận đòn kia sẽ giúp chồng mình giảm bớt u uất, ông ấy đã quá khổ đau, mệt mỏi với việc trên biển và một đàn con nheo nhóc. Trong lúc nỗi đau thể xác thuộc về mình thì người đàn bà có tấm lòng bao dung lại nghĩ đến nỗi đau tâm hồn của chồng. Trong lúc không một chút suy nghĩ về thiệt thòi của bản thân, người đàn bà lại nghĩ cho chồng và cho các con mình. Bà nhìn người đàn ông vũ phu ấy bằng đôi mắt bao dung và tấm lòng nhân hậu nên bà thấy cả những điều ẩn sâu trong sự tàn bạo kia. Bà luôn tìm cách biện hộ cho ông ấy, nghĩ tốt về ông ấy kể cả lão chồng của bà đã không còn là anh con trai hiền lành cục mịch thuở xưa. Tấm lòng của bà là tấm lòng một người mẹ hết mực thương con. Nhìn đàn con ăn no, ngủ ngon đấy là hạnh phúc nhất đời bà, đấy cũng là chiếc phao duy nhất bà bám víu vào để tin rằng sự hy sinh của mình không vô ích vì ít ra bà cũng có những giây phút vợ chồng con cái đầm ấm bên nhau, dù nó rất ngắn ngủi. Cái hạnh phúc mong manh mà người đàn bà bảo vệ đã đổi bằng những trận đòn, bằng cuộc sống cơ cực nhận lấy cho mình. Thế mới thấy được ở bà một tình thương tuyệt đối dành cho gia đình mình, thương con, vì con quên cả phần sống cho mình. “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. Có lẽ cả cuộc đời bà chỉ biết sống vì người khác. Trong câu chuyện chúng ta không nhìn thấy giọt nước mắt của bà khóc thương mình, bà chỉ khóc khi người khác khóc cho mình. Chịu đau đớn vì trận đòn bà không hề nhỏ một giọt nước mắt nhưng khi thằng Phác vì mình mà chịu đau, vì mình mà có những hành động trái đạo với cha, người đàn bà khóc nức nở. Nước mắt ấy là tấm lòng mênh mông tình mẹ, là nỗi đau bà giành hết riêng mình và cũng là đức hy sinh của người mẹ nghèo làm tất cả vì muốn tốt cho con. Trong số những đứa con bà thương thằng Phác nhất dù nó có máu côn đồ và giống cha nó nhất, điều đó chứng tỏ tấm lòng bao dung, rộng mở của bà dành cho con, bà dùng đức hy sinh, lòng độ lượng để cảm hoá cái ác, cái xấu của con mình. Chỉ có một người mẹ, chỉ có tình thương vô bờ xuất phát từ cội rễ của lòng nhân hậu, vị tha mới có thể khiến bà làm được điều đó.

          Đâu phải sống trong cái khổ nên dần quen với cái khổ, người đàn bà hàng chài không hề oán than cho số phận, bà chấp nhận sống dai dẳng trong cảnh đói nghèo và bị bạo hành cũng vì tính kiên trì, nhẫn nại và nghị lực phi thường tiềm ẩn trong vẻ ngoài cam chịu ấy. Câu chuyện của bà trên toà án huyện đã hé mở quãng đời cơ cực, bất hạnh của bà từ ngày còn bé. Và mỗi lúc như thế bất hạnh, khổ cực thêm chồng chất khi người chồng vũ phu, con cái ngày một lớn, cuộc sống mỗi ngày thêm khó khăn trong chiếc thuyền chật hẹp, thường xuyên đối diện với cái đói và cái dốt, cái lạc hậu đeo đẳng mãi. Nếu không có một tính nhẫn nại, kiên trì thì khó lòng mà sống được đừng nói chi bà vẫn sống trong niềm tin rồi hạnh phúc sẽ ở bên mình. Sức mạnh nội lực đã khiến người đàn bà vững vàng hơn, bản lĩnh hơn. Cũng từ sự vững vàng, bản lĩnh bà mới trọn vai trò một người vợ bao dung một người mẹ hết dạ vì con.

