Thế nào là kho tàng văn học dân tộc

Then là tên gọi tiếng Thái-Tày để chỉ một loại hình văn hóa tín ngưỡng sa-man [shamanism] trong các tộc nói tiếng Thái-Tày như Lào, Lự, Giáy và các nhóm Thái-Tày địa phương như: Thái Trắng, Tày Cao Bằng, Tày Bắc Kạn, Tày sông Chảy, sông Lô, Nùng... Riêng người Thái Đen thì lại gọi là Xên Một hoặc Xên Một Lào. Các dân tộc khác ở nước ta đều có một loại hình tín ngưỡng tương tự như ở người Việt là Lên Đồng - Chầu Văn, ở người Mường là Mỡi và ở người Ba Na là K’Minh K’Mang.

Nghệ nhân Hà Văn Thuấn ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cùng con cháu trình diễn Then phục vụ du khách.

Ảnh:VƯƠNG HÀ


Chức năng đầu tiên và xa xưa của Then sa-man là để chữa bệnh cho người ốm. Xưa kia, nhân dân các tộc Thái-Tày-Nùng tin rằng “vạn vật có linh hồn” [animism], trong đó có cả con người. Tùy theo từng dân tộc, số hồn vía khác nhau. Người Kinh và một bộ phận của người Mường có “ba hồn bảy vía cho đàn ông và ba hồn chín vía cho đàn bà”. Người Thái thì có đến 80 hồn ứng với 80 bộ phận trên con người, bố trí “Ba mươi hồn phía trước-Năm mươi hồn phía sau [Xam xíp khoăn mang nả, Hả xíp khoăn mang lăng]”. Người Thái-Tày-Nùng không phân biệt hồn và vía, gọi chung là “khoăn”. Khi người chết, toàn bộ hồn vía thất tán nên phải có lễ gọi hồn trước khi chôn. Khi một số hồn rời bỏ thân xác thì con người ốm. Hồn của bộ phận nào rời đi thì bộ phận ấy bị đau, ốm. Để “chữa khỏi bệnh", cần phải tìm những hồn hay vía bỏ đi, đem chúng trả về thân xác. Việc đi tìm và dẫn hồn về phải mời thầy sa-man tức ông/bà Then ở người Tày và người Thái Trắng, hay ông/bà Một ở người Thái Đen, ông Mỡi ở người Mường [từ đây trở đi gọi tắt là ông/bà Then], những người có lực lượng âm binh, tức đội quân vô hình, tiếng Thái-Tày là “Côn Then”-tức “Quân Then” tìm giúp.

Lâu dần, với niềm tin rằng quyền phép của thánh thần có thể giúp đỡ nhiều nguyện vọng khác ngoài việc chữa bệnh, con người “làm Then” [hát Then] để cầu xin những việc như “cầu hoa”, “nối số”, "giải hạn”, “đi sứ”…

Trong hành trình của Then Tày thường có hai trường đoạn gây cảm xúc mạnh. Đó là đoạn “Thấu nạn quang”, trong đó mô tả đoàn quân đi săn thú làm lễ vật dâng các thần linh. Nai mẹ biết là không tránh khỏi bị chết nên dụ tốp săn đi về phía mình để đàn con chạy trốn về phía ngược lại. Trước khi chia tay đàn con, nai mẹ dặn dò chúng mọi điều ăn ở với xóm làng, gắng sức lao động có của ăn của để, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để nai mẹ yên lòng chết thay cả nhà.

Trường đoạn thứ hai là “Khảm hải”, nghĩa là “Vượt biển”. Để đưa đoàn quân vượt biển phải có các thuyền lớn, nhiều phu chèo gọi là “Côn Sluông”. Người dự lễ Then lại được nghe phu chèo dặn dò vợ con như một lời trăng trối vì vượt biển thì sóng to gió lớn, chắc gì đã có ngày về.

