Cái tôi trong văn học là gì

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cái tôi hay bản ngã có thể chỉ tới một trong các khái niệm sau.

Khái niệm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trong triết học, "cái tôi" được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
  • Trong phân tâm học, "cái tôi" [ego] là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Theo Sigmund Freud, "cái tôi" cùng với "nó" [id] và "cái siêu tôi" [superego] là ba miền của tâm thức. "Cái tôi" được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, "cái tôi" học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. "Cái tôi" có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội.
  • Trong triết lý Phật giáo, "cái tôi", thường gọi là "ngã", là "cái tôi" được thiết thuyết với một thể tính trường tồn, không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử. Đạo Phật, đặc biệt là truyền thống nguyên thủy [Nam Tông, Tiểu thừa], không công nhận sự hiện diện "sự có mặt" của một "ngã" như tâm lý học. Cái mà người ta hiểu lầm là cái tôi thì nó được cấu thành từ Sắc [phần thân thể] và Danh [phần tâm thức] biến đổi không ngừng trong từng sát na [đơn vị nhỏ nhất của thời gian]. Danh gồm những tiến trình tâm, một tiến trình có tâm vương [là tâm chủ] và các trạng thái tâm thuộc tâm vương, gọi là các tâm sở. Danh gồm 4 phần Thọ [cảm giác], Tưởng [tư tưởng, hồi tưởng], Hành [các hoạt động tâm có tác ý], Thức [đồng sanh và đồng diệt với Thọ Tưởng Hành]. Hành có 50 tâm sở [trạng thái liên kết với Tâm Vương, hay Tâm Chủ, hay gọi tắt là Tâm, hoặc là Thức]. Theo như Phật Thích Ca thuyết [trong Kinh Vô Ngã Tướng] thì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường; cái gì vô thường thì mang bản tính hoại diệt nên khổ; cái gì là khổ, sinh lên tùy nhân duyên thì là vô ngã [không có cái tôi, không có cốt lõi vững bền].

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vô ngã

Từ thế kỉ XVIII - XIX, sự phát triển của Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, dựa trên mối quan hệ trực tiếp giữa con người và Chúa trời, đặc biệt qua việc các con chiên xưng tội, đã góp phần ít nhiều vào sự vươn dậy của ý thức cá nhân. Các cha truyền đạo đầu tiên tới Việt Nam đã chọn dịch trong kinh cầu nguyện, ngôi thứ nhất, số ít và số nhiều, bằng “tôi” và “chúng tôi”[2]. Bên cạnh đó, hình thành một dòng văn học Thiên Chúa giáo đầy năng động[3]. Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, in tại Sài Gòn năm 1887, có thể coi là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên theo nghĩa hiện đại. Viết bằng chữ quốc ngữ, không bằng thơ mà văn xuôi, sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, kể một câu chuyện xảy ra thời hiện tại, ở Việt Nam, điều này cực kì mới so với các tác phẩm trước đó thường mượn không gian và điển tích nước ngoài. Tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản còn nổi bật vì đã xây dựng cho nhân vật một cuộc sống nội tâm phức tạp: Lazaro Phiền ghen tuông mù quáng, hãm hại bạn và giết oan vợ, rồi chết mòn trong hối hận. Hơn nữa, Truyện thầy Lazaro Phiền có hai cái “tôi” - của người kể chuyện và của nhân vật chính - để Lazaro Phiền được nhìn từ bên trong và bên ngoài, cũng như sự việc được đánh giá vừa chủ quan vừa khách quan. 

Đầu thế kỉ XX, dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, con người, nhất là trong khu vực đô thị, ngày càng có ý thức về sự tồn tại của mình như một đơn vị độc lập. Trong những năm 1930, phong trào Tự lực văn đoàn, qua cuộc cách tân văn chương rộng lớn, là tiếng nói của cá nhân đòi quyền tự do được yêu và được sống. Tuy nhiên, nhìn chung, đại từ “tôi” xuất hiện nhiều trong thơ, báo chí, trên các diễn đàn văn học, rất ít truyện được viết ở ngôi thứ nhất. Có lẽ cái “tôi” dù hư cấu, người Việt của những năm đầu thế kỉ trước vẫn cảm thấy ngại ngần khi dùng nó.

