Cách sử dụng thuốc ngủ hiệu quả

Ước tính có khoảng 1/10 đến 1/3 dân số thế giới mắc phải rối loạn giấc ngủ với các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Có nhiều lý do khiến bạn mất ngủ: căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống, xáo trộn giờ sinh hoạt hoặc các vấn đề về sức khỏe.

Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, nhiều người bệnh đã tự mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, có tới 50% những người tự mua thuốc ngủ gặp phải tác dụng phụ, như buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn hoặc hay quên vào sáng hôm sau. Một số khác lại cảm thấy thuốc không hiệu quả…

Biện pháp điều trị mất ngủ

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc để điều trị chứng mất ngủ. Mỗi loại có tác dụng khác nhau nhưng chủ yếu những thuốc này có tác dụng gây buồn ngủ hoặc giúp người bệnh bớt lo lắng, căng thẳng trước giờ ngủ.

Thuốc an thần: Nhóm lâu đời nhất là benzodiazepine. Thuốc này tác động khá mạnh, kèm theo giải lo âu. Tuy nhiên, chỉ nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn. Nếu dùng thuốc an thần lâu ngày sẽ gây “nghiện”, hay “lờn thuốc”. Khi đã lờn thuốc thì bạn vẫn mất ngủ dù tăng liều thuốc lên nhiều lần. Ngoài ra, nếu bạn mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, thuốc này sẽ làm bệnh nặng hơn.

Thuốc “Z” [dựa theo tên gọi]: gồm zopiclone, eszopiclone, zolpidem. Các thuốc này ít có nguy cơ gây nghiện hơn, nhưng cũng chỉ dùng ngắn hạn.

Thuốc chống trầm cảm, lo âu: gồm nhiều nhóm khác nhau, ít nguy cơ gây nghiện nhưng vẫn phải dùng đúng chỉ định của bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ. Với các thuốc này, giấc ngủ thường chỉ cải thiện rõ sau 2 - 4 tuần điều trị. Thuốc thường được kê điều trị mất ngủ do trầm cảm, lo âu.

Thuốc kháng histamine: là thuốc chống dị ứng, có tác dụng phụ là gây ngủ. Thuốc này phù hợp với các bệnh nhân mất ngủ kèm ngứa, viêm mũi dị ứng. Thuốc có thể gây tác dụng phụ gây khô miệng, chóng mặt,…

Melatonin: là hormone của giấc ngủ, thường dùng cho trường hợp mất ngủ kèm rối loạn nhịp sinh học, như ngủ quá trễ, dậy quá sớm, lệch múi giờ.

Với những người chỉ khó ngủ đầu giấc, cần dùng loại thuốc tác dụng nhanh, không kéo dài. Một số khác lại thức dậy giữa đêm và khó ngủ trở lại, nhóm này cần dùng thuốc tác dụng chậm và kéo dài hơn, nhưng có khả năng là thuốc vẫn không hết tác dụng vào buổi sáng, gây buồn ngủ ban ngày.

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Việc dùng thuốc không đúng bệnh sẽ không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng.

Để điều trị mất ngủ, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

Làm sao để sử dụng thuốc an toàn?

Để an toàn, bạn có thể dùng các loại thuốc ngủ thảo dược với liều lượng được khuyên dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc. Bạn cũng có thể sử dụng các bài thuốc dân gian như tim sen, lạc tiên,…

Lưu ý, không nên tự ý dùng thuốc ngủ mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc an thần mạnh. Lạm dụng thuốc ngủ sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc gây khó chịu do tác dụng phụ.

Nên nhớ, thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời chứ không chữa được bệnh mất ngủ. Việc xác định nguyên nhân mất ngủ rất quan trọng trong điều trị. Vì vậy, cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể giải quyết triệt để được mất ngủ.

 Ngoài ra, với những người mắc bệnh gan, thận, người cao tuổi nên cẩn thận khi dùng thuốc ngủ vì thuốc có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

Phương pháp không dùng thuốc

Bên cạnh thuốc ngủ, điều quan trọng là cần luyện tập vệ sinh giấc ngủ, bao gồm: tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ; cố gắng duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy cùng 1 thời điểm mỗi ngày; tránh dùng đồ uống có cồn [rượu, bia] trước khi đi ngủ; tránh dùng thức uống chứa caffein [cà phê, trà] từ sau 3 giờ chiều; tránh ngủ trưa quá nhiều, không ngủ trưa sau 3 giờ chiều; ăn tối không trễ quá, không ăn quá no; tránh tập thể dục nặng trong vòng 2 giờ trước khi ngủ.

Không nên nằm trằn trọc trên giường quá 20 phút. Bạn có thể ra khỏi giường làm việc gì đó nhẹ nhàng và chỉ quay lại giường khi mỏi mắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu đã thử luyện tập vệ sinh giấc ngủ, dùng các loại thuốc thảo dược mà vẫn không hiệu quả, hoặc mất ngủ trên 1 tháng, hoặc ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, đó là lúc bạn nên đến gặp bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc, hiện có phương pháp không dùng thuốc đã được chứng minh có hiệu quả tương đương, đó là liệu pháp nhận thức - hành vi, thường được các chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ sử dụng. Nếu kết hợp liệu pháp này cùng với thuốc, hiệu quả sẽ lâu dài hơn và giảm được tác dụng phụ của thuốc.     


ThS.BS. Bùi Diễm Khuê

Bài viết bởi Dược sĩ Dương Thanh Hải - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc an thần gây ngủ là nhóm thuốc làm chậm hoạt động của bộ não, tạo ra cảm giác thư giãn, nên thường được dùng để điều trị lo âu và rối loạn giấc ngủ. Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng và phải được kê đơn bởi bác sỹ. Khi sử dụng thuốc không hợp lý, có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc bị lệ thuộc và nghiện thuốc.

Nhóm thuốc an thần gây ngủ thường được chia thành 3 loại theo cấu trúc hóa học bao gồm:

  • Benzodiazepines: là loại thuốc an thần gây ngủ khá quen thuộc do thường được ưu tiên sử dụng. Các hoạt chất thuốc thường dùng là diazepam, bromazepam, clonazepam với một số tên thương mại phổ biến như Seduxen, Valium, Lexomil, Rivotril...
  • Barbiturate: là các thuốc phenobarbital [Gardenal], pentobarbital [Nembutal]. Loại thuốc này hiện nay ít được dùng để an thần, gây ngủ do có nhiều tác dụng không mong muốn hơn. Tuy nhiên, loại này vẫn được dùng với mục đích chống co giật hoặc gây mê.
  • Thuốc ngủ “Z – drugs”: zolpidem [Stilnox, Ambien], eszopiclone [Lunesta], zaleplon [Sonata]. Đây là loại thuốc được ưa dùng trong rối loạn giấc ngủ nhờ tác dụng gây ngủ êm dịu và ít khi xảy ra nhờn thuốc và hội chứng cai khi ngừng thuốc.

Các thuốc an thần gây ngủ thường tác động lên não thông qua một chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA, viết tắt của acid gamma – aminobutyric. GABA có tác dụng làm giảm hoạt động của thần kinh trung ương. Mặc dù các thuốc an thần có cách thức hoạt động khác nhau nhưng đích đến cuối cùng đều làm tăng hoạt tính của GABA và tạo ra cảm giác thư giãn. Chính vì vậy, ở mức liều dùng phù hợp, các thuốc này sẽ có lợi ích trên những người bị lo âu, căng thẳng hoặc rối loạn giấc ngủ. Đôi khi, một số thuốc trong nhóm này còn được sử dụng để gây mê, chống co giật, giảm đau, thư giãn cơ...

Thuốc an thần Benzodiazepines

Các thuốc an thần gây ngủ rất dễ bị lạm dụng và chỉ được sử dụng theo đơn của bác sỹ.

Trong những ngày đầu tiên khi mới sử dụng thuốc, người bệnh có thể cảm thấy lơ mơ, đứng không vững, ngủ gật và khó tập trung. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo.

