Vì sao doanh nghiệp nhà nước thua lô

Nhiều DNNN mất phương hướng

Tiến hành xây dựng và lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước [DNNN], Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn đánh giá: Thể chế quản trị DNNN, đặc biệt là việc triển khai trên thực tế còn có khoảng cách so với thông lệ quốc tế, dẫn tới DNNN chưa hoàn thành mục tiêu “đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp”.

Tại từng DNNN, mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước chưa thực sự rõ ràng, nhiều trường hợp chưa nhất quán với mục tiêu đầu tư vốn nhà nước đã được pháp luật quy định. Bằng chứng là vốn sở hữu nhà nước vẫn tiếp tục hiện hữu tại các doanh nghiệp không thuộc ngành, lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước theo quy định của Luật số 69 [Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp].

Dự án đạm Hà Bắc vẫn ngập trong thua lỗ.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước không có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, ảnh hưởng không tốt đến thực hành quản trị DNNN theo thông lệ chung.

“Việc duy trì quá nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là rào cản để chủ sở hữu nhà nước áp dụng các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Các mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện đại yêu cầu các quốc gia hạn chế việc tạo ra khung khổ pháp lý riêng biệt cho doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đẩy mạnh quá trình “công ty hóa” DNNN.

Ở Việt Nam, quá trình công ty hóa DNNN đã được hoàn thành từ năm 2010 khi toàn bộ doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH. Tuy vậy, bộ phận quan trọng nhất là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn có khung khổ quản trị riêng theo quy định của Luật số 69 và văn bản hướng dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc hình thành một hệ thống khung khổ pháp lý riêng biệt như vậy không phải là điều kiện tốt để chủ sở hữu có thể áp dụng các chuẩn mực tốt về cách thức và công cụ thực hiện vai trò chủ sở hữu trong quán trị doanh nghiệp như cổ đông của mô hình công ty cổ phần đa sở hữu. Trên thực tế, những vướng mắc, bất cập trong quản trị DNNN chủ yếu diễn ra đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Khó đào thải DNNN thua lỗ, yếu kém

Pháp luật về giải thể và phá sản của Việt Nam tương đối đầy đủ, được áp dụng chung, không phân biệt DNNN hay doanh nghiệp tư nhân. Ngay từ năm 1995, Luật doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định DNNN phải bị giải thể, phá sản theo pháp luật về giải thể, phá sản.

Các dự án yếu kém ngành Công Thương chưa dự án nào giải thể, phá sản.

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Số lượng DNNN bị phá sản trên thực tế rất thấp, không tương xứng với số lượng doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng phải bị phá sản theo quy định.

Vì nhiều lý do kinh tế, xã hội, chủ sở hữu nhà nước, chủ nợ và các chủ thể có quyền yêu cầu đệ đơn phá sản DNNN không muốn áp dụng biện pháp phá sản DNNN. Biện pháp xử lý thông thường vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi bằng các công cụ hoãn, giãn nợ thuế, nợ tín dụng. Việc xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương là ví dụ.

Một bất cập khác, đó là cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền can thiệp mạnh vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi dự án thua lỗ, thất thoát lại khó quy trách nhiệm cho đại diện chủ sở hữu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ sở hữu nhà nước còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Chẳng hạn, đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, hệ thống pháp luật quy định doanh nghiệp phải trình cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan liên quan xem xét, quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị doanh nghiệp như quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty,...

Với cơ chế hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khó xác định được trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu trước Quốc hội và Chính phủ trong quản lý vốn nhà nước theo yêu cầu của thông lệ quản trị DNNN. Đơn cử như đối với các vụ việc thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp diễn ra trong thời gian qua.

Cần truy trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo doanh nghiệp

Một trong nhiều giải pháp khắc phục tình trạng trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Trong đó, gia tăng trách nhiệm phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà nước phải đạt mức cao hơn mức bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh chính; Cho phép doanh nghiệp tự chủ trong cơ cấu lại vốn và tài sản trong khuôn khổ mục tiêu và các chỉ tiêu đã định.

“Đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình đối với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, không thanh toán được nợ đến hạn thì đại diện chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp phải bị thay thế và xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật về những sai phạm [nếu có]”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Lương Bằng

 Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, đắp chiếu ngành Công Thương. Đến nay, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án.

Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020 cho biết, cả nước có 807 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, bao gồm: 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và 161 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước báo cáo lỗ phát sinh hơn 1.000 tỉ đồng

Tính tới hết năm 2020, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 807 doanh nghiệp là hơn 1,597 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,445 triệu tỉ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 151.522 tỉ đồng.

Tổng doanh thu đạt 1,986 triệu tỉ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Lãi phát sinh trước thuế đạt 162.904 tỉ đồng, giảm 22% so với năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ cho hay có 119/807 doanh nghiệp [chiếm 15% tổng số doanh] có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 15.740 tỉ đồng. Trong đó, có 79 doanh nghiệp nhà nước [nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên] với tổng số lỗ phát sinh là 15.412 tỉ đồng [chiếm 97,8%].

Có 169/807 doanh nghiệp [chiếm 21% tổng số doanh nghiệp] còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 33.750 tỉ đồng. Trong đó, có 124 doanh nghiệp nhà nước với tổng số lỗ lũy kế là 30.935 tỉ đồng.

5 tập đoàn, tổng công ty lỗ hơn 3.000 tỉ đồng

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, với nhóm 73 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con, báo cáo của Chính phủ cho biết, có 5 tập đoàn, tổng công ty [bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của tập đoàn, tổng công ty] là 3.262 tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ phát sinh 1.656 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 1.182 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ phát sinh là 77 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng lỗ phát sinh 29 tỉ đồng và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỉ đồng.

Có 11 tổng công ty, tập đoàn nhà nước còn lỗ lũy kế là 11.464,2 tỉ đồng và 7 công ty mẹ còn lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 5.392,8 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ lũy kế 3.170,9 tỉ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 1.257,3 tỉ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 848,5 tỉ đồng, Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 655 tỉ đồng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỉ đồng, Tổng công ty Thái Sơn lỗ lũy kế 26,7 tỉ đồng, Công ly TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế 23,3 tỉ đồng, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lỗ lũy kế 21 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội lỗ lũy kế 17,2 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ lũy kế 4,6 tỉ đồng.

Vietnam Airline lỗ hơn 11.000 tỉ đồng trong năm 2020

Với 386 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, có 44 doanh nghiệp có lỗ phát sinh lên tới 153 tỉ đồng. 78/386 doanh nghiệp độc lập còn có lỗ lũy kế năm 2020 với số lỗ lên tới 1.733 tỉ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng

Với 187 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, báo cáo của Chính phủ cho hay, có tới 30 doanh nghiệp báo cáo lỗ phát sinh với tổng số lỗ 12.003 tỉ đồng.

Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo họp nhất lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ phát sinh 11.178 tỉ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam [Đài Truyền hình Việt Nam] lỗ phát sinh 265 tỉ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền nam lỗ phát sinh 210 tỉ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỉ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp lỗ phát sinh 102 tỉ đồng, Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình lỗ phát sinh 20 tỉ đồng, Công ty cổ phần Giày Thượng Đình lỗ phát sinh 14 tỉ đồng.

Theo báo cáo hợp nhất, có 35/187 doanh nghiệp [chiếm 19%] với tổng số lỗ lũy kế là 17.739 tỉ đồng.

Ở các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn, báo cáo Chính phủ cũng cho biết, có 39/161 doanh nghiệp báo lỗ với tổng số lỗ phát sinh là 322 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 44/161 doanh nghiệp lỗ lũy kế 2.809 tỉ đồng.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề