Trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra là gì

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, UNESCO nhận định: “Các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”.

Di sản văn hóa nói chung, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Nếu khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa, không chỉ thu được nguồn lợi kinh tế trực tiếp, giải quyết vấn đề xã hội [nâng cao thu nhập, tiêu thụ sản phẩm văn hóa, giải quyết việc làm…] mà còn góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa, con người nơi có di sản với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa thì vấn đề đặt ra đầu tiên đó là việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội, mà cụ thể ở đây chính là đảm bảo sinh kế của cộng đồng – những chủ thể của di sản. Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa gắn với việc đảm bảo sinh kế của cộng đồng không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất cùng hướng đến mục tiêu chung, đó là sự phát triển bền vững. Hầu hết các khái niệm về phát triển bền vững đều đồng nhất rằng, nội hàm của phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa xã hội, trong đó yếu tố bền vững về kinh tế luôn là một yếu tố then chốt và dễ nhận biết hơn so với hai yếu tố còn lại bởi đơn giản nó gắn với “cơm, áo, gạo, tiền” và là yếu tố tác động trực tiếp hàng ngày đến con người và cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, đối với di sản văn hóa phi vật thể, vai trò của cộng đồng cực kì quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng chính là người sở hữu, bảo tồn, trao truyền và thực hành di sản. Tại văn bản hướng dẫn các quốc gia thành viên đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần bảo vệ khẩn cấp, UNESCO đều yêu cầu cộng đồng sở hữu di sản phải tự nguyện xác nhận di sản đó như là một phần di sản văn hóa của họ, cũng như yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, khuyến khích đối thoại trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Di sản văn hóa phải “sống” đúng nghĩa trong cộng đồng dân cư tại chỗ là một yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để phát triển bền vững.

Vai trò của cộng đồng quan trọng là vậy, vấn đề đặt ra ở đây chính là làm sao để cộng đồng đó có thể gắn bó, bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị di sản? Giải quyết được vấn đề này cũng chính là giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế của cộng đồng và công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể để tìm ra một đáp số chung – phát triển bền vững. Lợi ích từ việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trong phát triển cần đem lại lợi ích, sinh kế cho chính cộng đồng của di sản đó. Một khi sinh kế được đảm bảo, người dân sẽ có ý thức để giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản đó và ngược lại. Trên mọi bình diện, bất kỳ loại hình di sản văn hóa nào khi được khai thác để phát triển đều phải chú ý đến hiệu quả và đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân tại chỗ – cộng đồng thực hành di sản. Nguồn lợi khai thác từ di sản văn hóa nếu không đem lại lợi ích thiết thực, cũng như tạo thuận lợi trong sinh kế chính đáng cho chính cộng đồng thực hành di sản thì di sản văn hóa đó cũng không thể “phát triển bền vững”. Sinh kế chính đáng được tạo ra từ các hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hóa, tạo thuận lợi để người thực hành di sản có cơ hội tham gia như: chế tác, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ, sản phẩm của làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch trải nghiệm cộng đồng, đưa nghệ thuật trình diễn/diễn xướng dân gian vào bán vé, hoặc từ tri thức dân gian, y dược, y học cổ truyền hay ẩm thực, trang phục của cộng đồng, một số sản phẩm mang tính đặc thù được hình thành, được chính chủ thể thực hành di sản bán cho du khách qua dịch vụ, giúp họ tạo ra sinh kế.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, trong những năm qua, ngành Văn hóa thành phố Đà Nẵng đã ban hành các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể: Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 – 2015”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”, Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020”; Kế hoạch số 6144/KH-UBND ngày 18/7/2016 của UBND thành phố về  bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu Ngư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch 4271/KH-UBND ngày 08/6/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơ tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025”… Các nội dung cụ thể trong đề án, kế hoạch đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại địa phương. Đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện để chủ thể nắm giữ di sản được thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa, cũng như giúp họ tạo ra sinh kế, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất, có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản.

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, hiện thành phố Đà Nẵng có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng, Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng, Nghệ thuật Bài Chòi Đà Nẵng, Nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Trong đó, Nghệ thuật Bài Chòi Đà Nẵng, cùng với 9 tỉnh/thành phố Trung bộ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Sau khi các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương và xã hội cùng tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tiêu biểu: “Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước” [quận Ngũ Hành Sơn] và “Nghề làm nước mắm Nam Ô” [quận Liên Chiểu] là hai nghề truyền thống đang được bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di sản. Hiện thành phố đã ban hành Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”, với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Đề án hướng đến đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, đồng thời mở ra thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Bên cạnh đó còn khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích và danh lam thắng cảnh của địa phương, tạo bước đệm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Tương tự, Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn cũng đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước”. Đây là bước đi đúng đắn, có trọng tâm, hiệu quả trong việc khai thác và bảo tồn làng nghề. Hai làng nghề này cũng đã kết nối và “hòa nhịp” được với xu hướng và tốc độ phát triển du lịch của thành phố khi đã tạo ra những tour/tuyến tham quan, trải nghiệm làng nghề. Đặc biệt, các sản phẩm đầu ra của làng nghề truyền thống đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường, đồng thời trở thành sản phẩm quà tặng cho du khách khi đến thành phố du lịch.

