Kĩ thuật dạy học Luyện từ và câu

     Phân môn Luyện từ và câu có vị trí rất quan trọng, là chìa khóa mở ra kho tàng văn hóa trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội của con người. Hơn nữa, phân môn Luyện từ và câu giúp học sinh lĩnh hội Tiếng Việt, văn hóa, là công cụ giao tiếp tư duy và học tập. Đối với học sinh khi sử dụng Tiếng Việt thì việc Luyện từ và câu có một vai trò quan trọng nó giúp học sinh có đủ điều kiện để sử dụng Tiếng Việt đạt hiệu quả cao trong học tập các môn văn hóa, trong việc viết văn bản. Xuất phát từ mục đích yêu cầu của môn Tiếng Việt trong trường tiểu học nhằm tạo cho học sinh năng lực sử dụng Tiếng Việt, văn hóa và hiện đại để suy nghĩ, giao tiếp và học tập. Thông qua việc học Tiếng Việt rèn cho học sinh năng lực tư duy, phương pháp suy nghĩ giáo dục cho các em tư tưởng, tình cảm trong sáng. Có như vậy mới thực hiện được nhiệm vụ đào tạo học sinh thành những con người phát triển toàn diện.

     Đối với h/s lớp 2, ở lứa tuổi này các em còn mang đậm bản sắc hồn nhiên, sự chú ý chưa cao. Bên cạnh học là hoạt động chủ đạo thì nhu cầu chơi nhu cầu được giao tiếp với bạn bè, vẫn tồn tại và cần thoả mãn. Nếu người giáo viên biết phối hợp nhịp nhàng giữa học mà chơi, chơi mà học thì h/s sẽ hăng hái, say mê học tập và tất yếu kết quả của qúa trình dạy học cũng đạt tới đỉnh điểm. Dạy học bằng phương pháp trò chơi là đưa học sinh đến với các hoạt động vui chơi giải trí có nội dung gắn liền với bài học. Trò chơi trong học tập có tác dụng giúp h/s thay đổi động hình, chống mệt mỏi. Tăng cường khả năng thực hành kiến thức của bài học. Phát huy hứng thú tạo thói quen độc lập, chủ động và sự sáng tạo của học sinh.

     Trong quá trình học tập và giảng dạy tôi đã nắm được những cơ sở lí luận của công tác giáo dục học sinh đặc biệt là chất lượng dạy và học phân môn Luyện từ và câu của lớp 2. Tôi đã tìm hiểu những phần nào về nội dung và biện pháp thực tế trong quá trình giảng dạy. Đặc biệt là những biện pháp dạy phân môn Luyện từ và câu cho học sinh lớp 2 nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

     Mặt khác, đối với giáo viên chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu là nhiệm vụ hàng đầu. Có dạy tốt thì kết quả học tập của học sinh mới được nâng cao. Giáo viên có dạy tốt hay không được đánh giá ở chính thành tích học tập của các em. Kết quả học tập của các em là thước đo quá trình phấn đấu rèn luyện của chính bản thân mỗi giáo viên. Cho nên khi giảng dạy mỗi giáo viên tiểu học phải truyền đạt hết sức mình cho các em học tập.

      Một số biện pháp quan trọng khi tôi sử dụng trong quá trình dạy Luyện từ và câu:

Biện pháp 1: Để có thể học tốt phân môn Luyện từ và câu, ngay từ đầu tiết học người giáo viên phải khơi sự tò mò, hứng thú học cho các em.

     Khi giới thiệu bài Luyện từ và câu ở tuần 3: “Từ chỉ sự vật. Kiểu câu: Ai là gì?”. Đây chính là bài học với chủ đề: Bạn bè. Giáo viên có thể hỏi: Trong tuần các em đã học những bài tập đọc nào nói về bạn bè ? Sau khi học sinh trả lời, giáo viên sẽ giới thiệu: Các con đã được học những bài tập đọc nói về tình bạn. Các con có biết từ chỉ sự vật là gì không ? và muốn nói với kiểu câu Ai là gì ? con sẽ nói như thế nào ?

     Hoặc tôi có thể dùng tranh ảnh để giới thiệu bài nhằm gây hứng thú, tạo nhu cầu học bài ở học sinh.

