Nghị định hướng dẫn giao dịch dân sự blds 2023 năm 2024

TCCSĐT - Giao dịch dân sự và thương mại chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Để tồn tại, các chủ thể phải tương tác với nhau. Khi tham gia vào các tương tác xã hội...

Về chế định giải thích giao dịch dân sự trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu

Học viện Hành chính quốc gia

TCCSĐT - Giao dịch dân sự và thương mại chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Để tồn tại, các chủ thể phải tương tác với nhau. Khi tham gia vào các tương tác xã hội, mỗi chủ thể đóng một vai trò nhất định. Mỗi vai trò ấy lại tạo cơ sở để xác lập các quyền và nghĩa vụ của chủ thể - thiết lập giao dịch dân sự. Phân tích các quy định về vấn đề này trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)(1) nhằm đưa ra một số gợi mở để hoàn thiện là cần thiết.

Khía cạnh quan trọng không thể thiếu trong giao dịch dân sự là việc giải thích giao dịch dân sự. Có nước như như Pháp, Đức... hình thành một chế định gồm nhiều điều khoản (về giải thích hợp đồng(2)) hoặc có nước như Việt Nam chỉ quy định một điều luật với nhiều khoản. Tuy nhiên, dù là thiết kế thành nhiều điều khoản hay chỉ một vài điều khoản thì các chế định này là khá tương đồng trong hệ thống các nước theo truyền thống luật dân sự (Civil law). Ví dụ: Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (năm 1980), Bộ luật châu Âu về hợp đồng(3), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 đều ghi nhận chế định giải thích hợp đồng là một chế định quan trọng. Những dẫn chứng đó cho thấy “giải thích giao dịch dân sự” là một yêu cầu điển hình và có ý nghĩa để các giao dịch dân sự được thực hiện thuận lợi trong thực tế.

Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam năm 2005 quy định “giải thích hợp đồng dân sự” trong Điều 409 với 08 khoản (BLDS Pháp dành một mục với 9 điều cho chế định này). Điều đó thể hiện sự coi trọng vấn đề giải thích hợp đồng trong sự tương thuộc với hợp đồng dân sự. Song trong Dự thảo BLDS “giải thích hợp đồng dân sự” đã được đưa vào nội dung của “giải thích giao dịch dân sự” (quy định tại Điều 138 Dự thảo BLDS). Bài viết này phân tích, so sánh Dự thảo BLDS với quan niệm, cách quy định của người Pháp(4) (thể hiện trong BLDS Pháp) nhằm đưa ra một số gợi mở góp phần hoàn thiện chế định này trong BLDS Việt Nam.

Giải thích giao dịch dân sự - so sánh giữa Dự thảo BLDS Việt Nam và BLDS Pháp

Giao dịch dân sự là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự. Để một giao dịch dân sự được xác lập cần có sự thống nhất về ý chí của các bên chủ thể. Trong giao dịch dân sự, quyền của bên này có thể là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Ý chí của các bên luôn phải được biểu hiện dưới một dạng thức nhất định, có thể là lời nói, hành vi hay văn bản... Từ ý chí của một chủ thể khi biến thành các hành vi thực hiện giao dịch của các bên liên quan có thể dẫn đến những cách hiểu không thống nhất. Nguyên nhân hoặc do ngôn từ không rõ ràng, dẫn đến điều khoản không rõ ràng; hoặc do khi giao kết các bên không lường trước được phát sinh, rủi ro có thể xảy ra trong thực tế, dẫn đến giao dịch không được thực hiện. Lúc này cần phải bổ sung điều kiện cho giao dịch hoặc giải thích các điều khoản có sẵn để dung hợp ý chí của các chủ thể sao cho giao dịch tiếp tục được thực hiện. Việc giải thích giao dịch dân sự chỉ có thể phát sinh khi đã có một giao dịch được thiết lập, tức là đã có sự thống nhất ý chí giữa các bên. Việc giải thích nhằm làm cho ý chí chung đó được sáng tỏ và rõ ràng.

