Làm sao để biết mình có ngáy không

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước hướng dẫn làm thế nào để sống chung “hòa bình” với người ngủ ngáy? Cách gọi người ngủ ngáy dậy an toàn? Phương pháp giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh?...

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ngủ ngáy có thể mang đến những hệ lụy nguy hiểm như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khi bạn ngủ ngáy sẽ ảnh hưởng đến:

- Người xung quanh: Một người ngủ ngáy trước tiên làm ảnh hưởng đến người xung quanh rất nhiều như con cái, vợ, chồng, hàng xóm,… vì âm thanh tiếng ngáy của bạn có thể đạt đến 120 dB. Ngủ ngáy được ví như một tiếng xe máy nổ, nhưng tiếng xe máy nổ này lại không hề êm dịu, lúc xuống lúc lên khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thể đi vào giấc ngủ.

- Bản thân:

+ Nguy cơ lớn nhất của ngủ ngáy là việc việc khiến bạn “ngưng thở khi ngủ”. Nghĩa là chúng ta có thể bị hẹp đường thở khi đó oxy lên não bị thiếu đi, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: sáng hôm sau thức giấc bạn sẽ gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải; thậm chí ngủ gật khi lái xe; chất lượng công việc bị giảm sút không được linh hoạt và minh mẫn.

+ Nếu ngưng thở khi ngủ kéo dài trên 10 giây hoặc hơn nữa thì đôi khi sẽ dẫn đến trường hợp xấu nhất đó là đột tử. Tuy đây là trường hợp hiếm gặp những vẫn có thể xảy ra.

+ Những bệnh đi kèm theo: huyết áp cao; suy tim; thay đổi nhịp, mạch của cơ thể,…


2. Có nên gọi người ngủ ngáy thức dậy theo kinh nghiệm dân gian?

Có nên áp dụng các kinh nghiệm dân gian như bỏ muối, chanh hoặc đổ nước… vào miệng người ngủ ngáy để đánh thức?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Có rất nhiều những kinh nghiệm dân gian giúp người bệnh giảm bớt việc ngủ ngáy. Nhưng phổ biến nhất vẫn là:

- Đánh thức bệnh nhân để giúp họ chủ động về đường thở.

- Xoay bệnh nhân nằm nghiêng để đường thở của bệnh nhân được thông hơn, khi bạn nằm nghiêng lưỡi sẽ không bị rớt xuống dưới họng làm hẹp đường thở.

Hành động đổ trực tiếp nước vào miệng để đánh thức bệnh nhân là vô cùng nguy hiểm. Vì nước có thể tràn vào đường thở của bệnh nhân gây ra tình trạng sặc; nếu chẳng may trong một tư thế nào đó bệnh nhân không tỉnh táo rất có thể sẽ dẫn đến việc suy hô hấp và tử vong. Trường hợp sử dụng chanh hay dùng muối [theo phương pháp dân gian] giup kích thích vị giác, đánh thức cơn ngủ ngáy của bệnh nhân thì có thể áp dụng được.

3. Làm sao để gọi người ngủ ngáy dậy an toàn?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Để giúp bệnh nhân tỉnh dậy một cách an toàn, tốt nhất người nhà nên vỗ, lay nhẹ để bệnh nhân tỉnh dậy. Lưu ý đừng làm bệnh nhân giật mình thức dậy một cách đột ngột vì sẽ gây ra một vài triệu chứng không tốt như: kích động, tim đập hồi hộp. Trường hợp bệnh nhân ngủ quá sâu người nhà nên nghiêng người của bệnh nhân sang phải hoặc trái điều này giúp đường thở không bị tắc nghẽn.

Tất cả những biện pháp trên đều có thể áp dụng cho cả nam và nữ.

4. Những nguyên nhân nào gây nên ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ở nam giới trên 40 tuổi rất dễ bị ngủ ngáy, vì lúc này cơ thể bắt đầu bị lão hóa, các cơ bị trùng xuống, lưỡi dễ bị tuột hơn, vòm họng dễ rung hơn.

Nếu bạn còn trẻ mà đã ngủ ngáy lúc này cần tìm hiểu những yếu tố nguy cơ như:

- Ban ngày lao động quá sức, công việc quá căng thẳng.

- Sử dụng nhiều thuốc an thần.

- Uống nhiều rượu, bia.

Mô tả đường thở khi ngủ ngáy

Một trong những yếu tố quan trọng khiến bạn hay ngủ ngáy đó là thừa cân. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị ngủ ngáy rồi thì một trong những điều cần lưu ý của hậu phẫu đó là không để thừa cân. Khi thừa cân tất cả mô ở khu vực cổ đều bị to lên, do đó nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tắc nghẽn đường thở và làm giảm oxy. Đa số những người thừa cân, béo phì, cổ ngắn, lưỡi to thường rất dễ bị ngủ ngáy tuy nhiên không phải là tất cả.

Nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể là do những vấn đề của não; điều này ở chuyên khoa nội thần kinh sẽ giúp bạn. Những gì gây tắc nghẽn ngay tại khu vực đường thở của bạn ví dụ lưỡi quá lớn, cằm quá nhỏ, khi lớn tuổi vòm họng bị nhão và sa xuống phía dưới, amidan to, mũi bị nghẹt khi đó chúng ta cần giải quyết triệt để những vấn đề này. Muốn đánh giá được những điều này bạn cần đến gặp bác sĩ để khám tai - mũi - họng kiểm tra xem ở khu vực họng của chúng ta có bị nghẽn lại hay không.

Ngoài ra chúng ta còn có một biện pháp giúp tìm hiểu nguyên nhân ngủ ngáy đó là thực hiện kĩ thuật đo đa kí giấc ngủ, đây là một biện pháp giúp bác sĩ đánh giá được điện tim, điện não, điện cơ,… giúp các BS biết được toàn bộ cơ thể bạn bị ảnh hưởng như thế nào từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Nếu ngáy ít vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu ngáy to và gắn liền với những cơn ngưng thở khi ngủ [trên 10 giây] cần cẩn thận vì có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bị ngủ ngáy. Vì thế cần sớm đến gặp các bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

5. Có phải bệnh ngủ ngáy vô phương cứu chữa?

Nhiều người chữa trị bệnh ngủ ngáy nhưng không khỏi. Vậy bệnh có “vô phương cứu chữa”?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh để có thể xác định được bệnh ngủ ngáy của người đó có thể chữa khỏi hay không.

Có nhiều lí do cũng có thể do nguyên nhân ở trung ương hoặc tại vùng hầu họng của người bệnh lúc này chúng ta sẽ quyết định được phương pháp điều trị:

- Ngủ ngáy do trung ương: người bệnh cần đến gặp bác sĩ nội thần kinh để kiểm tra điện não xem vấn đề não của chúng ta có bị tổn thương gì hay không từ đó có phương pháp điều chỉnh.

- Nếu nguyên nhân là do vùng hầu họng của bạn bị tắc nghẽn do các mô mềm, cấu trúc giải phẫu; lúc này có thể điều trị hoặc bằng nội khoa hoặc sử dụng các loại máy để làm tăng áp lực dương oxy vào trong cơ thể.

Nếu những điều này vẫn không giúp cho người bệnh đỡ hơn thì lúc này chúng ta cần phải tìm đến các biện pháp như chỉnh hình lại vòm hầu, cắt amidan để làm thoáng khu vực vùng hầu họng. Có như vậy đường thở mới có thể thông thoáng, oxy gia tăng.

Mặc dù đã điều trị hoặc phẫu thuật rất tốt tuy nhiên người bệnh khi ngủ vẫn còn ngáy không thể dứt hẳn được nguyên nhân là do:

- Trong phẫu thuật nâng, chỉnh vòm họng nếu các bác sĩ nâng quá cao, có thể sẽ khiến cho bệnh nhân bị sặc điều này vô cùng nguy hiểm.

Trong trường hợp đã phẫu thuật, điều trị cho hầu họng thông thoáng mà bệnh nhân vẫn còn ngủ ngáy thì chúng ta cần xem lại liệu đây có phải là kết hợp giữa cả ngoại vi và trung ương hay không.

6. Trẻ em ngủ ngáy là do bệnh gì?

Tại sao trẻ em cũng bị ngáy khi ngủ? Triệu chứng báo hiệu bệnh nguy hiểm là gì?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ngủ ngáy ở người lớn đây là chuyện tương đối bình thường. Nhưng nếu ở trẻ khi ngủ cũng bị ngáy thì cần phải đặc biệt lưu ý; rất có thể trẻ đang gặp vấn đề về tai - mũi - họng. Ví dụ: amidan to, viêm VA, nghẹt mũi,… Lúc này khi ngủ trẻ phải há miệng để thở, khi phải thở bằng miệng như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hô hấp của trẻ.

Cần kiểm tra lại toàn bộ đường hô hấp của trẻ: đường hô hấp trên, dưới, hoặc nếu cần thiết phải cho trẻ cắt amidan, nạo VA,… Nếu giải quyết được các vấn đề này thì hầu như là đã có thể giải quyết được hết việc ngủ ngáy ở trẻ em.

7. Cách chung sống với người ngủ ngáy?

Làm sao để giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh? Cách sống “hòa bình” với người ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Nếu như người bệnh kiên quyết không phẫu thuật vì họ sợ mổ [đây là tâm lí chung] hoặc không có điều kiện phẫu thuật thì cuối cùng điều chúng ta có thể làm là kiểm lại:

- Chế độ sinh hoạt, ăn uống

- Cân nặng ra sao.

- Có sử dụng các chất kích thích, rượu bia hay không.