     Ví dụ: Khi dạy bài ở tuần 26: “Từ ngữ về sông biển. Dấu phẩy” Tôi đã sưu tầm một số tranh ảnh về các loài cá nước ngọt và nước mặn. Sau đó giới thiệu cho học sinh biết đây là các loài cá nhưng để biết đâu là cá nước ngọt ? Đâu là cá nước mặn ? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua bài học hôm nay.

     Ngoài ra, tôi sưu tầm các bài hát, bài thơ hay trò chơi có liên quan đến bài học cho học sinh khởi động và đặt câu hỏi để dẫn vào bài một cách tự nhiên, tạo hứng thú cho học sinh.

     Ví dụ: Khi dạy bài “Từ ngữ về chim chóc”, GV cho học sinh khởi động bằng bài hát: “Chim vành khuyên” sau đó khai thác Trong bài hát có nhắc đến những loài chim nào? Bài học hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về các loài chim.

     Hay khi dạy bài: "Từ ngữ về họ hàng", tôi cho học sinh  khởi động giờ học bằng múa hát bài "Ba ngọn nến lung linh".

Biện pháp 2: Giáo viên cần phân ra các kiểu bài trong phân môn Luyện từ và câu :

a. Dạy bài lí thuyết về từ.

     Ở lớp 2, có những bài dạy về lí thuyết từ như : Từ và câu, Từ ngữ chỉ sự vật [Danh từ], Từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái [Động từ], Từ ngữ chỉ đặc điểm, tình cảm [Tính từ]. Những bài học này là tổng kết những kiến thức được rút ra từ những bài tập học sinh được làm. Khác với chương trình lớp 2 cũ, chương trình lớp 2 mới học sinh được làm bài tập sau đó mới rút ra kiến thức trọng tâm của bài.

      Dạy nghĩa của từ được hiểu là nội dung đối tượng vật chất, là sự phản ánh đối tượng của hiện thực trong nhận thức được ghi lại bằng tổ hợp âm thanh xác định, để làm tăng vốn từ cho học sinh, giáo viên cần phải cung cấp những từ mới bằng những tranh ảnh, hoạt động hay lời nói mà giáo viên đưa ra. Công việc đầu tiên của dạy từ  là phải làm cho học sinh hiểu nghĩa của từ, hiểu được tầm quan trọng của việc dạy nghĩa của từ và nó còn là nhiệm vụ sống còn trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em.

     Muốn thực hiện được điều này người giáo viên phải hiểu nghĩa của từ, phải biết giải nghĩa phù hợp với mục đích dạy, phù hợp với đối tượng học sinh. Giải nghĩa từ bằng trực quan là biện pháp giáo viên đưa vật thật, tranh ảnh, … Giải nghĩa từ bằng trực quan chiếm vị trí quan trọng trong giải nghĩa từ ở tiểu học vì nó góp phần giúp học sinh hiểu nghĩa của từ một cách dễ dàng nhưng cách giải nghĩa này đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị khá công phu.

Ví dụ: Bài “Từ chỉ sự vật” [tuần 3] giáo viên giải nghĩa cho học sinh các từ chỉ sự vật như : bộ đội, công nhân, cây dừa, cây mía… thông qua tranh và lời nói của giáo viên.

Giáo viên còn giải nghĩa bằng ngữ cảnh, đó là đưa từ vào trong một nhóm từ, một câu, một bài để làm rõ nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Giáo viên không cần giải thích mà nghĩa của từ tự bộc lộ trong ngữ cảnh.

Ví dụ : Bài Từ và Câu [tuần 1]. Giải thích từ “nhà”, giáo viên có thể đưa từ nhà vào trong câu: Nơi em  ở là ngôi nhà ba tầng.

Ngoài ra, còn giải nghĩa từ bằng từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa

b. Dạy bài mở rộng vốn từ

     Cơ sở của việc hệ thống hóa vốn từ là sự tồn tại của từ trong ý thức con người, từ tồn tại trong đầu óc con người không phải là những yếu tố rời rạc mà là một hệ thống. Chúng được sắp xếp theo một hệ thống liên tưởng nhất định giữa các từ này với từ khác có một nét gì chung khiến ta nhớ đến từ kia nên từ được tích lũy nhanh chóng hơn. Từ mới có thể được sử dụng trong lời nói và khi sử dụng nhờ hệ thống liên tưởng, học sinh nhanh chóng huy động lựa chọn từ phù hợp với yêu cầu giao tiếp.

