Thế nào là đại biểu dự khuyết

Theo Hướng dẫn số 03-HD/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ban hành ngày 20/3/2020, về “Một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng”, Ban Bí thư hướng dẫn về việc bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội Đảng bộ cấp trên; triệu tập hoặc không triệu tập đại biểu thay thế đại biểu dự đại hội đối với một số trường hợp cụ thể, như sau:

- Về số lượng đại biểu:

Đại hội đảng bộ cấp dưới phải bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; không được bầu quá số lượng quy định. Trường hợp bầu thiếu phải được đa số đại biểu biểu quyết tán thành và báo cáo với cấp ủy cấp trên.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020 bỏ phiếu bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Ảnh tư liệu

- Những trường hợp không triệu tập dự đại hội:

- Những đảng viên ở đại hội đảng viên, những cấp ủy viên và những đại biểu ở đại hội đại biểu mà trước thời điểm khai mạc đại hội bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố bị can, bị truy tố; những đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử.

- Những cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã có quyết định nghỉ hưu hoặc thông báo nghỉ hưu mà thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm khai mạc đại hội; hoặc chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội.

- Về thay thế đại biểu:

- Đại biểu chính thức do đại hội cấp dưới bầu mà không thể tham dự suốt thời gian đại hội thì cấp ủy cử đại biểu dự khuyết thay thế.

- Đại biểu chính thức sau khi được bầu đã chuyển sinh hoạt Đảng ra ngoài đảng bộ [cấp triệu tập đại hội] thì tổ chức đảng nơi đó được cử đại biểu dự khuyết thay thế. Nếu không có đại biểu dự khuyết thay thế, nơi có điều kiện thì bầu bổ sung đại biểu.

- Đại biểu chính thức vắng mặt những ngày đầu đại hội, đã có đại biểu dự khuyết thay thế, nhưng thời gian cuối đại hội có điều kiện tham dự đại hội, nếu được đoàn chủ tịch đại hội đồng ý mời dự thì được dự theo tư cách đại biểu mời.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 06/10/2014 của Ban Bí thư khóa XI, có hiệu lực kể từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo Ban Bí thư [qua Ban Tổ chức Trung ương] để xem xét, quyết định.

Định hướng một số nội dung về Đại hội công đoàn các cấp

PHẦN IMỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

          Đại hội công đoàn các cấp là hội nghị lớn của tổ chức công đoàn để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng, được tổ chức định kỳ theo nguyên tắc, thể lệ riêng, có tính nghi lễ và trọng thể cao, theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của công đoàn, là dịp sinh hoạt chính trị rộng rãi của cán bộ, đoàn viên công đoàn nhằm xem xét, thảo luận, đánh giá hoạt động của công đoàn trong nhiệm kỳ đã qua, từ đó định ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo; bầu ban chấp hành công đoàn và đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên. Đồng thời, thống nhất ý chí, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ mà đại hội đề ra.

          1. Mục đích, yêu cầu của đại hội công đoàn các cấp

          Đại hội công đoàn các cấp là dịp tổ chức cho đoàn viên tham gia thảo luận, đánh giá tình hình hoạt động của công đoàn; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên trong thời gian qua và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho thời gian tới.

          Thông qua đại hội công đoàn các cấp, tìm ra giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp thu những kinh nghiệm, phương thức, cách thức tổ chức và hoạt động hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đoàn viên nhằm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tập hợp rộng rãi cán bộ, công chức, viên chức, lao động vào tổ chức công đoàn, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

          Lựa chọn, bầu vào ban chấp hành công đoàn những đoàn viên có tâm huyết, nhiệt tình, thực sự đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động; có khả năng tổ chức thực hiện tốt các chức năng của công đoàn cơ sở, đặc biệt là chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và lao động.