          Cái nhìn ban đầu của Phùng, Đẩu và cả độc giả về người đàn bà có lẽ sẽ thiên về sự nhẫn nhục, cam chịu, đức hy sinh và tấm lòng yêu thương con hết mực. Tuy nhiên tính cách, vẻ đẹp khuất lấp ẩn sâu trong vẻ ngoài thô kệch, quê mùa ấy là sự trải đời, sâu sắc và hiểu lý lẽ. Người đàn bà mở lòng chia sẻ “lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Chỉ khi người ta sống nhiều với cơ cực, chứng kiến nhiều thăng trầm thì mới thấu lẽ đời. Bằng quãng đời khốn khổ, người đàn bà tỏ ra hiểu mình, hiểu chồng và hiểu cuộc sống gia đình. Người đàn bà hiểu rằng “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con..” Bà cũng hiểu vai trò không thể thiếu của người đàn ông trong cuộc mưu sinh nơi đầu sóng. Lý thuyết về sự công bằng, bình đẳng giới và hạnh phúc hơn ai hết Đẩu và Phùng đều rõ. Nhưng người sống là bà, người trải qua nỗi đau cũng là bà, vì thế cũng chỉ có bà mới hiểu mình cần gì, muốn gì. Bà cần một người đàn ông trên thuyền, cần một gia đình trọn vẹn và cần nhiều hơn nữa những bữa no của các con. Điều này thì cả Phùng và Đẩu không thể nào cảm nhận được. Thế nên trong cuộc nói chuyện ở toà án, người đàn bà đã thay đổi cách xưng hô, thay đổi cả vị trí người đưa ra lời khuyên và người được khuyên. Người ta chỉ thấy lão chồng bà là kẻ tàn nhẫn, vũ phu. Còn bà, bằng sự trải đời, thấu hiểu bà biết rõ nguồn cơn khiến con người ấy dần mất đi vẻ hiền lương ban đầu. Không chỉ hiểu mình, bà còn hiểu đời, hiểu những nỗi cơ cực mà người dân biển phải trải qua, hiểu cả quy luật ngầm của cuộc sống. “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được”. Người đàn bà biết rằng người dân biển sẽ chẳng thể rời bỏ cái phá nước này bởi vì với họ chài lưới, đánh cá không phải là nghề mà là nghiệp là cuộc đời họ. Có sống chung với những cay đắng thì bà ấy mới có thể bình lặng mà chấp nhận quy luật tất yếu của nó để nó hun đúc cho bà thành ra một con người từng trải, hiểu mình, hiểu đời.

          Nguyễn Minh Châu đã rất thành công trong hành trình tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong mỗi con người. Càng ngẫm nghĩ, càng tìm hiểu ta càng thấy người đàn bà hàng chài còn là người có lòng tự trọng và sống ân nghĩa, thuỷ chung. Khi biết Phùng chứng kiến cảnh bà bị chồng đánh, bà tỏ ra ái ngại “nhấp nhỏm xoay mình trên ghế như bị kiến đốt”. Lòng tự trọng và danh dự khiến bà cảm thấy hổ thẹn và tìm mọi cách để che đậy việc mình bị chồng đánh, đặc biệt là giấu các con của mình. Điều này xuất phát từ tấm lòng người mẹ không muốn con bị cảnh bạo hành mà trở nên chai lì, vô cảm, tiêm nhiễm cái xấu và cả hy vọng bảo vệ danh dự một người làm mẹ. Vì tình thương con, vì sự bao dung, nhẫn nại và hơn hết bà chấp nhận người chồng hiện tại cũng vì cảm giác hàm ơn. Với bà, người đàn ông ấy đã cứu vớt đời bà khi chẳng ai dám cưới một cô gái xấu xí thô kệch như bà. Ông ấy đã ban ơn cho bà thiên chức làm vợ, làm mẹ thì chị cam chịu mọi đau khổ để sống trọn với nghĩa tình mình đã trót vay. Nét đẹp này khiến ta nhớ đến nhân vật Từ trong truyện ngắn Đời thừa. Từ yêu chồng, nhẫn nhịn, cam chịu cũng vì chồng là ân nhân cứu vớt đời của Từ. Thế đấy, những người phụ nữ đã âm thầm sống trong đau khổ vì một lẽ muốn giữ tấm lòng ân nghĩa, thuỷ chung, nét đẹp bừng sáng nhất của những phận đời bé mọn.

          Chỉ bằng vài chi tiết phác thảo ban đầu và đặt nhân vật của mình vào tình huống nghịch lý, đầy bất ngờ, Nguyễn Minh Châu đã từng bước khám phá hết vẻ đẹp nội tâm, những phẩm chất đáng quý ở người đàn bà hàng chài: nhẫn nhịn, cam chịu, yêu thương con hết mực, vị tha, nhân hậu, kiên trì, đầy nghị lực và cũng hiểu lẽ đời, tự trọng, ân nghĩa thuỷ chung. Người đàn bà “bước ra khỏi tấm ảnh…

hòa lẫn trong đám đông” để chúng ta nhìn thấy nét đẹp khuất lấp kia có ở mọi nơi. Trong tình thương bao la của bà cụ Tứ dành cho Tràng, trong sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị ở đêm tình mùa xuân năm nào, trong thân phận hẩm hiu của người vợ nhặt và trong cả bát cháo hành tình người của cô nàng Thị Nở. Mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung quy vẫn là những người phụ nữ đáng yêu, đáng được yêu. Tính cách ấy, phẩm chất ấy cũng là nét đẹp trong bao thế hệ phụ nữ Việt Nam, những người bà, người mẹ anh hùng, những người phụ nữ sống thầm lặng, cam chịu để con mình được yên vui.

          Người đàn bà hàng chài thật sự không phải chỉ tồn tại trong bức ảnh chụp trắng đen và câu chuyện, người đàn bà đã vào hẳn trong đời sống hôm nay để nhắc nhở chúng ta về một cuộc đời đầy biến động không sao lường trước được và cũng đừng vì bề ngoài mà đánh giá khi chưa thật thấu hiểu giá trị bên trong của một con người. Cũng từ người đàn bà lam lũ ấy, chúng ta có cái nhìn đồng cảm, trân trọng với mọi người, đặc biệt là những bà mẹ lao động đói nghèo để thấy hạnh phúc đôi khi là món hàng xa xỉ đâu dễ kiếm tìm, đâu tự nhiên mà có.

Video liên quan

Chủ Đề