     Với mục đích tích lũy nhanh chóng vốn từ và tạo điều kiện để sử dụng từ một cách dễ dàng, giáo viên đưa ra những từ theo một hệ thống và đồng thời xây dựng một bài tập hệ thống hóa vốn từ trong dạy từ. Ở lớp 2, các em được học từ theo chủ đề, cứ 2 tuần các em được học một chủ đề.

Ví dụ : Tuần 21 và 22 các em học chủ đề “chim chóc” thì ở Luyện từ và câu các em được học từ ngữ về chim chóc và mở rộng vốn từ các từ ngữ về loài chim.

     Khi học sinh chưa nắm chắc từ thì giáo viên cần gợi ý từ và giúp học sinh hiểu được nghĩa của từ và nắm chắc hệ thống từ một cách thành thạo, biết dùng từ để đặt câu. Giáo viên cần định hướng những từ nhất định, cần thu hẹp phạm vi liên tưởng lại.

Ví dụ : Khi dạy bài “Từ ngữ về các môn học” [tuần 7]

Giáo viên đưa ra những câu hỏi gợi từ để giúp học sinh nắm được hệ thống của từ trong chủ đề “ Thầy cô” như :

- Trong thời khoá biểu, những môn học nào em được học nhiều nhất? [Môn Toán và Tiếng Việt]

- Ngoài ra em còn học những môn học nào khác nữa ? [Tự nhiên – Xã hội, đạo đức, nghệ thuật, ……]

- Trong môn Tiếng Việt em học gồm có những phân môn nào ? [Tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập viết, kể chuyện, tập làm văn]

- Trong môn nghệ thuật em thấy có những phân môn nào ?[thủ công, âm nhạc, mĩ thuật]

- Sau đó giáo viên dùng những tấm bìa khác màu để phân biệt các môn học.

Giải các bài tập hệ thống hóa vốn từ, học sinh sẽ xây dựng được những nhóm  từ khác nhau. Để hướng dẫn học sinh làm những bài tập này giáo viên cần có những vốn từ cần thiết và phân biệt được các loại từ.

Ví dụ : Chọn từ ngữ thích hợp rồi điền vào chỗ trống để tạo thành một câu hoàn chỉnh:

a/ Cháu ….. ông bà.

b/ Con …… cha mẹ.

c/ Em ….. anh chị.

- Giáo viên phải xác định cho học sinh ở bài tập này phải điền những từ ngữ nói về tình cảm mà các em đã được học.

- Sau đó học sinh có thể điền nhiều từ có nghĩa tương tự nhau như câu a.

Cháu ….. ông bà [học sinh có thể điền: kính yêu, kính trọng, thương yêu….]

c. Dạy bài tích cực hóa vốn từ

Dạng bài tập này không chỉ giúp học sinh nắm được nghĩa mà còn làm rõ khả năng kết hợp từ. Những bài tập được sử dụng ở lớp 2 là bài tập điền từ, bài tập đặt câu , bài tập tạo từ….

- Giáo viên hướng dẫn học sinh bằng cách: Hướng dẫn các em tạo các từ theo từng tiếng dưới dạng sơ đồ cây. Như tiếng“ yêu” ta có các từ: yêu thương, yêu quý, yêu mến..tương tự như vậy học sinh sẽ tạo các từ tiếp theo.

Với các dạng bài tập này giáo viên cần cho học sinh phân tích đề bài một cách rõ ràng. Khi cần giáo viên có thể giải thích để các em nắm được yêu cầu của bài tập. Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập, giáo viên phải nắm chắc trình tự giảng bài, cần có những dự tính cho những tình huống và những lỗi học sinh mắc phải khi giải bài tập để sửa chữa kịp thời.

Ví dụ : Khi dạy bài : “ Từ ngữ về muông thú” [tuần 23]

- Sau khi dạy xong bài, phần củng cố giáo viên yêu cầu học sinh các nhóm tìm tên các con thú nguy hiểm và thú không nguy hiểm thì lúc đó có học sinh nêu : Con rắn

- Khi đó, giáo viên phải giải thích cho học sinh hiểu rắn không phải là loài thú mà là loài bò sát nên kể tên rắn vào đây là sai.

