Chứng cứ gốc là gì

Tùy thuộc vào từng căn cứ phân loại mà người ta phân loại chứng cứ thành: Chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp; Chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; Chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, thuật lại…

Xem thêm bài viết về “Chứng cứ”

Chứng cứ là gì?

Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS năm 2015:

“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Tùy thuộc vào từng căn cứ phân loại mà người ta phân chia chứng cứ thành những loại khác nhau:

1. Căn cứ mối quan hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh

Dựa vào mối quan hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh để phân chứng cứ thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp.

1.1. Chứng cứ trực tiếp

Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ chỉ thẳng, làm rõ ngay được một trong những vấn đề phải chứng minh, giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thấy ngay được sự kiện xảy ra có phải là sự kiện phạm tội hay không, ai là người phạm tội cũng như những tình tiết khác cần phải chứng minh trong vụ án.

Loại chứng cứ này có thể được xác định bằng lời khai của bị hại, bị can, bị cáo, lời khai của người làm chứng [thường thấy trong các vụ phạm tội quả tang].

Ví dụ: Người làm chứng khai rằng A đã dùng dao đâm chết B. A cũng khai nhận việc mình dùng dao đâm chết B. Những thông tin được xác định bằng các lời khai này là chứng cứ trực tiếp.

Chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng cần được thu thập kịp thời và đầy đủ. Bản thân những thông tin do chứng cứ trực tiếp cho ta thấy ngay được tính liên quan của chúng với vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, cho nên khi đánh giá chứng cứ trực tiếp thì vấn đề cơ bản là xem xét về tính khách quan và tính hợp pháp của loại chứng cứ này.

1.2. Chứng cứ gián tiếp

Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không tự nó làm rõ được ngay tình tiết nào đó của đối tượng chứng minh [tội phạm, người phạm tội…] nhưng khi kết hợp với các chứng cứ khác thì xác định được tình tiết nào đó của đối tượng chứng minh.

Ví dụ: A đã dùng dao đâm chết B. Tại nhà A, Cơ quan điều tra thu được một con dao dính máu. Giám định viên kết luận máu trên con dao này là máu của B. Trong trường hợp này, những thông tin được xác định bởi con dao thu được tại nhà A là chứng cứ gián tiếp.

Chứng cứ gián tiếp thường tản mạn, dễ bị coi thường nhưng do chứng cứ gián tiếp có thể được xác định từ nhiều nguồn khác nhau nên so với chứng cứ trực tiếp thì việc thu thập loại chứng cứ này thường dễ dàng hơn. Những sự kiện do chứng cứ gián tiếp xác định không trực tiếp làm rõ ngay vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như chứng cứ trực tiếp. Do đó, khi đánh giá chứng cứ gián tiếp phải qua hai bước:

  • Thứ nhất, phải xem xét chứng cứ đó có thỏa mãn ba thuộc tính [tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp] hay không; [Xem thêm: 03 thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng hình sự]
  • Thứ hai, đánh giá sự kiện do chứng cứ đó xác định trong mối quan hệ với các chứng cứ khác.

Khi sử dụng chứng cứ gián tiếp phải chú ý: Từng chứng cứ phải được xác định thật chắc chắn [không có sự nghi ngờ về các thông tin do nó cung cấp, phải đảm bảo ba thuộc tính của chứng cứ…]; cần có nhiều chứng cứ gián tiếp và tất cả các chứng cứ đó phải được phối hợp với nhau tạo thành một hệ thống chặt chẽ [các chứng cứ có quan hệ chặt chẽ với nhau, tất cả các chứng cứ gián tiếp phải ở trong mối quan hệ nhân quả với sự kiện chính…]; trong tổng thể các chứng gián tiếp cùng đi đến một kết luận thống nhất [về tính có lỗi của bị can…], loại trừ mọi việc đưa ra kết luận khác.

2. Căn cứ xuất xứ của chứng cứ

Dựa vào xuất xứ của chứng cứ [lấy từ nguồn nào, do đâu phản ánh] để phân thành chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, thuật lại.

2.1. Chứng cứ gốc

Chứng cứ gốc là chứng cứ được rút ra từ nơi phản ánh đầu tiên của nó mà không thông qua một khâu trung gian nào.

Ví dụ: A đánh B bị thương nặng, C nhìn thấy. Lời khai của C về việc đã thấy A gây thương tích cho B là chứng cứ gốc.