Các trường hợp cần giải thích

Giao dịch dân sự là sự thiết lập các quy tắc xử sự chung trên cơ sở pháp luật và ý chí tự do của các bên. Do đó, việc giải thích giao dịch dân sự phải xuất phát từ những căn cứ luật đã định trước. Dự thảo BLDS Việt Nam quy định bốn trường hợp cần phải có sự giải thích giao dịch dân sự(5):

Thứ nhất, giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu

Giao dịch dân sự thường có hai loại điều khoản: Các điều khoản chung ấn định nguyên tắc của giao dịch và các điều khoản cụ thể ấn định quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi nói các điều khoản không rõ ràng, tức là các điều khoản này không cho thấy được ý chí của chủ thể xác lập giao dịch. Trường hợp này thường xảy ra với các điều khoản cụ thể của một giao dịch dân sự. Khi đó điều khoản này không xác định được các quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Trường hợp này luật dân sự Việt Nam quy định chỉ được dựa vào ý chí chung của các bên để giải thích.

Còn khó hiểu là muốn nói đến việc một người bình thường khó có thể hiểu được ý nghĩa của ngôn từ. Tuy nhiên, thế nào là một điều khoản khó hiểu? Tất nhiên, một ngôn từ khó hiểu trong điều khoản sẽ dẫn đến điều khoản đó khó hiểu. Nhưng việc khó hiểu ở đây khác gì với trường hợp điều khoản không rõ ràng ở trên? Hiện nay chưa có giải thích từ cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm của người viết cho rằng, quy định về trường hợp điều khoản khó hiểu là không hợp lý và cần loại bỏ.

Đối với người Pháp, dựa vào ý chí chung của các bên khi xem xét “giải thích hợp đồng” là một nguyên tắc chung. Và điều khoản hoặc ngôn từ không rõ ràng mang đến một lựa chọn cụ thể để giải quyết, là nó sẽ được giải thích theo tập quán tại nơi giao kết hợp đồng (Điều 1159 BLDS Pháp).

Thứ hai, khi có một điều khoản có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau (tại đoạn 2 của điểm a khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS)

Một điều khoản của giao dịch dân sự có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Trong trường hợp điều khoản quy định về nguyên tắc thì nó được áp dụng chung cuộc cho toàn bộ giao dịch, trong trường hợp là điều khoản cụ thể thì sẽ xác lập quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Như vậy, trường hợp các điều khoản không rõ ràng quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS đã chưa thể chỉ ra một nguyên tắc hay một quyền và nghĩa vụ cụ thể nào, thì trường hợp một điều khoản có thể được hiểu theo nhiều nghĩa đã làm được điều đó. Đó là phải chọn nghĩa nào mà khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

Song, toàn chế định về “giải thích hợp đồng” của người Pháp không có hướng giải thích nào dẫn đến hệ quả có lợi nhất cho các bên. Thực tế, có thể xuất hiện sự đối kháng quyền lợi của các bên. Việc ấn định cách giải thích như Dự thảo BLDS vô tình làm cho sự việc trở nên bế tắc nếu các bên giao dịch có quyền lợi mâu thuẫn. Vậy, người Pháp đã làm gì? Đó là lựa chọn theo hướng nguyên tắc (nhưng rất thực tế trong trường hợp này), vì khi các chủ thể xác lập hợp đồng đương nhiên với ý chí mong muốn hợp đồng được thực hiện. Luật đã dựa vào nguyên tắc này để định hướng hợp đồng phải được giải thích để có hiệu lực.

Thứ ba, khi có ngôn từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau

Đoạn 3 điểm a khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS quy định: “Khi có ngôn từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của giao dịch dân sự”. Thông thường khi một ngôn từ đã có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, điều khoản chứa ngôn từ đó cũng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Tuy nhiên, trong các hợp đồng lớn hiện nay, các bên thường có điều khoản định nghĩa các ngôn từ chính được sử trong hợp đồng đó. Lúc này các ngôn từ phải được giải thích sao cho phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng. Khái niệm tính chất của giao dịch dân sự không được định nghĩa pháp lý. Vì thế, nó có thể được hiểu là toàn bộ các đặc tính của giao dịch dân sự, ví dụ như trong hợp đồng cho vay tài sản thì tính chất của hợp đồng là có sự chuyển tài sản, và có sự hoàn trả. Quy định này trong Dự thảo BLDS tương đồng so với quy định của BLDS năm 2005 (khoản 3 Điều 409) và quy định trong BLDS Pháp (Điều 1158).

Song, nảy sinh một vấn đề là một ngôn từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa dẫn đến hậu quả có những điều khoản sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Kết quả lại đưa về cách giải quyết khác nhau giữa Dự thảo BLDS Việt Nam và BLDS Pháp khi giao dịch dân sự có điều khoản có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

Thứ tư, khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ được sử dụng (khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS)

Cách thiết kế quy định này có lẽ là thành công lớn của Dự thảo BLDS. Nó tạo ra nhiều tầng nấc để hóa giải khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ được sử dụng, cụ thể thứ tự:

- Theo ý chí đích thực của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hành vi và trong mối liên hệ với điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của mỗi bên, nếu có;

- Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch dân sự;

- Theo tập quán nơi giao dịch dân sự được xác lập;

- Theo lẽ công bằng và hợp lý.

Song thứ tự trên có thể cần được điều chỉnh theo phân tích về các nguyên tắc khi áp dụng giải thích giao dịch dân sự.

Các nguyên tắc khi áp dụng giải thích giao dịch dân sự

Một là, thứ tự ưu tiên khi áp dụng giải thích

Trong trường hợp giao dịch dân sự cần giải thích thì thứ tự ưu tiên áp dụng như khoản 1 Điều 138 Dự thảo BLDS. Giao dịch dân sự là quan hệ pháp luật có tính chất dân sự. Do đó ý chí tự nguyện được coi là yếu tố quan trọng nhất của một giao dịch. Khi thỏa thuận, các bên được cho là đã có ý chí cùng hướng về một mục đích. Chính vì thế, khi giải thích giao dịch dân sự thì yếu tố đầu tiên cần được xem xét đến là ý chí thực sự của các bên khi thiết lập giao dịch. Ngay cả khi ý chí chung của các bên không thống nhất với sự thể hiện trong giao dịch dân sự thì luật vẫn cho phép sử dụng ý chí chung thật sự của các bên để giải thích. Ý chí này được thể hiện thông qua hành vi của các bên từ thời điểm tiền giao dịch, trong bản thân giao dịch, đến thời gian thực hiện giao dịch dân sự. Mọi hành vi của các chủ thể có liên quan đến giao dịch dân sự có thể dùng làm chứng cứ để chứng minh cho ý chí của mình trong giao dịch dân sự. Các yếu tố đó có thể là các tình tiết liên quan đến việc đàm phán giữa các bên, thói quen đã được thiết lập giữa các bên, bản chất và mục đích của giao dịch…

Tương tự, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng ý chí thực của các bên mà Bộ quy tắc UNIDROIT 2004 quy định các hợp đồng cần được giải thích sao cho tất cả đều tạo ra hiệu lực hơn là theo cách làm cho một vài điều khoản không có hiệu lực. BLDS Pháp quy định: Khi giải thích hợp đồng, không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên giao kết (Điều 1156).

