Nhà đầu tư cá nhân không được tham gia mua chứng khoán từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ

1. Chứng khoán là gì?

Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa về chứng khoán như sau:

“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a] Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b] Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c] Chứng khoán phái sinh;

d] Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”

Cụ thể, theo Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua [chứng quyền mua] hoặc được quyền bán [chứng quyền bán] chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Như vậy, Chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghỉ số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành.

2. Chào bán cổ phiếu ra công chúng

2.1. Các hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

1. Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, bao gồm: Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành [1]; chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành [2]; kết hợp hình thức [1] và [2]; chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

2. Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, bao gồm: Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.

3. Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.

4. Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.

2.2. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông trong công ty đại chúng như sau: Cổ phiếu chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán;

Có phương án chào bán cổ phiếu phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty của tổ chức phát hành thông qua trong trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức;

Cổ phiếu chào bán là cổ phiếu tự do chuyển nhượng; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán; cổ đông phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán; có phương án chào bán phải đảm bảo đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần như sau: Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; các thành viên góp vốn hoặc Chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ

– Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ đối tượng, số lượng nhà đầu tư.

– Việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm; kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán; trừ trường hợp chào bán riêng lẻ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty; chuyển nhượng chứng khoán đã chào bán của cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

– Các đợt chào bán cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng.

– Chủ thể:

+ Chủ thể chào bán cổ phần: công ty cổ phần [trừ công ty đại chúng] và các doanh nghiệp [trừ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước] chuyển thành công ty cổ phần.

+ Chủ thể chào bán trái phiếu: Doanh nghiệp được tổ chức dưới dạng Công ty cổ phần; Công ty Trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nước ngoài

– Ngoài ra, công ty chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng thêm điều kiện:

+ Thời gian hoạt động tối thiểu: ít nhất 1 năm [để chứng minh khả năng kinh doanh]

+ Đáp ứng yêu cầu minh bạch về tài chính: có báo cáo tài chính của năm liền kề phải được kiểm toán [bảo đảm cơ sở tin cậy để quyết định đầu tư]

+ Đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh doanh: có lãi năm liền kề trước phát hành.

– Đăng ký chào bán chứng khoán: áp dụng với chứng khoán chào bán là cổ phần.

4. Thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ

– Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phiếu riêng lẻ

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có ý kiến bằng văn bản yêu cầu tổ chức phát hành bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ được tính từ thời điểm tổ chức phát hành hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức đăng ký

4.1. Hồ sơ đăng ký

– Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ;

– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán;

– Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua tiêu chí và danh sách lựa chọn đối tượng được chào bán trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền;

– Tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư [nếu có];

– Tài liệu chứng minh đáp ứng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và tuân thủ quy định về hình thức đầu tư trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

– Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện [nếu có].

– Hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi doanh nghiệp.

– Bản chính Báo cáo tài chính có kiểm toán gần nhất và tài liệu hợp lệ chứng minh nhà đầu tư có đủ nguồn vốn hợp pháp để bổ sung vốn điều lệ

4.2. Công bố thông tin trước khi chào bán chứng khoán riêng lẻ

– Trong thời hạn 90 ngày; trước và trong khi thực hiện việc chào bán riêng lẻ; tổ chức chào bán không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng; trừ trường hợp công bố thông tin theo pháp luật về chứng khoán và pháp luật có liên quan. Việc công bố thông tin không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo và mời chào về việc chào bán cổ phần riêng lẻ.

– Tổ chức chào bán cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư

4.3. Phân phối chứng khoán

– Tổ chức chào bán phân phối chứng khoán theo 2 hình thức là Bán tại tổ chức phát hành và bán qua đại lý trung gian [Công ty chứng khoán, Đại lý phát hành]

– Phương thức bán: bán lẻ [cổ phiếu] hoặc đấu thầu [trái phiếu]

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi hoàn thành đợt chào bán; tổ chức phát hành gửi báo cáo kết quả đợt chào bán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Quy định mới về chào bán chứng khoán riêng lẻ

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Chứng khoán 2019 là sửa đổi và bổ sung quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Thứ nhất, về định nghĩa chào bán chứng khoán riêng lẻ theo Khoản 20 Điều 4 quy định:

“Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 19 Điều này và theo một trong các phương thức sau đây:

  • Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  • Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.”

Theo đó, nội dung “không sử dụng phương tiên thông tin đại chúng hoặc nternet” đã được loại bỏ khỏi định nghĩa và một trường hợp được thêm vào so với định nghĩa về chào bán chứng khoán riêng lẻ trong Luật Chứng khoán 2006.

Thứ hai, về điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng, một điều kiện quan trọng được bổ sung đó là đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp [Điều 31].

Thứ ba, Luật chứng khoán Việt Nam 2021 cũng sửa đổi và bổ sung thời hạn chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng: thời hạn bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Video liên quan

Chủ Đề