Vì sao nên cấm chuẩn đoán giới tính thai nhi

Với một nước dân số trẻ như Việt Nam, chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi vẫn luôn là đề tài được đông đảo công luận rất quan tâm. Đặc biệt, sự xuất hiện liên tục của các công nghệ mới trong y học có thể thúc đẩy hành vi lựa chọn giới tính thai nam, loại bỏ thai nữ trở nên ngày càng dễ dàng, đơn giản. Liệu những công nghệ mới có thể đẩy tỷ lệ chênh lệch giới tính nam nữ ở nước ta lên mức khủng khiếp hơn nữa hay không?

Có hay không thảm họa từ một phát kiến mới?

Gần đây, thông tin phát hiện được giới tính thai nhi ở tuần thứ 6 của thai kì đã khiến công luận xôn xao bàn tán. Nó không chỉ là mối quan tâm của những người đang mong muốn sinh con, mà còn làm dấy lên mối lo lắng trên toàn cầu về nguy cơ dẫn đến chênh lệch giới tính ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Người ta mới phát hiện ra rằng, ADN của thai nhi xuất hiện trong máu của mẹ ở tuần thứ 6 của thai kỳ. Từ đó, một bộ kít xét nghiệm đã được sản xuất để xác định mẫu ADN đặc hiệu chứa thông tin em bé đó là trai hay gái. Xét nghiệm này có độ chính xác lên tới hơn 98%, không ảnh hưởng đến thai nhi với giá khoảng 10 triệu đồng. Hiện một số nước ở châu Âu, Mỹ… đã áp dụng bộ kít này.

Mục đích chủ yếu của sự ra đời bộ kít này là để phát hiện sớm các bệnh di truyền. Ở những nước không xảy ra tình trạng chênh lệch giới tính, người ta không ghi nhận việc lạm dụng nó. Nhưng nếu được áp dụng ở một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam… thì bộ kít này rất có thể sẽ làm gia tăng các ca phá thai sớm.

Ở nước ta hiện nay, các ca phá thai từ 11 tuần trở lên phải có cam kết chặt chẽ giữa thai phụ và cơ sở y tế, để đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ. Thông thường, phải đến tuần thứ 12 mới có thể siêu âm phát hiện giới tính của thai nhi. Để chắc chắn, các thai phụ sẽ còn phải đợi lâu hơn nữa.

Vì thế, nếu muốn phá thai sau tuần thứ 12 vì lý do giới tính, mối lo ngại về sức khỏe, các biến chứng nguy hiểm, đạo đức, tình cảm… sẽ có thể khiến người ta chùn bước. Nhưng nếu giới tính thai có thể phát hiện sớm hơn, ví dụ ở tuần thứ 6, quyết định phá thai có thể đến nhẹ nhàng hơn, thủ thuật cũng đơn giản hơn… thì biết đâu thật sự thảm họa sẽ xảy đến.

Do các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi ở nước ta đều bị cấm, nên những công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực này khó mà du nhập vào Việt Nam. Tuy vậy, đây không phải là phát kiến mới duy nhất về chẩn đoán sớm giới tính thai nhi. Hơn nữa, nếu người ta thật sự muốn tìm thì hẳn sẽ tìm thấy, thậm chí chưa tìm đã có người đáp ứng.

Khoa học bị lạm dụng

Suy nghĩ "trọng nam khinh nữ" vẫn được xem là cổ hủ, lạc hậu, nhưng biên độ chênh lệch của tỷ suất giới tính khi sinh [TSGTKS] lại tăng dần theo trình độ học vấn của bà mẹ.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Việt Nam, nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn có TSGTKS là 107,1; nhóm trung học phổ thông và học nghề tăng lên 111,4; nhóm có trình độ cao đẳng trở lên tăng cao hơn là 113,9. Phụ nữ đã học hơn 10 năm phổ thông thường có tỉ lệ sinh con trai cao nhất.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc [UNFPA], ở nước ta, nhóm dân số nghèo nhất lại có TSGTKS là 105 - rất gần với mức bình thường, trong khi nhóm dân số giàu thì tỷ lệ này là 112 - mức không bình thường. Nước ta có TSGTKS không phải là cao đột biến so với các nước khác, nhưng biên độ tăng của nó trong vòng 5 năm trở lại đây thì thật chóng mặt. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm con số này đều đặn tăng thêm 1 điểm. Năm 2010, TSGTKS của Việt Nam đã ở mức 110,6/100.