Cuối cùng giáo viên phải kiểm tra, đánh giá nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh. Muốn cho học sinh một mẫu sản phẩm tốt nhất thì người giáo viên phải chuẩn bị mẫu lời giải đúng và dùng nó đối chiếu với bài làm của học sinh. Với những bài làm sai giáo viên không nhận xét chung mà chỉ rõ bài học sinh sai ở đâu và chuyển từ lời giải sai sang lời giải đúng.

d. Dạy bài khái niệm câu

Quá trình hình thành khái niệm câu có thể chỉ ra theo các bước sau :

Đưa ngữ liệu và phân tích ngữ liệu với mục đích làm rõ những dấu hiệu bản chất của khái niệm.

Khái quát hóa dấu hiệu thiết lập quan hệ giữa các dấu hiệu của khái niệm đưa thuật ngữ [học sinh nắm thao tác so sánh và tổng hợp]

Để chuẩn bị dạy khái niệm câu giáo viên cần đặt trong hệ thống chương trình để thấy rõ vị trí của nó đồng thời  phải nắm chắc nội dung khái niệm. Đây chính là nội dung mà giáo viên cần đưa đến cho học sinh.

Do tính chất thực hành cũng như để phù hợp với đối tượng học sinh nhỏ tuổi nên mỗi giáo viên khi dạy cần tự lập một bảng ghi rõ thứ tự các khái niệm câu được dạy để thấy được cái nhìn tổng quát và chính xác.

Như vậy, để thực hiện giảng dạy phần khái niệm câu trong một bài, giáo viên cần linh hoạt sử dụng kết hợp các phương pháp như : trực quan, hỏi đáp, để phân tích, so sánh và giảng giải để rút ra kiến thức của bài học .

Mục đích cuối cùng của việc dạy khái niệm câu trong nhà trường là sử dụng chúng một cách có ý thức để thực hiện chính xác tư tưởng, tình cảm trong hình thức nói và viết. Vì vậy, thực hành câu nhất thiết phải được dạy một cách có định hướng, có kế hoạch thông qua hệ thống bài tập câu.

Các bài tập nhận diện, phân tích trong quá trình hướng dẫn học sinh làm bài tập giáo viên cần đặt ra những câu hỏi thích hợp đối với mỗi thành phần học sinh nhận diện ra chúng. Những bài tập xây dựng tổng hợp chủ yếu nằm ở cấp độ câu, nó được xây dựng thành nhóm:

Nhóm các bài tập theo mẫu gồm:

- Bài tập viết theo mẫu làm rõ ý nghĩa của câu.

- Trả lời câu theo mẫu có sẵn.

Nhóm các bài tập này, giáo viên đưa ra các ví dụ và làm mẫu. Ở đây ví dụ phải là mẫu đích thực và câu hỏi cần dần dần tăng độ khó.

Ví dụ : Khi dạy câu kiểu : Ai / là gì ? Trước khi vào bài dạy giáo viên cần phân tích mẫu, cho học sinh lấy ví dụ theo câu kiểu Ai / là gì ? Sau đó mới đi vào thực hành nói và viết theo câu kiểu Ai / là gì ?

          Câu kiểu Ai/ là gì ? tức là giới thiệu về người, vật …nào đó.

Ví dụ : -  Lan/  là học sinh lớp 2A [Ai / là gì ?]

                  Ai            là gì ?

Điện thoại/  là phương tiện thông tin nhanh nhất. [Cái gì / là gì ?]

       Cái gì                                  là gì ?

Cò và Vạc/  là đôi bạn thân [Con gì / là gì ?]

      Con gì                   là gì?

Sau đó giáo viên cho học sinh thực hành với bài tập sau :

Bài tập 1 : Đặt câu theo mẫu dưới đây rồi ghi vào chỗ trống

Ai [hoặc cái gì, con gì]

là gì ?

Mẫu : Bạn Vân Anh

…………………………………………

…………………………………………

là học sinh lớp 2A

…………………………………………

…………………………………………

Bài tập 2 : Ghi từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để tạo thành câu:

Ai [hoặc cái gì, con gì]

là gì ?

Em

…………………………………………

…………………………………………

là đồ dùng học tập thân thiết của em.

