Lực lượng vũ trang động vai trò như thế nào đối với cách mạng tháng 8

Việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của LLVT, gồm các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu đã trở thành một trong những lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trong cả nước.

Căn cứ vào điều kiện đất nước ta bị thực dân Pháp áp bức bóc lột nặng nề, Đảng ta mới ra đời đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh chính trị là phải “tổ chức đội tự vệ của công nông”. Theo chủ trương đó, trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh, nhiều đội tự vệ công nông [Tự vệ đỏ] lần lượt ra đời ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Đại hội lần thứ nhất của Đảng [3-1935] đã ra nghị quyết về Đội tự vệ, xác định những nguyên tắc xây dựng và hoạt động của đội tự vệ, cơ sở đầu tiên để xây dựng LLVT cách mạng của Đảng.

Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền, một số đội du kích, tự vệ chiến đấu lần lượt hình thành ở những nơi có phong trào cách mạng, kể cả miền núi, trung du và đồng bằng. Trên cơ sở quân du kích hình thành trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn [9-1940], Đảng quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn [2-1941]. Tại các tỉnh Nam Kỳ, quân du kích ra đời, phát triển trong quá trình chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa Nam Kỳ [11-1940]. Đó là những đội du kích tập trung làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng và chiến đấu bảo vệ các khu căn cứ, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích tại các huyện, xã.

Các đơn vị LLVT tại buổi Lễ Quốc khánh 2-9-1945.Ảnh tư liệu

Đội du kích Bắc Sơn đã qua rèn luyện, thử thách trong cuộc đấu tranh cách mạng, Đảng tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chấn chỉnh tổ chức và đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân 1 [sau Hội nghị Trung ương 8], sau đó lần lượt tổ chức Trung đội Cứu quốc quân 2 [9-1941] và Trung đội Cứu quốc quân 3 [2-1944]. Phương châm xây dựng, hoạt động của Cứu quốc quân là vừa chiến đấu để bảo vệ, vừa mở rộng, phát triển và củng cố khu căn cứ.

Trên cơ sở Cứu quốc quân và các đội du kích, tự vệ chiến đấu phát triển ở các chiến khu Cao-Bắc-Lạng, Thái-Hà-Tuyên, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, theo chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh. Với việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh dấu bước phát triển về tổ chức của LLVT cách mạng, gồm ba thứ quân bước đầu hình thành: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực; đội du kích tập trung của các tỉnh, huyện và lực lượng tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu ở khắp các làng xã.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp [9-3-1945], cùng với sự phát triển của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân, hàng loạt đội du kích, tự vệ chiến đấu tiếp tục hình thành ở các chiến khu, các căn cứ cách mạng trong cả nước. Điển hình là Đội du kích Ba Tơ hình thành trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ [3-1945], Trung đội giải phóng quân ra đời ở chiến khu Quang Trung và Du kích cách mạng quân hình thành ở chiến khu Trần Hưng Đạo. Các đội vũ trang này ngày càng phát triển trong cao trào chống Nhật, cứu nước.

Để chuẩn bị một LLVT quy mô tổ chức lớn đón thời cơ chuyển lên Tổng khởi nghĩa, Đảng gấp rút phát triển đội quân chủ lực, thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các đơn vị vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân [15-5-1945]. Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu bước phát triển về quy mô tổ chức của LLVT cách mạng của Đảng, gồm ba thứ quân cơ bản được hình thành, trong đó các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp thành bộ đội chủ lực giải phóng quân; các đơn vị du kích tập trung của các tỉnh, huyện chuyển thành giải phóng quân địa phương và các đội du kích, tự vệ tổ chức ở các căn cứ vũ trang, từ miền Bắc vào miền Trung đến tận miền Nam.