2.2. Chứng cứ sao chép lại, thuật lại

Chứng cứ sao chép lại thuật lại là chứng cứ được thu thập không phải từ nguồn phản ánh đầu tiên mà thu thập được qua khâu trung gian.

Ví dụ: Cũng trong vụ án trên, C nhìn thấy sự việc. Khi về nhà C đã kể lại cho V nghe. V đến Cơ quan điều tra khai báo về việc A gây thương tích cho B thì lời khai của V là chứng cứ thuật lại. V phản ánh về sự kiện trong vụ án qua khâu trung gian [được nghe kể lại].

Rõ ràng khi phản ánh qua các khâu trung gian, thông tin sẽ có thể bị biến dạng, bị sai lệch do nhiều yếu tố khác nhau tác động vào quá trình truyền tin. Cho nên, về nguyên tắc đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải thu thập thông tin về tình tiết của vụ án từ nguồn đầu tiên phản ánh. Chứng cứ gốc có giá trị chứng minh cao hơn chứng cứ sao chép lại, thuật lại. Hiệu lực chứng minh của chứng cứ sao chép lại, thuật lại sẽ giảm dần khi khâu trung gian tăng lên.

Trong một số trường hợp chứng cứ sao chép lại, thuật lại là phương tiện cần thiết cho việc phát hiện các chứng cứ gốc mà thiếu nó sẽ rất khó khăn cho việc làm rõ vụ án. Chứng cứ sao chép lại, thuật lại còn là phương tiện để kiểm tra chứng cứ gốc. Trong một số trường hợp, chứng cứ sao chép lại, thuật lại được sử dụng để thay thế cho chứng cứ gốc nếu chứng cứ gốc không thể tìm lại được.

3. Căn cứ mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng bị buộc tội

Dựa vào mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng bị buộc tội để phân thành chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

Việc phân định thành chứng cứ buộc tội và chứng cử gỡ tội chỉ mang tính chất tương đối. Về bản chất thì không có chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội mà tùy thuộc vào hướng sử dụng nó. “Việc phân chia thành chứng cứ buộc tội và gỡ tội là có tính cách giả định cực đoan và nói lên phương hướng sử dụng hay đánh giá chứng cứ đó thì đúng hơn là nói lên bản chất của chúng”.

Bởi vì, bản thân một chứng cứ có thể khai thác ở khía cạnh này là buộc tội nhưng nhìn ở góc độ khác là gỡ tội. Trong quá trình chứng minh lúc đầu là chứng cứ buộc tội sau có thể chuyển thành chứng cứ gỡ tội hoặc ngược lại. Cùng một chứng cứ có thể chứng minh buộc tội bị can, bị cáo này nhưng lại gỡ tội cho người khác. Có chứng cứ không thuộc loại buộc tội cũng không thuộc loại gỡ tội.

Theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải thu thập cả chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội. Khi đánh giá chứng cứ phải đánh giá một cách tổng họp toàn bộ chứng cứ đã thu thập được trong vụ án.

3.1. Chứng cứ buộc tội

Chứng cứ buộc tội là chứng cứ chứng minh rằng một người đã phạm tội, xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo hoặc những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của họ.

3.2. Chứng cứ gỡ tội

Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ chứng minh không có sự việc phạm tội, chứng minh bị can, bị cáo không có hành vi phạm tội, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.

Ý nghĩa của việc phân loại chứng cứ

Phân loại chứng cứ có một vị trí quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự. Nó giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ đúng với quy định của pháp luật và xác định đúng vị trí của chứng cứ trong tổng thể các chứng cứ đã thu thập được trong vụ án hình sự.

Giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được đâu là chứng cứ trực tiếp, gián tiếp, chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, thuật lại và chứng cứ buộc tội, gỡ tội để đánh giá được đúng đắn bản chất của sự việc đồng thời giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng kịp thời và thu thập được đầy đủ.

Giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng cần được thu thập kịp thời và đầy đủ…

Giúp cho việc lựa chọn khi thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ một cách tổng hợp toàn diện trong việc chứng minh, tránh được sai lầm dẫn đến sót, lọt, oan sai, đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử được chính xác khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Nếu bạn có câu hỏi hoặc có ý kiến khác về bài viết, vui lòng để lại bình luận ở phần Comment. Xin cảm ơn rất nhiều!

Video liên quan

Chủ Đề