Kế hoạch đón học sinh trở lại trường mầm non

Học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào lớp. [Ảnh: Nguyễn NamVietnam+]

Nhiều địa phương dự kiến sẽ đón học sinh trở lại trường bắt đầu từ ngày mai, 14/2. Mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất để sẵn sàng mở cổng trường học trở lại sau thời gian dài tạm dừng vì dịch bệnh COVID-19 đồng thời đảm bảo mục tiêu kép: vừa an toàn, vừa chất lượng.

Cẩn trọng phòng dịch

Để học sinh trở lại trường, đảm bảo phòng dịch được các địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, các trường đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 với các phương án, kịch bản để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan phù hợp với tình hình thực tế của trường và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Cụ thể, nhà trường sẽ tiến hành test COVID-19 cho giáo viên và học sinh, kịp thời phát hiện những trường hợp F0 nếu có, cố gắng đến mức cao nhất không bùng phát thành ổ dịch khi đưa học sinh đi học trở lại. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch cũng được chú trọng như việc tuân thủ 5K, cam kết “một cung đường, hai điểm đến” được chú trọng. 

Tại An Giang, theo kế hoạch, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn tỉnh sẽ đến trường học trực tiếp từ 14/2, sau đó địa phương sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại. Trước đó, huyện Châu Phú của tỉnh này cũng đã tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại từ ngày 10/2.

Nhà trường trang bị sẵn nước sát khuẩn ngay hành lang trước khi học sinh đi học trở lại. [Ảnh: Nguyễn Nam/Vietnam+]

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường. Các giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục được tập huấn cách lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất. Đối với bậc học mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở sự tự nguyện của phụ huynh.

Tương tự, tại Kiên Giang, 100% giáo viên, cán bộ quản lý của các trường phổ thông đã được tập huấn để điều chỉnh kế hoạch năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[Sẵn sàng các phương án, không để học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến]

Tại Đồng Nai, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Ngọc Thạch, ngày mai, học sinh ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến đại học trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt đi học trực tiếp trở lại theo chỉ đạo của ủy ban nhân dân tỉnh. Các công tác phòng chống dịch như khử khuẩn trường lớp, trang thiết bị y tế, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh…đã được các trường triển khai theo đúng yêu cầu, có sự kiểm tra, giám sát chặc chẽ của sở.

Khu vực cách ly được chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống phát hiện F1, F0 trong nhà trường. [Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+]

“Đến nay, công tác chuẩn bị đã được triển khai khẩn trương và chu đáo đồng thời đẩy mạnh truyên truyền tạo sự đồng thuận cho phụ huynh học sinh yên tâm đưa con em mình trở lại trường,” ông Thạch cho hay.

Để học sinh yên tâm đến trường, các địa phương cũng kiến nghị sớm triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 5 đến 11 tuổi.

Đảm bảo chất lượng giáo dục

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác phòng dịch, các địa phương, nhà trường cũng lên kế hoạch học tập chi tiết cho nhiều đối tượng học sinh.

Theo ông Võ Ngọc Thạch, ngành giáo dục đào tạo Đồng Nai đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho những học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp [là F0, F1, thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế hoặc lý do khác] như giao bài qua nhóm Zalo lớp, phát trực tuyến các tiết dạy trực tiếp cho học sinh học trực tuyến tại nhà, tập hợp số học sinh không thể tham gia học trực tiếp để tổ chức dạy học trực tuyến…

Các trường bố trí phòng riêng để giáo viên dạy trực tuyến cho những học sinh phải cách ly vì dịch COVID-19. [Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+]

Các trường cũng sẽ tổ chức dạy học phụ đạo, ôn tập củng cố kiến thức cho những em không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm các cơ sở giáo dục được phép tổ chức dạy học trực tiếp.

Tương tự, tại Hưng Yên, các trường cũng sẽ tổ chức dạy học trực tiếp một cách linh hoạt, có thể kết hợp dạy trực tuyến nhằm đảm bảo tiến độ chương trình cho những học sinh đang phải cách ly vì COVID-19. Đặc biệt, các nhà trường cũng quan tâm tới công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi quay trở lại học tiếp.

Đảm bảo chương trình nhưng đồng thời phải bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh cũng được ngành giáo dục xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, thời gian vừa qua, các nhà trường đã phải chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Điều này đã duy trì thói quen học tập cho học sinh và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường tại tỉnh Hưng Yên. [Ảnh: Bộ GD-ĐT]

Tuy nhiên, phương thức học tập trực tuyến không thể hiệu quả bằng phương pháp học tập trực tiếp đồng thời ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý, kỹ năng, thể chất cho học sinh. Vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh việc mở cửa lại trường học là cần thiết trong tình hình mới. Khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, các giáo viên cần nắm bắt tâm lý học sinh. Bên cạnh dạy kiến thức mới, nhà trường phải rà soát, bổ sung những phần còn chưa vững cho học sinh trong quá trình học trực tuyến nhưng không được gây quá tải, áp lực cho các em.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch năm học phù hợp, linh hoạt thời điểm kết thúc năm học nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong số đó, các trường cần chú ý thời điểm kết thúc năm học đối với học sinh cuối cấp để đảm bảo chất lượng học sinh khi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng./.

Phạm Mai [Vietnam+]

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hưng Yên ngày 27/1, Sở GD&ĐT đã có tờ trình về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục gửi UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt. Đề xuất dựa trên tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, hướng đến từng đối tượng học sinh, từng cấp học cụ thể.

Dù chưa có thông báo chính thức về việc trường học mở cửa trở lại, Phòng GD&ĐT, các nhà trường đã chuẩn bị kịch bản đón học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, cho biết, Phòng Giáo dục chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức dạy học trực tuyến; đồng thời, lên phương án, kế hoạch đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn huyện đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Thời gian qua, học sinh lớp 1 tại nơi chưa ghi nhận ca nhiễm vẫn học trực tuyến kết hợp trực tiếp.

“Chúng tôi trao quyền chủ động cho các trường tiểu học tổ chức dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Trong trường hợp ghi nhận F0, F1, các trường tiểu học phải báo cáo về cho Phòng Giáo dục và chuyển sang dạy trực tuyến”, ông Ty cho biết.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Châu, huyện Khoái Châu, cho biết: Từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đi học trở lại, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, vệ sinh, phòng bệnh kịp thời, đúng quy định.

Cụ thể, nhà trường không tổ chức hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại học thêm và tổ chức chào cờ tại lớp học. Trường học được khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa như xà phòng, dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn.

"Việc học trực tuyến diễn ra tương đối suôn sẻ nhưng nhà trường vẫn mong mỏi được tổ chức dạy học trực tiếp. Nếu tình hình ổn định, học sinh ở vùng xanh, học sinh đã tiêm 2 mũi vắc-xin có thể trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán", thầy Bảy bày tỏ.

Từ góc độ chuyên gia, bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam, đánh giá đại dịch và việc đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần và tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình và lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh.

Khi học sinh trở lại học trực tiếp, các nhà trường cần đảm bảo thông gió đầy đủ và phù hợp; có thiết bị rửa tay và dung dịch sát khuẩn tay; làm sạch bề mặt và các đồ vật dùng chung; giữ học sinh và giáo viên theo nhóm lớp, cùng học tập, nghỉ ngơi, sử dụng nhà vệ sinh, ăn trưa, tan học; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Trong thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể sau Tết Nguyên đán, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vắc-xin cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5 đến 11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Video liên quan

Chủ Đề