          Các nhóm bài tập sáng tạo gồm các dạng bài như : Bài tập biến dạng các kiểu câu, bài tập xác định dấu câu và tự viết hoa, bài tập xây dựng theo cấu trúc đã cho, bài tập cho trước đề bài yêu cầu đặt câu, bài tập dựa vào tranh để đặt câu, cho từ yêu cầu đặt câu. Với nhóm bài tập này giáo viên cần đưa tranh để phân tích chủ đề và làm mẫu. Hướng dẫn học sinh làm bài và bổ sung thêm để có những câu văn hay đủ độ lớn, có cấu trúc câu đầy đủ và có sức biếu hiện đồng thời dùng phương pháp trò chơi để kích thích sáng tạo, thi đua học tập của học sinh.

          Giáo viên cần phải có nội dung rõ ràng về số lượng bài tập nhiều tiết không thể sử dụng hết bài tập trong sách học sinh mà phải lựa chọn hoặc làm phiếu bài tập để giảm bớt thời gian làm bài tập, tích cực hóa hoạt động của học sinh.

          Khâu tổ chức làm bài tập giáo viên phải nắm được trình tự làm bài tập và dự tính được những câu trả lời của học sinh và những sai phạm mà các em có thể mắc phải để chuẩn bị sẵn phương án sửa chữa khi học sinh không giải được bài tập thì giáo viên phải cắt nhỏ từng bước để sửa sai cho học sinh.

          Phải dành thời gian đúng mức cho khâu kiểm tra, đánh giá. Có thể cho học sinh kiểm tra lẫn nhau, đánh giá không nhất thiết chỉ khen  những câu có mẫu lời giải đúng để học sinh tự đối chiếu, đánh giá bài làm của mình.

Biện pháp 3: Để việc dạy và học phân môn luyện từ và câu được tốt, tôi còn quan tâm tới một số điểm sau:

          Giáo viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức, lập bảng chương trình để thấy được mối quan hệ và mức độ yêu cầu của mỗi bài học.

          Các bài tập cần phải phù hợp với đối tượng học sinh, giáo viên cần linh hoạt sử dụng các bài tập thiết thực có tác dụng trực tiếp đối với học sinh.

          Đối với mỗi dạng bài tập cần có tài liệu tham khảo cho cả giáo viên và học sinh nhằm bổ sung kiến thức và mở rộng tầm hiểu biết. Tư duy của học sinh tạo cho các em có cơ sở để phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú.

Ví dụ : Khi dạy các tiết hướng dẫn TH Tiếng Việt vào buổi chiều, với bài “Ôn các từ ngữ về loài chim” tôi đã đưa ra các câu hỏi về loài chim. Sau đó yêu cầu học sinh giải thích và nêu đặc điểm của các loài chim đó. Như :

Câu 1 :

Con gì nho nhỏ

Cái mỏ xinh xinh

Chăm nhặt, chăm tìm

Bắt sâu cho lá

- Con chim sâu-

Câu 2 :

Mỏ dài lông biếc

Trên cành lặng yên

Bỗng vút như tên

Lao mình bắt cá

Là con chim gì ?

- Chim bói cá -

Câu 3 :

Mỏ cứng như dùi

Gõ luôn không mỏi

Cây nào sâu đục

Có tôi ! Có tôi !

- Chim gõ kiến -

    Câu 4 :

Con gì đậu ở trên cao

Cúc cu gáy rộn đón chào nắng mai

                                                                               - Chim cu gáy -

Sau khi học sinh đã giải xong câu đố về các loài chim, giáo viên hỏi : Dựa vào các câu đố ở trên con hãy nêu đặc điểm của con chim sâu, chim bói cá, chim gõ kiến, chim cu gáy ?

Ví dụ : Khi dạy các tiết hướng dẫn TH Tiếng Việt vào buổi chiều, với bài “Ôn các từ ngữ chỉ nghề nghiệp” tôi đã đưa ra các câu hỏi về nghề nghiệp. Sau đó yêu cầu học sinh nêu ích lợi của các nghề đó. Như :

Câu 5 :                           Ai nơi hải đảo biên cương

                             Diệt thù giữ nước coi thường khó khăn ?

                                                          -chú bộ đội hải quân-

Câu 6 :                           Nghề gì vất vả

                                      Xô, xẻng ,dao ,bay

                                      Gạch xếp thẳng hàng

                                      Xây thành nhà của ?

- Thợ xây –

          Câu 7 :                           Nghề gì khuyên bảo chúng ta

                                                Điều hay lẽ phải cho ta nên người ?

                                                                   -giáo viên-

Câu 8 :                           Thợ gì bạn với gỗ cây

                                      Hoa văn rồng phượng đẹp hay lạ thường ?

