Nơi nào được xem là căn cứ địa cách mạng của cách mạng cả nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Xây dựng căn cứ địa cách mạng Tuyên Quang theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Hai, ngày 8 tháng 2 năm 2021 - 15:01 Đã xem: 3026
  • A+
  • A-

Căn cứ địa cách mạng là vùng được chọn để làm bàn đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng rộng ra các vùng khác. Căn cứ địa cách mạng phải có khả năng tạo ra được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lý thuận lợi cho đấu tranh cách mạng.

Lán Nà Nưa [Tân Trào] - Nơi Bác Hồ ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang.

Vấn đề xây dựng căn cứ địa và lựa chọn địa điểm xây dựng căn cứ địa là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự thành bại của các bên tham chiến. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng căn cứ địa cách mạng trong điều kiện của một cuộc kháng chiến vệ quốc và chiến tranh giải phóng như ở Việt Nam càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng hình thành và phát triển trong suốt hành trình tìm đường cứu nước và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trải nghiệm phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Công tác Quân sự của Đảng trong nhân dân", thể hiện tư tưởng của Người về xây dựng căn cứ địa cách mạng “Một cuộc cách mạng muốn thắng lợi thì phải giải quyết tốt những vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức các đội quan du kích nông dân và chiến tranh du kích”. Đây chính là những tư tưởng quan trọng và đúng đắn của Người về xây dựng căn cứ địa, bao gồm việc chọn chỗ đứng chân, dự báo tình thế cách mạng trực tiếp và tập trung xây dựng căn cứ địa, trung tâm của căn cứ địa.

Sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người đã trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân đi theo cách mạng, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển từng bước vững chắc, là trung tâm căn cứ địa của cả nước trong thời kỳ đầu của cách mạng.

Bước sang năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh, Khu giải phóng ngày càng được mở rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm thuận lợi làm trung tâm để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa.

Tại Tuyên Quang, sau ngày Nhật đảo chính Pháp [9/3/1945], cuộc khởi nghĩa ngày 10/3/1945 tại Thanh La [Sơn Dương, Tuyên Quang] thắng lợi, Châu Tự Do được thành lập, giải phóng toàn huyện Sơn Dương. Đến ngày 22/5/1945 hầu hết các địa phương trong tỉnh được giải phóng và mở rộng ra các vùng lân cận, tạo thành vùng giải phóng rộng lớn. Tuyên Quang là tỉnh hội tụ đủ các điều kiện về “địa lợi, nhân hòa” để Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Và Tân Trào - Tuyên Quang đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Song Hào lựa chọn giữ vai trò làm trung tâm của Khu giải phóng, nơi đặt trụ sở chỉ huy - Cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng, điểm trung tâm hội tụ, lan tỏa, kết nối và lãnh đạo phong trào cách mạng trong phạm vi cả nước.

Như vậy, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, căn cứ địa Việt Bắc mà trung tâm là Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng là cái nôi của cách mạng cả nước, nơi ở, hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, nơi ra đời của Mặt trận Việt Minh, của các lực lượng vũ trang tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, là căn cứ địa kháng Nhật lớn nhất cả nước; là "cái mầm" của nước Việt Nam mới, có tác dụng hiệu triệu, cổ vũ phong trào cách mạng cả nước; là nơi mở ra những khả năng để Đảng, Hồ Chí Minh thực hiện mối liên hệ quốc tế trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội; nơi họp Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi trong cả nước.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ. Trong hoàn cảnh địch mạnh, ta yếu, đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng được những căn cứ địa cách mạng- An toàn khu [ATK] vững chắc, an toàn, làm nơi đứng chân của Đảng và chính quyền, nhân dân, các lực lượng cách mạng để tiến hành cuộc kháng chiến. Trong các tỉnh Việt Bắc, một lần nữa Trung ương Đảng, Bác Hồ quyết định chọn Tuyên Quang làm căn cứ địa trung tâm [Thủ đô kháng chiến], An toàn khu của Trung ương, bởi Tuyên Quang đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, quyết định theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đó là: Tuyên Quang có vị trí chiến lược, là nơi “tiến khã dĩ công, thoái khã dĩ thủ”[1], cơ động, vững chắc trong chiến tranh giải phóng lẫn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nhân dân Tuyên Quang có tinh thần yêu nước sâu sắc, đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động, sản xuất xây dựng quê hương; là nơi có dự nguồn lương thực, thực phẩm đủ bảo đảm cho các cơ quan đầu não cách mạng trong một thời gian nhất định khi lâm thời bị địch cắt đứt các nguồn triếp tế; và điều kiện tiên quyết là Tuyên Quang có phong trào cách mạng và cơ sở chính trị vững chắc, từng là Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa của cách mạng cả nước. Do đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, trước khi về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ chủ chốt ở lại Tân Trào một thời gian để tiếp tục xây dựng củng cố căn cứ địa vững chắc về mọi mặt và dự báo “biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa”.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, ngay từ cuối tháng 10 năm 1946 đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Nhiều địa điểm thuộc các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá [Tuyên Quang], được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính Phủ. Đầu năm 1947, đợt tổng di chuyển các cơ quan, cơ sở hậu cần, kinh tế, quân sự của Trung ương lên Việt Bắc, Tuyên Quang hoàn thành.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại gần 20 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với tổng thời gian gần 6 năm. Cùng với Bác Hồ, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 13/14 bộ của Chính phủ và 65 ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự… của Trung ương cũng đặt nơi ở, làm việc tại 111 điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Suốt một dải từ huyện Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, Chiêm Hóa đến Na Hang với thế núi, sông hiểm yếu trở thành khu căn cứ tuyệt đối an toàn của Trung ương trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược[2].

Tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận... quyết định những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi. Tiêu biểu như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng [tháng 2/1951, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá]. Đại hội đã hoàn chỉnh và bổ sung đường lối cách mạng, quyết định những chính sách, biện pháp đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi; Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ chức Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II quyết định kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình. Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra những hoạt động ngoại giao quan trọng của Bác Hồ, như các cuộc đón tiếp, làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, đoàn cố vấn Trung Quốc, đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Đảng, Bác Hồ tiếp tục có những quyết sách đúng đắn về xây dựng căn cứ địa cách mạng vững mạnh, trong đó Tuyên Quang đảm đương xứ mệnh là tỉnh hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, việc xây dựng căn cứ địa cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục - đào tạo tiếp tục được củng cố ở tất cả các bậc học và ngành nghề đào tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trên 3%/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng các tiềm lực quân sự, quốc phòng, lực lượng vũ trang và khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến và thực hiện trách nhiệm với lịch sử, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, vươn lên về mọi mặt để góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, khai thác mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, nỗ lực phấn đấu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đào Việt Dũng [Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy]

[1] Tiến có thể đánh, lui có thể giữ

[2] Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2287/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, Thủ tướng công nhận 48 đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện, thành phố thuộc tỉnh Tuyên Quang là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Thời cơ và những quyết sách lịch sử

[ĐCSVN] - 76 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn cổ vũ, động viên mỗi người dân đất Việt vững tin vào sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Hình ảnh những ngày Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội... [Ảnh: hochiminh.vn]

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức lực lượng; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

Những ngày tháng Tám lịch sử...

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia; từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra những thời cơ chín muồi để đưa Cách mạng đến thành công. Bàn về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến bài học về vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp [09/3/1945]. Việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó phân tích: "Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chưa thực sự chín muồi"[1] và dự báo "ba cơ hội tốt" "sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi một cách mau chóng và một cao trào cách mạng nổi dậy: Chính trị khủng hoảng [quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng]; Nạn đói ghê gớm [quần chúng oán ghét quân cướp nước]; Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt [Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật]"[2].

Từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng như: thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân [tháng 4/1945][3]; ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

...và ở Sài Gòn [Ảnh: hochiminh.vn]

Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây, Người đã có Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa [Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa]… Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền như Đảng ta dự báo đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"[4]. Ngay khi nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện [ngày 15/8/1945], Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào [Tuyên Quang] [tháng 8/1945] quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”[5] và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phátxít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Có thể khẳng định, thời cơ của Cách mạng Tháng Tám chỉ tồn tại trong một thời gian rắt ngắn - từ sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Trong tình thế ngặt nghèo, Đảng ta đã hết sức khôn khéo, linh hoạt đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu khởi nghĩa sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng, ta sẽ gặp sự kháng cự quyết liệt, có thể tổn thất lớn và khó giành thắng lợi, chính quyền cách mạng chưa thể thành lập trong toàn quốc. Còn nếu để muộn hơn, khi Đồng minh đã vào Đông Dương, tình hình trở nên “vô cùng nguy hiểm”.

Cũng nhờ chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của Nhân dân ta được nhân lên gấp bội: từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 [từ 13 đến 28/8/1945], dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình [Hà Nội], Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”[6].

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, được truyền đi khắp nơi trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. [Ảnh: hochiminh.vn]

Vận dụng sáng tạo những thời cơ cách mạng

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, bài học nắm vững và tận dụng triệt để thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Giữa bộn bề khó khăn của những buổi sơ khai thành lập Nước, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gần 21 năm, lâu dài với biết bao gian khổ, hy sinh; qua nhiều giai đoạn, để đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ để rồi làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Đó cũng là những năm đầu sau khi đất nước thống nhất với bộn bề khó khăn. Một mặt, chúng ta phải giải quyết hậu quả 30 năm chiến tranh; mặt khác, phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, lại bị bao vây, cấm vận. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã quyết tâm đồng lòng vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng, củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển; vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao [Ảnh: chinhphu.vn]

Bước vào thời kỳ mới, đất nước đứng trước những thuận lợi, thời cơ, nhưng đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức. Bài học về nắm bắt thời cơ và vận dụng sáng tạo thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn không ngừng được phát huy, tỏa sáng, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước trước Đổi mới còn khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren; hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm; đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn; sau Đổi mới, đã thành một Việt Nam năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm; vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đúng vào dịp đất nước ta vừa tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp... Đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 76 năm qua, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa ngày nay, để từ đó tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.


[1] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.365.

[2] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.366.

[3] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.382.

[4] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.2, tr.225.

[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.366.

[6] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.437.

ĐP

Video liên quan

Chủ Đề