Di tích đầu tiên của nền văn hóa đông sơn được phát hiện ở đâu?

Từ khi được phát hiện năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn [nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa], đến nay, quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn tròn 90 năm. Những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật di chỉ, di tích Đông Sơn tiếp tục được thực hiện và đã đạt thành tựu nhất định. Trong đó, dựa vào sự phân bố, niên đại của các di tích từ giai đoạn Tiền Đông Sơn đến giai đoạn Đông Sơn muộn, có thể nhận thấy sự dịch chuyển dần của cư dân Đông Sơn. Từ vùng địa bàn truyền thống là chân núi trung du, họ đã chiếm lĩnh, chinh phục và từng bước làm chủ các vùng đất mới - vùng đồng bằng cao, đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Tại các vùng đồng bằng này, số lượng di tích giai đoạn Đông Sơn muộn tăng nhiều so với các giai đoạn Tiền Đông Sơn và giai đoạn Đông Sơn. Trong mỗi vùng, các di tích thường phân bố khá tập trung tạo thành trung tâm văn hóa Đông Sơn, mỗi trung tâm có đặc trưng riêng. Ngoài trung tâm lớn ở vùng miền núi, trung du, các nhà khảo cổ đã nghiên cứu các trung tâm ở rìa đồng bằng cao, đồng bằng và đồng bằng thấp, trong đó nổi bật là Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, trung tâm duy nhất có đầy đủ các loại di tích, đặc biệt là di tích phòng ngự thành.


Khung trang trí khai quật tại Đông Sơn, Thanh Hóa

Các kết quả nghiên cứu gần đây cũng chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn. Pgs, Ts Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: tại di tích Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, dấu tích văn hóa Tiền Đông Sơn, Đông Sơn và Hậu Đông Sơn phân bố trên diện tích khoảng 19.000m2. Những dấu tích đầu tiên của giai đoạn văn hóa Đông Sơn ở Vườn Chuối được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2009, tiếp đó là các cuộc khai quật năm 2011. Qua nghiên cứu đã phát hiện những dấu tích cư trú và mộ táng văn hóa Đông Sơn, cũng như những giai đoạn văn hóa phát triển liên tục từ Đồng Đậu đến Đông Sơn. Nghiên cứu di vật kết hợp với địa tầng, đặc biệt là diễn biến đồ gốm cho thấy tầng cư trú Đông Sơn ở Vườn Chuối gồm 3 giai đoạn phát triển liên tục từ sớm đến muộn...


Cây đèn hình người

Ở di tích Đình Tràng thôn Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, có tầng văn hóa dày trên dưới 2m với 4 lớp văn hóa [Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn] phát triển liên tục trong thời gian trên 2.000 năm. Kết quả khai quật 2 lần năm 2010 trên tổng diện tích 375m2 đã khẳng định: Đình Tràng là di tích cư trú - mộ táng - xưởng quan trọng thời đại Kim khí ở châu thổ sông Hồng. Đặc biệt, trong lớp văn hóa Đông Sơn đã phát hiện được 4 loại hình di tích quan trọng: di tích mộ táng, hệ thống lò đúc đồng, di tích lỗ chân cọc gia cố đắp lũy đất và di tích dòng Hoàng Giang cổ. Nghiên cứu mộ táng đã cho thấy chưa có các yếu tố của văn hóa Đông Sơn muộn, đặc biệt chưa có yếu tố Hán trong đó, vì vậy, niên đại lớp văn hóa Đông Sơn ở Đình Tràng vào thời kỳ trước Hán. Theo Ts Lại Văn Tới - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, những phát hiện mới này, củng cố vững chắc hơn nhận định về diễn trình phát triển văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí miền Bắc Việt Nam qua 4 giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. “Từ địa tầng kết cấu chặt chẽ, di tích, di vật, cho thấy sự phát triển liên tục của văn hóa Đông Sơn. Điều đó phản bác mọi quan điểm tìm nguồn gốc văn hóa Đông Sơn ở bên ngoài Việt Nam, khẳng định chân xác nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn”.


Thạp Đào Thịnh 

Đặc biệt, tại Đình Tràng đã phát hiện di tích hệ thống lò nấu đồng và dấu tích luyện kim, với những mảng tường lò, trong đó nhiều mảng có dấu vết kỹ thuật đắp lò, các hiện vật liên quan như than tro, cục đất nung, xỉ đồng và hiện vật đồng, hiện vật liên quan đến kỹ thuật đúc đồng như: khuôn đúc bằng đá, nồi nấu đồng... khẳng định nơi đây là xưởng đúc đồng và chế tác đồ đồng thau. Nghiên cứu so sánh sưu tập đồ đồng Đình Tràng và sưu tập đồng Cổ Loa, có thể thấy Đình Tràng ở giai đoạn sớm hơn so với Cổ Loa, chưa phát hiện được những hiện vật điển hình của văn hóa Đông Sơn sơ kỳ sắt như trống đồng, mũi tên đồng ba cạnh, dao găm, giáo có lỗ ở cánh... như ở Cổ Loa. Ts Lại Văn Tới cho rằng, “Đình Tràng có quan hệ hữu cơ với khu di tích Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, thế kỷ III - II trước CN. Có lẽ nghề luyện kim, nấu đồng, đúc đồng đã có đóng góp lớn trong việc hình thành cơ sở vật chất cho nhà nước sơ khai”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Đông Sơn cần tiếp tục được nghiên cứu và bổ sung tư liệu, đặc biệt là những đóng góp [đời sống kinh tế vật chất, văn hóa tinh thần, phân hóa xã hội] với nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, văn minh Đại Việt và văn hóa Việt Nam sau này; sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn ở miền Trung - Tây Nguyên, khi trống đồng được phát hiện với số lượng lớn, thậm chí nhiều hơn cả vùng địa bàn gốc… Bên cạnh đó, tuy đã muộn nhưng vẫn cần gióng chuông cảnh báo về hiện trạng di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề [đến 70 - 80%], trong đó có văn hóa Đông Sơn và di tích Đông Sơn; nhiều di vật, báu vật khảo cổ học văn hóa Đông Sơn đang hàng ngày, hàng giờ thành hàng hóa...