Tố Tâm, in năm 1925 của Hoàng Ngọc Phách, vì vậy phải được đọc như một cách tân quan trọng, không chỉ vì dám tả một mối tình trai gái đắm say bất hạnh nhằm đả phá một xã hội thực dân nặng nề nho học, mà chính vì đó là một trong những tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên sử dụng thể loại thư và nhật kí, để cái “tôi” nội tâm mâu thuẫn nhất, thầm kín nhất của nhân vật nữ được bộc lộ, phân tích, mổ xẻ. Hơn nữa, phần lớn câu chuyện được Đạm Thủy, nhân vật chính, kể ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. Đó là chưa kể một cái “tôi” nữa của nhân vật người kể chuyện, được giới thiệu như một đồng nghiệp của Đạm Thủy, xuất hiện ở đầu tiểu thuyết, với nhiệm vụ dẫn chuyện và ghi lại toàn bộ cuộc tình theo lời kể của Đạm Thủy. Như thế, một tình tiết có thể được truyền lại cho độc giả qua nhiều cái “tôi”, với những cảm nhận khác nhau, để diễn đạt được tính hỗn tạp của cuộc sống và thế giới, như nó vốn thế.

Và đương nhiên chữ tôi “với cái nghĩa tuyệt-đối của nó” [nói theo Hoài Thanh] đang trỗi dậy trong Thơ mới, chắc chắn có những vang vọng không nhỏ trong truyện ngắn và tiểu thuyết đương thời. Có lẽ những tiếng nói kiểu như Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh… hay Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất… cũng đang nảy mầm trong văn xuôi để Việt Nam lần đầu tiên có được những tự truyện văn học đích thực.

Những ngày thơ ấu [1938] của Nguyên Hồng và Cỏ dại [1943] của Tô Hoài là hai tự truyện ra đời trong bối cảnh văn chương đó. Cá nhân, tuổi thơ, gia đình, cha mẹ, quê hương - những giá trị thiêng liêng nhất của mỗi con người, đặc biệt người Việt - được các tác giả đưa ra soi rọi dưới thứ ánh sáng nghiệt ngã nhất, trần trụi nhất, nhằm chạm được “sự thật” của chính mình. Điều đáng ngạc nhiên là cả hai tác phẩm trên đều được viết khi tác giả của chúng còn rất trẻ, Nguyên Hồng tròn 20 và Tô Hoài 23. Lần đầu tiên trong văn học Việt, các tác giả, những người chỉ đứng ở vị trí tầm thường trong thang bậc xã hội và văn đàn lúc đó, lại dám biến cái “tôi” của mình thành trung tâm và chất liệu chính của tác phẩm, soi kính hiển vi lên từng chi tiết, từng cử động nhỏ nhất của tâm hồn mình. Một điểm đáng chú ý nữa: cả Nguyên Hồng và Tô Hoài đều sinh ra trong những gia đình theo đạo Thiên Chúa. Khó có thể khẳng định một cách dứt khoát, như trường hợp Nguyễn Trọng Quản, về ảnh hưởng của tôn giáo đến thế giới quan của hai nhà văn. Nhưng rõ ràng họ không giấu giếm những tập tục tín ngưỡng của người thân, và như thế, mặc định dấu vết của chúng trong những năm tháng hình thành tính cách cá nhân. Điều này cho phép chúng ta đặt giả thuyết về mối liên quan giữa Thiên Chúa giáo và những cột mốc của cái “tôi” trong văn học Việt Nam. Từ Nguyễn Trọng Quản cuối thế kỉ XIX, đến Nguyên Hồng và Tô Hoài đầu thế kỉ XX, và Nguyễn Việt Hà, một trong những nhà văn xuất sắc hiện nay, câu hỏi được đặt ra: Tại sao các tác giả ít nhiều ràng buộc với đạo Thiên Chúa này lại đặt vấn đề về cái “tôi” một cách quyết liệt như vậy? Đương nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, và nó cần phải được chứng minh một cách khoa học.

Giai đoạn từ 1954 đến 1986, cái “tôi” hiếm khi xuất hiện trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó thường lẫn vào cái “chúng ta”, cái “chúng tôi” của văn học chính thống đề cao tinh thần tập thể và chủ nghĩa dân tộc. Nhưng từ ngày Đổi mới, khi sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ được coi trọng, thì cái “tôi” lại lên ngôi. Qua nó, các nhà văn bộc bạch, giãi bày, thuyết phục. Điều này có thể thấy qua tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh…

Hành trình của cái “tôi” trong văn học Việt cho thấy nó gắn liền với những bước thăng trầm của hệ tư tưởng, từ đạo Khổng đến văn minh phương Tây, học thuyết Marx - Lenin… Ở bất cứ quốc gia nào, trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, quan niệm về con người và cá nhân bao giờ cũng là nền tảng thẩm mĩ, được thể hiện rõ nét qua các văn bản nghệ thuật. Vì vậy, cách trình bày cái “tôi” trong văn học có thể coi là một hàn thử biểu để đánh giá sự phát triển của xã hội. Hôm nay, sự bùng nổ của nó trong các tác phẩm đương đại phản ánh cùng lúc những thay đổi của xã hội Việt Nam và những nỗ lực của văn chương đi tìm một cơ sở mĩ học mới.

