Vì sao gọi là mùa xuân ả rập

Những vui mừng kỳ vọng về 'Mùa xuân Ả rập' dường như nay đã tàn

Cách đây hơn hai năm, người dân Ai Cập và một số nước ở Ả Rập khác đã đồng loạt xuống đường reo mừng vì những chế độc tài ở đây bị lật đổ.

Các nước phương Tây cũng như giới quan sát tin rằng sau những mùa đông dài độc tài khắc nghiệt, một mùa xuân dân chủ, tự do sẽ bắt đầu tại những quốc gia Ả Rập này.

Nhưng với những bất ổn chính trị và xung đột đẫm máu trong thời gian qua tại Ai Cập, xem ra ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã không nảy lộc, kết trái như mong đợi, dự đoán.

Điều gì đã biến những ngày ‘xuân Ả Rập’ tràn trề sức sống, nhiều hy vọng thành những ngày ‘hè oi bức’, đầy chết chóc như những gì người dân Ai Cập phải chịu và chứng kiến trong những tuần qua?

Và phải chăng những xung đột đẫm máu tại quốc gia Ả Rập đông dân nhất này báo hiệu sự tàn lụi của ‘Mùa xuân Ả Rập’?

Cực đoan thay thế độc tài

Sau khi lật đổ chế độ độc tài, các nước Tunisia, Libya và Ai Cập lần lượt tiến hành bầu cử quốc hội, tổng thống. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ những cuộc bầu cử dân chủ này và từ phong trào nổi dậy nói chung là những chính trị gia và đảng phái theo chủ nghĩa Hồi giáo.

Ở Ai Cập, Mohammed Morsi – một người có lập trường Hồi giáo bảo thủ, thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo – đã thắng trong kỳ bầu cử tổng thống tự do đầu tiên ở Ai Cập vào mùa hè năm 2012.

"Phải chăng những xung đột đẫm máu tại quốc gia Ả Rập đông dân nhất này báo hiệu sự tàn lụi của ‘Mùa xuân Ả Rập’?"

Thắng cử với tỉ lệ rất sát sao và dù chính ông đã tuyên bố ông sẽ là tổng thống của toàn bộ người dân Ai Cập sau khi đắc cử, ông chỉ dành ưu tiên cho Huynh đệ Hồi giáo và cho áp dụng những chính sách bảo thủ, khép kín của tổ chức này.

Thay vì thành lập một chính phủ liên đới, đồng thuận để giúp Ai Cập vượt qua vô vàn khó khăn về chính trị và kinh tế, ông đã đưa các thành viên của Huynh đệ Hồi giáo vào nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ và tìm cách thiết lập một chế độ Hồi giáo.

Quan trọng hơn, thay vì cho xây dựng một xã hội cởi mở, tự do, dân chủ mà người dân Ai Cập mong đợi, kỳ vọng sau nhiều thập niên sống dưới chế độ độc tài, ông theo đuổi đường lối cứng rắn, hà khắc của luật Hồi giáo Sharia mà Huynh đệ Hồi giáo chủ trương.

Vì vậy, sau một năm nắm quyền, ông Morsi không những không cải thiện được tình hình kinh tế tồi tệ của Ai Cập mà còn hạn hẹp quyền của người dân và tạo thêm nhiều chia rẽ sâu sắc trong xã hội.

Điều đó đã làm người dân Ai Cập – đặc biệt là giới trẻ, những người có tư tưởng tự do, dân chủ và chủ trương thế tục – chán ngấy ông Morsi và Huynh đệ Hồi giáo.

Quá thất vọng và bức xúc hàng triệu người trong số họ đã đồng loạt xuống đường đòi truất phế ông Morsi vào dịp ông kỷ niệm một năm tại chức.

Khước từ những đòi hỏi của người biểu tình và đặc biệt từ chối những yêu cầu của quân đội – lực lượng luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Ai Cập – ông Morsi đã bị quân đội dùng vũ lực lật đổ hôm 03/07/2013.

Kể từ đó, Ai Cập rơi vào cảnh hỗn loạn và tranh giành quyền lực đẫm máu.

Vẫn biết rằng nhiều yếu tố, nhiều đối tượng – trong đó có giới tướng lãnh hiện tại – đã đây đưa Ai Cập vào tình cảnh hiện nay, nhưng ít ai có thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng khiến ‘Mùa xuân Ả Rập’ tàn lụi tại đây.

Thủ đô Cairo của Ai Cập những ngày qua đã rơi vào cảnh hỗn loạn bất ổn

Đó là đất nước này đã không có được một chính phủ, một vị tổng thống thực sự dân chủ, tự do, cởi mở vào thời kỳ hậu Hosni Mubarak dù một tổng thống đã được bầu lên một cách dân chủ.

Thoát được chế độ độc tài, người dân Ai Cập lại rơi vào tay những người Hồi giáo có đường lối bảo thủ, với những luật lệ hà khắc – nếu không muốn nói là hơi cực đoan.

Nếu không bị kìm kẹp, chắc chắn người dân Ai Cập đã không đồng loạt xuống đường đòi truất phế ông Morsi và đất nước Ai Cập đã không rơi vào cảnh tranh giành quyền lực và tàn sát lẫn nhau như ngày hôm nay.

‘Mùa đông Hồi giáo cực đoan’

Không riêng gì ở Ai Cập, tại các nước có phong trào nổi dậy chống độc tài thành công như Tunisia và Libya, các nhóm Hồi giáo, trong đó có không ít thành phần cực đoan, cũng hình thành, phát triển mạnh và gây nên nhiều rắc rối, rối loạn.

Tại Tunisia, ông Chokri Belaid, một lãnh tụ đối lập có chủ trương thế tục, bị các phần tử Hồi giáo cực đoan giết ngày 06/02/2013.

Đáng chú ý hơn, Đại sứ Mỹ Christopher Stevens – người từng ủng hộ cuộc nổi dậy lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya – đã bị những thành phần Hồi giáo cực đoan giết hại ngày 11/09/2012.

Dù chính phủ của hai nước trên lên án hai vụ giết hại nhưng những vụ tấn công đó chứng tỏ rằng Hồi giáo cực đoan đang lớn mạnh tại các nước Ả Rập vào thời hậu độc tài.

Lo ngại về tình trạng đó, Mỹ và các nước phương Tây khác cũng không còn mặn mà ủng hộ ông Morsi và phong trào nổi dậy ở Syria.

Chẳng hạn, dù quan ngại về việc quân đội Ai Cập dùng vũ lực truất phế ông Morsi, Tổng thống Barack Obama đã không gọi hành động đó là một ‘cuộc đảo chính’.

Trong thời gian qua Mỹ và các nước phương Tây cũng giảm dần cường độ chỉ trích Tống thống Bashar al-Assad của Syria và sự ủng hộ dành cho phe đối lập ở quốc gia này.

Trước sự bành trướng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở những quốc gia này và những hậu quả mà các tổ chức ấy gây nên cho tiến trình dân chủ và an ninh ở các nước Ả Rập-Bắc Phi, giới quan sát đã dần dần thay ‘Mùa xuân Ả Rập’ bằng ‘Mùa đông Hồi giáo cực đoan’ để mô tả những diễn biến xảy ra ở đây trong thời gian qua.

Vụ tấn công Bengazi khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens thiệt mạng hồi 9/2012

Khẩu hiệu của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo là ‘Hồi giáo là giải pháp’.

Nhưng xem ra những đường lối quá bảo thủ, những hành động quá khích, những chủ trương cực đoan của một số thành phần Hồi giáo không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

Trái lại, trong một chừng mực nào đó, những hành động, chủ trương quá khích đó lại là nguyên nhân dẫn đến xung đột không chỉ giữa người Hồi giáo với những người có chủ trương thế tục hay tôn giáo khác mà còn giữa những người Hồi giáo với nhau.

