Trẻ em được tìm thấy ở đâu thì có quốc tịch việt nam

- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a] Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài;

b] Chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài.

Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì việc thay đổi quốc tịch phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Trả lời:

* Anh /chị hỏi việc cháu bé được sinh ra tại Việt Nam có cha mẹ là người mang quốc tịch Đan Mạch thì có được mang Quốc tịch Việt Nam hay không, chúng tôi trao đổi như sau:

- Điều 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam:

Người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây:

1. Do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật này;

2. Được nhập quốc tịch Việt Nam;

3. Được trở lại quốc tịch Việt Nam;

4. Theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật này;

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Điều 15 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Điều 16 Luật Quốc tịch 2008 quy định Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam:

1. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam".

- Điều 17 Luật Quốc tịch 2008 quy định Quốc tịch của trẻ em sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch:

1. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

- Điều 18 Luật Quốc tịch 2008 quy định Quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam:

1. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em quy định tại khoản 1 Điều này chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a] Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài

a] Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài;

b] Chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài.

- Điều 35 Luật Quốc tịch Việt năm 2008 quy định Quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam:

1. Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ.

2. Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ.

Trường hợp cha hoặc mẹ được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ không thỏa thuận bằng văn bản về việc giữ quốc tịch nước ngoài của người con.

3. Sự thay đổi quốc tịch của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

- Điều 37 Luật Quốc tịch Việt năm 2008 quy định Quốc tịch của con nuôi chưa thành niên:

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

3. Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

4. Sự thay đổi quốc tịch của con nuôi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Đối chiếu với các quy định nêu trên thì pháp luật về quốc tịch của Việt Nam không quy định trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có cha mẹ là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này, cháu bé có cha mẹ là công dân Đan Mạch thì sẽ mang quốc tịch Đan Mạch của cha mẹ và không có quốc tịch Việt Nam.

* Vấn đề anh/chị hỏi pháp luật Việt Nam có cho phép mang 2 quốc tịch: Theo quy định tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác". Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép mang 2 quốc tịch. 

Như Quỳnh

Đỗ Như Quỳnh

Posted on by Civillawinfor

HOÀNG LAN

Quốc tịch là phạm trù chính trị – pháp lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó, bền vững giữa Nhà nước và công dân, là dấu hiệu để xác định và phân biệt công dân của nước này với nước khác, trên cơ sở đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Ai cũng có quyền có quốc tịch. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán”. Ở Việt Nam, quyền này đã được Hiến định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” [Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013]. Luật đầu tiên của nhà nước ta về quốc tịch là Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988, tiếp đó là Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998 [thay thế Luật quốc tịch năm 1988] và hiện tại là Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 [thay thế Luật quốc tịch năm 1998] . Tại các Luật này đều ghi nhận: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch.

Đối với trẻ em, quyền được khai sinh và có quốc tịch là một quyền cơ bản đã được Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật trẻ em năm 2016 ghi nhận: Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Với những trẻ em khi sinh ra, vì một lý do nào đó mà quyền có quốc tịch này có thể bị ảnh hưởng [do cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều là người không có quốc tịch; trẻ bị bỏ rơi…] thì pháp luật về quốc tịch cũng đã dự liệu các trường hợp này để  đảm bảo mọi trẻ em khi sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch.

Ngay từ Luật đầu tiên về quốc tịch [Luật quốc tịch năm 1988] đã dành 01 điều quy định về quốc tịch trẻ em [Điều 6]: [1] Trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam; [2] Trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch hoặc không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam; [3] Trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, nếu sinh trên lãnh thổ Việt Nam hoặc khi sinh ra cha mẹ đều có nơi thường trú ở Việt Nam, thì có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp cha mẹ nhất trí lựa chọn quốc tịch khác. Trong trường hợp trẻ em đó sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam và khi sinh cha mẹ đều không có nơi thường trú ở Việt Nam, thì quốc tịch theo sự lựa chọn của cha mẹ; [4] Trẻ em sinh trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ đều là người không quốc tịch và có nơi thường trú ở Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam; [5] Trẻ em tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

Rõ hơn quy định này, Luật quốc tịch năm 1998 có 03 điều quy định về quốc tịch trẻ em: Điều  17 quy định về quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, Điều 18 quy định về quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch, Điều 19 quy định về quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Kế thừa quy định này của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 có 04 điều quy định về quốc tịch của trẻ em: Điều  15 quy định về  quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam, Điều  16 quy định về  quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, Điều 17 quy định về quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch, Điều  18 quy định về quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam; bên cạnh đó, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 còn có 01 chương quy định về thay đổi quốc tịch của người chưa thành niên và của con nuôi với 03 điều [Điều 35 quy định về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam – Điều 36 quy định về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam – Điều 37 quy định về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên].

Như vậy, quy định của Luật quốc tịch [từ Luật quốc tịch năm 1988, Luật quốc tịch năm 1998 đến Luật quốc tịch năm 2008] đã quy định rõ nguyên tắc, căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thực tế triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số vướng mắc do còn có những cách hiểu khác nhau [kể cả từ phía các cơ quan được giao thụ lý giải quyết các việc về quốc tịch, cho đến người dân], cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em có cả hai bên cha và mẹ là công dân Việt Nam

Điều 15 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Quy định này được hiểu, những trẻ em này sẽ đương nhiên có quốc tịch Việt Nam ngay từ khi sinh ra – và như vậy, quốc tịch Việt Nam của trẻ sẽ được ghi nhận bất cứ lúc nào. Quy định này đã được áp dụng đến trở thành thông lệ và không gặp bất cứ khó khăn, vướng mắc nào với những trường hợp trẻ em sinh ra có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, sinh con ở trong nước và đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan đăng ký hộ tịch ở trong nước. Vướng mắc trong quy định này là chưa đề cập đến những trường hợp trẻ được sinh ra ở nước ngoài [quốc gia được xác định quốc tịch cho trẻ em theo nguyên tắc quyền nơi sinh], đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài [theo nơi sinh ra], thì có còn quyền đương nhiên có quốc tịch Việt Nam nguyên tắc huyết thống như đã nêu ở trên hay không?  Lẽ ra, trong trường hợp này cần hiểu, đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã có quốc tịch Việt Nam, nên cách giải quyết đơn giản nhất là cơ quan hộ tịch của Việt Nam chỉ cần ghi chú nội dung Giấy khai sinh do nước ngoài cấp cho đứa trẻ theo quy định của pháp luật hộ tịch và phần ghi về quốc tịch của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, một số cơ quan hộ tịch đã hiểu sai về vấn đề này bởi suy nghĩ: một khi cha mẹ đã từng đăng ký khai sinh cho con [lần 1] tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trẻ đã có quốc tịch nước ngoài thì không được tiếp tục đăng ký khai sinh cho con [lần 2] tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam “thêm một lần lựa chọn quốc tịch” để trẻ có quốc tịch Việt Nam và trở thành người có 02 quốc tịch; với cách hiểu này, người thụ lý hồ sơ đã hướng dẫn cha mẹ của trẻ làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con [thủ tục này mặc dù được đơn giản hóa một số điều kiện vì có cha, mẹ đẻ là công dân Việt Nam nhưng phức tạp hơn, thời gian giải quyết lâu hơn, lệ phí cao hơn, và điều quan trọng hơn là trẻ phải thôi quốc tịch nước ngoài].

Thứ hai, việc xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài

Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con… Quy định này được hiểu trẻ em sinh ra sẽ có quốc tịch Việt Nam khi đáp ứng 02 điều kiện: [1] có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài, [2] có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Ở đây “thời điểm đăng ký khai sinh” cần được hiểu như thế nào thì Luật Quốc tịch năm 2008 chưa quy định rõ. Chính vì vậy trên thực tế đã có hai cách hiểu khác nhau:

Theo cách hiểu thứ nhất thì “thời điểm đăng ký khai sinh” phải được xác định là lần “lần đầu và duy nhất” đối với một đứa trẻ sau khi sinh ra. Theo đó, với những trẻ em đã được đăng ký khai sinh lần đầu tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì trẻ có quốc tịch Việt Nam, trẻ có thể có thêm quốc tịch nước ngoài [hai quốc tịch] khi khai nhận quốc tịch tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định pháp luật quốc tịch của nước mà người cha/người mẹ là công dân, nếu pháp luật nước đó không quy định nguyên tắc một quốc tịch; với những trẻ em đã đăng ký khai sinh lần đầu tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trẻ đã có quốc tịch nước ngoài thì để bảo đảm nguyên tắc “một quốc tịch” theo quy định của Luật Quốc tịch, trẻ sẽ không được đăng ký khai sinh “lần 2” tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để trẻ có thêm quốc tịch Việt Nam, mặc dù cha mẹ cũng thể hiện nguyện vọng muốn lựa chọn “thêm” quốc tịch Việt Nam cho con [trường hợp này trẻ em chỉ có thể có quốc tịch Việt Nam thông qua việc xin nhập quốc tịch Việt Nam và phải thôi quốc tịch nước ngoài – đó là điều mà nhiều cha mẹ của trẻ không mong muốn].