- Có làm việc quá sức, stress hay không.

- Tư thế ngủ đã đúng chưa [lưu ý cần nằm nghiêng sang phải hoặc trái]

Tất cả những điều này kết hợp lại nếu vẫn thất bại thì có lẽ cần phải cho chồng hoặc vợ của bạn sang ngủ phòng khác ngủ; phòng của người ngủ ngáy phải được cách âm. Còn nếu không, việc duy nhất mà chúng ta có thể làm để chung sống hòa bình với người ngủ ngáy là “nút bông gòn vào lỗ tai”.

Ban Biên tập - Bệnh viện Thống Nhất
[Chương trình được thực hiện bởi AloBacsi.vn]

Ảnh minh họa. Nguồn: medisite.fr

Khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy.

Mọi trở ngại cho sự lưu thông bình thường của không khí giữa thanh quản và mũi đều là nguyên nhân của tật ngáy, ví dụ như nghẹt mũi, lưỡi gà và màn vòm quá dài, chân lưỡi dày, amiđan quá lớn…

Người ngáy thường bị ngưng thở một thời gian khá lâu, do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường.

Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến người bệnh trở nên bần thần, mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn là sóng điện não bị xáo trộn, làm người bệnh giảm trí nhớ, năng suất làm việc, mệt mỏi, khó tập trung và ngủ gật ban ngày…

20% đàn ông dưới 30 tuổi mắc chứng ngáy. Tỷ lệ này là 50% ở đàn ông trên 50 tuổi. Cường độ của tiếng ngáy có thể lên tới 80 dbl, tức là bằng tiếng ồn của một máy hút bụi hay tiếng ồn ào của đám đông.

Cách chữa trị

- Giảm cân nếu là người béo phì.

- Tập thể dục thường xuyên, vừa để giảm cân nặng vừa tăng oxy cho não.

- Tránh uống rượu 4 tiếng trước khi ngủ

- Không nên dùng thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm cho các cơ bắp trong cuống họng chùng xuống.

- Tránh ăn nhiều vào bữa tối. Không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ.

- Đi ngủ theo giờ giấc đều đặn: Những người hay bị làm rối giấc ngủ hoặc thiếu ngủ rất dễ ngáy. Nếu bạn tập được thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn thì cơ thể sẽ không lâm vào tình trạng quá mệt mỏi và giúp khỏi ngáy.

- Tắm trước khi đi ngủ: sẽ giúp bạn thông mũi và dễ thở hơn, nhờ đó hạn chế tiếng "grừ" suốt đêm.

- Tăng độ ẩm cho phòng ngủ: Bởi lẽ độ ẩm trong phòng ngủ thấp sẽ khiến cho cổ họng bị khô, và dễ gây nên hiện tượng ngủ ngáy.

- Khi ngủ, nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn. Ngáy ngủ là phổ biến nhất khi người ta nằm ngửa vì khi đó gốc của lưỡi trượt về phía sau. Nên nằm gối cao hơn bình thường để giúp cho luồng khí trong cổ họng đi thẳng theo luồng khí.

- Làm thông đường thở ở mũi: Tắc mũi, thở bằng miệng là nguyên nhân có thể dẫn đến ngáy ngủ. Nếu bị nghẹt mũi có thể vì một vách ngăn lệch hoặc dị ứng, do đó phải làm thông mũi để dễ thở hơn.

- Bạn hãy nuốt một vài thìa mật ong hàng ngày, làm như vậy trong vòng vài tuần, chứng ngáy ngủ của bạn sẽ được điều trị hiệu quả.

- Những người có tật ngủ ngáy nếu dành 20 phút trong một ngày để ca hát thì sẽ giữ được im lặng trong suốt thời gian ngủ ban đêm. Hiệu quả của phương pháp này sẽ có trong vòng 3 tháng thực hiện.

- Nếu xuất hiện các biến chứng ở tim và phổi, người bệnh cần được đeo máy bơm không khí cao áp, đưa không khí vào mũi và phổi, giúp thở được bình thường.

- Có thể dùng một dụng cụ nha khoa làm cho hàm ếch không chùng xuống và lưỡi nhỏ không bít khí quản.

- Nếu bệnh quá nặng, cần phẫu thuật bằng laser, đốt các phần mềm cuống họng. Ở trẻ em, amiđan lớn và vòm họng là nguyên nhân chính. Ở người lớn, amiđan cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến vấn đề gì đó, chẳng hạn như một vách ngăn lệch hoặc dị ứng, buộc bạn phải mở miệng thở. Một vòm miệng hoặc lưỡi gà thấp là một thủ phạm tiềm năng gây ngủ ngáy. Những dị tật như vậy chỉ cần sau một cuộc tiểu phẫu là đã có thể giải quyết vấn đề.

Nguồn: thaythuocvietnam.vn [Hội Nội Khoa Việt Nam]

Video liên quan

Chủ Đề