Dạy HỌC TÍCH CỰC Trần Khánh Ngọc

[QNO] - "Tại sao giáo viên làm việc vất vả nhưng hiệu quả giáo dục chưa cao? Làm sao để giáo viên và học sinh hạnh phúc hơn trong từng tiết học? Bí quyết gì để tạo động lực và khơi gợi nhu cầu học tập cho học sinh?"...

Đó là hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong một chương trình bồi dưỡng chuyên đề “xây dựng trường học hạnh phúc - vai trò và giá trị của người thầy trong thế kỷ 21” của Sở GD-ĐT dành cho lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh, tổ chức tuần qua.

Lan tỏa hạnh phúc. ẢNH: XUÂN PHÚ

Thay đổi cách nghĩ, cách làm khác với nội dung bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hằng năm là chỉ tập trung chủ yếu vào chuyên môn và phương pháp dạy học; ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT mong muốn có sự thay đổi nhận thức của người thầy, đặc biệt trong thời đại 4.0 và cho rằng: “Một người thầy giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, người thầy đó phải có tâm, phải hiểu được học trò, phải thương yêu chúng bằng tình thương của một trái tim trí tuệ”.

Ông Quốc nhấn mạnh, chuyển đổi tâm, ý của người thầy không phải là chuyện một sớm một chiều, hôm nay chúng ta tìm kiếm một lối đi, và chúng ta nhất định phải cùng nhau đồng tâm đồng hành trên lối đi đó để tạo dựng một con đường, có như vậy chúng ta mới đi tới được nơi thật sự gọi là trường học hạnh phúc, nơi có không gian hạnh phúc của những người thầy, học trò hạnh phúc.  

Chương trình bồi dưỡng được tổ chức trực tuyến với sự tham gia báo cáo, chia sẻ của các diễn giả - tiến sĩ Trần Khánh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Dạy học tích cực và nhà giáo Lê Thị Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Khai sáng niềm tin đến từ điểm cầu Hà Nội.

Tham dự chương trình trực tuyến từ điểm cầu Sở GD-ĐT, ông Hà Thanh Quốc nhấn mạnh quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng xây dựng trường học hạnh phúc, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện - nơi mỗi giáo viên và học sinh được yêu thương, tôn trọng, được giảng dạy và học tập bằng tất cả giá trị tích cực nhất.

 Diễn giả Trần Khánh Ngọc. Ảnh: FBNV

Năm 2021, Sở GD-ĐT Quảng Nam đăng ký thực hiện nhiệm vụ đột phá trong năm là xây dựng trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục theo Kế hoạch số 4640 ngày 12.8.2020 của UBND tỉnh.

Theo đó, vấn đề tiên quyết chính là thay đổi nhận thức của đội ngũ về vai trò, giá trị của người thầy trong thời đại 4.0. Có người thầy hạnh phúc nhất định sẽ có học trò hạnh phúc. Tuy nhiên, làm thế nào để giáo viên và học sinh hạnh phúc hơn trong từng tiết học vẫn là vấn đề thực sự nan giải.

Khi đặt ra câu hỏi: thầy cô có đang thực sự hạnh phúc không, nhiều giáo viên đã từ chối trả lời hoặc trong chia sẻ của họ, hạnh phúc không phải là mục tiêu chính mà họ theo đuổi quá trình thực hiện công việc.

Cô giáo Lê Thị Hồng Nhung - Trường THPT Lê Quý Đôn đã viết: “Những người thầy của thời đại thông minh, giữa áp lực bốn bề và những yêu cầu trong công việc đã cảm thấy mệt mỏi, muốn an phận, thậm chí đâu đó còn xuất hiện tâm lý “thôi làm cho xong”, “làm cho có”… Cộng thêm sự va đập của các mối quan hệ xã hội và gánh nặng cơm áo gạo tiền, có những thầy cô đã mang nỗi muộn phiền, nỗi đau đến lớp để rồi thay vì trao cho trò ánh mắt yêu thương, sự tận tình, ấm áp, chúng ta lại trao cho trò sự mệt mỏi, bực bội, cáu kỉnh, tức giận… Điều đó thật sự tệ hại. Những cảm xúc tiêu cực từ thầy cô sẽ phá hủy những hạt giống tốt đẹp trong tâm hồn những đứa trẻ”.

Hiểu được thực trạng giáo dục và tâm lý chung của nhà giáo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi về những thách thức của nghề dạy học hiện nay khi xã hội thông tin phát triển nhanh, khi những yếu tố của trường học truyền thống đã thay đổi.

Diễn giả và giáo viên cùng đặt và tìm hướng giải quyết hàng loạt vấn đề như: Làm thế nào để có một tiết học sinh động? Làm thế nào để khai thác tiềm năng của học sinh? Làm thế nào để vừa đảm bảo dạy kiến thức vừa bồi dưỡng, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh qua từng hoạt động giáo dục?… Những nội dung chia sẻ của Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc đã thu hút, kết nối tương tác, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng phản hồi tích cực của rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT, phổ thông DTNT tham dự tại 54 điểm cầu trên toàn tỉnh.