Những chia rẽ, mâu thuẫn, tranh giành quyền lực dẫn đến các vụ giết hại, tàn sát lẫn nhau giữa những người thuộc hệ phái Hồi giáo Shiite và Sunni hay chính giữa các nhóm trong phái Sunni tại một số nước Ả Rập và Trung Đông như Iraq gần đây là một ví dụ.

Các xung đột đó không chỉ gây tác hại cho tiến trình dân chủ mà còn tạo thêm bất ổn cho những quốc gia ấy.

‘Mùa xuân Ả Rập’ lụi tàn?

Nếu cách đây hơn hai năm những người yêu chuộng tự do, dân chủ ở Ai Cập và các nước Ả Rập khác cũng như giới lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây hy vọng về tiến trình dân chủ tại Bắc Phi bao nhiêu thì giờ họ thất vọng bấy nhiêu.

Trong mắt nhiều người, ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã hết và đâu đó có những ý kiến cho rằng tốt hơn ‘Mùa xuân Ả Rập’ đừng xảy ra.

Nhưng một bài viết của The Economist, có tựa đề ‘The Arab spring: Has it failed?’ đăng ngày 13/07/2013 – tức 10 ngày sau khi ông Morsi bị truất phế – nhận định rằng dù có hỗn loạn, đổ máu và nhiều thoái lui dân chủ, tiến trình dân chủ là một chặng đường dài, có khi mất cả hàng thập kỷ và thậm chí hơi bạo lực. Vì vậy, đừng quá bi quan, thất vọng.

Bài viết thừa nhận những hậu quả tai hại mà mùa xuân Ả Rập mang lại. Nhưng dựa trên những khảo sát, báo cáo đặc biệt của mình, tờ The Economist cho rằng đa số người dân các nước Ả Rập không muốn quay lại quá khứ.

Tờ tuần báo nổi tiếng của Anh cũng lập luận rằng những ai nói rằng ‘Mùa xuân Ả Rập’ đã thất bại là những người cố tình quên những mùa đông dài độc tài trước đó và những hậu quả mà chúng mang đến cho người dân.

Để chứng minh điều đó, bài viết chỉ ra rằng vào năm 1960, Ai Cập và Hàn Quốc có tuổi thọ trung bình và thu nhập đầu người giống nhau. Nhưng ngày hôm nay, hai quốc gia này sống trong hai thế giới hoàn toàn khác biệt.

Bài viết còn nêu rằng việc chuyển đổi từ độc tài, toàn trị sang dân chủ, tự do tại các nước Đông Âu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ xem có vẻ êm xuôi nhưng thực ra cũng phức tạp, hỗn loạn, nhiều xung đột.

Đúng vậy, ít có tiến trình dân chủ hóa nào diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Chẳng hạn, để có được một xã hội ổn định, dân chủ như ngày hôm nay, Indonesia cũng đã phải trải qua nhiều biến động, thay đổi chính phủ liên miên thời hậu Suharto.

Nhưng như những diễn ra tại Nam Phi cho thấy nếu biết hòa hợp, hòa giải, nếu giới lãnh đạo mới biết đặt quyền lợi đất nước, người dân lên trên quyền lợi, tính toán phe nhóm của mình, thì người dân và đất nước của họ không phải rơi vào xung đột, nội chiến sau khi được giải phóng, sau các cuộc cách mạng. Nhờ vậy, tiến trình dân chủ của quốc gia ấy cũng diễn ra êm xuôi, nhanh gọn.

Hơn nữa, những diễn biến êm thấm ở Miến Điện cũng cho thấy nếu một chế độc tài tự cởi mở và hợp tác với các đảng phái đối lập để đưa đất nước mình tới dân chủ, quốc gia ấy sẽ có thể tiến tới dân chủ, tự do, phồn thịnh mà không phải trải qua cảnh hỗn loạn, xung đột, đổ máu.

Tác giả có bằng tiến sỹ về quan hệ quốc tế tại Đại học Aston, Birmingham, Anh quốc, và hiện đang là nghiên cứu viên tại Global Policy Institute.

Video liên quan

Chủ Đề