                                                          -thợ mộc-   

Sau khi học sinh đã giải xong câu đố về nghề nghiệp, giáo viên hỏi : Dựa vào các câu đố ở trên con hãy nêu ích lợi của nghề bộ đội hải quân, thợ xây, giáo viên, thợ mộc ?

Việc rèn luyện các kĩ năng : nghe, đọc, nói và viết cần đưa vào phân môn Luyện từ và câu một cách đầy đủ hơn và thường xuyên hơn. Nhất là hai kĩ năng nói và viết. Cần chú ý sửa nói ngọng cho học sinh, sửa những lỗi chính tả cho học sinh và luyện cho các em viết các câu văn hay và nội dung đảm bảo về mặt hình thức.

  1. Sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực:

      Để phát huy năng lực của học sinh, trong các dạng bài này, bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống, tôi thường sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực như: Phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp trò chơi …, kĩ thuật khăn phủ bàn, kĩ thuật mảnh ghép, kĩ thuật phòng tranh…

* Phương pháp thảo luận nhóm:

Trong dạy học phân môn Luyện từ và câu, việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm thật sự đã tạo được hiệu quả rất lớn. Trong thời lượng từ 35 đến 40 phút 1 tiết học, việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm kết hợp các kĩ thuât dạy học tích cực giúp học sinh mở rộng vốn từ rất tốt.

Ví dụ: Khi dạy bài tập 1 [ tuần 19]

   Để thực hiện tốt nhiệm vụ của bài tập 1 trước hết tôi gọi một vài em đọc yêu cầu của bài, cho cả lớp đọc thầm suy nghĩ yêu cầu của bài.

   Em hãy kể tên các tháng trong năm. Cho biết mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông bắt đầu từ tháng nào, kết thúc vào tháng nào ?

   Tôi đã chia lớp thành bốn nhóm. Mỗi nhóm mang tên một mùa. Nhóm nào mang tên mùa nào thì thảo luận thời gian bắt đầu và kết thúc của mùa đó.

   Sau đó yêu cầu đại diện từng nhóm lên bảng trình bày kết quả bài tập của nhóm mình đồng thời các nhóm khác nhận xét, bổ sung thêm. Cuối cùng giáo viên kết luận.

  Qua hoạt động theo nhóm các em học sinh mạnh dạn hẳn lên, nói ra được suy nghĩ, hiểu biết của mình.

* Phương pháp trò chơi :

Nếu như trước đây, việc thiết kế các trò chơi dạy học là rất tốn công sức và tiền của. Ví dụ như trò chơi tiếp sức, giáo viên làm thẻ từ, hình cây, hoa, lá…phải in, cắt dán, nam châm..rất phức tạp mà tốn nhiều công sức nhưng khi chơi thì chỉ một số học sinh được tham gia. Hiện nay, với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện dạy học hiện đại cộng với sự phát triển của xã hội, việc thiết kế các trò chơi giống các gameshow trên truyền hình vừa hấp dẫn lại tạo hứng thú học tập cho học sinh làm cho tiết học trở nên sôi động. Từ đó kiến thức đến với các em rất nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Ví dụ : Trò chơi Rung chuông vàng – có thể dử dụng ở phần củng cố, tất cả học sinh trong lớp đều được tham gia. Học sinh có thể viết đáp án vào bảng con hoặc dùng thẻ đúng sai.

          Trò chơi Đuổi hình bắt chữ - Có thể sử dụng ở bài Từ ngữ về muông thú, Từ ngữ về loài chim, Từ ngữ về nghề nghiệp… Học sinh nhìn hình đoán từ

          Trò chơi Mảnh ghép bí mật , Giải cứu công chúa… cũng gây hứng thú cho học sinh rất lớn.   

         *Sử dụng Kĩ thuật Khăn phủ bàn:

Là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm nhằm:

Kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực

Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân HS

Phát triển mô hình có sự tương tác giữa HS với HS

Cách tiến hành kĩ thuật “Khăn trải bàn”

Hoạt động theo nhóm [4 người / nhóm] [có thể nhiều người hơn]

Mỗi người ngồi vào vị trí như hình vẽ minh họa.Tập trung vào câu hỏi [hoặc chủ đề,...]

Viết vào ô mang số của bạn câu trả lời hoặc ý kiến của bạn [về chủ đề...]. Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút.