Khi sử dụng thuốc an thần gây ngủ, hệ thần kinh trung ương sẽ hoạt động chậm lại. Trong thời gian này, người bệnh nên tránh các hoạt động cần tập trung cao như lái xe hay vận hành máy móc. Để phòng tránh các tác dụng có hai có thể xảy ra, nên tránh dùng thuốc an thần gây ngủ đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác: ví dụ như một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc chống dị ứng. Không được uống rượu trong thời gian dùng thuốc.

Người bệnh không nên lạm dụng thuốc an thần

Ở liều thấp, thuốc làm giảm bớt căng thẳng lo lắng, nhưng khi liều dùng càng cao thì có thể gặp phải một số tác dụng có hại như: nhìn mờ, thở chậm, nói ngọng, giảm nhận thức. Quá liều thuốc an thần có thể gây ra hôn mê, mất ý thức và tử vong. Đặc biệt là trẻ em hoặc người cao tuổi. Trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ dùng lâu dài các thuốc an thần gây ngủ cũng có thể gặp phải các vấn đề liên quan đến hô hấp, ăn uống, hay quấy khóc hoặc rối loạn giấc ngủ.

Sau một thời gian dùng thuốc, người bệnh có thể bị nhờn thuốc và cần phải sử dụng liều cao hơn để đạt được tác dụng như trước. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý tăng liều mà cần thông báo cho bác sỹ biết thuốc không còn có hiệu quả nữa. Lúc này, bác sỹ sẽ tư vấn, lựa chọn và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Khi dùng thuốc kéo dài [thường trên 10 ngày], có thể xảy ra tình trạng lệ thuộc và nghiện - nguy cơ chung của hầu hết các thuốc an thần gây ngủ.

Lệ thuộc thuốc là khi cơ thể bạn bắt đầu phụ thuộc vào thuốc, hoặc có thể bạn phải dùng liều cao hơn để đạt được tác dụng an thần, gây ngủ như mong muốn. Nếu ngừng thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của bạn. Các thuốc an thần gây ngủ làm chậm hoạt động của bộ não, nên khi ngừng thuốc, bộ não có thể phản ứng bật lại quá mức dẫn đến xuất hiện triệu chứng cai thuốc như là co giật, bồn chồn, lo lắng không yên, thậm chí biến chứng nặng hoặc tử vong với một số thuốc. Thời gian xuất hiện hội chứng cai và mức độ nặng của mỗi thuốc là khác nhau. Với các thuốc tác dụng ngắn, hội chứng cai thường xuất hiện sớm trong khi các thuốc có tác dụng kéo dài sẽ xuất hiện muộn hơn. Do đó, người bệnh không nên ngừng thuốc đột ngột, nếu muốn ngừng thuốc, cần phải giảm dần liều theo thời gian dưới sự tư vấn của nhân viên y tế.

Người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp

Nghiện thuốc có nghĩa là cảm giác khao khát được dùng thuốc ngay cả khi thuốc không có hiệu quả, thậm chí là gây hại và ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc công việc hàng ngày. Khi đã bị nghiện thuốc, người bệnh sẽ cảm thấy không thể bỏ thuốc được. Đây là vấn đề có thể kéo dài nhiều năm trời. Để phòng tránh nguy cơ này, người bệnh cần phải sử dụng thuốc chính xác như đơn kê, không tự ý mua thêm hoặc tăng liều thuốc. Cần phải thông báo cho bác sỹ biết về loại thuốc, liều lượng, tần suất, thời gian và hoàn cảnh mà người bệnh đã dùng các thuốc an thần – gây ngủ.

Lo âu và rối loạn giấc ngủ là những tình trạng rất hay gặp trong thời đại ngày nay. Ngoài các thuốc an thần gây ngủ, người bệnh nên được trị liệu bởi các biện pháp thư giãn tâm lý, vệ sinh giấc ngủ hoặc sử dụng các loại thảo dược, thuốc có nguồn gốc thảo dược như tâm sen, lạc tiên, rotudin...

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 [phím 0 để gọi Vinmec] hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

XEM THÊM:

Video liên quan

Chủ Đề