          2. Nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp

          Điều 8, Khoản 1, Điều lệ Công đoàn Việt Nam Khóa XII quy định nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp như sau:

          a. Tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.

          b. Thảo luận, đóng góp ý kiến văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên.

          c. Bầu cử ban chấp hành công đoàn và bầu cử đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

          d. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam [đối với Đại hội Công đoàn Việt Nam].

          3. Nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp

          Điều 8, khoản 2, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 6.1, 6.2, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/2/2020, Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII quy định nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp như sau:

          Đại hội công đoàn các cấp được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần. Trường hợp khi có đề nghị bằng văn bản của công đoàn cấp dưới, công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của công đoàn cấp dưới cho phù hợp với nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp trên nhưng không vượt quá 30 tháng.

          a. Đối với công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận và tổ công đoàn

          - Nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở theo nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý, chỉ đạo.

          - Đối với công đoàn cơ sở mới thành lập, thời gian kết thúc nhiệm kỳ theo thời gian của của công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp khi công đoàn cơ sở được thành lập mà thời gian kết thúc nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp còn dưới 18 tháng thì nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở thực hiện theo nhiệm kỳ kế tiếp của công đoàn cấp trên trực tiếp.

          - Công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận [nếu có] tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở; tổ công đoàn [nếu có] tổ chức hội nghị toàn thể đoàn viên để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đại hội của công đoàn cơ sở và bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Trường hợp khuyết tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo tổ công đoàn tổ chức hội nghị toàn thể để bầu bổ sung.

          b. Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp dưới trong các trường hợp sau:

          - Công đoàn cấp trên kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ đại hội để phù hợp tiến độ đại hội công đoàn các cấp theo kế hoạch đại hội Công đoàn Việt Nam.

          - Công đoàn cấp trên mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, sắp đến kỳ đại hội lần thứ nhất mà công đoàn cấp dưới đã đủ nhiệm kỳ đại hội 5 năm.

          - Công đoàn cấp dưới mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội lần thứ nhất chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

          - Công đoàn cấp dưới tổ chức đại hội sau thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

          4. Hình thức tổ chức đại hội công đoàn các cấp

          Điều 8, khoản 3, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 6.4, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/2/2020, Hướng dẫn thi hành Điều lệ

          a. Đại hội toàn thể

          - Công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận có dưới 200 đoàn viên.

          - Trường hợp có từ 200 đoàn viên trở lên, việc tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định hoặc khi có quá một phần hai [1/2] đoàn viên đồng ý đại hội toàn thể.

          - Trường hợp cần thiết, công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định công đoàn cơ sở tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên.

          b. Đại hội đại biểu

          - Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên.

          - Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có từ 200 đoàn viên trở lên.

          - Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có dưới 200 đoàn viên nhưng hoạt động phân tán, lưu động, khó khăn trong việc tổ chức đại hội toàn thể thì có thể tổ chức đại hội đại biểu khi được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

          c. Đại hội, hội nghị trực tuyến

          - Những công đoàn cơ sở hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, nếu chuẩn bị tốt các điều kiện về công nghệ thông tin và nhân lực điều hành, phục vụ, có thể tổ chức đại hội, hội nghị công đoàn trực tuyến, khi được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.

          - Việc tổ chức đại hội, hội nghị công đoàn trực tuyến phải đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc của tổ chức công đoàn; khuyến khích các công đoàn cơ sở có đông đoàn viên tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên, khi được tiến hành theo hình thức đại hội trực tuyến.

          - Việc bầu cử ở đại hội, hội nghị trực tuyến thực hiện theo Mục 8 của Hướng dẫn này.

          5. Số lượng, thành phần đại biểu chính thức dự đại hội

          Điều 8, khoản 4, khoản 5, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 6.5, 6.6, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/2/2020, Hướng dẫn thi hành Điều lệ

          a. Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn các cấp do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng công đoàn cơ sở và điều kiện cụ thể của đơn vị, như sau:

          - Đại hội đại biểu công đoàn cơ sở được triệu tập không quá 150 đại biểu; công đoàn cơ sở có từ 5.000 đoàn viên trở lên không quá 200 đại biểu [trừ công đoàn cơ sở được phép tổ chức đại hội toàn thể theo quy định của Hướng dẫn thi hành Điều lệ].

          - Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 200 đại biểu.

          - Không triệu tập số lượng đại biểu chính thức thấp hơn một phần hai [1/2] số lượng quy định trên. Trường hợp cần tăng số lượng đại biểu chính thức vượt quá quy định thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng không được vượt quá 10%.

          b. Thành phần đại biểu đại hội gồm:

          - Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm.

          - Đại biểu do công đoàn cấp dưới bầu lên.

          - Đại biểu chỉ định với số lượng không quá năm phần trăm [5%] tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

          c. Đại biểu là khách mời

           Số lượng đại biểu khách mời dự đại hội công đoàn các cấp không quá 20% tổng số đại biểu chính thức dự đại hội. Trường hợp đại biểu khách mời vượt quá số lượng quy định, phải được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.

          d. Điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu chính thức dự đại hội

          - Phải là đoàn viên công đoàn, đang tham gia sinh hoạt trong tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam.

          - Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm trong nhiệm kỳ có tham dự trên 50% số kỳ họp, kể từ khi được bầu vào ban chấp hành công đoàn cùng cấp.

          - Người không bị bác tư cách đại biểu theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

          - Người được giới thiệu để bầu cử hoặc chỉ định là đại biểu chính thức dự đại hội, hội nghị đại biểu công đoàn cấp trên, phải có thêm các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

          + Có điều kiện, khả năng tham gia xây dựng nghị quyết đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên và truyền đạt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên ở công đoàn cùng cấp và cấp dưới.

          + Được chỉ định hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới bầu theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

          - Đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra và biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Người đang trong thời gian chấp hành các hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên, người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang chấp hành bản án hình sự theo quy định pháp luật thì không đủ tư cách đại biểu.

         đ. Đại hội công đoàn các cấp hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba [2/3] tổng số thành viên được triệu tập tham dự.

          Đại biểu dự đại hội công đoàn các cấp phải được đại hội biểu quyết công nhận tư cách đại biểu khi có trên 50% số đại biểu chính thức có mặt dự đại hội biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

PHẦN II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI

          1. Các loại văn bản cần chuẩn bị cho đại hội

          Trong quá trình chuẩn bị đại hội cần chuẩn bị các loại văn bản cơ bản sau:

          - Kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn cấp mình và hướng dẫn đại hội công đoàn cấp dưới.

          - Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.

          - Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành.

          - Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

          - Chương trình đại hội.

          - Quy chế đại hội.

          - Chương trình điều hành của đoàn chủ tịch đại hội.

          - Phát biểu khai mạc đại hội, bế mạc đại hội.

          - Đề án nhân sự ban chấp hành, đoàn đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên.

          - Nguyên tắc thể lệ bầu cử, phiếu bầu cử.

          - Dự thảo nghị quyết đại hội.

          - Các loại văn bản của hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất.

          2. Tổ chức phân công chuẩn bị đại hội

          - Chuẩn bị đại hội và tổ chức đại hội công đoàn là trách nhiệm của tập thể ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội. Ban chấp hành công đoàn khóa đương nhiệm chịu trách nhiệm trước đại hội về toàn bộ công việc chuẩn bị cho đại hội, xây dựng chương trình nghị sự của đại hội và tổ chức đại hội.

          - Để đại hội đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội cần phân công trách nhiệm cụ thể cho mỗi ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ [nếu có] để chuẩn bị các nội dung công việc liên quan đến đại hội.

          - Đối với công đoàn có đông đoàn viên, cần thành lập các tiểu ban giúp việc để triển khai các công việc của đại hội, gồm: tiểu ban nội dung, tiểu ban nhân sự, tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban tổ chức phục vụ. Các tiểu ban này có nhiệm vụ chuẩn bị cho đại hội công đoàn cấp mình.