Một giờ học ở Trường THPT Hồ Nghinh [Duy Xuyên]. Ảnh do nhà trường cung cấp

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo Ly - Trường THPT Phan Châu Trinh kể về cơ duyên được dự các lớp truyền cảm hứng của Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc về nghề giáo, về phương pháp dạy học tích cực. Trong cảm giác rưng rưng hạnh phúc, cô giáo Thảo Ly chia sẻ với quý đồng nghiệp về khát vọng nghề nghiệp, những nỗ lực vượt khó, những trải nghiệm của bản thân, những khó khăn, thất bại ban đầu và những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy, chủ nhiệm.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phương - Trường THPT Sào Nam tự nhận ra: chính từ những trăn trở qua từng tiết dạy, sự thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục học sinh đã cho thầy những trải nghiệm quý giá về hạnh phúc nghề nghiệp. Những việc làm của thầy đã cảm hóa và tạo nguồn năng lượng cho học sinh trong học tập và rèn luyện, lan tỏa tích cực đến tư tưởng, tình cảm của phụ huynh.

Gần 1.000 phản hồi trực tuyến của cán bộ giáo viên tham gia sau khi chương trình kết thúc đã khẳng định một điều: giáo viên thực sự muốn được hạnh phúc và định hướng xây dựng trường học hạnh phúc không còn là quyết tâm của riêng lãnh đạo ngành. Hầu hết phản hồi đều có chung nhận xét: hữu ích, bổ ích, thay đổi tư duy, đánh thức, khơi gợi những giá trị tích cực từ chính bản thân người thầy và mong muốn có thêm những chuyên đề liên quan.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Chín - Trường THPT Quế Sơn viết trong feedback của mình như một xác tín niềm tin về giá trị của người thầy: “Buổi trao đổi cùng chuyên gia đã đánh thức cái "Tâm" trong mỗi thầy cô giáo. Với cá nhân tôi, nó thực sự rất bổ ích, hy vọng sẽ là làn gió mới làm thay đổi nhận thức của nhiều thầy cô. Rất may, sáng nay, nhà trường đã điều động toàn hội đồng tham dự. Đề xuất sở mỗi năm tổ chức ít nhất một lần để tất cả giáo viên, kể cả  phụ huynh được chia sẻ, đồng hành”.

Giáo viên tham gia các khóa học để dạy học tích cực do cô Ngọc đảm nhiệm - Ảnh: K.N.

TS Trần Khánh Ngọc là người sáng lập chương trình Dạy học tích cực, thu hút trên 65.000 giáo viên tham gia. Ít ai biết Trần Khánh Ngọc từng là… một học sinh cá biệt. Rồi cô nhận ra "sứ mệnh người thầy".

Chính vì thế, phần đầu tiên của chương trình là "Sứ mệnh người thầy". Tiếp đến là nhiều khóa học nhằm truyền cảm hứng về tình yêu đối với nghề dạy học. Từ đây nhiều nhóm giáo viên ở các địa phương lập các nhóm dạy học tích cực của từng môn học.

"Sứ mệnh người thầy", nếu hiểu thật đúng thì đó là điều thiêng liêng mà mỗi nhà giáo cần ghi nhớ khi bước chân vào nghề. Điều đó sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, vất vả, áp lực.

TS TRẦN KHÁNH NGỌC

Tôi sợ cô giáo thất vọng...

* Trong một hội thảo về giáo dục đạo đức học sinh, cô đã kể mình từng là một học sinh cá biệt...

- Đúng là tôi từng như thế. Tôi nghịch ngợm, trốn học và từng có ý định bỏ nhà đi bụi đời. Tôi cũng từng vài lần có ý định tự tử. Đó là thời kỳ cha mẹ tôi thường xuyên cãi nhau. Mỗi khi gặp cảnh đó, tôi chán nản, không thích học hành.

Chán nản kéo dài khiến tôi tự xếp mình vào hàng học sinh cá biệt. Hằng ngày đến trường bằng xe đạp, nhưng tôi thường đầu têu việc bám theo đuôi xe container chạy trên đường. Đó là việc rất nguy hiểm và không phải đứa con gái nào cũng dám làm. 

Tôi chơi những trò chơi của con trai và sách duy nhất tôi đọc khi đó là truyện chưởng. Tôi mơ tưởng đến những "bí kíp võ công" và ước mơ đó để lại trên chân tay tôi rất nhiều vết sẹo.

* Vậy điều gì khiến cô thay đổi?

- Năm tôi học lớp 7, tôi gặp một cô giáo, cô ấy thay đổi đời tôi và sau này.

* Cô giáo đó hẳn rất đặc biệt?

