Vì sao trẻ sơ sinh bị bớt xanh

Có một số trẻ em khi mới sinh ra đã có những viết chàm màu đèn, màu xanh và vết bớt màu đỏ xuất hiện ở mặt, tay chân hay ở mông của trẻ. Đây có phải là dấu vết của Bà Mụ để lại hay không?

Những vết chàm, vết bớt là một hiện tượng không hề hiếm gặp đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đôi khi những vết bớt này lại làm cho các bà mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng xuất hiện vết bớt xanh trên người trẻ sơ sinh nhưng không phải ai cũng biết được ý nghĩa cũng như nguồn gốc của hiện tượng này.

Hiểu theo góc độ khoa học

Vết bớt là gì?

Các vết bớt là sự xuất hiện bất thường trên da của trẻ sơ sinh. Có 2 loại bớt: bớt tạo thành từ các mạch máu và bớt sắc tố. Nốt ruồi cũng có thể coi là vết bớt.

  • Các vết bớt tạo thành từ các mạch máu: Hình thành một cách không hoàn chỉnh, thường có màu đỏ. Có 2 loại bớt mạch máu là u máu và vết bớt màu rượu vang đỏ.
  • Các vết bớt sắc tố: Tạo thành từ sự tập hợp các tế bào sắc tố tạo màu da. Chúng có thể có nhiều màu sắc khác nhau như rám, nâu, xám, đen hoặc xanh.

Vết bớt có hại không?

Vết bớt sắc tố:

Sẫm màu như đen, tím, xanh lơ, nâu,… có thể nhỏ vài cm hoặc lan rộng hết cả đùi, mông. Nguyên nhân hình thành các vết bớt này là do sự ứ đọng và tăng bất thường sắc tố melanin dưới da, có thể kèm theo tăng lông. Khi ấn tay hoặc miết tay vào vùng da tổn thương thì da vẫn như vậy, không mất vết bớt vì sắc tố đã cố định có tính chất bẩm sinh ở trung bì và thượng bì vùng tổn thương. Khi trẻ lớn lên, những vết bớt này sẽ từ từ mất đi mà không cần can thiệp.

Bớt ở Mông, Cổ:

Trông giống những vết bầm tím, thường xuất hiện ở vùng hông hay dưới lưng bé. Loại bớt này hoàn toàn vô hại và khi trẻ được 4 tuổi các vết bớt sẽ mờ dần đi.

Hình ảnh vết bớt vùng hông của trẻ

Các vết bớt tạo thành từ các mạch máu:

Có màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt. Chúng thường xuất hiện ngay từ quá trình phát triển của bào thai hoặc sau khi sinh. Nguyên nhân hình thành vết bớt loại này là do các động mạch nhỏ dưới da giãn nở quá mức và thường xuyên, làm máu dồn đọng nhiều tới vùng da đó.

Khi dùng tay xoa miết lên vùng tổn thương thì da sẽ chuyển sang màu hồng, đỏ nhạt hoặc bình thường vì lúc này các tiểu động mạch bị ép làm máu bị dồn ra vùng xung quanh. Ngược lại, khi bỏ tay ra, máu lại dồn trở về và vùng tổn thương sẽ có màu đỏ tươi hoặc hồng nhạt như cũ. Các vết bớt đỏ hồng đó được gọi là u máu phẳng.

Bớt sắc tố đơn thuần hoặc có lông, bớt u máu phẳng nếu không bị kích thích đều là những tổn thương lành tính. Vết bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm. Đến thời điểm như khi trẻ đạt tuổi dậy thì, vết bớt sẽ ngừng gia tăng kích thước, cố định lâu dài, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và không gây biến chứng.

Tuy nhiên, nếu bớt sắc tố xuất hiện ở mắt thì có thể thoái hóa ác tính [hiếm gặp]. Ảnh hưởng nặng nề nhất của bớt sắc tố và u máu phẳng là mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý, công việc và các hoạt động xã hội.

Giải thích theo dân gian

Theo quan điểm dân gian Việt Nam, sở dĩ có những đứa trẻ xuất hiện bớt xanh là do chúng quá nghịch ngợm nên bị các Bà Mụ đánh dấu. Khi được sinh ra, các vết bớt này chưa kịp bị bôi xóa nên còn lại nhưng nó cũng sẽ mờ dần qua năm tháng sau khi trẻ lớn lên.

Theo văn hóa dân gian Trung Quốc

Người Trung Quốc cho rằng mỗi em bé trước khi được sinh ra đều là những thiên thần hầu hạ Thượng Đế. Mỗi thiên thần đều có đuôi ở phía sau và Thượng Đế sẽ nắm giữ những chiếc đuôi này để có thể kiểm soát họ. Khi em bé tìm được mẹ của mình ở nhân gian, em bé sẽ xin Thượng Đế thả mình ra để được đến bên mẹ. Thế nhưng vì có những thiên thần quá đáng yêu đến nỗi Thượng Đế không muốn buông tay nên các thiên thần phải giãy giụa nhiều lần đến nỗi bị đứt đuôi mới có thể đến với mẹ. Phần đuôi còn sót lại sẽ hóa thành vết bớt xanh mà mẹ thường thấy trên cơ thể bé khi mới chào đời.

Theo văn hóa dân gian Hàn Quốc

Người Hàn Quốc tin rằng mỗi em bé trước khi chào đời đều là sứ giả của các vị thần. Khi muốn em bé đến với thế giới loài người, các vị thần sẽ vỗ vào lưng hoặc mông của em bé 3 cái để chúng được sinh ra và để lại những vết chàm, vết bớt trên người của trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến cho rằng, vết bớt trên người trẻ sơ sinh có liên quan đến các vấn đề tâm linh, chẳng hạn như chuyện tiền kiếp. Tuy nhiên, cho đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải và đưa ra được các nghiên cứu chính xác liên quan đến khía cạnh này.

Theo văn hóa Phương Tây

Người phương Tây một số nơi lại quan niệm rằng chính màu sắc thức ăn của mẹ đã lưu lại dấu vết trên người con thông qua những vết bớt xanh, đỏ, nâu. Chẳng hạn, mẹ ăn nhiều dâu tây khi mang thai thì sau này đứa trẻ sinh ra có bớt màu đỏ hoặc hồng nhạt. Những đứa trẻ có bớt màu nâu đen là do mẹ ăn quá nhiều chocolate… Cứ thế, quy ra màu sắc món ăn để biết vì sao trẻ có bớt.

Hiểu theo góc độ nhân quả – luân hồi

Theo Đại đức Thích Minh Tuệ – trụ trì chùa Vạn Niên, Tây Hồ, Hà Nội – kể về câu chuyện của những vết chàm, bớt ở trẻ nhỏ. Có những đứa trẻ có vết chàm, vết bớt ở mặt, ở chân, ở tay, ở mông, ở lưng…, tất cả đều là được đánh dấu từ tiền kiếp. Sợ nhất là nhiều người đổ chàm hẳn vào mặt cháu bé. Hành vi ác quá nên đứa trẻ đã lộn kiếp lại chính ngôi nhà đó.

Câu chuyện có thật ở tỉnh Nam Định về vết bớt đánh dấu

Gia đình bà Nguyễn Thị Lự, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là một trường hợp điển hình. Bà Lự kể về đứa cháu của bà có cái chàm to ở mặt cũng là lỗi do bà cả. Gia đình bà Lự có 5 người con nhưng chỉ có một người con trai. Bốn cô con gái lấy chồng con cái đề huề cả. Chỉ có người con trai thứ ba lại khó trong đường con cái.

Vợ chồng anh Trần Văn Biển và chị Phan Thị Sính lấy nhau 3 năm liền mà vẫn không có con. Gia đình họ cũng nhiều lần cúng bái, cầu tự để xin thần linh cho một đứa con. Đến khi chị Sinh mang thai thì cứ đến tháng thứ 8 là đẻ non hoặc là bị chết lưu thai. Lần đầu một bé trai cũng chết khi chào đời được vài phút. Lần thứ hai là bé gái xinh xắn lắm. Bà Lự bế cháu khóc rưng rưng vì đứa trẻ xinh xắn. Nhưng ở với gia đình 1 tuần thì đứa trẻ qua đời vì viêm phổi do khi sinh thiếu tháng, phổi chưa hoàn thiện.

Khi cháu gái mất, theo phong tục địa phương, bà Lự lấy lọ mực xanh của học sinh đổ vào gót chân của đứa trẻ để đánh dấu và nói: “Mong cháu đầu thai vào gia đình khác sướng hơn”. Bà lo sợ đứa trẻ xấu số này không rời nhà mình mà cứ theo nhà mình mãi thì khổ.

Đến lần thứ 3, chị Sinh mang thai được gần 8 tháng thì bụng đau dữ dội. Khi chị đến bệnh viện thì thai nhi là cháu gái đã chết lưu vì bị bong nhau non. Khi chị Sinh còn ở viện, gia đình đưa cháu bé về quê an táng, nhưng lại không đưa về nhà mà đặt ở đầu thôn trên chiếc chiếu cũ chờ đi mua cho cháu chiếc quan tài gỗ nhỏ.

Anh Biển buồn rầu nên cũng không để ý nhiều đến đứa con đã chết. Chỉ có bà Lự vẫn ám ảnh nỗi sợ hãi về những đứa trẻ sơ sinh bị chết. Bế đứa cháu lên thay tã lót, bà phát hiện ở gót chân của đứa trẻ có vết bớt màu xanh. Bà chợt nhủ lòng, hay vẫn là đứa trẻ trước đầu thai vào nhà bà.

Bà đang khao khát có cháu nội nên khi thấy nhà liên tục bị đứa trẻ đầu thai vào thì lại trách đứa trẻ trêu chọc gia đình mình. Bà lấy miếng nước ăn trầu của mình bôi vào má của đứa trẻ để đánh dấu với tâm niệm “bớt xanh thì bỏ, bớt đỏ thì thương”. Khi chôn đứa trẻ đi rồi, bà vẫn hy vọng nó sẽ không lộn kiếp vào nhà bà lần nữa.

Ba lần sinh con mà không được bế con, chị Sinh như người mất hồn. Có lúc, chị chỉ nằm khóc vì không nghĩ ông trời lại thử thách vợ chồng mình nhiều đến như vậy. Vài năm sau, chị lại đi khắp nơi cầu tự. Ai mách chỗ nào chị đến xin chỗ đó. Lần này, chị Sinh có bầu và đứa trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng. Đứa trẻ sinh ra vẫn là con gái nhưng lại có vết bớt đỏ ở má. Cả nhà chị Sinh không ai hiểu vì sao cháu lại có vết bớt đó. Cả dòng họ không ai có tiền sử bệnh chàm, vết bớt cả.

Bà Lự chết đứng người khi thấy vết bớt ngày nào bà bôi lên má đứa bé kia, giờ nó lại quay về với nhà bà. Bà ân hận lắm vì chính tay bà là người bôi lên má cháu gái mình. Vết bớt khi đứa trẻ lớn có mờ đi nhưng về mùa lạnh hoặc đứa trẻ bị ốm, sốt thì nó rất rõ ràng, màu đỏ đậm nổi lên trên má của đứa trẻ.

Bà Lự thương cháu nên thường lấy tay xoa xoa vết bớt chỉ mong khi cháu lớn nó sẽ mờ đi. Đến nay, đứa trẻ ấy đã được 13 tuổi, sau đứa trẻ còn một em trai nữa. Thằng bé này có vết bớt xanh ở mông, ở lưng, khi lớn nó mờ dần và giờ không còn. Vậy mà vết bớt ở má của cô cháu gái bà Lự vẫn nổi lên như muốn trêu tức bà.

Nhiều lần ra chùa, bà Lự biết mình quá ác nên vẫn tụng kinh sám hối về việc bà tạo ra vết bớt cho cháu lại đổ vào mặt và giờ cháu của bà lại có vết bớt đỏ. Bà không dám khẳng định đây chính là đứa trẻ đầu thai lại hay là báo ứng của gia đình.

Cho đến nay, hiện tượng những vết chàm, vết bớt này chưa ai giải thích khác hơn về dấu vết ấy, nghĩa là sự giải thích vẫn trong vòng luẩn quẩn như: Đó là vết bẩm sinh do người mẹ khi mang thai chịu ảnh hưởng của một vài tác nhân nào đó như chất thuốc uống, hoặc thuốc xức trên da người mẹ hoặc thức ăn hay một tác nhân nào khác như những xáo trộn trong sự chuyển biến cơ thể lúc còn là bao thai hay do sự lệch lạc về cấu tạo, thành lập của tế bào, nhiễm thể, gen, do bệnh lý của cha mẹ, do hiện tượng di truyền. Hoặc do nghiệp báo từ tiền kiếp để lại.

Xem bài viết trước:

Nhân duyên kiếp trước và những mối nhân duyên của đời người


Video liên quan

Chủ Đề