          2.1. Tiểu ban nội dung:

          - Chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua; phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.

          - Hướng dẫn công đoàn cấp dưới nội dung chuẩn bị và xây dựng các báo cáo phục vụ đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới.

          - Tiếp thu, tổng hợp ý kiến tham gia tại đại hội công đoàn cấp dưới vào các dự thảo báo cáo của công đoàn cấp mình và hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi trình đại hội.

          - Chuẩn bị các văn bản về qui chế đại hội; chương trình đại hội; chương trình điều hành của can tổ chức và đoàn chủ tịch đại hội; phát biểu khai mạc, bế mạc và dự thảo nghị quyết đại hội.

          2.2. Tiểu ban nhân sự:

          - Chủ trì xây dựng dự thảo đề án nhân sự ban chấp hành; nhân sự ủy ban kiểm tra; nhân sự bầu đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên.

          - Chủ trì xây dựng phương án trình ban chấp hành về cơ cấu số lượng, thành phần đại biểu dự đại hội công đoàn cùng cấp; số lượng và cơ cấu đại biểu phân bổ cho từng đơn vị trực thuộc.

          - Hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cấp dưới về chuẩn bị nhân sự để bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới.

          - Tiếp nhận hồ sơ của công đoàn cấp dưới về kết quả bầu cử đại biểu dự đại hội; nghiên cứu, dự thảo báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

          - Chuẩn bị văn bản, tài liệu phục vụ công tác bầu cử [ban chấp hành, bầu đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên].

          - Chuẩn bị tài liệu phục vụ bầu cử tại hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất [bầu ban thường vụ và các chức danh chủ chốt trong ban chấp hành; bầu ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra].

          2.3. Tiểu ban tuyên truyền:

          - Chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền [trước, trong và sau đại hội]; xây dựng đề cương tuyên truyền mục đích, nhiệm vụ, ý nghĩa của đại hội.

          - Hướng dẫn công đoàn cấp dưới tổ chức các phong trào thi đua chào mừng đại hội công đoàn cùng cấp và đại hội công đoàn cấp trên [nếu có]; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các cuộc thi...

          - Thực hiện các hình thức tuyên truyền về đại hội theo kế hoạch; biểu dương các gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong phong trào CBCCVCLĐvà hoạt động công đoàn...

           2.4. Tiểu ban tổ chức, phục vụ:

          - Chủ trì chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất [trang trí hội trường, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, thùng phiếu, phương tiện phục vụ kiểm phiếu...] đáp ứng yêu cầu phục vụ quá trình diễn ra đại hội công đoàn cùng cấp.

          - Nghiên cứu, đề xuất về số lượng, thành phần đại biểu khách mời; phát hành văn bản triệu tập đại biểu chính thức giấy mời đại biểu tham dự đại hội.

          - Tập hợp, in ấn, chuẩn bị các loại tài liệu phát hành tại đại hội.

        - Chuẩn bị công tác phục vụ đại biểu đại hội như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, phương tiện đi lại, thuốc men [nếu có]...

          3. Nhân sự ban chấp hành công đoàn

          - Nhân sự tham gia ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội nhiệm kỳ mới được công đoàn cấp dưới giới thiệu lên;

          - Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đồng cấp và công đoàn cấp trên.

          - Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội đề cử danh sách ủy ban kiểm tra, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đồng cấp và công đoàn cấp trên [đối với những công đoàn cơ sở có ủy ban kiểm tra].

          3.1. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành công đoàn

          - Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; trưởng thành từ thực tiễn phong trào CBCCVCLĐ và hoạt động công đoàn; có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có uy tín, có phương pháp hoạt động quần chúng và khả năng đoàn kết tập hợp được đông đảo đoàn viên, CBCCVCLĐ; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CBCCVCLĐ.

          - Có năng lực tham gia xây dựng và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác công đoàn; có khả năng tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành công đoàn.

          - Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể và tổ chức giao.

          - Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng.

          3.2. Điều kiện tham gia ban chấp hành công đoàn

          Người tham gia ban chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn trên, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

          - Người tham gia lần đầu: Còn đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 01 [một] nhiệm kỳ đại hội công đoàn.

          - Người tái cử: Còn đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 [một phần hai] nhiệm kỳ. Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể.

          Những đồng chí đang tham gia cấp ủy đảng, quá trình chuẩn bị nhân sự, công đoàn cấp trên trực tiếp chủ động trao đổi với cấp ủy đảng để xem xét, quyết định.

          3.3. Cơ cấu ban chấp hành công đoàn

          - Ban chấp hành công đoàn cơ sở được cấu tạo theo hướng có cơ cấu, số lượng hợp lý, đảm bảo chất lượng, có tính kế thừa và sự phát triển, được chuẩn bị theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc.

          - Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện ủy viên ban chấp hành công đoàn là chính, cần có cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính đại diện của đoàn viên để đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cấp công đoàn, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.

          - Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi [dưới 40 tuổi, từ 40 tuổi đến dưới 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên] đảm bảo tính kế thừa, phát triển, trẻ hóa và phát triển theo hướng tăng cường cán bộ nữ, phấn đấu đạt 30% nữ trong ban chấp hành công đoàn các cấp.

          3.4. Số lượng ủy viên ban chấp hành

          Điều 11, khoản 3, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 9.1 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/2/2020, Hướng dẫn thi hành Điều lệ

          Số lượng ủy viên ban chấp hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định, theo quy định sau:

          - Ban chấp hành công đoàn bộ phận: Từ 03 đến 07 ủy viên;

         - Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên: từ 03 đến 15 ủy viên. Công đoàn cơ sở có từ 3000 đoàn viên trở lên không quá 19 ủy viên.

          - Nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh chủ tịch [không bầu ban chấp hành]

          - Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Không quá 27 ủy viên;

          - Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam: Không quá 35 ủy viên.

          Trường hợp cần tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá số lượng đã được đại hội thông qua hoặc quy định về số lượng tối đa, phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. Số lượng ban chấp hành tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.

          4. Ủy ban kiểm tra công đoàn

Điều 29 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 21, Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

          Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp được ban chấp hành công đoàn cùng cấp  bầu gồm một số ủy viên ban chấp hành và một số ủy viên ngoài ban chấp hành. số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp tham gia ủy ban kiểm tra không vượt quá một phần ba [1/3] tổng số ủy viên ủy ban kiểm tra.

          4.1. Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn

          Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định theo quy định sau:

          - Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở không quá 07 ủy viên [công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận không có ủy ban kiểm tra]. Công đoàn cơ sở có từ 30 đoàn viên công đoàn trở lên được bầu ủy ban kiểm tra; có dưới 30 đoàn viên thì cử một [1] ủy viên ban chấp hành công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra.

- Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 09 ủy viên.

- Ủy ban kiểm tra Công đoàn Viên chức Việt Nam không quá 11 ủy viên.

          4.2. Tiêu chuẩn của ủy viên ủy ban kiểm tra

          Vận dụng theo tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp, ngoài ra, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cần có sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh tế, tài chính…; có nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác kiểm tra.

          Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có từ ba cán bộ công đoàn chuyên trách trở lên thì cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách làm chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm hoặc ủy viên ủy ban kiểm tra.

          Không cơ cấu người là chủ tài khoản, được ủy quyền chủ tài khoản, kế toán trưởng, trưởng, phó ban tài chính của công đoàn cùng cấp tham gia ủy ban kiểm tra công đoàn.

PHẦN III. CÔNG TÁC TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

          1. Chương trình nghị sự của đại hội công đoàn các cấp

          Mục 6.7 Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN

          - Chào cờ [Quốc ca và Bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam]

          - Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu.

          - Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc.

          - Thông qua chương trình, quy chế làm việc của đại hội.

          - Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

          - Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.

          - Thảo luận các văn kiện của đại hội.