Kết thúc thời gian làm việc cá nhân, các thành viên chia sẻ, thảo luận và thống nhất các câu trả lời.

Một vài ý kiến cá nhân với kĩ thuật “Khăn trải bàn”

Kĩ thuật này giúp cho hoạt động nhóm có hiệu quả hơn, mỗi học sinh đếu phải đưa ra ý kiến của mình về chủ đề đang thảo luận, không ỷ lại vào các bạn học khá, giỏi.

Kĩ thuật này áp dụng cho hoạt động nhóm với một chủ đề nhỏ trong tiết học, toàn thể học sinh cùng nghiên cứu một chủ đề.

Sau khi các nhóm hoàn tất công việc giáo viên có thể gắn các mẫu giấy “khăn trải bàn” lên bảng để cả lớp cùng nhận xét. Có thể dùng giấy nhỏ hơn, dùng máy chiếu phóng lớn.

Bài: Mở rộng vốn từ: từ ngữ về họ hàng. Dấu chấm, dấu chấm hỏi .

Bài tập 2:Kể thêm những người trong gia đình, họ hàng mà em biết.

 Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thảo luận nhóm:

 Bước 1: Học sinh làm việc cá nhân: Viết các từ chỉ người trong gia đinh, họ hàng ra giấy nốt [khuyến khích HS viết càng nhiều càng tốt]

Bước 2: Học sinh làm việc theo nhóm: Nhóm trưởng yêu cầu các thành viên trong nhóm dán các từ mình tìm được vào bảng nhóm. Nếu từ nào chùng sẽ dán chồng lên nhau.

Bước 3: Báo cáo: Giáo viên chiếu 1 bảng của 1 nhóm, các nhóm khác nhận xét, bổ sung nếu từ của nhóm đó khác với nhóm bạn…

          Như vậy, với kĩ thuật này, học sinh nào cũng được làm việc, học sinh được phát huy khả năng của mình và giáo viên khi qua sát cũng nắm bắt được vốn từ của từng học sinh…

          Kĩ thuật này sử dụng được ở rất nhiều bài như: Từ ngữ về muông thú, Từ ngữ về sông biển, …

* Sử dụng Kĩ thuật Mảnh ghép

Là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm:

Giải quyết một nhiệm vụ phức hợp [có nhiều chủ đề]

Kích thích sự tham gia tích cực của HS:

Nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác [Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 1 mà còn phải truyền đạt lại kết quả vòng 1 và hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 2].

Cách tiến hành kĩ thuật “Các mảnh ghép”

VÒNG 1: Nhóm chuyên gia

Hoạt động theo nhóm 3 đến 8 người [số nhóm được chia = số chủ đề x n [n = 1,2,…]]

Mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ [Ví dụ : nhóm 1 : nhiệm vụ A; nhóm 2: nhiệm vụ B, nhóm 3: nhiệm vụ C, … [có thể có nhóm cùng nhiệm vụ]]

Khi thảo luận nhóm phải đảm bảo mỗi thành viên trong từng nhóm đều trả lời được tất cả các câu hỏi trong nhiệm vụ được giao và trở thành “chuyên gia” của lĩnh vực đã tìm hiểu và có khả năng trình bày lại câu trả lời của nhóm ở vòng 2

VÒNG 2: Nhóm các mảnh ghép

Hình thành nhóm 3 đến 6 người mới [1 – 2 người từ nhóm 1, 1 – 2 người từ nhóm 2, 1 – 2 người từ nhóm 3…]

Các câu trả lời và thông tin của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau

Khi mọi thành viên trong nhóm mới đều hiểu được tất cả nội dung ở vòng 1 thì nhiệm vụ mới sẽ được giao cho các nhóm để giải quyết

Một vài ý kiến cá nhân với kĩ thuật “Các mảnh ghép”

Kĩ thuật này áp dụng cho hoạt động nhóm với nhiều chủ đề nhỏ trong tiết học, học sinh được chia nhóm ở vòng 1 [chuyên gia] cùng nghiên cứu một chủ đề.

