Không đội mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu

Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia? Các trường hợp không bị xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm? Không đội mũ bảo hiểm bị phạt bao nhiêu tiền? Trường hợp có mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị phạt? Đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn có bị xử phạt?

Yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đã được thực hiện từ năm 2007. Nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người chưa tuân thủ quy định này dẫn tới bị phạt hành chính. Liệu có trường hợp nào không cần đội mũ bảo hiểm không?

* Căn cứ pháp lý:

– Luật Giao thông đường bộ 2008,

– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia?
  • 2 2. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn – Bạn được gì?
  • 3 3. Ai phải đội mũ bảo hiểm?
  • 4 4. Các trường hợp không bị xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm:
  • 5 5. Không đội mũ bảo hiểm bị phạt bao nhiêu tiền?
  • 6 6. Trường hợp có mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị phạt?
  • 7 7. Đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn có bị xử phạt?

1. Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia?

Mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy chuẩn QCVN 2: 2008 phải đảm bảo về kết cấu các bộ phận chính bao gồm 4 bộ phận:

– Vỏ mũ là phần vỏ cứng bên ngoài, có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào người đội.

– Đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ [đệm bảo vệ] có tác dụng giảm chấn động đến đầu người đội mũ.

– Quai đeo để cố định mũ.

– Lớp vải lót bên trong mang lại cảm giác dễ chịu cho người sử dụng.

Ngoài ra còn có các phụ kiện khác như: kính bảo vệ, lưỡi trai, lót cằm,… Trên mũ và trên bao bì của mũ phải ghi nhãn một cách rõ ràng. Nhãn phải bền và không bị xóa trong quá trình vận chuyển và sử dụng. Nội dung tối thiểu của nhãn bao gồm:

Xem thêm: Chở người không đội mũ bảo hiểm xử phạt như thế nào?

– Cỡ mũ [chu vi vòng đầu].

– Tháng, năm sản xuất.

– Kiểu mũ.

– Khối lượng mũ.

– Hướng dẫn sử dụng.

– Ghi cụm từ: “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy”.

– Thông tin cảnh báo [nếu có].

2. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn – Bạn được gì?

An toàn

Xem thêm: Xử phạt hành vi khi cài quai mũ bảo hiểm không đúng quy cách

Sự an toàn chính là lợi ích lớn nhất mà mũ bảo hiểm chất lượng mang lại. Mũ đạt chuẩn có vỏ mũ được làm từ chất liệu nhựa ABS siêu bền, có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội, độ bền đâm xuyên cao và chịu được va đập mạnh.

Bên cạnh đó, lõi bằng xốp EPS đặc chủng, dẻo dai, được nén nhiều lớp, tăng khả năng hấp thu chấn động, bảo vệ phần đầu tối đa khi chẳng may có va chạm.

Thoải mái

Mũ bảo hiểm chất lượng khi sử dụng đem lại sự chắc chắn, đội vào thấy thoải mái, vừa vặn. Lõi xốp phía bên trong chắc chắn và dày dặn, ấn tay vào không bị lún, không thể tháo rời mà được dán chắc chắn với vỏ mũ.

Bảo vệ tính mạng

Trên hết, mũ bảo hiểm giúp bảo vệ tính mạng của bạn khi tham gia giao thông. Theo thống kê thì có đến 60% các va chạm, tai nạn giao thông gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đầu. Việc sử dụng mũ bảo hiểm giúp bạn giảm thiểu khả năng chấn thương sọ não gây tử vong.

Chấp hành luật giao thông

Đây là lợi ích mang giá trị cộng đồng, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đúng cách là hành động chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh. Bạn làm không chỉ vì bạn, mà còn để con cái, người thân, bạn bè noi theo.

Xem thêm: Không mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe bị phạt bao nhiêu tiền?

3. Ai phải đội mũ bảo hiểm?

Khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP những đối tượng sau đây tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm:

– Người điều khiển mô tô, xe gắn máy;

– Người điều khiển xe đạp máy, xe đạp điện;

– Người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện.

Như vậy, có ba nhóm đối tượng khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng cách. Nếu cài quai không đúng cách vẫn bị phạt tương tự như lỗi không đội mũ bảo hiểm.

4. Các trường hợp không bị xử phạt khi không đội mũ bảo hiểm:

Căn cứ theo quy định tại Điểm k Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Xem thêm: Điều khiển xe có dung tích 50cc không đội mũ bảo hiểm bị phạt như thế nào?

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy [kể cả xe máy điện], các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

k] Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.“

Như vậy, các trường hợp ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách nhưng không bị xử phạt bao gồm:

– Chở người bệnh đi cấp cứu;

– Chở trẻ em dưới 06 tuổi;

– Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

5. Không đội mũ bảo hiểm bị phạt bao nhiêu tiền?

Điểm i, điểm k khoản 2 điều 6 và khoản 3 điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Xem thêm: Đi xe, chở người không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt bao nhiêu?

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy [kể cả xe máy điện], các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i] Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

k] Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”

“Điều 11. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy [kể cả xe máy điện], các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy [kể cả xe đạp điện] không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.

Dựa vào căn cứ trên, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Người ngồi phía sau xe mà không đội mũ bảo hiểm cũng sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng – 300.000 đồng. Như vậy tổng số tiền xử phạt là 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Về mức xử phạt cụ thể số tiền là bao nhiêu được quy định tại khoản 4, điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012như sau:

Xem thêm: Luật sư tư vấn xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm trực tuyến

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

6. Trường hợp có mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị phạt?

Khi tham gia giao thông không chỉ cần đội mũ bảo hiểm mà theo Nghị định 100, người điều khiển xe phải đội loại “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” và cài quai đúng quy cách.

Trong đó, tiêu chí về việc cài quai đúng quy cách được giải thích cụ thể tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVTnhư sau:

– Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;

– Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán [hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm] lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.

Do đó, nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện và các loại xe tương tự dù có đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị xử phạt như lỗi không đội mũ bảo hiểm nếu:

– Sử dụng mũ bảo hiểm không phải loại dành cho người đi mô tô xe máy như mũ bảo hiểm trong xây dựng – lắp đặt, mũ bảo hiểm trong thể dục – thể thao…

– Cài quai không đúng quy định.

Xem thêm: Công an huyện không mặc đồng phục có được quyền xử phạt vi phạm giao thông?

Cụ thể, căn cứ theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì:

“2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i] Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.

7. Đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn có bị xử phạt?

Hiện nay quy định về mũ bảo hiểm của người điều khiển môtô, xe máy đã được nêu rất rõ tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy của Bộ Khoa học và Công nghệ [QCVN 2: 2008/BKHCN].

Theo đó, mũ đạt yêu cầu phải đảm bảo có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ [đệm bảo vệ] và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt các chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Luật Giao thông đường bộ hiện hành và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông không có điều khoản nào quy định xử phạt đối với người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Ngoài ra, việc phân biệt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bằng mắt thường là rất khó, trong khi hiện giờ chưa có trang thiết bị, kỹ thuật máy móc để hỗ trợ CSGT xác định mũ bảo hiểm giả hay thật.

Chủ Đề