- Cô chỉ là giáo viên dạy ở trung tâm tiếng Anh thôi. Tôi đi học thêm tiếng Anh đơn giản là để đỡ phải nghe cha mẹ cãi nhau ở nhà. Nhưng cô đã khiến tôi chú ý vì trong khi dạy, cô rất hay kể chuyện. Cô kể những chuyện ở ngoài đời sống và kể về nhiều trích đoạn trong các tác phẩm văn học. Có những câu chuyện giản dị nhưng cảm động đã thu hút sự chú ý của tôi.

Dần dần, không biết từ lúc nào, tôi thấy cô gần gũi, tôi dễ dàng cởi mở với cô. Cái mà tôi không cảm nhận được ở nơi khác thì cô lại cho tôi. Đó là sự tin tưởng, sự thương yêu chân thành. 

Tôi bắt đầu thấy xấu hổ với cô khi nghĩ mình là đứa học sinh cá biệt ở trường. Tôi sợ cô thất vọng khi biết tôi cầm đầu lũ đầu gấu quậy phá. Và tôi bắt đầu "sự nghiệp học hành nghiêm chỉnh" của mình từ đó.

Men say của sự dấn thân

* Từng được tuyển thẳng vào 3 trường ĐH, trong đó có trường y nhưng cô lại chọn nghề sư phạm. Lựa chọn này có liên quan gì đến ký ức đẹp đẽ về những người thầy của mình không?

- Hồi đó, tôi đoạt giải nhì quốc gia môn sinh học nên được tuyển thẳng và được quyền chọn trường. Có nhiều yếu tố tác động đến việc chọn nghề, trong đó có cả lý do tôi là con nhà nghèo, học sư phạm thì phù hợp hơn với hoàn cảnh của mình lúc ấy. Nhưng đúng là ký ức đẹp đẽ về thầy cô, nhất là người thầy đầu tiên thay đổi đời tôi đã khiến tôi có thêm động lực, niềm tin theo đuổi nghề giáo.

Cho đến bây giờ, đối với tôi, nghề giáo không chỉ là nghề dạy học để kiếm cơm. Tôi hiểu được vai trò quan trọng của thầy cô giáo như thế nào trong cuộc đời một đứa trẻ. 

Từ câu chuyện của bản thân mình, tôi nghĩ người thầy tốt có thể giúp xã hội giảm bớt đi một tên cướp và tăng thêm một công dân có ích. Hơn thế, người thầy có khả năng truyền cảm hứng sẽ làm lan tỏa mạnh mẽ vô cùng những điều tốt đẹp.

* Một tiến sĩ theo đuổi phương pháp dạy học tích cực bây giờ có gì liên quan tới cô học sinh cá biệt được "truyền cảm hứng" ngày nào không?

- Vào trường ĐH sư phạm, tôi học ngành sinh học và được giữ lại trường làm giảng viên nhưng đề tài nghiên cứu sinh của tôi lại là phương pháp dạy học. 

Bước vào con đường làm thầy, điều luôn khiến tôi trăn trở cho tới bây giờ là nghề giáo không thể chỉ là công việc cặm cụi dạy kiến thức cho học sinh. Sứ mệnh của người thầy phải là việc truyền cảm hứng, mang đến cho học sinh năng lượng tích cực để các em bước vào cuộc đời.

Tôi luôn nghĩ một lúc nào đó tôi phải kể câu chuyện cuộc đời mình, kể về những người thầy đã thay đổi đời mình. Và tôi ấp ủ một hoài bão phải xây dựng một khóa học về sứ mệnh người thầy, phải làm sao tạo nên một cộng đồng những người thầy theo đuổi việc dạy học tích cực.

* Cô có thể chia sẻ "bí quyết" làm thay đổi các đồng nghiệp?

- Trong các khóa học tôi thiết kế, khóa học đầu tiên là "Sứ mệnh người thầy". Rất nhiều thầy cô chỉ nghĩ mình phải cố gắng để dạy thế nào cho học sinh đỗ đạt cao. Một số khác cho rằng nghề dạy học cũng chỉ là nghề kiếm cơm. 

Nhưng nếu các thầy cô hiểu vai trò quan trọng của mình đối với các thế hệ học sinh thì họ sẽ yêu mến nghề này, thấy mình có ích, sẽ biết đến hạnh phúc khi mình thay đổi ai đó, mình đem lại điều gì tốt đẹp cho ai đó. Nó như một thứ men say mà ai thử dấn thân vào mới cảm nhận được.

"Tôi bắt đầu tin tình yêu thương có thể giáo dục được những đứa trẻ khó dạy nhất. Từ ngày gặp cô Khánh Ngọc, tôi thực sự bận rộn. Bận rộn vì luôn trăn trở, thổn thức… Tôi bắt đầu thấy niềm vui khi đến trường, muốn được đến trường. Tôi đã mất 15 năm tuổi nghề trong sự nhàm chán và bây giờ mới như bắt đầu".

[Trích thư của cô giáo Lê Thị Hiền, TP.HCM]

Có những người thầy không cầm phấn...

VĨNH HÀ thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề