Vì sao nông dân việt nam nghèo

Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè [tỉnh Tiền Giang]. Do không bán được, nông dân chất lúa đầy trên bờ kênh suốt nhiều ngày liền chờ thương lái đến mua - Ảnh: Vân Trường

Dưới góc nhìn tổng thể, ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Ban Kinh tế trung ương, đã gửi cho Tuổi Trẻ bài viết phân tích dưới đây. Chúng tôi xin trích đăng:

Chạy theo số lượng

Tư duy lãnh đạo ngành nông nghiệp đã và đang tập trung cho sản xuất nhiều lúa gạo và sản lượng xuất khẩu gạo hằng năm, thậm chí quan tâm những thành tích này hơn tình trạng nghèo dai dẳng, đặc biệt là ở vùng đất ĐBSCL. Gần đây Bộ NN&PTNT cho phép nhập giống ngô biến đổi gen càng thể hiện rõ kiểu tư duy này.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần giảm 2 triệu ha [trong 7 triệu ha đất trồng lúa hằng năm] đất lúa để nuôi trồng cây con khác, nông dân sẽ giàu lên. Tuy nhiên, việc chuyển sang nuôi trồng các loại cây con khác có khả thi không và giảm bao nhiêu hecta đất lúa hay đất gieo trồng lúa... là những câu hỏi không dễ trả lời.

Ngoài ra, với diện tích 2 triệu ha đất trồng lúa chuyển đổi, việc chọn lựa giống cây con phù hợp, đầu tư cơ sở vật chất tương xứng và nhất là chuẩn bị thị trường tiêu thụ... là chuyện không đơn giản. Đặc biệt khi nước biển dâng, ĐBSCL sẽ bị ngập mất 30% hoặc 40% đất đai, chủ yếu là đất trồng lúa, trong khi ven biển miền Trung và đồng bằng sông Hồng cũng sẽ bị ngập một số diện tích không nhỏ, lúc ấy cả nước còn bao nhiêu diện tích đất trồng lúa? Vậy giảm diện tích gieo trồng lúa chưa phải là giải pháp thoát nghèo vững chắc cho nông dân.

Trong thực tế, nông dân vẫn trồng xen cây con khác nhưng chuyển đổi cây trồng vật nuôi với quy mô lớn không dễ dàng do thiếu thị trường, thiếu tổ chức, thậm chí do lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Nông dân nghèo vì chỉ giỏi sản xuất mà không nắm thị trường, không chủ động đầu vào và càng không nắm được thị trường đầu ra.

Trong khi đó, với hệ thống tổ chức nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, khuyến nông, hệ thống nghiên cứu khoa học, các viện, trường đại học và cả hệ thống tham tán thương mại khắp thế giới... , Nhà nước cũng chưa thể hướng dẫn nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả.

Quê tôi ở ĐBSCL, giữa hai bờ sông Tiền sông Hậu có vùng đất nổi tiếng trồng cam sành. Có người bà con mang cho tôi chục cam dặn cam này để dành gia đình ăn, vỏ sần sùi không đẹp, còn cam để bán thì trái to, da láng đẹp vì phun xịt hóa chất.

Vườn nhà cháu tôi cỏ mọc um tùm, tôi hỏi sao không dọn cỏ cho sạch, nó nói: lo gì cậu ơi, cháu chỉ xịt thuốc diệt cỏ một lát là sạch ngay.

Làm sao người nông dân chất phác thật thà lại có những thói quen tai hại đó? Hóa chất Trung Quốc và không rõ nguồn gốc tràn lan, ai cho nhập khẩu, ai quản lý buôn bán, ai hướng dẫn nông dân trồng trọt...?

Không ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

Có thể nói chỉ có khoa học kỹ thuật [và công nghệ] mới giúp nền nông nghiệp nước ta chuyển từ lượng sang chất. Chúng ta đang thừa lúa gạo phẩm chất thấp mà thiếu lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao.

Không phải khoa học công nghệ không làm ra được giống lúa tốt cho dân. Nhưng do trên thị trường nội địa hiện phần lớn hoạt động mua bán gạo đều dựa vào thương lái, họ không có vùng nguyên liệu riêng, chủ yếu mua gom lúa các loại rồi trộn chung, nông dân có trồng lúa giống tốt thì thương lái cũng không mua giá cao, không bù được chi phí sản xuất.

Phải tổ chức lại sản xuất

Khoa học công nghệ là yếu tố rất quan trọng khi tái cơ cấu nông nghiệp. Điều đó là đúng, là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trong tình hình hộ nông dân làm ăn riêng lẻ chiếm đại đa số thì không thể đưa khoa học công nghệ vào, dẫn đến không có sản phẩm hàng hóa ổn định với chất lượng cao, sản lượng lớn và chất lượng đồng đều, đồng phẩm cấp theo yêu cầu khó tính của thị trường. Do đó phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, phù hợp.