          - Phát biểu của đại diện công đoàn cấp trên, cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn.

          - Tổ chức bầu cử theo quy định.

          - Chỉ định triệu tập viên hội nghị lần thứ nhất.

          - Thông qua nghị quyết đại hội.

          - Diễn văn bế mạc.

          - Chào cờ.

          2. Một số lưu ý trong quá trình tổ chức đại hội

          2.1. Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký đại hội

          - Đoàn Chủ tịch, đoàn thư ký đại hội công đoàn cấp nào do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra. Đại hội toàn thể cấp CĐCS có ít đại biểu [dưới 10 đại biểu] thì không nhất thiết phải bầu đoàn chủ tịch đại hội mà nên bầu 1 người điều hành đại hội [nên bầu chủ tịch công đoàn đương nhiệm].

          - Thể thức bầu: Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần và danh sách đoàn chủ tịch, đoàn thư ký đại hội để đại hội thảo luận. Trường hợp có ý kiến không tán thành về một hay nhiều thành viên trong danh sách giới thiệu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký đại hội thì đại hội có quyền thảo luận giới thiệu người khác bổ sung. Việc bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký thực hiện bằng biểu quyết giơ tay tại đại hội và phải được đa số đại biểu tán thành [có thể biểu quyết thông qua một lần cả tập thể hoặc biểu quyết thông qua từng người].

          Lưu ý về đại biểu mời tham gia đoàn chủ tịch đại hội

          Các thành viên của đoàn chủ tịch đại hội là những đại biểu chính thức của đại hội. Nếu thấy cần thiết có thể mời đại biểu là khách mời của đại hội tham gia đoàn chủ tịch nhưng với tư cách là thành viên danh dự, không trực tiếp tham gia điều hành đại hội. Số lượng thành viên danh dự tham gia đoàn chủ tịch không quá một phần năm [1/5] tổng số thành viên đoàn chủ tịch đại hội.

          2.2. Bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu

          Ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội công đoàn cấp nào, do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra bằng hình thức biểu quyết. Thành viên của Ban thẩm tra tư cách đại biểu phải là đại biểu chính thức của đại hội.

          - Ban thẩm tra tư cách đại biểu có nhiệm vụ:

          + Nghiên cứu các tài liệu về đại biểu đại hội do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội cung cấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và các quy định, nguyên tắc của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để xem xét tư cách đại biểu. Tổng hợp, phân tích và báo cáo trước đại hội về tình hình đại biểu và các trường hợp ban chấp hành đã xử lý do không đủ tư cách đại biểu theo quy định.

          + Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu đại hội gửi trước ngày đại hội, hội nghị chính thức khai mạc 30 ngày [tính từ ngày nhận được đơn, thư]. Các đơn thư gửi sau thời điểm này ban thẩm tra tư cách đại biểu không xem xét giải quyết mà tổng hợp đầy đủ và chuyển hồ sơ cho ban chấp hành khóa mới hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

          + Báo cáo việc thẩm tra tư cách đại biểu và kết luận việc xem xét các đơn thư để đại hội thảo luận và quyết định bằng biểu quyết.

          - Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội chấm dứt nhiệm vụ sau khi đại hội biểu quyết thông qua tư cách đại biểu.

          2.3.  Bầu ban bầu cử

          a. Ban bầu cử là cơ quan giúp việc bầu cử của đại hội, hội nghị. Người tham gia ban bầu cử phải là đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị và không có tên trong danh sách bầu cử.

          b. Ban bầu cử có nhiệm vụ:

          - Phổ biến nguyên tắc, cách thức, thể lệ bầu cử, hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, phát phiếu, thu phiếu. Kiểm tra thùng phiếu trước khi bỏ phiếu và niêm phong thùng phiếu.

          - Kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu và thông qua biên bản kiểm phiếu trong ban bầu cử, công bố kết quả bầu cử, kết quả trúng cử trước đại hội; niêm phong phiếu bầu cử chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội.

          - Trường hợp kiểm phiếu bằng các phương tiện kỹ thuật, ban bầu cử được sử dụng một số kỹ thuật viên không phải là đại biểu đại hội.

          - Ngoài các thành viên ban bầu cử, các kỹ thuật viên và đại diện của công đoàn cấp trên giám sát việc kiểm phiếu, ban bầu cử không được phép cho người không có nhiệm vụ vào khu vực kiểm phiếu.

          2.4. Bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

          Đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên phải được đại hội hoặc hội nghị công đoàn bầu cử theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải đạt quá 1/2 [một phần hai] so với số phiếu thu về.

          Đại hội hoặc hội nghị có thể bầu đại biểu dự khuyết để thay thế đại biểu chính thức khi đại biểu chính thức không có điều kiện đi dự đại hội. Việc thay đại biểu chính thức bằng đại biểu dự khuyết phải được thông báo trước khi khai mạc đại hội và không có sự thay đổi về đại biểu trong suốt quá trình diễn ra đại hội. Số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội hoặc hội nghị quyết định.

          Cách bầu đại biểu dự khuyết: Đại hội, hội nghị công đoàn quyết định việc bầu hoặc không bầu và số lượng bầu đại biểu dự khuyết dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên. Khi bầu đại biểu dự khuyết dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên có thể thực hiện bằng cách chọn người có số phiếu bầu đạt quá một phần hai [1/2] liền kề với người có số phiếu thấp nhất đã trúng cử đại biểu chính thức, hoặc tổ chức bầu riêng, do đại hội, hội nghị quyết định. Việc tổ chức bầu riêng đại biểu dự khuyết dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên chỉ thực hiện sau khi đã bầu đủ số lượng đại biểu chính thức theo phân bổ của công đoàn cấp trên.

          2.5. Nguyên tắc bầu cử ban chấp hành công đoàn các cấp

         Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn các cấp được thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Danh sách bầu cử được in trong phiếu bầu. Phiếu bầu cử phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác; xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng việt [A, B, C...] cho toàn danh sách bầu hoặc xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng việt [A, B, C...]  theo khối công tác để đại biểu dễ lựa chọn. Các loại phiếu bầu phải có dấu của ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội đóng ở góc trái phía trên. Phiếu bầu cử của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn, được sử dụng con dấu của công đoàn cơ sở.

PHẦN IV. NHỮNG CÔNG VIỆC SAU ĐẠI HỘI

          1. Hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành công đoàn khóa mới

         Sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành, đoàn chủ tịch đại hội chỉ định một ủy viên ban chấp hành khóa mới làm triệu tập viên hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bế mạc đại hội, triệu tập viên có nhiệm vụ triệu tập và điều hành hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất theo quy định. Hội nghị thứ nhất của ban chấp hành công đoàn các cấp tiến hành như sau:

          a.  Bầu chủ trì hội nghị ban chấp hành

          - Hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất cử người chủ trì [nếu ban chấp hành có dưới 15 người], cử đoàn chủ tịch hội nghị [nếu ban chấp hành có từ 15 người trở lên] và thư ký hội nghị bằng biểu quyết giơ tay. Trường hợp đại hội công đoàn cơ sở bầu trực tiếp chủ tịch, thì chủ tịch là người triệu tập và chủ trì hội nghị.

          Đoàn chủ tịch hoặc người chủ trì hội nghị báo cáo để hội nghị ban chấp hành thông qua chương trình làm việc và điều hành các nội dung hội nghị theo chương trình đã được hội nghị ban chấp hành biểu quyết thông qua. Hội nghị ban chấp hành thảo luận và quyết định số lượng cơ cấu của ban thường vụ và ủy ban kiểm tra. Việc ứng cử, đề cử, bầu cử phải thực hiện theo đúng trình tự, nguyên tắc và thể lệ như bầu cử ban chấp hành.

          b. Trình tự bầu cử.

