Vì sao gọi hoàng hoa thám là đề thám

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã tồn tại ngót 30 năm [1884 - 1913]. Trong khói lửa tàn khốc mà những kẻ xâm lược mang đến, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một anh hùng dân tộc, một thiên tài, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận "mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi".

Hoàng Hoa Thám không có mặt và chưa phải là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế ngay từ đầu. Làng Chũng, xã Ngọc Châu, tổng Ngọc Cục nơi ông lớn lên cũng vốn không thuộc Yên Thế ngay từ đầu, nhưng rồi tất cả con người và vùng đất ấy đã gắn bó một cách bền vững như nó vốn là linh hồn, là cốt tủy không thể tách rời nhau của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

 Theo cụ Phan Bội Châu thuật lại trong Chân tướng quân thì có lẽ Hoàng Hoa Thám được sinh vào năm 1858 - năm người Pháp gây hấn ở cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược đối với Việt Nam, vào thời điểm mà vận mạng của Tổ quốc phải đối đầu với sức mạnh của phương Tây. Phải chăng khí thiêng của sông núi đã dồn tụ để sinh thành ra Hoàng Hoa Thám - người làm sáng ngời khí phách của dân tộc Việt Nam trong hành trình cứu nước, cứu nhà kéo dài nhiều chục năm về sau này.

Rèn luyện trong hàng ngũ Đại Trận, tiếp đó là trong hàng ngũ những người dân địa phương để rào làng, lập lũy chống lại những toán thổ phỉ triều Mãn Thanh từ Trung Hoa sang cướp phá, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một chiến binh, một thủ lĩnh quân sự thực thụ. Vào quãng năm 1873 Hoàng Hoa Thám 15 tuổi, người Pháp gây sự biến Bắc Kỳ lần thứ nhất và cũng là năm ông có mặt trong cuộc khởi nghĩa Đại Trận. Vào quãng năm 1876 ông  18 tuổi, cưới bà Nguyễn Thị Quyên và cũng là năm bà Đặng Thị Nho - người sau này trở thành vợ ba Đề Thám ra đời. 

Sống với vợ con được một vài năm yên ổn, đến năm 1882, khi người Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, người ta lại thấy chàng trai 24 tuổi ấy cùng cha nuôi là Thân Văn Phức [tức Bá Phức] - rời bỏ quê hương lên mạn Hữu Lũng  đầu quân dưới trướng Cai Kinh. Ông mang họ Hoàng từ đó. Khi thực dân Pháp đánh tan được quân của Cai Kinh [Hoàng Đình Kinh - một mệnh quan của triều đình cai quản vùng Hữu Lũng] ông trở về đầu quân cho Đề Nắm.

Liên tiếp những năm sau, nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Đề Nắm - Đề Thám - Bá Phức đã lập nên những chiến thắng vang dội ở Cao Thượng, Hố Chuối và phòng tuyến sông Sỏi, nhưng cũng chịu nhiều tổn thất, trong đó có việc Đề Nắm bị sát hại. Từ mùa xuân năm 1892, Đề Thám đảm nhận vai trò thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nhiều thủ lĩnh khác như Bá Phức, Thống Luận, Thống Ngô, Đề Công đảm trách nhiệm vụ vỏ bọc cho phong trào. Một số thủ lĩnh khác thì rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân. Hoạt động quân sự ở Yên Thế trầm lắng một thời gian khá lâu để bùng nổ trở lại sau vụ bắt cóc Setxnay và Lôgiu dẫn đến cuộc hòa hoãn lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10-1895 giữa nhà cầm quyền Pháp và nghĩa quân Yên Thế.

Trong lúc Đề Thám tranh thủ củng cố lại hệ thống đồn lũy và lực lượng thì nhà cầm quyền Pháp lập tỉnh Bắc Giang, trên cơ sở lấy sông Cầu làm phân giới với tỉnh Bắc Ninh, và cử đại tá Galiêni đem quân càn quét Yên Thế một cách khốc liệt, nhằm loại trừ sức đề kháng của phong trào. Đề Thám phải rời Yên Thế lên Tam Đảo.

Tháng 6-1897, Đề Thám trở lại Bắc Giang, giao cho con trai cả là Hoàng Đức Trọng lúc này tròn 20 tuổi, nhiệm vụ mở đường. Cùng lúc ấy Kỳ Đồng và hàng ngàn đồ đệ cũng kéo lên Yên Thế.

Qua thực tế hơn 20 năm lãnh đạo phong trào, lúc chiến, khi hòa và nhất là sau một số năm tiếp cận, mở rộng tầm nhìn, Đề Thám và bộ chỉ huy nghĩa quân đã phác họa được một chủ trương đúng đắn, sát hợp với thời cuộc và yêu cầu của xã hội trong những năm đầu của thế kỷ XX: "Trước hết nên chiếm Hà Nội - thủ phủ của xứ Bắc Kỳ. Một khi đã làm chủ được thành phố này thì sẽ dễ dàng chiếm những thành phố khác và dân chúng mau chóng quy phục mình” . Các hoạt động xây dựng lực lượng ở vùng nông thôn bao quanh Hà Nội diễn ra thật sôi nổi, đến nỗi chánh vệ Pêrô đã phải báo cáo với giám binh Vanhxiliôni rằng: "Rất nhiều người ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã sang Yên Thế, bỗng trở về làng bán ruộng lấy tiền mua súng đạn và quân trang". Có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân không chỉ là những nông dân mất ruộng, những tá điền, những binh sĩ phản chiến, thợ thủ công mà còn có con em các quan lại, trí thức địa phương và các kỳ hào.

Nhờ thay đổi nhãn quan, Đề Thám đã góp phần quan trọng làm chuyển hóa phong trào nông dân Yên Thế mang tính tự phát thành phong trào giải phóng dân tộc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam tham gia vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm. Ông đã quán triệt đến cùng tư tưởng bạo lực trong chỉ đạo và tổ chức phong trào đấu tranh vũ trang. Nhờ giữ vững sự thống nhất về tư tưởng, có mối quan hệ mật thiết với quần chúng nên bao giờ ông và bộ chỉ huy cũng có những nhận định sáng suốt trước tất cả mưu toan của kẻ thù, nắm bắt được thời cơ, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ đối phương, chú trọng tăng cường mọi khả năng tuyên truyền để nêu cao tính chính nghĩa của phong trào, nâng cao uy tín của bộ chỉ huy và nghĩa quân để cuốn hút quần chúng tham gia, khiến cho phong trào Yên Thế nhanh chóng hòa nhập được với các xu hướng yêu nước khác đang diễn ra trên phạm vi cả nước, mà đặc biệt là đối với khu vực Bắc Kỳ.

Trên đây là những mảng sáng, những phần đã rõ về người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, nhưng cũng còn không ít những mảng chưa hé lộ về cuộc đời và sự nghiệp chiến trận, cũng như những người quanh ông đã góp phần làm nên những vinh quang, những chiến công, những cay đắng trong ngót nửa thế kỷ mà chúng ta phải có phận sự làm rõ, làm sáng tỏ hoặc minh oan cho họ.

Đó có thể là những thủ lĩnh, những phong trào nông dân mà người anh hùng ấy đã từng cộng tác, đã từng có mặt nhưng đã mờ phai trong ký ức cũng như không được ghi lại trong sử sách một dòng, kiểu như Đại Trận, cũng như cuộc khởi nghĩa Ngọc Lý những năm 70 của thế kỷ XIX.

Đó có thể là những người góp phần xây dựng phong trào, đón nhận và đào tạo ông trở thành một thiên tài về quân sự, như Cai Kinh, Đề Nắm mà đến giờ đây ta chưa có dịp đánh giá công lao của họ một cách công bằng.

Đó có thể là những Bá Phức, Lê Hoan vừa tạo vỏ bọc, vừa ngầm giúp ông thoát khỏi những âm mưu hiểm độc của kẻ thù, mà giờ đây họ vẫn chưa được minh oan trả lại những phần sáng, phần công lao bên cạnh những lỗi lầm của họ.

Và còn nhiều hơn thế nữa. Những di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Hoa Thám trên khắp vùng Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên, Hiệp Hòa và đặc biệt ở vùng Vĩnh Phúc, chỗ nào cũng gặp, chỗ nào cũng sáng ngời những chiến công, biết đến bao giờ tỏa sáng trở lại để chắp nối những câu chuyện về những nẻo đường chiến trận đầy vinh quang đó.

Với tư cách của một người nhiều năm nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám, tôi chỉ có một mong muốn về những gì chưa lý giải được, những góc còn khuất lấp trong thuở ban đầu của ông, sự hy sinh đầy huyền thoại của ông dần dần được làm sáng tỏ. Sẽ có một bảo tàng thật sống động và thật đầy đủ về ông ngay trên mảnh đất Yên Thế tiếng tăm vang dội này./.

TS. Khổng Đức Thiêm

Từ lâu, giới nghiên cứu lịch sử nước ta đã dành không ít thời gian và tâm trí để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của người được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Người anh hùng Hoàng Hoa Thám – thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế [1884 – 1913] đã nếm mật nằm gai gần 30 năm trời trong rừng để chống Pháp. Với tài năng hiếm có của một thủ lĩnh trong rừng sâu, quân Pháp đã gọi ông là “Hùm thiêng Yên Thế”. Không chỉ vậy, trong những ghi chép sau này, quân Pháp còn vô cùng ngạc nhiên trước những thành luỹ bằng đất mà Hoàng Hoa Thám cho xây dựng. Pháp gọi đó là những “hang hùm”, có vào mà không có ra.

Cổng chính Đồn Phồn Xương.

Khởi phát từ Đền Thề

Trước khi dày công tìm hiểu những câu chuyện dân gian lẫn chính sử về Hoàng Hoa Thám, chúng tôi đã tìm gặp ông Đinh Công Huynh – Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thế [Bắc Giang], một trong những người tâm huyết và am hiểu về mảnh đất mà “Hùm thiêng Yên Thế” từng dùng làm căn cứ suốt 30 năm trời ròng rã chống lại quân Pháp.

Ông Huynh bảo: “Nếu chỉ tìm và đọc chính sử về Hoàng Hoa Thám thì chưa đủ. Vì Đề Thám gắn bó sâu sắc với rừng sâu, dựa vào rừng mà sống, dựa vào rừng mà chống Pháp. Rừng như lớp lá chắn cho nghĩa quân của ông. Từ những cánh rừng ở Yên Thế, những câu chuyện và cả những huyền thoại về Đề Thám và gia đình ông có những lúc được giữ bí mật, nhưng có những lúc được lan truyền. Thế nhưng, hầu hết chính sử không thể ghi chép về cuộc đời và những hoạt động dân dã của anh hùng Hoàng Hoa Thám”.

Nằm trong Khu di tích Hoàng Hoa Thám, hẳn không ai có thể bỏ qua Đền Thề - một chứng tích vĩ đại nhất cho những trận đánh vang trời. Đó từng là nơi “kết nghĩa vườn đào” uống máu ăn thề của nghĩa quân trước những trận xuất binh tiêu diệt quân địch.

Nhưng không ít người hiểu nhầm rằng, đó là một ngôi đền. Còn thực tế, theo các cao niên ở thị trấn Cầu Gồ thì tiền thân của Đền Thề là chùa Thề. Chùa Thề chỉ cách Đồn Phồn Xương khoảng trên dưới 100 bước chân. Đề Thám đóng quân tại đây, ông cho quân tu sửa các đình đền miếu mạo, lấy chùa Thề rộng lớn linh thiêng làm chốn tụ quân để lính tráng thề nguyền trước khi ra trận.

Cũng theo các cao niên thì chùa Thề có địa thế hiểm yếu, được bao bọc bởi rừng rậm, thuở ấy còn nhiều hổ báo rình rập nên chùa Thề rất an toàn. Trải qua thời gian sau mấy lần tu sửa, chùa Thề không còn nguyên vẹn dáng dấp xưa cũ nhưng vẫn rất cổ kính uy nghiêm. Những kèo cột bằng gỗ mà Hoàng Hoa Thám cho thợ mộc đục đẽo bào chế vẫn còn nguyên vẹn, tuy một số chỗ đang bị mối mọt nhưng đã được các chuyên gia xử lý bằng thuốc khá cẩn thận.

Đồn Hố Chuối sau năm 1891.

“Đồn tử thần” giữa rừng chết

“Đồn tử thần” là tên gọi mà quân Pháp đặt cho Đồn Hố Chuối thuộc thung lũng Hố Chuối xã Phồn Xương. Hiện nay, Đồn Hố Chuối không còn nữa, chỉ còn lại những tàn tích dưới lớp cỏ dại. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm lại được một bức ảnh nhạt nhoà về Đồn Hố Chuối do một sỹ quan Pháp chụp được vào những năm 1900.

