Vì sao nghỉ hè lại học thêm

LTS: Năm học kết thúc, thay vì việc cho các em nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, trang bị các kĩ năng sống cho mình thì các vị phụ huynh lại vội vàng cho con em mình đến các lớp học thêm.

Tác giả Khánh Văn đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ của mình về thực trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết.

Nghỉ hè là dịp các em có thể về quê, thăm ông bà người thân, chơi những trò chơi giải trí hay tham gia các hoạt động Đoàn-Đội tại địa phương nhưng nhiều gia đình vẫn quyết định đưa con em mình đến nhà thầy cô hay các trung tâm gia sư để học thêm hè.

Chuyện đã tồn tại nhiều năm nay nhưng xem ra đây vẫn là sự lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh.

Hình ảnh minh họa các vị phụ huynh tìm chỗ cho con học thêm. [Ảnh: giaoduc.net]

Phải nói rằng, áp lực thi cử của học sinh ngày nay rất nặng, nhất là học sinh cuối cấp ở các thành phố. Vì thế, cha mẹ nào cũng sợ con em mình sẽ không đủ kiến thức để vượt qua các kỳ thi nên ép con đi học hè.

Nhưng, đến với các trung tâm gia sư hay nhà thầy cô giáo thì việc học hè cũng đan xen giữa cái lợi và bất cập và có lẽ cái bất cập sẽ nhiều hơn. Vô hình trung phụ huynh vừa tốn tiền mà lại gây áp lực mệt mỏi cho con em mình.

Thời đại công nghệ thông tin, có nhiều cách chúng ta cho con học thêm, mất ít tiền nhưng hiệu quả không hề thua kém bất kì trung tâm gia sư nào.

Trong suốt hơn hai tháng hè, các em đi học thêm thầy cô sẽ dạy gì trong khoảng thời gian này?

Nếu ôn lại kiến thức cũ thì cũng không cần nhiều thời gian như vậy, nếu dạy kiến thức mới thì lại càng bất cập và không có khoa học.

Nhưng, thực tế phần lớn các lớp học thêm hè là dạy trước kiến thức cho học trò. 

Vào năm học mới, các thầy cô trên trường bắt đầu dạy từ đầu theo phân phối chương trình, còn các em sẽ lại học lại phần kiến thức mình đã học ở hè.

Như vậy, không tính chuyện các em ôn tập khi thi học kì hay cuối khóa thì mỗi đơn vị kiến thức các em học ít nhất đến 3 lần.

Việc học đi học lại trên một kiến thức như vậy sẽ dẫn đến sự nhàm chán và chủ quan cho học trò nhất là đối với một số môn xã hội.

Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con

Một điều không thể phủ nhận là dù thầy cô dạy thêm hè ở nhà hay ở trung tâm thì mục tiêu lớn nhất vẫn là kiếm thêm thu nhập.

Họ có thể có rất nhiều chiêu trò để lôi kéo học sinh đến với mình càng nhiều càng tốt như: phát tờ rơi, chi phần trăm tháng đầu cho học sinh trong lớp rủ được bạn đến học cùng...

Trong quá trình dạy, phần lớn giáo viên dạy rất chậm, một phần là để cho học sinh hiểu bài, một phần là giữ lại kiến thức để…dạy từ từ, nhất là giáo viên dạy thêm hè không chịu áp lực về điểm số và thời gian như trên lớp. 

Vừa dạy vừa chơi vì vậy chất lượng giảng dạy và học tập trong hè thường rất thấp.

Vẫn biết, nhiều bậc cha mẹ vào dịp hè  không biết gửi con đi đâu nên luôn quan niệm là gửi cho thầy cô hay các trung tâm gia sư dù sao cũng yên tâm hơn để con đi chơi mà không kiểm soát được.

Nhu cầu học thêm ở các thành phố là có thật bởi nhiều phụ huynh từ địa phương khác đến làm việc nên hai bên gia đình đều ở xa, cha mẹ đi làm là không biết gửi con cho ai.