Nhiều địa phương hiện đang phát triển cánh đồng mẫu lớn là tốt, cần coi trọng. Tuy nhiên, cánh đồng mẫu lớn mới là phát triển lực lượng sản xuất, còn quan hệ với nhau giữa các chủ hộ cũng như "quan hệ ba nhà", nhất là với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, rất lỏng lẻo, dễ bể hợp đồng. Cần phải có một hình thức tổ chức thích hợp, gắn bó hữu cơ không thể tách rời, có lợi ích nội tại, có động lực nội tại, như công ty sản xuất và kinh doanh nông sản, công ty cổ phần nông nghiệp, trang trại nông nghiệp, hợp tác xã [HTX] nông nghiệp như ở các nước phát triển...

Hộ nông nghiệp và người nông dân đi lên sản xuất lớn, tập trung chuyên canh, chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đúng đắn chứ không thể bằng con đường làm ăn cá thể như lâu nay. Tôi thấy có một số vị lãnh đạo rất e ngại hình thức HTX vì đã từng thất bại trong quá khứ. Song HTX là hình thức tổ chức đã tồn tại hàng mấy trăm năm, "là di sản văn hóa đồ sộ của nhân loại", đã trải qua thách thức nghiệt ngã của kinh tế thị trường mà vẫn có sức sống mạnh mẽ cho đến nay ở nhiều nước, kể cả châu Âu [Đức, Áo, Ý, Bắc Âu...], châu Mỹ [Canada, Mỹ Latin...], châu Á...

Phải tập trung giải quyết hai nguyên nhân trực tiếp tác động tiêu cực đối với nông nghiệp là không sử dụng được khoa học công nghệ đúng đắn, đúng mức và không chủ động được thị trường, giỏi sản xuất mà không giỏi kinh doanh. Đó là phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hộ nông dân, tích cực tích tụ tập trung ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời xây dựng hình thức quản lý thích hợp.

Một hình thức cơ bản mà Nhà nước cần có chủ trương là tổ chức hộ nông dân vào HTX. Trong đó, hộ nông dân là những hộ sản xuất trực tiếp trên mảnh ruộng có sổ đỏ của mình. Các chủ hộ sản xuất này thành lập HTX do mình làm chủ, có hội đồng quản lý gồm toàn thể [đối với HTX quy mô nhỏ] hoặc đại diện các hộ chủ ruộng [đối với HTX quy mô lớn], có chủ tịch hội đồng quản lý, có tổ chức kiểm soát.

Nên sửa lại Luật hợp tác xã

Quan hệ sản xuất mới là yêu cầu bức xúc bậc nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay, để cùng khoa học công nghệ tạo điều kiện cần và đủ đưa nông nghiệp phát triển vững chắc.

Đặc biệt, phải sửa Luật hợp tác xã phù hợp tình hình thực tế, trước hết là đổi mới tư duy của lãnh đạo ngành và một số cơ quan liên quan xem hợp tác xã nông nghiệp chỉ là tổ chức nhỏ lẻ và chỉ biết sản xuất mà không kinh doanh. Kiến nghị Chính phủ thành lập một ủy ban chuyên trách [hoặc bộ] tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, hình thành quan hệ sản xuất mới trong giai đoạn hiện nay.

PHẠM CHÁNH TRỰC [nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên phó trưởng Ban Kinh tế trung ương]

Lấy công làm lời, có tiền từ đồng ruộng quê mình là hạnh phúc của người nông dân. Trong ảnh: nhân công cấy lúa ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đặc biệt là nông dân vùng trồng đất lúa.

Khâu nào cũng phải chi

Thứ nhất là chuyện nước. Muốn có nước phải chi tiền. Ngày trước, tại nhiều nơi ở ĐBSCL, nông dân canh nước lớn để thả nước vô ruộng. Bây giờ có đê bao, nông dân khỏi canh nước, nhưng phải trả tiền cho chủ trạm bơm. Thực tế mùa hạn mặn năm nay, nhà nông vùng sông nước ĐBSCL phải chi tiền nhiều hơn để có nước ngọt giữ đồng lúa, vườn cây, ao cá. Và cái khó còn kéo dài.