Theo cách hiểu thứ hai thì Luật Quốc tịch chỉ quy định về nguyên tắc quốc tịch, còn vấn đề đăng ký khai sinh thì phải tuân theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Trong khi đó, Luật Hộ tịch cũng chỉ quy định: Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại môt cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này. Như vậy, với những trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có  thẩm quyền của nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài là theo pháp luật quốc tịch của nước ngoài; việc cha, mẹ của trẻ tiếp tục làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ theo pháp luật quốc tịch của Việt Nam là không có gì trái cả với Luật Quốc tịch và Luật Hộ tịch [đáp ứng cả nguyên tắc xác định quốc tịch Việt Nam cho con khi có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài theo quy định của Luật quốc tịch và nguyên tắc đăng ký khai sinh tại một cơ quan đăng ký hộ tịch theo quy định của Luật quốc tịch]. Với cách hiểu này thì mặc dù trẻ đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có  thẩm quyền của nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài, vẫn có quyền đăng ký khai sinh [hoặc ghi chú Giấy khai sinh] tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và trẻ có quốc tịch Việt Nam.

– Thứ ba, việc xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha và mẹ là người không quốc tịch

Điều 8 Luật quốc tịch năm 2008 quy định Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn gặp nhiều khó khăn do bị ràng buộc bởi những quy định cụ thể tại các điều khác của Luật, đó là yêu cầu người không quốc tịch phải có nơi thường trú tại Việt Nam. Cụ thể là:

+ Đối với trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha, mẹ là người không quốc tịch, nhưng không có nơi thường trú tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Quốc tịch Việt Nam thì Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

+ Đối với trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam có mẹ là người không quốc tịch, cha không rõ là ai, nhưng người mẹ không có nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 17 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam”.

Với những quy định này thì cơ quan hộ tịch khó áp dụng để cho những trẻ có không có nơi thường trú tại Việt Nam [chưa được cấp thẻ thường trú].

– Thứ tư, việc xác định quốc tịch Việt Nam của trẻ em nước ngoài sau khi được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi

Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 không có quy định về việc công nhận quốc tịch Việt Nam của trẻ qua trình tự, thủ tục nào? Nghị định số 78/2009/NĐ-CP tại chương Ghi vào sổ các việc về quốc tịch [chương III] cũng không có quy định về việc này.

Thứ năm, chưa có hướng dẫn thống nhất nên còn khó khăn trong việc áp dụng quy định của Luật và Nghị định về quyền đương nhiên/mặc nhiên được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của con chưa thành niên khi cha/mẹ được nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam.

Khoản 2 Điều 35 Luật Quốc tịch quy định: Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ. Trường hợp cha hoặc mẹ được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ không thỏa thuận bằng văn bản về việc giữ quốc tịch nước ngoài của người con.
Quy định này được hiểu việc con chưa thành niên sống cùng cha, mẹ là người đã được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam theo tình trạng quốc tịch của cha, mẹ, trừ trường hợp cha, mẹ có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP thì hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha, mẹ nếu có con chưa thành niên cùng xin nhập thì phải có bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con… – và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP cũng quy định: con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con… Theo quy định này thì khi cha mẹ xin nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam mà có cả con chưa thành niên – thì phải có thêm hồ sơ của người con [như: bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha mẹ con…]. Như vậy, nếu người con chưa thành niên muốn thay đổi quốc tịch theo cha mẹ thì cũng phải làm thủ tục cùng cha mẹ. Vì thế, khái niệm “đương nhiên”, “mặc nhiên” ở Luật là không rõ.

Thứ sáu, chưa quy định cụ thể về “trường hợp đặc biệt” cho trẻ em được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam

Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 của Luật quốc tịch năm 2008 thì trẻ em khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp là con đẻ của công dân Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ thế nào là “trường hợp đặc biệt”, nên đã gây khó khăn trong việc áp dụng điều luật này, đồng thời dẫn đến nhầm tưởng là với những trẻ em là con đẻ của công dân Việt Nam thì khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ được coi là “trường hợp đặc biệt” để xin Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài. Chính vì vậy, hầu hết hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con do cha, mẹ lập đều ghi nguyện vọng cho con của họ được giữ quốc tịch nước ngoài đang có; khi đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ quốc tịch từ chối giải quyết theo nguyện vọng [yêu cầu trẻ phải thôi quốc tịch nước ngoài] là không mang tính thuyết phục.                                                              *                                                            *   *

Trên đây là một số vướng mắc bất cập về quốc tịch Việt Nam của trẻ em theo quy định của pháp luật về quốc tịch hiện hành. Người viết bài này cho rằng, để đánh giá một cách tổng thể đầy đủ, chính xác, khách quan thực trạng thi hành pháp luật về quốc tịch [không chỉ là vấn đề quốc tịch Việt Nam của trẻ em như đã nêu trên đây] thì cần sớm tiến hành tổng kết đối với lĩnh vực công tác này./.

SOURCE: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH VÀ CHỨNG THỰC – BỘ TƯ PHÁP

Related

Filed under: Quyền nhân thân |

Video liên quan

Chủ Đề