Ở nước ta, tuy chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ về tác động của công nghệ tới mất tỷ lệ mất cân bằng giới tính, nhưng ở các nước đi trước về vấn đề này, mối liên hệ này đã được nghiên cứu kỹ. Từ khi xuất hiện phương pháp siêu âm giới tính, số bé trai ra đời tăng lên rất nhiều.

Dù những hậu quả từ việc dư thừa nam đã rất rõ ràng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, nhưng khi chưa tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả, công nghệ mới vẫn bị sử dụng để đẩy mức chênh lệch giới tính lên cao. Người giàu, người có học thì việc tiếp cận với khoa học hiện đại dễ dàng hơn là điều đương nhiên. Nhưng chuyện người có học lại sính quan điểm hủ lậu "trọng nam khinh nữ" hơn lại cho thấy sự phức tạp của vấn đề.

Những công nghệ như bộ kít xác định ADN đặc hiệu chỉ ra giới tính thai nhi, bị cấm và bị đổ lỗi oan. Vì bản thân khoa học không bao giờ có lỗi và chỉ thường được phổ biến vì những mục đích tốt. Chỉ có người sử dụng khoa học lạm dụng chúng vì những mục đích xấu.

Vì thế, việc bị cấm áp dụng công nghệ không những không hiệu  quả, mà còn dẫn đến bác sỹ, kỹ thuật viên tìm cách lách quy định, bệnh nhân có thể phải trả thêm chi phí bất minh để được biết giới tính thai. Cũng vì bị cấm, thay vì công khai minh bạch, các công nghệ mới có thể được áp dụng chui lủi, rò rỉ dưới dạng tin đồn, khiến người chịu thiệt vẫn là gia đình thai phụ.

Giống như bộ kít xác định ADN đặc hiệu ra đời để phát hiện sớm bệnh di truyền, các công nghệ khác như lọc rửa tinh trùng, siêu âm trứng rụng, siêu âm thai… được áp dụng vì những mục đích trong sáng và nhân đạo như phát hiện sớm dị tật, giúp người hiếm muộn, người có bệnh lý mang thai những đứa con khỏe mạnh… Vì những mục tiêu tốt đẹp đó, những công nghệ này ngày đêm được nghiên cứu và phát triển ở tầm cao hơn, chính xác và dễ thực hiện hơn. Nhưng với dụng ý xấu, sự phát triển của công nghệ bị lạm dụng thì sẽ đẩy đến những hậu quả khủng khiếp hơn.

Những lo ngại mới từ công nghệ

Các con số về TSGTKS ở nhiều nơi trên  thế giới vẫn đang ở mức rất "nóng" như Việt Nam 110,6/100, Ấn Độ là 112, Trung Quốc 120, Azerbaijan 117…, trong khi chỉ số này ở mức cân bằng chỉ là 103-107 bé trai/100 bé gái.  Nếu không có biện pháp can thiệp thích đáng, những công nghệ mới xuất hiện khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng dễ dàng hơn, thì con số chênh lệch sẽ gia tăng mất kiểm soát hơn nữa. Trên thực tế, dù có quy định cấm chẩn đoán giới tính thai nhi, nhưng ở nước ta, hiếm thấy có người phụ nữ mang thai nào không biết giới tính của con mình.

Nguy hiểm hơn, trong nước cấm thì người ta có thể ra nước ngoài để lựa chọn giới tính ngay từ khi chuẩn bị mang thai. Với đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, chi phí cho một ca sang Thái Lan, Singapore… để sử dụng dịch vụ y tế không phải là quá sức với rất nhiều gia đình.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA đã đưa ra bức tranh tương lai đáng lo ngại về TSGTKS  của Việt Nam dựa trên những phân tích số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Với đà này, nếu không được can thiệp, TSGTKS ở Việt Nam sẽ lên đến 115 vào năm 2015 và chắc chắn không dừng lại ở đó.