Cơ sở làm nước mắm của anh Nguyễn Việt Dũng, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu

Nghệ nhân hướng dẫn cho học viên chế tác sản phẩm tại làng nghề điêu khắc đá Non Nước Ngũ Hành Sơn

Với di sản “Nghệ thuật Bài Chòi” và “Nghệ thuật Tuồng”, trong những năm qua, ngành Văn hóa thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, du khách. Trong đó đáng kể như: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố tổ chức biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại cầu Rồng [đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà]; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống “Hồn Việt” để biểu diễn phục vụ người dân và du khách vào 19h45 các ngày trong tuần [trừ thứ tư] và 17h30 vào ngày chủ nhật. Các hoạt động này đã phát huy có hiệu quả, không chỉ gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần thu về một nguồn kinh phí cho các nghệ nhân để trang trải cuộc sống và tiếp tục với đam mê của mình. Quan trọng hơn là đã tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và là kênh thông tin quan trọng để quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố Đà Nẵng đến với du khách trong nước và quốc tế.

Hội Bài chòi biểu diễn tại đình Túy Loan

Nghệ thuật biểu diễn Tuồng

Với loại hình lễ hội truyền thống như “Lễ hội Cầu Ngư”, “Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn”, trong đó “Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn” từ khi được khôi phục và tổ chức trở lại, đến nay lễ hội ngày càng tổ chức quy mô với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, cộng đồng địa phương và du khách, trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch tâm linh đặc trưng của thành phố và được đánh giá là một lễ hội tôn giáo tổ chức trang trọng, công phu, quy mô lớn ở khu vực miền Trung, đã thu hút được nhiều tăng ni, phật tử trong và ngoài nước về dự, để lại dấu ấn tốt đẹp cho du khách gần xa. Hơn nữa, Lễ hội đã mang lại nguồn thu lớn, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương, đóng góp nhất định trong việc tu bổ, tôn tạo chùa Quán Thế Âm cũng như công tác tổ chức lễ hội những năm tiếp theo.

Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng

 

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

 Việc gắn bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với sinh kế của cộng đồng, đặc biệt đối với cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây – Bắc thành phố cũng được quan tâm. Đây là nơi sinh sống, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng và đặc trưng của đồng bào Cơ tu. Vì vậy, ngành Văn hóa thành phố đã chú trọng phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị thất truyền như nghệ thuật múa cồng chiêng, múa tung tung da dá, nghề đan lát, dệt thổ cẩm và các lễ hội truyền thống đặc trưng của người Cơ tu… Đặc biệt, hiện nay ở huyện Hòa Vang, đã xây dựng và khai thác mô hình du lịch cộng đồng [ở Hòa Bắc], du lịch xanh tại Toom Sara [ở Hòa Phú] thu hút khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của người Cơ tu, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương. Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng này do người dân bản địa nơi đây đầu tư, quản lý và trực tiếp làm du lịch, tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tại đây vừa kết hợp tham quan, cùng với đó là hình thức nghỉ dưỡng homestay, trải nghiệm các loại hình truyền thống như dệt thổ cẩm; xem múa cồng chiêng, múa tung tung da dá; thưởng thức đặc sản Cơ tu như rượu cần, thịt nướng, cơm lam, bánh sừng trâu… Có thể thấy nhờ làm du lịch cộng đồng, văn hóa người Cơ tu ở Đà Nẵng được quảng bá rộng rãi. Qua đó, người Cơ tu càng có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa, từng bước thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Tóm lại, có thể khẳng định, cộng đồng có vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Để phát huy tối đa nguồn lực xã hội quan trọng đó, chúng ta cần quán triệt quan điểm cơ bản là: tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng và cùng có lợi. Vì dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào, gắn kết với nhau bằng yếu tố nào, cộng đồng cũng cần phát huy vai trò của mình vì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thành sự nghiệp xuất phát từ cộng đồng, mang lại sinh kế và trở lại phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên để khai thác di sản văn hóa có hiệu quả, đem lại nguồn lợi hữu ích, có ý nghĩa thiết thực cho xã hội cần đảm bảo sự hài hòa trong công tác bảo tồn, phát huy, đòi hỏi chính sách quản lý phải phù hợp. Tùy thuộc vào loại hình di sản văn hóa mà có cách lựa chọn phương thức phát huy, khai thác hợp lý.  Ngoài ra, cần cẩn trọng trong việc khai thác du lịch hoặc tạo công ăn việc làm cho người dân từ di sản văn hóa bởi lẽ khi quá chú trọng vào lợi nhuận và kinh tế sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn như suy giảm giá trị, “thương mại hóa” di sản, thậm chí “kinh doanh tâm linh” làm biến dạng di sản. Bên cạnh đó, một số chương trình bảo tồn, khai thác di sản văn hóa của cộng đồng nếu không đem lại lợi ích xứng đáng cho người dân tại chỗ, sẽ dẫn đến chủ thể của di sản văn hóa không hào hứng khi tham gia khai thác giá trị của di sản. Việc “sân khấu hóa” tại các lễ hội ngày càng phổ biến. Nếu không hạn chế, những hệ lụy này không chỉ khiến du khách xa rời lễ hội, di sản mà còn khiến những tài nguyên quý giá này không được bảo tồn đúng với giá trị thực. Để đảm bảo và cân bằng giữa việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và sinh kế của cộng đồng đòi hỏi cần có sự chung tay từ người dân và chính quyền, sự hợp tác của các sở, ban, ngành và lĩnh vực có liên quan.

Trần Thị Phương – Lê Văn Phúc

Video liên quan

Chủ Đề