Những cái “tôi” hư cấu
 

Văn học, cũng như mọi nền nghệ thuật khác, vận hành theo những mạch ngầm. Các tác giả như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng không đợi đến 1986 để đổi mới. Những năm 1960, nhân vật của Trần Dần đã mơ có một nghìn căn cước. Không chỉ Những ngã tư và những cột đèn, mà Ghi, Cổng tỉnh, Sổ bụi... cũng là những sáng tạo vô cùng táo bạo của thể loại nhật kí hư cấu. Khuynh hướng của một số nhà văn trẻ hiện nay, theo tôi gần với Trần Dần và những phiêu lưu hậu-hiện-đại hơn là những tìm kiếm của thế hệ ngay trước họ. Văn học Việt Nam đương đại có những chuyển động trong bóng tối, những lối đi tắt và những con đường vòng như thế.

  Mở đầu thời kì Đổi mới, nhà văn có nhiều công phá nhất là Nguyễn Huy Thiệp. Tướng về hưu [1986] được viết ở ngôi thứ nhất: mọi sự việc, các nhân vật [ngay cả ông tướng] đều được mô tả dưới một góc nhìn duy nhất, thông qua cái “tôi” của người con trai. Và cái “tôi” đó không đơn giản chút nào: không cá tính, không chân lí, phi-anh-hùng, bình thường, thậm chí tầm thường, của thời hậu chiến. Dường như hờ hững, nhưng nó lại là một lời xét đoán về thế hệ tham chiến. Hơn thế nữa, tác giả coi sự ra đi của người cha là điều kiện thiết yếu để người con cầm bút. Viết để kết thúc với cuộc chiến [của người cha]. Viết để thiết tạo giá trị mới [về tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật...]. Viết để được nói “tôi”. Đó chính là thông điệp của thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài…?

Cái “tôi” hậu chiến đó có lẽ là khởi điểm cho những cái “tôi” gạch nối hai thế kỉ của thế hệ lớn lên sau chiến tranh. Trong Trí nhớ suy tàn [1998], Nguyễn Bình Phương cho nhân vật chính - người kể chuyện - xưng “em”. Cái “em” lấp lửng giữa ba ngôi giảm đi cái “tôi-là-trung-tâm-vũ-trụ”. Cơ hội của Chúa [1999] của Nguyễn Việt Hà gồm nhiều ghi chép nhật kí của bốn nhân vật chính, để các sự việc được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, bởi bốn cái “tôi”. Các thông tin bổ sung nhau, nhiều khi đối lập nhau. Tiểu thuyết thể hiện một thế giới không khép mà mở, không xác thực mà đầy bất ổn như nhân vật chính đã viết: “Chân lí là khái niệm cực đoan. Một khái niệm rỗng, đúng với người này và sai với người kia”.

Sau này, ở những cái “tôi” của Thuận ngày càng ít cái mà văn học vẫn gọi là “chiều sâu nội tâm”. Viết ở ngôi thứ nhất, theo thông lệ, Chinatown [2004] lẽ ra phải là nơi nhân vật chính tự phân tích, soi rọi những ám ảnh thầm kín nhất. Nhưng tác giả đã làm ngược lại: khôi phục cho “tôi” những bóng tối của nó. Đọc Chinatown, những đoạn nhân vật chạm đến cuộc sống bên trong, người ta thường gặp những câu treo lơ lửng: “Tôi lên thư viện tôi hỏi Freud. Hai bảy tuổi có phải là quá chậm. Ba mươi chín tuổi có phải là quá chậm”.

Song song [2008] của Vũ Đình Giang lại là những cái “tôi” được mô tả qua bản năng dục tính. Nhưng nếu trong các tác phẩm đương đại khác, đề tài đồng tính luyến ái thường được đặt trong cuộc xung đột với xã hội và gia đình dựa trên các giá trị luân lí, thì Song song dựng nên một thế giới trừu tượng và duy mĩ, với các nhân vật bất định và bất an, chỉ tồn tại dưới các mã số - Gg, H, Kan. Họ nói về bản thân với ít căn cứ và dường như nghi ngờ chính sự tồn tại của họ: “G.g. Đó là kí hiệu của tôi, đôi khi tạo hiểu lầm và sinh lắm phiền phức. […] Bởi tôi thuộc về những vùng tăm tối”.

Ngựa thép [2014] của Phan Hồn Nhiên mô tả những cái “tôi” thời toàn cầu hóa, bay xuyên lục địa, nhưng vẫn hàng ngày đối mặt với cô đơn. Những cái “tôi” đẹp và lạnh như những con “ngựa thép”. Với những số phận gần như vô tổ quốc này, điểm xuất phát thường vô cùng mờ nhạt, trong khi điểm đến là cái chết. Trong hành trình của mình, họ tìm cách kết nối, nhưng sau hết vẫn là chạy trốn và phá hủy những người thân nhất của mình.

Như vậy, văn Việt hôm nay là cuộc phiêu lưu của những cái “tôi” phản anh hùng, vô căn cước, phi bản thể.

Và cả những cái “tôi” phi hư cấu

Trong Nỗi buồn chiến tranh [1989], nhân vật chính ao ước viết cuốn tiểu thuyết đầu tay để kể về cuộc chiến đã qua, “cuộc chiến của riêng anh”. Và Bảo Ninh làm một lựa chọn văn học độc đáo: ngay cả khi kể ở ngôi thứ ba, sự việc luôn được nhìn qua con mắt của Kiên. Từ những cảm giác, hoang tưởng của anh, hiện lên một vũ trụ chiến tranh u uẩn ngột ngạt. Để cái nhìn trở nên chủ quan hơn, Nỗi buồn chiến tranh được viết nhiều trang ở ngôi thứ nhất, trình bày như trích đoạn bản thảo của Kiên. Khi xưng “tôi”, Kiên trở nên thuyết phục hơn: với độc giả, anh chính là người đã trải nghiệm và bây giờ làm chứng cho những “nỗi buồn chiến tranh” mà họ đang đọc. Gấp tiểu thuyết lại, có lẽ ai cũng tự hỏi: Cuốn sách ta vừa đọc có phải là tự truyện của Bảo Ninh?

Chính khoảng cách thu hẹp giữa hư cấu và tự truyện làm nên cái độc đáo của Nỗi buồn chiến tranh. Khoảng cách đó, Nhật kí Đặng Thùy Trâm sẽ vô tình xóa bỏ. Đúng hơn, với việc xuất bản cuốn sách này, lần đầu tiên văn học Việt Nam đương đại có một nhật kí thật, trong đó cái “tôi” phi hư cấu là chủ đề lớn nhất. Đặng Thùy Trâm đã biến những “trang sổ nhỏ” thành nơi thí nghiệm cái “tôi”, khảo sát, thậm chí hư cấu những cái “tôi” mới. Tác giả nói về mình như nói về kẻ khác: “Đêm nay, bên ngọn đèn khuya Th. ngồi trầm ngâm suy nghĩ”. Đôi lúc trong một đoạn ngắn, Đặng Thùy Trâm sử dụng cả ba ngôi để nói với mình và nói về mình: “Giữa mùa khô 67 mình đã đi vững vàng và ở đây giữa trăm nghìn thử thách với một đứa tiểu tư sản, một cô bác sĩ mới rời ghế nhà trường. […] Mong Thùy hãy phát huy ưu điểm…”.

Cùng với Nỗi buồn chiến tranh, Nhật kí Đặng Thùy Trâm chứng minh rằng tự truyện và nhật kí là thể loại văn học lí tưởng cho phép tả lại chân thành nhất những kinh nghiệm của thời đại. Văn học phải chăng không là cách viết lịch sử từ những góc riêng tư nhất của cái “tôi”?

Có thể nói, nếu Nhật kí Đặng Thùy Trâm đã được xuất bản và quảng bá với mục đích tuyên truyền, thì một cách không ngờ, nó đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của thể loại văn học viết về bản thân [gồm tự truyện, hồi kí, nhật kí, thư riêng…]. Nhờ nó, cái “tôi” phi hư cấu lên ngôi. Không phải là ngẫu nhiên mà sau nó, xuất hiện một loạt tự truyện như Lê Vân, yêu và sống hay Bóng…, trong đó những nhân vật có thật kể - với sự tiếp tay của các nhà văn chuyên nghiệp - về cuộc sống của mình, bí mật của mình[4]. Gần đây, trong hai cuốn Một mình ở châu Âu và Xuyên Mĩ, viết dưới dạng nhật kí, nhà văn Phan Việt kể song song những chuyến đi thật và những hành trình nội tâm, trong một giai đoạn “đổ vỡ” của chính mình.

Những cái “tôi” phi hư cấu đã bắt đầu xuất hiện như ta thấy, nhưng nhìn chung chúng vẫn chỉ được mô tả như một hệ thống nhất quán, hài hòa, thông suốt. Khi viết về mình, ít tác giả dám mò mẫm trong những ngõ ngách u tối của vô thức và bản năng. Tương tự, ít ai dám đương đầu với dư luận và người thân. Vì thế, cho đến ngày hôm nay, dường như Những ngày thơ ấu và Cỏ dại viết từ những năm 1930 - 1940, vẫn là những tác phẩm đi xa nhất, quyết liệt nhất trong thể loại tự truyện, biến cuộc đi tìm cái “tôi” thành những cuộc giao chiến và những tìm kiếm mĩ học.

Chủ Đề