Thực hiện mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và đồng chí Hồ Chí Minh, Việt Nam Giải phóng quân cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu trở thành lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành khởi nghĩa. Từ ngày 14 đến 18-8-1945, LLVT hỗ trợ nhân dân nhiều địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã, huyện, tiến lên giải phóng thị xã. Từ ngày 16 đến 20-8, các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân tiến đánh giải phóng các thị xã [nay là thành phố] Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đặc biệt, thắng lợi của khởi nghĩa ở các thành phố lớn Hà Nội [19-8], Huế [23-8], Sài Gòn [25-8] đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và bọn tay sai, góp phần tác động mạnh tới các địa phương cả nước khởi nghĩa giành chính quyền. Đến ngày 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước cơ bản hoàn thành.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 khẳng định, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối đúng đắn và chỉ đạo xây dựng, phát triển LLVT với quy mô tổ chức, mở đầu từ các đội tự vệ công nông, đội du kích, tự vệ chiến đấu, Cứu quốc quân đến đội quân chủ lực, tiến tới hình thành LLVT ba thứ quân. Đồng thời, tổ chức, sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của LLVT, cùng toàn dân chuyển từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở các địa phương, phát triển thành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

QĐND - Trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lực lượng vũ trang [LLVT] cách mạng đóng vai trò xung kích, nòng cốt cho quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, trong những năm 1941-1944, lực lượng quân sự của cách mạng được xây dựng từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ tự vệ cứu quốc đến tiểu tổ du kích, rồi phát triển thành đội du kích.

Tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng và tác chiến của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào sự ủng hộ và che chở của nhân dân để phát triển lực lượng với phương châm “người trước, súng sau”, “có dân là có súng”, “vũ trang toàn dân”…, thể hiện đậm nét trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, do Hồ Chí Minh soạn thảo. Trong chỉ thị này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến củatoàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì LLVT trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”.

Lực lượng vũ trang cách mạng cùng nhân dân nổi dậygiành chính quyền ở Hải Phòng, ngày 23-8-1945. Ảnh tư liệu.

Đội quân cách mạng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã mang một sứ mệnh vẻ vang từ khi ra đời, như trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ [tháng 4-1945] quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, thành Việt Nam Giải phóng quân. Việt Nam Giải phóng quân được nhân dân đùm bọc, càng đánh càng mạnh, càng giành thắng lợi lớn hơn.

Tại các chiến khu, LLVT cách mạng hoạt động mạnh: Tiến công đồn địch, phục kích, cướp vũ khí, chống càn quét khủng bố. Các căn cứ kháng Nhật trên các địa bàn quan trọng như Khu giải phóng Việt Bắc, các chiến khu: Trần Hưng Đạo,Quang Trung, Vần-Hiền Lương; khu du kích Ba Tơ… đã tác động trực tiếp thúc đẩy phong trào cách mạng tại chỗ phát triển, đồng thời chi viện lực lượng, hỗ trợ đấu tranh cho các địa phương khác. Các tổ tự vệ, các đội tự vệ chiến đấu và tuyên truyền xung phong cũng nhanh chóng được xây dựng ở các thành thị, với những hình thức phù hợp và hoạt động mạnh, gây hoang mang cho kẻ thù, tạo khí thế phấn chấn trong nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng đứng về phía cách mạng.

Trong những ngày sục sôi Tổng khởi nghĩa, LLVT cách mạng đã có khoảng 5000 cán bộ, chiến sĩ, là chỗ dựa tin cậy cho lực lượng chính trị của quần chúng. Hoạt động của LLVT chính quy tập trung, của các đội du kích, của các đội tự vệ tuyên truyền bán vũ trang... diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong cao trào kháng Nhật cứu nước, đã tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi. Khi thời cơ lịch sử đến, LLVT cách mạng đã kịp thời xung kích đi đầu, cùng toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn.

Thực tiễn sinh động của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khẳng định: Nhờ xây dựng LLVT làm nòng cốt, làm chỗ dựa tin cậy, hỗ trợ phong trào quần chúng, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, nên Cách mạng Tháng Tám đã thành công nhanh gọn và ít đổ máu. Đó cũng là thắng lợi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng ta, đặt nền móng cho sự hình thành nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Đó là tư tưởng về cuộc chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện, động viên sức mạnh toàn dân, vũ trangtoàn dân; tổ chức LLVT gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích; phương châm hoạt động là phối hợp giữa ba thứ quân; tư tưởng kết hợp quân sự với chính trị; tác chiến tích cực, chủ động, linh hoạt, mưu trí, bất ngờ...

VƯƠNG ANH

Video liên quan

Chủ Đề