Ví dụ về giáo dục quốc phòng an ninh

12/17/2020 10:55:35 AM

Điều 12, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013 quy định: “Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa. Bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh;… sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc”. Thực hiện quy định đó, hiện nay, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên chủ yếu được thực hiện tập trung tại hệ thống các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh [sau đây gọi tắt là trung tâm] trên phạm vi cả nước theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học”.

Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh1, những năm qua, các trung tâm đã tổ chức liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học đi vào nền nếp, bảo đảm nội dung, chương trình, chất lượng ngày càng được nâng lên. Qua đó, trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức quốc phòng và an ninh, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này đã và đang nảy sinh những vướng mắc, bất cập do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Sinh viên thực hành tình huống đánh chiếm mục tiêu  

Để đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, cùng với nâng cao năng lực của các trung tâm, theo chúng tôi vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm cùng đứng chân trên địa bàn hoặc trong khu vực, xóa bỏ hiện tượng hoạt động khu biệt, độc lập, để cùng trao đổi, thống nhất, hỗ trợ, chi viện lẫn nhau, xử lý tận gốc những nút thắt nảy sinh, nhất là các “bài toán” khó đặt ra với các trung tâm hiện nay.

Thứ nhất, “bài toán” về số lượng sinh viên cho cả các trường liên kết và trung tâm. Thời gian qua, việc phân luồng sinh viên về các trung tâm thực hiện theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH đã có những bất cập nảy sinh. Một số trường cao đẳng không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh được ít sinh viên, dẫn đến có trung tâm lưu lượng sinh viên lớn, nhưng có trung tâm chưa có hoặc có ít sinh viên đến học. Khắc phục vấn đề này, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp, thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, ban hành Quyết định số 2320/QĐ-BQP, ngày 25/7/2020 “Về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh” cho phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, số lượng sinh viên mới hằng năm của một số cơ sở giáo dục đại học rất lớn, các trường đều mong muốn tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho cả khóa cùng một đợt. Điều này gây ra tình trạng quá tải nhất thời, thậm chí vượt quá khả năng của các trung tâm. Do đó, nếu có sự phối hợp, liên kết giữa các trung tâm sẽ chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cùng thực hiện, giúp trường liên kết vừa bảo đảm kế hoạch, thời gian đào tạo, vừa bảo đảm chất lượng môn học. Đồng thời, khắc phục tình trạng trong cùng thời điểm, có trung tâm thì quá tải, có trung tâm lại không có sinh viên.

Ví dụ, năm 2020, Trường Đại học FPT có nhu cầu liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho gần 4.000 sinh viên. Trong khi đó, khả năng bảo đảm của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chỉ là 2.500 sinh viên/đợt. Vì vậy, Trung tâm đã tham mưu, đề xuất với Trường Đại học FPT phối hợp, liên kết với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội để cùng tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên cùng một thời điểm, được đánh giá cao.

Thứ hai, phối hợp, hỗ trợ cán bộ, giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trung tâm phần lớn là sĩ quan biệt phái. Tuy nhiên, ở một số trung tâm đội ngũ cán bộ, giảng viên đều là công chức, viên chức, không có sĩ quan biệt phái, như: Viện Đại học mở Hà Nội, Đại học Hồng Đức [Thanh Hóa], Đại học Công nghiệp Hà Nội, v.v. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trung tâm hiện nay vẫn thiếu về số lượng, chất lượng có mặt không đồng đều. Điều này, đã, đang tạo ra khó khăn, thách thức trong việc tổ chức giảng dạy, quản lý, rèn luyện sinh viên tại các trung tâm, nhất là khi lưu lượng sinh viên lớn trong cùng một thời điểm. Do vậy, khi các trung tâm có sự phối hợp, liên kết với nhau sẽ có phương án hỗ trợ, giúp đỡ về cán bộ, giảng viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên trong những thời điểm cần thiết.

Thứ ba, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nội dung, chương trình giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ở các trung tâm là đồng nhất, nên việc phối hợp, liên kết cùng nhau tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, rèn luyện học sinh, sinh viên sẽ rất thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Thông qua đó, có giải pháp phù hợp xây dựng, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, định kỳ 02 năm hoặc 03 năm, cụm trung tâm phối hợp, liên kết tổ chức hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, giúp nâng cao chất lượng môn học này một cách đồng đều, vững chắc, thiết thực góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cuối năm 2018, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Huế, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Hồng Đức tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Giáo dục quốc phòng và an ninh với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đây là hoạt động phối hợp, liên kết rất bổ ích của 03 trung tâm để các nhà khoa học, quản lý, đội ngũ cán bộ, giảng viên trao đổi, thảo luận phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về: dạy học, quản lý, giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên dưới các góc độ và cách tiếp cận khác nhau; đề xuất các biện pháp thiết thực, khả thi tạo hứng thú cho người học, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, hun đúc lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của ông cha ta, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, bảo đảm công bằng trong thu học phí môn học đối với sinh viên. Môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là môn học có tính đặc thù. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ miễn học phí cho sinh viên khi học tập môn học này, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa thể thực hiện được. Hiện nay, việc thu học phí môn học đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021”. Song, trên thực tế mức thu học phí môn học giáo dục quốc phòng và an ninh đối với sinh viên ở các trung tâm, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học không đồng đều. Vì thế, cần có sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, sự thống nhất giữa các trung tâm và trường liên kết để mức thu học phí theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho học viên trong quá trình học tập.

Về tổ chức, có thể hình thành các cụm liên kết: Trung tâm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Quân sự Quân khu 2; Trung tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội và Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trung tâm của Đại học Thái Nguyên và Trường Quân sự Quân khu 1, v.v. Về phương pháp, để thuận tiện trong việc phối hợp, hiệp đồng, thực hiện nhiệm vụ, các trung tâm luân phiên làm cụm trưởng, đăng cai tổ chức hoạt động. Trên thực tế, những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã chủ động phối hợp, tổ chức hoạt động cụm trường Trung Bắc2, định kỳ 02 năm, các trường luân phiên đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các trường trong cụm với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, giảng viên, sinh viên. Thông qua đó, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, trình độ nghiên cứu khoa học, phát huy khả năng văn nghệ, thể thao và các kỹ năng khác cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đồng thời, tăng cường đoàn kết, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

Việc phối hợp, liên kết giữa các trung tâm là cách thức, nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để giải quyết một số vấn đề vướng mắc thực tiễn đặt ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng của bộ, ban, ngành có liên quan, các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên phạm vi cả nước cùng nghiên cứu, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
________________

1 - Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị [khóa X] về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định 13/2014/NĐ-CP, ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học; Hướng dẫn 175/HD-HĐGDQPAN, ngày 24/3/2017 của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, v.v.

2 - Gồm 07 trường: Đại học Hùng Vương, Đại học Tân Trào, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Cao đẳng Vĩnh Phúc, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang và Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Video liên quan

Chủ Đề