Khi không thể khám phá được ý chí thực sự của các chủ thể thì cần dựa vào các quy phạm được chứa đựng trong các nguồn pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự. Điều này không thể ứng dụng thay các quy định của nguyên tắc áp dụng pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự. Khi có sự không rõ ràng của ngôn từ hay các điều khoản thì có thể sử dụng đến các quy định có sẵn của luật, hay tập quán. Quy định về thứ tự áp dụng của các nguồn pháp luật tức là nói đến việc đã có hay không có một thỏa thuận. Còn khi nói đến giải thích giao dịch dân sự tức là cần phải hiểu ngôn từ hay điều khoản đó như thế nào? Việc hiểu này mới đòi hỏi phát sinh những quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, được chứa đựng trong các nguồn pháp luật đã định sẵn, hoặc các định nghĩa ngôn từ mà luật định sẵn. Do đó hai việc làm này mang lại hậu quả pháp lý giống nhau nhưng đối tượng điều chỉnh thì khác nhau.

Hai là, trường hợp không thể áp dụng theo quy định của luật

Việc xác định thứ tự ưu tiên khi áp dụng tại Điều 138 Dự thảo BLDS có thể đã là một sự hợp lý hơn so với BLDS năm 2005 và BLDS Pháp. Song nó còn một vướng mắc nhỏ mà chúng tôi muốn đề cập đến: Khoản 4 Điều 138 Dự thảo quy định: “4. Trong trường hợp không thể áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì giao dịch dân sự được giải thích theo lẽ công bằng và hợp lý”. Lẽ công bằng và sự hợp lý luôn là một nguyên tắc bao trùm mọi hành xử của con người. Như vậy, trong khi thực hành đời sống hoặc áp dụng pháp luật, lẽ ra nó phải chứa đựng yêu cầu trên. Việc thiết lập thứ tự ưu tiên áp dụng giải thích pháp luật tại Điều 138 Dự thảo BLDS vô tình đặt ba nguyên tắc đầu nằm ngoài yêu cầu về lẽ công bằng. Tất nhiên nó sẽ kéo đổ hàng loạt các nguyên tắc khác của giao dịch dân sự, như tôn trọng, bảo đảm quyền dân sự; bình đẳng; thiện chí; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Và theo chúng tôi, cần áp dụng giải thích ở tất cả các thứ tự trên trong thái độ coi trọng lẽ công bằng và sự hợp lý, đương nhiên điều đó sẽ không dẫn đến sự bế tắc trong giao dịch. Ngược lại, một giao dịch không đạt yêu cầu về lẽ công bằng nó đã lập tức trái với nguyên tắc có hiệu lực của một giao dịch dân sự, đương nhiên nó vô hiệu.

Một số kiến nghị về chế định “Giải thích giao dịch dân sự” trong Dự thảo BLDS

Chế định giải thích hợp đồng của BLDS năm 2005 đã được hợp nhất vào chế định giải thích giao dịch dân sự của Dự thảo BLDS với những điều chỉnh mà chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm hợp lý hơn và kỳ vọng nó sẽ được sửa đổi tốt hơn nữa qua mỗi lần lấy ý kiến đóng góp. Từ những phân tích trên cho thấy, Dự thảo BLDS đang ghi nhận chế định giải thích giao dịch dân sự với một số điều không hợp lý sau:

Thứ nhất, Dự thảo BLDS vẫn còn liệt kê các trường hợp cần giải thích giao dịch dân sự mang tính khó hiểu và trùng lặp. Rất khó phân biệt giữa các khái niệm: điều khoản/ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa, điều khoản/ngôn từ không rõ ràng, nội dung khó hiểu - không rõ ràng. Theo chúng tôi, không cần liệt kê các trường hợp cần phải giải thích giao dịch dân sự một cách tỉ mỉ, mà tựu trung chúng là trường hợp “giao dịch dân sự có các điều khoản/ngôn từ không rõ ràng”. Nghĩa là, nó có thể bao quát các trường hợp: không rõ ràng, có hơn một nghĩa, có sự biểu hiện khác nhau giữa ý chí của các bên và ngôn từ trong giao dịch dân sự. Từ căn nguyên này dẫn đến giao dịch dân sự sẽ được giải thích theo các thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 1 của Dự thảo BLDS.

Thứ hai, qua phân tích đã chỉ ra sự phi thực tế của quy định: “Khi một điều khoản có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên” trong Dự thảo. Vì vậy, kiến nghị bỏ đoạn thứ hai, điểm a khoản 1 Điều 138 trong Dự thảo BLDS hoặc sửa đổi theo hướng như đã phân tích ở trên.

Thứ ba, liên quan đến khoản 2 Điều 138 Dự thảo BLDS: “Trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích giao dịch dân sự phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.” Chúng tôi không ghi nhận nó như một trường hợp cần phải áp dụng giải thích. Bởi lẽ áp dụng quy định tại khoản 1 trong trường hợp này là hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu và nguyên tắc của giao dịch dân sự. Điều khoản này có thể gợi nhắc về sự lừa lọc, cưỡng bức/bất bình đẳng giữa các đối tượng của giao dịch; song có thể chia thành 2 trường hợp diễn giải sau đây:

- Khi nghi ngờ về trường hợp này, chỉ cần một trong hai bên không muốn thỏa thuận để tiếp tục thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch này đương nhiên vô hiệu vì đã vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

- Khi nghi ngờ về trường hợp này, song cả hai bên đều muốn tiếp tục thực hiện giao dịch dân sự thì cách quy định của người Pháp là một gợi ý: “Trong trường hợp có nghi ngờ về một điều khoản trong hợp đồng, thì phải giải thích điều khoản đó theo hướng bất lợi cho người đã đưa ra quy định và có lợi cho người chấp nhận nghĩa vụ" (Điều 1162 BLDS Pháp). Quy định như thế vừa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện của các bên giao kết, vừa thỏa đáng trong trường hợp giao dịch dân sự tiếp tục được thực hiện.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi theo hướng như quy định của BLDS Pháp và Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004(6).

Thứ tư, kiến nghị bỏ khoản 4 Điều 138 Dự thảo BLDS như đã lý giải ở tiểu mục Các nguyên tắc khi áp dụng giải thích giao dịch dân sự./.

---------

Chú thích:

(1) Hiện nay tồn tại 04 Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, được đăng tải trên webside: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=588&LanID=1028&TabIndex=1

(2) BLDS Pháp chỉ ghi nhận chế định “giải thích hợp đồng”. Theo nghĩa gần nhất, nó tương thích với chế định giải thích giao dịch dân sự trong Dự thảo BLDS lần 4. Thực tế, BLDS năm 2005 của Việt Nam tách riêng rẽ giải thích hợp đồng (Điều 409) và giải thích giao dịch dân sự (Điều 126). Vì vậy, trong bài viết, chúng tôi thể hiện quan điểm “giải thích hợp đồng” nằm trong sự tương thuộc với “giải thích giao dịch dân sự”

(3) Dự luật PAVIE được soạn thảo bởi Viện các Luật gia tư pháp Pavie

(4) Chúng tôi chọn so sánh với quan niệm của Pháp vì 03 lý do sau: 1- Đây là hệ thống pháp luật dân sự (Civil Law) có họ gần với pháp luật dân sự Việt Nam; 2- Về Giao dịch dân sự/hợp đồng thì luật dân sự Việt Nam có thiết kế tương thích với BLDS Pháp; 3- BLDS Pháp được xem như một điển hình trong hệ thống pháp luật dân sự, và bản thân nó có sức sống bền bỉ, cho dù Pháp đã trải qua nhiều bản Hiến pháp thì vẫn duy trì BLDS từ năm 1804. Người Pháp coi việc thực hiện các quyền dân sự độc lập với việc thực hiện các quyền chính trị; các quyền chính trị được xác lập và bảo đảm theo Hiến pháp, các đạo luật sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và pháp luật về bầu cử (Điều 7 BLDS Pháp)

(5) Được quy định từ khoản 1 đến khoản 5 của Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005

(6) Điều 4.5 Bộ nguyên tắc UNIDROIT đưa ra quy tắc contra proferentem có nội dung là: “trong trường hợp không rõ ràng, các điều khoản hợp đồng được giải thích theo hướng không có lợi cho bên đề xuất”.