Ảnh interet

Theo tài liệu sử học, Văn hoá Đông Sơn kéo dài trên phạm vi rộng tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung bộ Việt Nam: Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam , Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có ghi chép cho rằng, nền văn hoá cổ này có được tìm thấy ở một số vùng lân cận Việt Nam như ở Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc, ở Lào hay ở Thái Lan...

Văn hoá Đông Sơn xuất hiện vào khoảng 800 năm trước công nguyên. Thời kỳ này đã kế thừa của các nền Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm, Văn hóa Đồng Đậu, Văn hóa Gò Mun.

Theo tác giả Phương Hà, TS Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết, văn hóa Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, và là nền tảng vật chất đối với sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này. Những năm gần đây, việc điều tra, phát hiện mới và khai quật hàng loạt các di tích văn hóa Đông Sơn như các di tích như Mả Tre, Đình Tràng [Cổ Loa, Hà Nội], Bãi Cọi [Hà Tĩnh], các di tích tiền Đông Sơn như Xóm Dền [Phú Thọ], Nghĩa Lập [Vĩnh Phúc] với sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài đã góp phần làm sáng tỏ hơn nữa sự đa dạng, sự thống nhất cũng như mối quan hệ, giao lưu và vị thế của văn hóa Đông Sơn với các văn hóa đồng đại khu vực lân cận.

Các nhà khoa học cũng đã xây dựng đầy đủ các phông tư liệu về văn hóa Đông Sơn với các lát cắt phản ánh các phương diện khác nhau về văn hóa Đông Sơn, về đời sống cư dân Việt cổ qua các hình thức cư trú và nhà ở, các phương thức mai táng, đời sống tinh thần, đời sống sản xuất... Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Đông Sơn chính là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động “hình ảnh” của nhà nước đầu tiên trong lịch sử: Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Theo PGS. Trình Năng Chung, những cuộc khai quật Đông Sơn đầu tiên được tiến hành từ năm 1924 đến năm 1932 dưới sự điều khiển của Pajot. L, một viên chức thuế quan và cũng là người sưu tầm cổ vật ở Thanh Hoá. Kết quả của những cuộc khai quật này được Goloubew.V, một học giả Trường Viễn Đông Bác cổ, mệnh danh là: “Thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ” để xác định nội dung của văn hoá khảo cổ mới được khám phá này. Những phát hiện ở Đông Sơn gây sự chú ý của các học giả nghiên cứu trong khu vực. Năm 1934, Heine Geldern R, nhà khảo cổ học người Áo, đã đề nghị gọi thời kỳ đó là “Văn hóa Đông Sơn”.

PGS. Trình Năng Chung  cũng cho rằng, mặc dù thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” do Heine Geldern đưa ra nhanh chóng được thừa nhận và sử dụng rộng rãi, nhưng nội dung văn hóa này lại được diễn giải theo nhiều cách khác nhau trong giới tiền sử học đương thời. Có một thời gian dài các học giả chia sẻ với Heine Geldern khi cho rằng văn hóa Đông Sơn là đại diện cho tất cả các văn hóa thời đại đồng thau ở vùng Vân Nam và Đông Nam Á. Về niên đại của nền văn hóa Đông Sơn cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Heine Geldern cho niên đại mở đầu của văn hóa Đông Sơn vào khoảng thế kỷ VIII-VII tr CN, trong khi Karlgren thì xếp vào khoảng thế kỷ IV-III tr CN. Goloubew cho rằng, thời đại kết thúc của văn hóa Đông Sơn vào khoảng thời Hán.

Tác giả Đặng Đình Thuận cho biế, trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Hình ảnh trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hoá Việt Nam mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và được tích tụ tinh hoa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Những chiếc trống đồng Đông Sơn được phát hiện trên khắp lãnh thổ của nước Việt Nam đã chứng minh hùng hồn điều đó. Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiếc trống đồng đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hoá cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta.

Trong những nghi lễ trang nghiêm cũng như dịp hội hè vui vẻ, tiếng trống đồng trầm hùng vang vọng tạo ra một không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc và làm cho sứ thần của nhà Nguyên là Trần Phu khi đặt chân đến đất Thăng Long, nghe thấy tiếng trống đồng: " Kim qua ảnh lý đan tâm khổ; Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" [ Sợ run khi thấy gươm lòa sáng; Tóc bạc vì nghe tiếng trống đồng] Quê hương của trống đồng Đông Sơn là vùng Đất Tổ trung du Phú Thọ và các tỉnh vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn đã tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 6 sau Công Nguyên. Nó là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ.

Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo hiếm có, đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau mang đậm yếu tố bản địa của người Việt, tạo nên nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất ở Đông Nam châu Á. Những chiếc trống đồng Đông sơn chính là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước phát triển rực rỡ và toả sáng trên lưu vực của sông Hồng- Con sông Cái của Đất Mẹ Việt Nam- Nơi khai sinh ra dân tộc và đất nước Việt Nam hôm nay.

Video liên quan

Chủ Đề