Hát Then không chỉ có sức sống trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái mà còn lan tỏa tới thế hệ trẻ của dân tộc khác tập luyện và trình diễn.Ảnh:VƯƠNG HÀ


Nghệ thuật trình diễn của Then vô cùng phong phú. Toàn bộ nội dung của bản trường ca du ký được thể hiện bằng các câu thơ theo luật thơ dân tộc, sử dụng phối hợp giữa các thể 4-5 và nhiều nhất là 7-9 từ. Rất nhiều nội dung được mô tả như những biểu tượng nghệ thuật có sức diễn cảm mạnh. Toàn bộ trong ngoài 3.000 câu thơ đều được hát lên theo các làn điệu Then khác nhau. Tùy theo nội dung của từng trường đoạn hát Then, ông/bà Then chọn những làn điệu có tính chất thích hợp. Ví dụ khi hành quân đường lớn dưới hạ giới thì dùng làn điệu Pay tàng, có nhịp phách rõ ràng, tốc độ vừa phải. Nhưng khi vượt qua rừng vắt của trường đoạn "Khảm pá tah" thì giai điệu líu ríu những chuỗi nốt móc kép trong tốc độ nhanh.

Trong trường ca Then có nhiều điệu múa, phổ biến là điệu Sluông chầu, thường được múa khi “vào trình mỗi cửa quan”. Riêng Then người Thái Trắng Tây Bắc từ bốn điệu múa: Nón, Khăn, Quạt, Nhạc, nhân dân đã sáng tạo một hệ thống múa dân gian gồm 32 điệu múa dư hứng rất đẹp.

Phụ họa cho lời hát là chiếc đàn dây Tính tẩu và chùm nhạc xóc gọi là Hính ma-Nhạc ngựa. Tính tẩu có nghĩa là "Đàn bầu" vì hộp đàn làm bằng quả bầu khô, còn tính có nghĩa là đàn.

Trong diễn xướng, Tính tẩu thường tạo bè nền trì tục bằng hai dây buông, gảy vào phách mạnh hay trên từng phách khi ông/bà Then ngân giọng cuối một khổ nhạc, thậm chí một câu nhạc. Tính tẩu có thể chơi một nét nhạc ngắn hoặc đánh cả bài nhạc múa cho múa. Xưa kia, dây đàn xe bằng tơ tằm, vuốt sáp ong và nhựa dây khoai lang, nay dùng dây ni-lông nên âm sắc không chuẩn. Cần đàn dài nên hầu như không dùng đến các thế tay cao. Âm sắc của đàn mềm, đục, tay bấm di chuyển trên một quãng không dài của cần đàn nên rất linh hoạt. Chùm nhạc xóc luôn bảo đảm nhịp của hát và múa. Riêng ở Then Thái Trắng Lai Châu, Tính tẩu còn là đạo cụ trong điệu múa “Chọi gà” và chùm nhạc xóc trong điệu “Múa nhạc”.

Một trong những yếu tố độc đáo của Then là Then Cấp sắc. Tiếng Tày gọi là “Lảu Then” nghĩa đen là “Rượu Then”, do ông/bà Then tổ chức nhằm được giới Then công nhận sự nâng bậc năng lực ma thuật của mình. Do đó, đây là một ngày hội của giới Then trong một vùng lãnh thổ nào đó, xưa kia thường là một huyện hay một mường. Nội dung Then Cấp sắc cũng chủ yếu là trình diễn hành trình lên Mường Trời, qua các “cửa quan” dâng lễ, biếu quà để cuối cùng lên đến nhà Then Luông [tức ông Trời] xin nâng cấp trình độ, năng lực phép thuật để có thể chữa những bệnh nặng hơn hay cúng cho những việc khác đòi hỏi quyền năng lớn hơn. Trong lễ, sau khi Then “thí sinh” hoàn thành chuyến đi lên Mường Trời trở về, sẽ được thầy mình trao cho cái mũ Then ba dải đầu tiên trước sự chứng kiến của giới Then và nhân dân sở tại. Thông thường, Then có bốn cấp, biểu thị bằng số dải mũ ba-năm-bảy-chín [cá biệt có nơi thêm một cấp có 11 dải]. Như vậy, để leo lên đến cấp cao nhất, trong đời làm Then, mỗi ông/bà Then phải làm Cấp sắc ít nhất bốn lần và lần thứ năm khi đã cao tuổi, không còn sức thì làm lễ trọng với tầm vóc của Cấp sắc xin Then Luông cho nghỉ không cúng bái gì nữa, gọi là Then Cáo lão.

Ở nước ta, Then và các loại hình tương tự có mặt ở hầu hết các tộc người, thậm chí ở một vài nơi nó tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay khi loài người đã bước vào thời đại tin học. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, sa-man ngày càng “chuyên hóa”, hình thức thể hiện ngày càng hoàn chỉnh và hấp dẫn, trở thành một “thiết chế xã hội" không thể thiếu, một “thành trì làm chỗ dựa vững chắc” cho niềm tin của con người.

Về mặt văn hóa, khi bên cạnh thế giới hiện thực của con người vẫn còn được xem là tồn tại những thế giới vô hình của các thần, ma, nơi mà cánh bay lãng mạn, tưởng tượng bay bổng không hạn chế, nơi con người hướng tới như những miền đất tốt đẹp và sung sướng tột cùng, làm sản sinh ra những khoảnh khắc thăng hoa về một cuộc sống lý tưởng, thì Then và những loại hình tương tự luôn là nơi con người gửi gắm những gì đẹp nhất, tinh tế nhất có thể sáng tạo ra được. Vì thế, nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin, thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp, thi pháp, tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng.

Có thể khẳng định, Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Then Tày-Nùng-Thái xứng đáng được đề cử để UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

GS, TSKHTÔ NGỌC THANH,Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Mo Mường được truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng phương páap truyền miệng thông qua các thầy mo.

[HBĐT]- Các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất Hoà Bình đều có một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú. Những giá trị đó được chắt lọc, sáng tạo nên từ cuộc sống của người Mường, người Thái, người Dao… từ bao đời.

Những giá trị quý báu đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng, rất ít được ghi chép lại thành văn bản. Bên cạnh những áng mo tuyệt vời của người Mường là Ẳm Ệt của người Thái, tiếng khèn của người Mông hay những bài dân ca, hát ru của người Dao… tạo nên một bức tranh sinh động của văn học, nghệ thuật dân gian vùng đất này. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả một số nét độc đáo trong đời sống văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc của tỉnh Hòa Bình. 

Phần I: Thần thoại

Đáng chú ý nhất trong thể loại thần thoại phải kể đến thần thoại của người Mường. Thần thoại Mường nổi bật và bao quát nhất là ở trong Mo Mường- một hệ thống các tác phẩm "tang ca" tiễn đưa người chết, song lại chứa đựng cả một kho tàng trí tuệ, kiến thức cũng như tư tưởng của người Mường. Đây là một "thiên tình sử bi thảm nhất của văn học truyền khẩu Mường. Nó thuyết phục, giải thích, hướng dẫn hồn người chết, thậm chí cả giải trí nữa. Thái độ nương nhẹ đó đối xử với ma [người chết]- một thực thể mà người ta mến thương tuy sợ hãi- cách đối xử với ma như với người còn sống, sự săn sóc chu đáo của người sống đối với người chết, tất cả những biểu hiện tâm lý ấy vượt lên các hình thức méo mó của pháp luật, hé cho ta thoáng thấy một khía cạnh sâu kín của tâm hồn Mường, mối cộng cảm gắn bó với nhau, một thành viên của cộng đồng, thể hiện tình cảm thiết tha giữa người với người, và bên trên cái chết, duyên nợ khăng khít giữa các thế hệ nối tiếp nhau trên mặt đất" [Nguyễn Từ Chi trong cuốn Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người].

Mo Mường trước hết là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Mường để đoàn kết người sống trước sự ra đi của một thành viên trong cộng đồng. Đây là dịp những người sống, với sự có mặt của tất cả mọi thế hệ, cũng tập hợp nhau lại để chia tay vĩnh viễn người chết. Sự tập hợp của cộng đồng trong giờ phút thiêng liêng này như một sợi dây tình cảm gắn bó chặt chẽ họ với nhau. Bằng những đêm mo, người ta nhắc nhở lại lịch sử nguồn gốc của người Mường, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm, những tri thức của cuộc sống, những phong tục tập quán. Họ truyền dạy bằng thực tế những công việc khi có người chết, cách tổ chức đám tang, cách ăn mặc trang phục, cách làm lễ vật dâng cũng cho hồn và những thái độ ứng xử tinh thần, sắp xếp thứ bậc trong lúc có đám… Từ đó, người đã được biết rồi thì khẳng định, ghi nhớ thêm điều mình đã biết; kẻ chưa biết thì qua đó mà biết, nghe đó mà nhớ. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, thế hệ này đến thế hệ kia, những tri thức, kinh nghiệm, phong tục của dân tộc được lưu truyền, khẳng định và ghi nhớ vào tâm trí mỗi người.