          - Bầu ban thường vụ trong số ủy viên ban chấp hành [số lượng không quá một phần ba [1/3] tổng số ủy viên ban chấp hành, gồm có chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên].

          - Bầu chủ tịch, bầu phó chủ tịch [trong số ủy viên ban thường vụ]. Công đoàn cấp cơ sở không có ban thường vụ thì bầu các chức danh trên trong số ủy viên ban chấp hành.

          - Bầu ủy ban kiểm tra.

          - Bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số các ủy viên ủy ban kiểm tra.

          Ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra có trách nhiệm điều hành công việc ngay sau khi được bầu; chủ tịch công đoàn, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra được ký các văn bản theo chức danh sau khi được bầu và nhận bàn giao từ đoàn chủ tịch, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra khóa trước trong thời hạn 15 ngày.

          2. Hồ sơ sau đại hội và hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành công đoàn các cấp

          Để đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp đối với các chức danh sau khi bầu cử, công đoàn cấp trên trực tiếp phải ra quyết định công nhận kết quả bầu cử. Vì vậy, chậm nhất mười [10] ngày làm việc sau khi tiến hành bầu cử, ban thường vụ, hoặc ban chấp hành [nơi không có ban thường vụ] phải báo cáo công đoàn cấp trên trực tiếp để xem xét, công nhận ban chấp hành và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra. Hồ sơ đề nghị công nhận gồm:

          - Tờ trình đề nghị công nhận ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.;

          - Biên bản kiểm phiếu;

          - Danh sách trích ngang nhân sự đề nghị công nhận theo mẫu quy định;

          - Nghị quyết đại hội; nghị quyết hội nghị ban chấp hành.

          Trong thời hạn mười lăm [15] ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị công nhận, công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét và ra quyết định công nhận theo đề nghị của công đoàn cấp dưới. Trong thời gian này ban chấp hành, ban thường vụ khóa mới có trách nhiệm điều hành các công việc thường xuyên của công đoàn và nhận bàn giao từ ban chấp hành, ban thường vụ khóa cũ. Đối với đồng chí được đại hội, hội nghị bầu trúng cử chủ tịch hoặc phó chủ tịch, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra có quyền ký văn bản điều hành và đóng dấu theo thẩm quyền ngay sau khi công bố trúng cử.

          Khi không đủ điều kiện công nhận một hoặc một số chức danh thì công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ đạo công đoàn cấp dưới thực hiện lại quy trình, thủ tục bầu cử. Trường hợp cần thiết công đoàn cấp trên có quyền chỉ định ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành công đoàn cấp dưới để đảm bảo hoạt động bình thường của tổ chức công đoàn đó. Trường hợp đã công nhận một hoặc một số chức danh, nhưng phát hiện không đảm bảo tiêu chuẩn quy định thì công đoàn cấp trên có quyền hủy quyết định công nhận; nếu thấy cần thiết có thể chỉ định đối với một hoặc một số chức danh đó.

          3. Lưu trữ các tài liệu đại hội

           Sau đại hội, các tài liệu trên phải được sắp xếp, phân loại, nộp vào lưu trữ theo đúng quy định về công tác văn thư, lưu trữ của tổ chức công đoàn gồm:

          - Các tài liệu, văn bản liên quan đến quá trình chuẩn bị đại hội;

         - Các tài liệu, văn bản liên quan đến quá trình tiến hành đại hội như: hồ sơ đại biểu, báo cáo của ban thẩm tra tư cách đại biểu, hồ sơ nhân sự đại hội, các báo cáo tờ trình của ban chấp hành khóa trước trình ra đại hội biên bản đại hội, biên bản bầu cử, phiếu bầu cử [đã được niêm phong ngay sau khi kiểm phiếu], tài liệu về bổ sung, sửa đổi điều lệ, nghị quyết của đại hội.

          - Các văn bản trình công đoàn cấp trên công nhận kết quả đại hội, kết quả phiên họp thứ nhất ban chấp hành và ủy ban kiểm tra./.

Video liên quan

Chủ Đề