Phiếu học tập mỗi chủ đề nên sử dụng trên giấy cùng màu có đánh số 1,2,…,n [nếu không có giấy màu có thể đánh thêm kí tự A, B, C, ... . Ví dụ A1, A2, ... An, B1, B2, ..., Bn, C1, C2, ..., Cn]

Sau khi các nhóm ở vòng 1 hoàn tất công việc, giáo viên hình thành nhóm mới [mảnh ghép] theo số đã đánh, có thể có nhiều số trong 1 nhóm mới. Bước này phải tiến hành một cách cẩn thận tránh làm cho học sinh ghép nhầm nhóm

Ví dụ: Bài Từ ngữ về các mùa

Kết hợp bài tập 1 và 2:

a. Bốn mùa trong năm [xuân, hạ, thu, đông]được bắt đầu từ tháng nào đến tháng nào?

b. Chọn đặc điểm của mỗi mùa [xuân, hạ, thu, đông] cho phù hợp.

Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm: Nhóm 1,2,3 trả lời ý a. Nhóm 3,4,5 trả lời ý b.

Đây chính là giai đoạn nhóm chuyên sâu.

Sau đó đại diện nhóm trình bày câu trả lời của nhóm mình

          Đây là giai đoạn nhóm mảnh ghép nhưng thay đổi ở chỗ: các nhóm chuyên sâu không tách nhóm để lập thành nhóm mảnh ghép mà trình bày luôn trước lớp để cả lớp theo dõi.

Bài Từ ngữ về cây cối– Tuần 28

Bài tập 1: Tìm những loại cây:

a. Cây lương thực, thực phẩm

b. Cây ăn quả

c. Cây lấy gỗ

d. Cây bóng mát

e. Cây hoa

Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm: Nhóm 1,2 trả lời ý a. Nhóm 3,4 trả lời ý b. Nhóm 5, 6 trả lời ý c,d. nhóm 7,8 trả lời ý e.

Sau đó đại diện nhóm trình bày câu trả lời của nhóm mình [tương tự như bài Từ ngữ về các mùa.

Kĩ thuật này có thể sử dụng ở bài: Bài Từ ngữ về cây cối – Tuần 29 để tìm các từ tả đặc điểm các bộ phận của cây ăn quả [cách làm tương tự]

Bài Từ ngữ về Bác Hồ- Tuần 31

* Sử dụng Kĩ thuật Phòng tranh

Kĩ thuật này có thể sử dụng cho hoạt động cá nhân hoặc hoạt động nhóm.

GV nêu câu hỏi/ vấn đề cho cả lớp hoặc cho các nhóm.

Mỗi thành viên [hoạt động cá nhân] hoặc các nhóm [hoạt động nhóm] phác hoạ những ý tưởng về cách giải quyết vấn đề trên một tờ bìa và dán lên tường xung quanh lớp học như một triển lãm tranh.

HS cả lớp đi xem "triển lãm" và có thể có ý kiến bình luận hoặc bổ sung.

Cuối cùng, tất cả các phương án giải quyết được tập hợp lại và tìm phương án tối ưu.

Ví dụ:

Bài: Từ ngữ chỉ nghề nghiệp – Tuần 33

Đối với học sinh lớp 2, tôi chỉ sử dụng một phần kĩ thuật phòng tranh đó là:

Bước 1: Học sinh lấy tranh ảnh mà mình sưu tầm được ra giới thiệu với các bạn trong nhóm, gắn bảng nhóm.

Bước 2: Trưng bày và thăm quan triển lãm theo định hướng: Nhớ thêm một số từ chỉ nghề nghiệp, tìm hiểu thêm về công việc, lợi ích.. của ít nhất 1 nghề.

Bước 3: Báo cáo trước lớp về kết quả mình thu hoạch được.

          Thông qua hoạt động này, học sinh không chỉ biết thêm về rất nhiều nghề nghiệp một cách trực quan mà còn hiểu rõ về nghề nghiệp đó làm công việc gì, ích lợi của các công việc đó. Học sinh không chỉ học ở thầy, học ở sách giáo khoa mà còn học ở bạn. Từ đó, học sinh còn được phát triển về cả kĩ năng  giao tiếp, kĩ năng trình bày…

Kĩ thuật này có thể sử dụng ở bài: Từ ngữ về loài chim, Từ ngữ về muông thú…

KẾT QUẢ CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

Thời gian

Số học sinh học chưa tích cực

Số học sinh học tích cực

GHKI

43/55 HS

12/55 HS

CHKI

33/55 HS

22/55 HS

GHKII

18/55 HS

37/55 HS

Quận Hoàng Mai

Video liên quan

Chủ Đề