Đó là cách giáo dục tự nguyện, sâu sắc mà bền vững. Người ta đến đám tang để chia ly với người chết, chia sẻ với người sống, khẳng định vị trí của mỗi người trong cộng đồng, đồng thời cũng thấy được phần trách nhiệm của mình. Không những thế, người ta đến đám tang để nghe lại lịch sử dân tộc mình được kể qua nội dung của những đêm mo, để học lại kinh nghiệm của những người đi trước xem phải xử lý các trường hợp cụ thể ra sao, để biết được nguồn gốc của hiện tượng này, địa danh kia từ đâu mà có…

Qua Mo Mường cả thế giới người Mường được thể hiện trong đó. Những bài mo răn dạy con người ứng xử với thế giới đó như thế nào. Điều thú vị hơn nữa là cả một kho tàng trí tuệ ấy được thể hiện dưới dạng nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật biểu diễn. Do đó, nó không chỉ có tác dụng giáo dục mà còn đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt văn hoá đối với người tham dự. Những đêm mo không chỉ dừng lại ở một cuộc sinh hoạt cộng đồng với những triết lý khô khan, mà nó trở thành những sinh hoạt nghệ thuật, vì thế tác dụng truyền cảm của nó còn cao hơn rất nhiều bởi sự giáo dục được thông qua những nghi lễ mang màu sắc nghệ thuật.

Nhân dịp chia tay với người chết cũng là lúc người ta nhìn nhận lại nguồn gốc lịch sử cũng như quá trình phát triển của dân tộc thông qua những áng mo. Nó nhắc nhở người chết rằng họ đã trải qua một chu trình của cuộc sống, an ủi người chết hãy yên tâm mà ra đi, đồng thời chỉ cho người sống hãy nhớ cội nguồn của mình và biết mình đang ở đâu để mà tiếp tục sống. Mặt khác, những đêm mo cũng là khi người sống vỗ về người chết hãy an tâm ra đi, hãy giúp đỡ người sống được yên lành và tốt hơn, đừng quấy rầy họ, đừng làm khó cho họ… Để bù đắp lại, người sống sẽ sống tốt hơn, sẽ luôn luôn nhớ đến người chết với lòng biết ơn sâu sắc và sẽ không bỏ một cơ hội nào để bày tỏ sự biết ơn đó.

Bên cạnh tính chất nhân văn ấy, Mo Mường còn phản ánh một hệ thống thần thoại của người Mường hết sức phong phú. Đó là các truyện kể về nguồn gốc của trời, của đất, của muôn loài, nguồn gốc của con người cũng những hiện tượng sinh hoạt văn hoá của họ.

Vũ trụ của người Mường trong Đẻ đất đẻ nước ra đời sau khi trời và đất tách khỏi nhau. Vũ trụ này được Bua Kloi [Vua trời] là vị thần tối thượng cai quản. Cũng theo thần thoại Mường thì con người sinh ra đầu tiên là Ta Cai [Tá Cài], Ta Can [Tá Cần] là hai anh em trai và Ya Kit [Dạ Kịt] là em gái út. Người anh cả là Tá Cài đã tiến hành mọi việc để làm nên cuộc sống của con người như bây giờ, song ông bị thất bại. Chỉ đến người em mới thành công được những công việc của anh mình và sau đó kết hợp với em gái mình để thành tổ tiên đầu tiên của loài người.

Thần thoại của Mường cũng xây dựng vũ trụ riêng cho họ là Mường Trời, Mường Người, Mường Pưa Tín, Mường Vua Khú, mỗi mường đều có tổ chức chặt chẽ, trên dưới rõ ràng theo quan niệm của họ.

Mọi vật được tập dượt bước đầu, được Tá Cần [có chỗ viết là Đá Cầm] làm và dạy cho mọi người:

Đá Cầm chọn ngày lành tháng tốt

Ra làm con kẻ song

Ra làm leng kẻ Mường

Ra nuôi Mường chiếm dân

Đá Cầm từ dốc vàng hang trứng Điếng

Dậy bước chân đi trước

Nàng Dạ Kịt dậy cất bước theo sau.

Ngoài tự mình làm thử, rồi hướng dẫn ngýời khác, Tá Cần, Dạ Kịt và các vị thần khác còn làm ra nhiều thứ khác như cuộc sống hôm nay. Tất cả những việc đó được thần thoại Mường kể đến qua các phần của Đẻ đất đẻ nước:

Con trai Mường Trời đi đánh chài đánh lưới

Còn gặp nhau với gái Mường Trần đi hái lá dâu

Có Dạ Nhần mới có Theng Rẻ

Đẻ Dạ Nhần mới đẻ Theng Rông

Theng Rẻ có giỏ néo đồng

Theng Rông có giỏ néo sắt

Mới vắt được mặt trời lên cao

Khung Mường Trời mới cao mới thoáng

Khoảng Mường Bưa, Mường Trần mới rộng, mới xa

Từ xưa đến nay người ta truyền miệng chuyện ấy

Ông mo Mường kể vậy

Cho người được biết được hay

Sáng sớm trưa mai về ngày

Người nhớ lấy

Thần thoại của ngýời Thái chứa đựng trong pho sử thi Ẳm Ệt ở Mai Châu. Trong đó, Ẳm Ệt Luông kể về chuyện sinh ra những cái lớn: vũ trụ, trời đất, còn Ẳm Ệt Nọi kể về việc sinh ra cái nhỏ: lúa.

Thần thoại về vũ trụ của ngýời Thái bắt đầu từ hỗn mang tăm tối, rồi Tạo Ính và nàng On có trýớc trời và đất ăn nằm với nhau đẻ ra mây gió. Tạo Ính chõi với nàng gió sinh ra mảnh đất bằng lá đa, mảnh trời bằng vẩy ốc. Mọi vật lần lượt được sinh ra, được hình thành trải qua những cuộc sinh nở thần kỳ... Nạn hồng thuỷ xảy ra do sự giận dữ của Then làm cho mọi vật bị tiêu huỷ. Chỉ có Tạo Cặp, nàng Kè kịp chạy vào hang đá mà thoát chết và cũng sau bao gian nan, vất vả và thử thách đôi trai, gái ấy mới trở về được Mường Trần mà tạo nên sự sống cho muôn loài trên mặt đất. Cuộc sống ở trần gian bắt đầu với bao nhiêu cuộc đấu tranh vật lộn để xây dựng xã hội các mường, các dân tộc như bây giờ. Lời kể của mo trong cộng đồng say sưa, có đầu có cuối để người ta nhờ rồi lại truyền lại cho đời sau:

Ngày xửa ngày xưa

Ngày xưa thời lâu

Họ bảo:

Cái gì có trước trời

Cái gì có trước đất

Tạo Ính, nàng On có trước trời

Tạo Ính, nàng On có trước đất

Ăn ở với nhau mới sính ra trời

Ăn nằm với nhau mới sinh thành mây gió

Tạo Ính ra chơi nàng Gió

Ăn ở với nhau như cơm bữa

Ăn nằm với nhau như cơm sáng cơm chiều

Nàng Gió mới sinh ra

Mảnh đất bằng lá đa

Mảnh trời bằng "vảy ốc"

Khe núi mới bằng chân gà

Then bảo đất Mường Bằng

Không ai xếp sắp

Đất Mường Dưới không ai cai quản

Then sai bảo

Tạo Cặp và nàng Kè

Đất Mường Bằng cho bay xuống xếp sắp

"Chuồng" Mường Dưới cho bay xuống cai quản

...

Có cây Then cho có lá

Thành người cho cái đầu biết nghĩ

Họ đi chặt cây về làm chày

Giã đất cho đất tụt xuống

Chọc trời cho trời cao lên.

Qua hai bộ sử thi khá đồ sộ của người Mường và người Thái, có thể thấy rằng, thần thoại của các dân tộc này được xây dựng thành một hệ thống khá chặt chẽ. Ngoài việc giải thích sự hình thành vũ trụ và muôn loài đang tồn tại và sinh sôi nảy nở trên trái đất, thần thoại của người Mường, người Thái còn cho thấy một đời sống tinh thần phong phú, một lối tý duy nguyên thuỷ vừa hồn nhiên vừa hàm súc khi giải thích quan niệm về thế giới quanh mình. Quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của người Mường, người Thái được trí tuệ con người tưởng tượng ra vừa thiêng liêng, dữ dằn, nhưng cũng thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân sơn cước. Các vị thần vừa nghiêm khắc nhưng lại hết sức bao dung, đồng cảm với con người và chứa đựng tình người sâu sắc mà vẫn không mất đi sự linh thiêng của họ. Nói như Nhiculin: "Sự linh thiêng của một vùng đất phụ thuộc vào số lượng các vị phúc thần cư trú ở đó và thế lực thần thánh của họ"

Phần II: Truyền thuyết

                                                                            HBĐT tổng hợp

Video liên quan

Chủ Đề