Song, cũng có những phụ huynh  khi thấy con em của bạn bè mình đi học thì cũng đăng kí để con mình học thêm, dù cho nhiều bậc phụ huynh có đủ điều kiện để trông con và có nhiều phương tiện trang bị ở nhà.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều lớp học trực tuyến hoặc các video giảng dạy có sẵn.

Phụ huynh chỉ cần đăng kí các lớp học trên mạng với lệ phí thấp hơn rất nhiều các lớp học thêm ở trung tâm gia sư hay nhà thầy cô mà hiệu quả không hề thua kém.

Hà Nội cấm các trường triển khai tổ chức ôn tập hè trước ngày 1/8

Đặc biệt thời gian không gò bó, nếu học chưa hiểu có thể học lại nhiều lần.

Hơn nữa các lớp học này, cha mẹ có thể kèm cặp theo dõi con mình bởi kết quả học tập được báo hàng tuần vào địa chỉ thư điện tử mà cha mẹ đăng kí.

Tâm lí của các bậc phụ phụ huynh, nhất là phụ huynh ở các thành phố, thị xã rất sợ con em mình rảnh rỗi vào dịp hè, nhiều bậc phụ huynh phải tìm việc để lấp khoảng thời gian này.

Song, chúng ta cần dừng lại ở việc cho các em học thêm về Ngoại ngữ, Tin học hoặc các hoạt động thể thao, giải trí  để các em có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn có thể trang bị các kĩ năng cần thiết.

Vẫn biết mục đích mỗi gia đình, mỗi phụ huynh dành cho con cái đều khác nhau, nhưng có lẽ các bậc phụ huynh cũng cần hạn chế việc ép con học thêm văn hóa vào dịp hè.

Đừng quan niệm học đi học lại cho kĩ bởi điều này luôn có tác dụng ngược, cùng một đơn vị kiến thức sẽ tạo ra sự chủ quan, nhàm chán, khó có tâm thế học tốt các bài học chính thức sau này.
                                                                                                        

Khánh Văn

LTS: Với mong muốn bàn thêm về thời gian nghỉ hè và đưa ra một số phương án để điều chỉnh, lựa chọn sao cho hợp lý, tác giả Thiên Ấn đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Năm ngoái, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức [ngày 21/8], Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng đưa ra ý kiến gợi mở rất đáng chú ý là việc nghỉ hè của ngành giáo dục lâu nay quá kéo dài [gần 3 tháng], liệu có còn phù hợp hay không, mặt nào được, mặt nào chưa được, có thể điều chỉnh, thay đổi trong những năm học tới.

Khi được hỏi, nhiều phụ huynh, nhà giáo ủng hộ, đồng tình với đề xuất trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Năm học 2017-2018, còn đúng 1 tháng nữa là khép lại, mùa nghỉ hè của học sinh sắp sửa bắt đầu.

Thời gian nghỉ hè của các em học sinh [Ảnh minh họa: Báo Giáo dục thời đại].

Nghỉ hè quá dài, học sinh tăng thêm sức ỳ

Cái được của việc nghỉ hè dài lâu nay là các em học sinh và giáo viên được thoải mái, tự do nghỉ ngơi, tham gia nhiều công việc, hoạt động khác của gia đình và xã hội sau một thời gian liên tục học tập vất vả ở nhà trường.

Tuy nhiên, xem ra nghỉ hè quá dài như thế không còn phù hợp với môi trường, cuộc sống hiện đại hôm nay nữa, học sinh càng tăng thêm sức ỳ về mọi mặt.

Mặt khác, ý thức của nhiều em cho việc sắp xếp thời gian hợp lý trong hè với mục đích tự học, tự củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng sống còn rất hạn chế, ngoài việc đi học thêm, chủ yếu chỉ biết lên mạng, đến quán nét chơi game.

Bản thân nhiều em học sinh, khi được hỏi về thời gian nghỉ hè cũng có chung mong muốn thời gian nghỉ hè cần ngắn lại, ở nhà lâu quá đâm mệt mỏi, chán chường.

Không học hè, trẻ biết làm gì?