Với kinh nghiệm xây luỹ đắp thành mà Hoàng Hoa Thám có được, ông cho chọn thung lũng Hố Chuối để xây dựng đồn trong vòng 4 năm [từ 1887 đến 1891]. Quân Pháp nhiều lần cho mật thám dùng kính viễn vọng quan sát nhưng không phát hiện được gì phía trong đồn. Cụ Hoàng Văn Tính ở thị trấn Cầu Gồ cho hay: “Thời xưa, cha ông chúng tôi cũng theo nghĩa quân làm đồn Hố Chuối. Nghe nói, đó là một pháo đài phòng thủ rất kiên cố. Địa hình cùng những thành luỹ bao bọc rất chắc chắn, là một thành trì dễ thủ khó tấn công”.

Đồn Hố Chuối thực sự trở thành nơi chết chóc đối với quân Pháp. Minh chứng rõ nét nhất là sau 4 lần hành quân của các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ, Phơrây cùng trên 2 nghìn lính trang bị hiện đại đã tấn công Đồn Hố Chuối, Hoàng Hoa Thám với lực lượng mỏng chỉ 150 người đã chống chọi quyết liệt, chôn thây hàng nghìn xác lính Pháp tại trận địa này.

Giải thích về cái tên Hố Chuối, người dân Yên Thế đều cho rằng, đồn được xây giữa một rừng chuối rộng lớn, đó còn là hố chôn người nên Hoàng Hoa Thám quyết định lấy tên là Đồn Hố Chuối. Chỉ cần nhắc đến tên đồn, quân Pháp đã khiếp đảm vì đó là nơi có vào mà không có ra.

Bức tường phụ sau cổng chính vẫn còn nguyên vẹn.

Phồn Xương - thành luỹ bất hủ

Ông Nguyễn Công Đoàn – Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thể thao – Du lịch huyện Yên Thế cho hay: “Đồn Phồn Xương là thành luỹ bất hủ và rộng lớn nhất mà Đề Thám cho xây dựng. Đồn Phồn Xương vừa là nơi ở của nghĩa quân, gia đình Đề Thám mà còn là nơi gặp gỡ, đàm đạo giữa Đề Thám và các anh hùng đương thời”.

Theo ông Đoàn, Đồn Phồn Xương đã 2 lần tiếp đón nhà yêu nước Phan Bội Châu. Chính cụ Phan cũng rất ngạc nhiên và thán phục tinh thần thép của Đề Thám. Đồng thời, qua cung cách xây dựng đồn, cụ Phan đánh giá Đề Thám là một thủ lĩnh tài ba, am hiểu trận pháp, cách phòng bị và tấn công.

Hiện nay, Đồn Phồn Xương tuy không còn nguyên vẹn nhưng phần tường và cổng chạy dài vẫn rất chắc chắn. Tất cả được làm từ đất theo kiểu nhà trình tường. Có những lỗ châu mai để lính gác quan sát và tấn công khi có sự cố.

Còn theo các cao niên, Đồn Phồn Xương gồm có 3 cổng. Cổng chính quay về hướng Đông, hai cổng còn lại quay ra hướng Nam và Bắc. Các cổng phụ này chạy thẳng ra những cánh rừng rậm phòng khi cổng chính thất thủ. Cả 3 cổng đều có hai lớp tường đất bảo vệ cùng hệ thống các bốt canh gác. Đồn Phồn Xương cũng là một trong những “hang hùm” hiểm trở nhất mà “Hùm thiêng Yên Thế” đã xây dựng.


- “Năm 2011, tại Đền Thề diễn ra buổi cúng lễ các linh hồn tử sỹ của nghĩa quân Yên Thế, sau nghi thức gọi hồn cháy 7 tuần nhang thì hiện tượng lạ xảy ra. Bốn xung quanh trời nắng ráo, chỉ duy nhất có phần sân dành cho nghi thức gọi hồn là mưa tầm tã, mọi người sợ hãi nhưng cũng tin rằng đó là do sự linh thiêng của Đề Thám và nghĩa quân”.
Ông Hoàng Minh Hồng [Ban quản lý di tích Hoàng Hoa Thám]

- “Đồn Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Tại đây nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp do đại tá Vát-tay chỉ huy ngày 30/1/1909. Là di tích đặc biệt trong quần thể di tích khởi nghĩa Yên Thế, đồn Phồn Xương cùng nhiều điểm di tích khác được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nâng cấp xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, xứng tầm với giá trị và ý nghĩa trong lịch sử dân tộc”.
Ông Đồng Ngọc Dưỡng [Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Giang]

Trần Hoà

Video liên quan

Chủ Đề