Thứ nhì là chuyện phân bón. Ngày chưa có đê bao, nông dân làm lúa chỉ hai vụ, còn lại là cho đất nghỉ. Mùa khô có trùn, dế làm tơi đất. Mùa nước có phù sa bồi đắp. Đất tốt tự nhiên nên ít dùng phân bón hóa học. Ngày nay làm ba vụ lúa, phải bón phân nhiều và theo đó cũng phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tốn tiền hơn cho phân và thuốc.

Thứ ba là chuyện canh tác. Giờ hầu hết các khâu đều do máy móc làm. Chuyện vần công, đổi công, thuê mướn nhân công làm ruộng ngày càng hiếm. Giờ nông dân trả tiền cho chủ máy.

Thứ tư là chuyện bán. Thay cho cách trữ lúa và xay gạo bán dần, ăn dần ngày trước, nay nông dân bán hết lúa tươi tại ruộng rồi mua lại gạo chợ để ăn, mất tiền cho "cò" lái lúa và mất cho người bán gạo.

Nông nghiệp hiện đại đã làm ra sản lượng nông sản lớn hơn, đáp ứng tốt hơn việc cung cấp đủ lương thực với giá cả hợp lý. Nông nghiệp hiện đại cũng tạo ra nguồn cung lao động dôi dư từ nông nghiệp cho các ngành nghề khác.

Nhưng nông nghiệp hiện đại đã tạo ra sự phân hóa và chênh lệch lớn về thu nhập trong nội bộ nông dân. Một bộ phận nhanh nhạy nhất đã thành công bằng cách trang bị sớm các loại máy móc, thiết bị. Một bộ phận khác vẫn giữ lại ruộng đất nhưng phải đi làm nghề khác kiếm sống. Bộ phận còn lại vẫn chỉ chuyên làm nông và dần trở nên nghèo đi.

Làm sao để bớt nghèo?

Có người nói vui một cách cay đắng rằng nông dân thời bây giờ "sướng" lắm, còn đâu một nắng hai sương! Mọi khâu đều có dịch vụ, máy móc đảm trách. Vì vậy, thu nhập của nông dân vốn dĩ từ đất và từ công lao động trên đất, giờ chỉ còn một. Thu nhập từ công lao động đã rơi hết vào chủ các dịch vụ và khâu trung gian. Nông dân chỉ còn trông cậy vào đất. Điều đó lý giải vì sao nông dân luôn nghĩ tới việc gia tăng năng suất, bất chấp chất lượng.

Với thu nhập trên 1ha lúa chỉ từ 40-50 triệu đồng/năm, hoàn toàn không đủ chi cho gia đình bốn nhân khẩu. Không nhiều nhà có được 1ha đất lúa. Trong trường hợp phải nuôi con đi học, hoặc có người thân bị ốm đau bệnh tật, người làm lúa thường sẽ rơi vào cảnh túng quẫn.

Giải pháp khả dĩ nhất được nhiều nông dân chọn là làm thêm ngành nghề khác để bù đắp thu nhập. Nhiều khu vực nông thôn ngày nay đã phát triển các nghề phụ như đan lát, thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, khi thu nhập chủ yếu lại đến từ ngành nghề phi nông nghiệp, nông dân lại không toàn tâm với đất.

Giải pháp căn cơ nhất là nông dân phải "chung làm, chung mua, chung bán" theo tư tưởng về hợp tác xã, thực hiện "hợp tác, liên kết" theo tinh thần của đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Nông dân có thể chủ động tham gia hợp tác xã để thu lợi nhuận, giảm được chi phí [trước nhất là chuyện tưới tiêu trước thực tế ngày càng khó khăn hơn về nguồn nước ngọt]. Có những nhóm nhỏ nông dân hùn vốn với nhau để mua sắm máy móc, lò sấy. Mỗi nhóm mỗi loại máy để có thể đổi công hoặc thuê lẫn nhau. Mỗi nhóm có thể liên kết với một hoặc nhiều thương lái để tự bán lúa.

Có những nông dân tự học làm phân hữu cơ, bón xen với phân hóa học, vừa tốt cho đất, vừa đỡ tốn chi phí vụ mùa. Nông dân cũng có thể thực hiện sinh kế kết hợp bằng cách nuôi cá tôm, hoặc nuôi vịt chung với ruộng lúa.

Đã có những người tiên phong thay đổi nhưng vẫn chưa phát triển rộng khắp. Bởi trừ khi có thật nhiều đất, bằng không, nông dân không thể nào giàu được nếu làm nông nhưng không được đổ mồ hôi trên đất, không có thêm tiền từ việc đồng áng, và phải chi phí đủ thứ cho máy móc như hiện nay.

Nông dân bán lớp đất mặt ruộng: Thiệt hại lâu dài!

VĂN LỢI

Video liên quan

Chủ Đề