Tại sao nói cầm giữ là vật quyền bảo đảm theo pháp định

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba là gì? Nội dung của hiệu lực đối kháng với người thứ ba? Điều kiện cần để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng? Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba?

Trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không chỉ phát sinh quan hệ giữa bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm mà có thể còn liên quan đến một hoặc nhiều bên khác, tiêu biểu là việc một tài sản được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ. Khi đó, phát sinh ra vấn đề hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Vậy hiệu lực đối kháng với người thứ ba là gì? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề này.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

* Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

1. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba là gì?

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba hay còn có cách gọi là hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm. Hiện nay khái niệm về hiệu lực đối kháng với người thứ ba chưa được quy định trong Bộ luật dân sự. Hiện tại Khoản 1 Điều 297 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: “1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.”

Có thể hiểu đơn giản hiệu lực đối kháng với người thứ ba là khi xác lập giao dịch bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch không chỉ xác lập với hai bên trong giao dịch mà trong một số trường hợp còn phát sinh với bên thứ ba đang chiếm giữ hoặc có quyền đối với tài sản bảo đảm, buộc bên thứ ba phải tôn trọng và chấp nhận đối với quyền của bên nhận bảo đảm.

Hiện nay, quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba không chỉ gói gọn ở Điều 297 mà nội hàm của quy định này còn nằm ở Điều 298 quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm, Điều 308 Quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm, Điều 310 quy định về hiệu lực của cầm cố tài sản, Điều 319 quy định về hiệu lực của thế chấp tài sản, Điều 331 quy định về bảo lưu quyền sở hữu và Điều 347 quy định về xác lập cầm giữ tài sản,.. và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Các quy định này quy định cụ thể về các vấn đề thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, quyền lợi của bên nhận bảo đảm khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và các trường hợp cụ thể của các biện pháp phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

2. Nội dung của hiệu lực đối kháng với người thứ ba:

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba có những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm là một căn cứ pháp lý. Khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nó sẽ là căn cứ để thực hiện việc xử lý tài sản và được pháp luật ghi nhận.

Xem thêm: Tài sản là gì? Các loại tài sản theo Bộ luật dân sự năm 2015?

Thứ hai, hiệu lực đối kháng với người thứ ba  cho quyền của bên nhận bảo đảm khi tài sản bảo đảm có nhiều người cùng có quyền. Bên nhận bảo đảm luôn được ưu tiên thanh toán trước những người khác.

Thứ ba, mọi chủ thể khác đều phải chấp nhận và tôn trọng quyền của người nhận bảo đảm. Như vậy, mặc dù chủ thể khác có quyền đối với tài sản bảo đảm nhưng không nằm trong giao dịch bảo đảm thì vẫn phải tuân thủ những quy định và thỏa thuận về tài sản bảo đảm để đảm bảo quyền lợi cho chủ thể nhận bảo đảm.

Thứ tư, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng khi được đăng ký hoặc thời điểm nắm giữ tài sản.

Thứ năm, người nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng luôn được ưu tiên thanh toán trước.

3. Điều kiện cần để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng:

Để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng phải đảm bảo đủ hai điều kiện:

Thứ nhất, phải là các biện pháp đối vật. Các biện pháp bảo đảm đối vật bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản.

Các biện pháp bảo đảm này có đối tượng bảo đảm là những lợi ích vật chất. Lợi ích của các bên trong nghĩa vụ có các biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất mà theo quy định ngang giá thì chỉ có những lợi ích vật chất mới bù đắp được cho các lợi ích vật chất. Cho nên, đối tượng của biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất, thường là một tài sản. Hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh khi các biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản bởi lẽ bản chất của hiệu lực đối kháng là căn cứ để xác định quyền truy đòi tài sản buộc các chủ thể khác phải tôn trọng.

Các tài sản đều có thể dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nếu thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Đối với tài sản hình thành trong tương lai phải tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng biện pháp bảo đảm mà tài sản hình thành trong tương lai ở một dạng nhất định có thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm này nhưng không thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm khác. Đối với biện pháp cầm cố, thì tài sản bảo đảm là tài sản đã được hình thành, hiện hữu, phải là vật có sẵn tại thời điểm giao dịch thì tài sản mới giao được cho bên nhận cầm cố nhưng đối với biện pháp thế chấp thì có thể cho phép thế chấp tài sản đang được hình thành.

Xem thêm: Quyền sở hữu là gì? Quy định của Bộ luật dân sự về quyền sở hữu?

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thể phát sinh nếu đối tượng của biện pháp bảo đảm là một công việc hoặc là uy tín, bởi lẽ các đối tượng này mang tính chất nhân thân.

Thứ hai, biện pháp bảo đảm phải được hình thành. Mối quan hệ giữa hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm với hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thể phát sinh nếu biện pháp bảo đảm chưa hình thành.  Và tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 21/2021/NĐ- CP quy định thì “1. Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật.” . Như vậy, các bên trong quan hệ bảo đảm phát hình thành giao dịch bảo đảm và giao dịch này phải có hiệu lực pháp luật thì mới có hiệu lực đối kháng phát sinh.

4. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba: 

Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba chính là điều kiện đủ để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng. Với mỗi biện pháp bảo đảm khác nhau thì thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là khác nhau. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 297 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là thời điểm nắm giữ tài sản bảo đảm hoặc thời điểm chiếm giữ tài sản bảo đảm hoặc thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm. So sánh với Bộ luật dân sự năm 2005 thì Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận thêm hai trường hợp làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba đó là thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản hoặc bên nhện cầm cố chiếm giữ tài sản.

Về thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản. Nắm giữ tài sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ- CP quy định: “Nắm giữ tài sản bảo đảm quy định tại khoản này là việc bên nhận bảo đảm trực tiếp quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm hoặc là việc người khác quản lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận bảo đảm vẫn kiểm soát, chi phối được tài sản này.”

Trường hợp này chủ yếu là đối với biện pháp bảo đảm cầm cố tài sản. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 310 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.” Về bản chất của cầm cố tài sản là giao tài sản cho bên nhận cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, nên để thực hiện giao dịch có biện pháp bảo đảm là cầm cố thì đương nhiên bên nhận bảo đảm phải nắm giữ tài sản cầm cố đó. Pháp luật quy định thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là thời điểm trùng với thời điểm bên cầm cố giao tài sản cho bên nhận cầm cố và bên nhận cầm cố đã nắm giữ tài sản đó.

Trong Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định về thời điểm phát sinh với biện pháp cầm cố tài sản, và tại Nghị định số 21/2021/NĐ- CP đã bổ sung thêm về thời điểm phát sinh đối với các biện pháp bảo đảm khác theo đó thì không chỉ đối với biện pháp cầm cố tài sản mà với biện pháp đặt cọc, ký cược thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm. (Khoản 3)

Về thời điểm bên nhận bảo đảm chiếm giữ tài sản bảo đảm. Khoản 2 Điều 347 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “2. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.” Bên đang nắm giữ tài sản hợp pháp của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Khi này, tài sản đang được chiếm giữ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Về thời điểm đăng lý biện pháp bảo đảm. Quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm ứng với hai biện pháp đó là biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản và biện pháp bảo lưu quyền sở hữu. Quy định này được nêu tại Khoản 2 Điều 319: “2. Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.”  và Khoản 3 Điều 331: “3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.” Tuy nhiên, các biện pháp khác cũng có thể đăng ký biện pháp bảo đảm theo từng trường hợp cụ thể như biện pháp cầm cố đối với đối tượng tài sản là bất động sản. Pháp luật hiện hành quy định đăng ký biện pháp bảo đảm có thể là đăng ký bắt buộc hoặc đăng ký tự nguyện, nhưng muốn phát sinh hiệu lực đối kháng thì bắt buộc phải đăng ký.  Thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. (Khoản 1 Điều 23 Nghị định 21/2021/NĐ- CP)

Xem thêm: Chia di sản thừa kế theo quy định Bộ luật dân sự 2015

Và đối với biện pháp ký quỹ thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ. (Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ- CP). Đây là quy định bổ sung cho quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.