Hơn nữa áp lực cuộc sống, công việc của các bậc phụ huynh ở độ tuổi lao động, nhất là các đô thị, thành phố ngày càng lớn, việc nghỉ hè dài khiến nhiều cha mẹ khác gặp khó khăn, chẳng biết làm thế nào để trông nom, quản lý con cái.

Trong một môi trường xã hội có nhiều thứ phức tạp và cám dỗ như bây giờ, để con em ở nhà hoặc tự do, thỏa mái đi đó đây quá lâu, các bậc cha mẹ cảm thấy bất an, lo sợ, chỉ còn biết định hướng hoặc bắt con em vùi đầu vào chuyện đi học thêm tối ngày để được yên tâm hơn khi đi làm.

Đề xuất hướng điều chỉnh

Phương án thứ nhất, thời gian nghỉ hè của giáo viên và học sinh nên trọn vẹn trong tháng 6 và tháng 7.

Theo tôi, thời gian bấy nhiêu là phù hợp, là quá đủ để học sinh và giáo viên nghỉ ngơi, thư giãn.

Còn gần một tháng nữa dành để giãn khung kế hoạch thời gian, lâu nay các cấp học phổ thông có khoảng 35 đến 37 tuần thực học.

Hoạt động tại trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tới đây sẽ kéo giãn ra thêm 4 tuần nữa [tăng lên thành 39 đến 41 tuần].

Giảm số tiết dạy - học trong buổi xuống [lâu nay thường học 4 đến 5 tiết/ buổi thì sắp tới chỉ học 3 đến 4 tiết/ buổi] cùng với việc tăng thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học để giáo viên và học sinh đỡ phần áp lực, căng thẳng, mỏi mệt khi số tiết trong buổi quá nhiều, lại tăng phần hứng thú cho thầy - trò trong quá trình dạy - học.

Ác mộng... hè về

Giãn số tuần ra giúp cho nhà trường thuận lợi và chủ động hơn trong bố trí dạy bù khi nghỉ Lễ, khi xảy ra lũ lụt, thiên tai để đảm bảo tiến độ chương trình.

Phương án thứ hai, tháng còn lại đó, cho nhà trường, giáo viên và học sinh phổ thông nghỉ thêm 1 ngày nữa trong tuần, số tiết trên buổi, tuần vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành.

Vì lâu nay, hầu hết trường học ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đều phải dạy - học, hoạt động ngày thứ 7, chưa kể nhiều trường vẫn phải dạy học 2 buổi, 2 ca, sáng - chiều liên tục. 

Sắp xếp được như vậy phần lớn thầy cô giáo và học sinh được nghỉ ngơi gần giống như cán bộ, công chức, viên chức ở những lĩnh vực, ngành nghề khác, có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.  

Giảm nghỉ hè xuống, cho nghỉ rải rác trong năm học, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả tích cực cho thầy và trò, cho chất lượng giáo dục của nhà trường.

Kể cả phương án cho nghỉ một tháng mùa đông, mùa mưa, bão, lũ lụt nhiều, tùy theo đặc điểm, khí hậu vùng miền cũng cần được bàn tính tới.

Nhiều nước trên thế giới, họ thường bố trí cho học sinh và giáo viên nghỉ rải đều trong năm học, chứ không dồn một cục như ở ta, nghỉ hè kéo dài đến 3 tháng, xem ra thiếu khoa học, “lợi bất cập hại” nhiều thứ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục kêu gọi đừng "ăn bớt" ngày hè của trẻ

Có những cái thuộc về truyền thống lâu nay, nếu nhận thấy trong môi trường, cuộc sống hiện đại bây giờ không còn phù hợp nữa thì chúng ta nên mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh để đem lại hiệu quả, tác dụng cao hơn.

Không nên cứng nhắc, cứ khư khư theo nếp mòn đã xưa cũ, lạc hậu.

Thời gian nghỉ hè ở ngành giáo dục đã đến lúc cần đổi thay, điều chỉnh.   

THIÊN ẤN

Video liên quan

Chủ Đề