Hiện mức tỷ số giới tính ở nhóm tuổi trưởng thành [15-49 tuổi] đang cân bằng ở mức 100/100, nên chúng ta khó mà hình dung được đến năm 2049, tỷ số này sẽ là 113/100, dẫn tới dư thừa 12% nam giới trưởng thành trong giai đoạn 2009 - 2049. Nếu có chương trình và chính sách can thiệp mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân bằng TSGTKS, đẩy lùi thời điểm TSGTKS là 115 từ năm 2015 đến năm 2020 và đạt mức tỷ số cân bằng sinh học vào năm 2030; thì tỷ số giới tính với nhóm dân số ở tuổi trưởng thành vào năm 2044 sẽ là 110, chúng ta phải chịu hậu quả xã hội dư thừa nam giới trưởng thành một thời gian rồi dần dần quay lại mức cân bằng.

Ở mức lý tưởng, UNFPA đưa ra giả định, nếu TSGTKS ở mức ổn định là 105 được duy trì trong suốt giai đoạn 2009 - 2049, tức là nhóm dân số dưới 10 tuổi của năm 2009 không bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng giới tính như hiện nay, thì trong nửa đầu thế kỷ XXI, tỷ lệ dân số nam giới sẽ không tăng.

Tuy nhiên, UNFPA khẳng định, dù TSGTKS ở Việt Nam được quản lý và thay đổi theo hướng nào thì đến năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất sẽ là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về các thay đổi trong cơ cấu xã hội, về chuẩn mực văn hóa, nếp sống, nhất là cơ hội tìm vợ.

Đặc biệt, khi xã hội thừa nam, mối nguy hiểm lại không nhằm vào phía nam giới, mà lại hướng về phía… nữ giới. Dù là "của hiếm", nhưng vị thế người phụ nữ không vì thế mà được nâng lên. Trái lại, họ rất dễ trở thành đối tượng bị tranh cướp, vấn nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp hơn nữa.

Mối lo ngại tưởng như trái với lô gích này có nguyên do sâu xa là bởi hiện tượng dư thừa nam là hệ quả của tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Càng thừa nam thì càng thể hiện sự bất bình đẳng giới và vị thế người phụ nữ càng bị hạ thấp.

Do không thể ngăn sự phát triển và thâm nhập của công nghệ mới trong theo dõi và chăm sóc thai kỳ, người ta tính đến những sự thay đổi từ trong nhận thức của người dân. Có nền văn hóa rất gần với Việt Nam, Hàn Quốc đã và đang phải gánh chịu những hậu quả từ việc dư thừa nam giới. Nhưng hiện nay, mọi việc đã thay đổi.

Nếu như năm 1990, TSGTKS của Hàn Quốc ở mức rất đáng ngại với 116,5 bé trai/100 bé gái thì năm 2008, theo Cơ quan dữ liệu quốc gia Hàn Quốc, tỷ số này đã quay về mức cân bằng với 106,4 bé trai/100 bé gái. Trong năm 2009, Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát trên 2.087 gia đình có con mới sinh trong năm 2008, kết quả thật bất ngờ: 37% các ông bố thích con gái hơn con trai, trong khi chỉ có 29% vẫn thích có con trai, số bà mẹ thích có một cô con gái thì còn nhiều hơn nữa.

Tỷ lệ này phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị. Xu hướng thích có con trai trở nên thoái trào ở Hàn Quốc dĩ nhiên không phải vì người ta đã chán cảnh thừa nam và "bỗng dưng thích có con gái", mà bắt nguồn từ những hành động cụ thể. Từ năm 2005, Toà án Tối cao Hàn Quốc ra quy định phụ nữ đã kết hôn vẫn là thành viên gia đình cha mẹ đẻ.

Quy định quyền chủ hộ của đàn ông cũng bị tòa bãi bỏ. Phụ nữ có trách nhiệm bình đẳng với nam giới trong chăm sóc cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc cho phép có thể đặt tên con theo họ mẹ hoặc họ cha theo lựa chọn, chứ không nhất thiết chỉ theo họ cha. Ngoài ra, các cặp vợ chồng "sinh con một bề" là gái sẽ được hưởng trợ cấp xã hội khi về già.

Những điều này cho thấy, không hẳn tư tưởng muốn có con trai nối dõi đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm linh, quan niệm sống của người Việt sẽ là bế tắc, rất khó giải quyết, mà nó có thể bị "nhổ rễ" bằng những chính sách xã hội thiết thực, hợp lòng dân

Thanh Loan

Video liên quan

Chủ Đề