Cá mập trong chứng khoán là gì

Bò và gấu là những linh vật đặc trưng của thị trường chứng khoán trên thế giới để chỉ xu hướng tăng hoặc giảm. Ở Việt Nam, giới đầu tư chứng khoán còn sáng tạo thêm những thuật ngữ rất thú vị và được sử dụng rộng rãi như cá mập, chim lợn, bìm bịp,… 

Bạn khoác vai loài động vật nào trên thị trường chứng khoán?

Bạn là cá mập?

Chúng ta vẫn biết cá mập là sát thủ của đại dương với hàm răng sắc bén cùng những đòn tấn công cực kỳ bất ngờ và hung dữ.

Trong chứng khoán, cá mập là thuật ngữ để chỉ cá nhân/nhóm người chuyên thao túng giá cổ phiếu để trục lợi. Đó có thể là một số nhà đầu tư có nguồn lực tài chính lớn, và/hoặc liên kết với bộ phận của một số công ty chứng khoán cùng phối hợp thao túng giá cổ phiếu.

Cá mập cao tay hơn thậm chí còn “đi đêm”, bắt tay với người nội bộ tại các doanh nghiệp trên sàn, sử dụng thông tin nội bộ làm giá cổ phiếu.

Cá mập có tiềm lực rất mạnh để "hút tiền" từ túi nhà đầu tư

Hay là cá cơm?

Ngược với cá mập hung hãn chính là đàn cá cơm hiền hòa. Ở đây, cá cơm chỉ tầng lớp nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhóm chiếm số lượng đông đảo nhất trên thị trường chứng khoán. Thời gian gần đây xuất hiện thêm thuật ngữ cá con cũng mang hàm nghĩa hoàn toàn tương tự.

Trước những cơn sóng chứng khoán, đàn cá cơm tuy đông nhưng lại thường gặp bất lợi, thua thiệt trước cá mập. Điều này chủ yếu đến từ các nguyên nhân như: Tiềm lực tài chính mỏng, trình độ phân tích tài chính, tâm lý bầy đàn, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế…

Rất hiếm, song không phải không có trường hợp nhà đầu tư nhỏ lẻ đoàn kết lại và đánh bật cả những nhà đầu tư lớn, điển hình như vụ việc tại cổ phiếu Gamestop hồi đầu năm 2021.

Đoàn kết lại, đàn cá cơm có cơ hội chiến thắng cá mập

Đừng để bị “lùa gà”

Gà dùng để chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ ít vốn, thiếu kinh nghiệm và kém tinh thần cảnh giác. Trong tiếng Việt, chúng ta có thuật ngữ “gà mờ” chính là ám chỉ đối tượng này.

Trong 2-3 năm trở lại đây, chứng khoán Việt Nam xuất hiện thêm khái niệm F0 để chỉ nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, không hề có bất cứ mảnh kinh nghiệm nào vắt vai. Hầu hết nhà đầu tư F0 được ví như gà.

Dù vậy, cũng có nhiều F0 vẫn cực kỳ tỉnh táo trước các chiêu trò “lùa gà” của cá mập hay sói. Thậm chí một số F0 còn gặt được thành quả tích cực ngay trong những giao dịch đầu tay.

Nhà đầu tư hãy cảnh giác để không bị "lùa gà"

Bạn là Cừu hay Sói?

Hoàn toàn giống với gà, cừu cũng là thuật ngữ chỉ những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, mất cảnh giác và dễ gặp tổn thương nhất trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, sói là những nhà đầu tư lão luyện, với bề dày kinh nghiệm, lợi thế về thông tin và đặc biệt thích “làm thịt” cừu.

Một số sói có thể dẫn dụ nhà đầu tư vào những hội nhóm chứng khoán hoặc group chat riêng để dễ quản lý. Khi thời cơ đến, sói bắt đầu trục lợi bằng việc hô hào mua cổ phiếu mà mình đã nắm giữ hoặc thu phí tham gia room, phí phím hàng một cách vô lý…

Phân biệt với cá mập thì sói có tiềm lực khiêm tốn và tầm hoạt động nhỏ hơn.

Sói dùng rất nhiều chiêu trò để dẫn dụ và làm thịt cừu

Chim Lợn là gì?

Theo quan niệm dân gian, tiếng kêu “éc éc” của chim lợn hay cú lợn được cho là báo điềm xui xẻo, điểm gở sắp tới.

Trên thị trường chứng khoán, chim lợn là những người phát tán các thông tin mang tính tiêu cực, đưa ra những nhận định xấu về thị trường, doanh nghiệp hay cổ phiếu.

Mục đích chủ yếu của chim lợn là nhằm đẩy giá cổ phiếu xuống để mình mua vào với giá thấp hơn. Ngoài ra, một số chim lợn xuất hiện đơn giản vì không ưa thích doanh nghiệp hoặc “ghen ăn tức ở” với cổ phiếu mình không nắm giữ, đặc biệt khi cổ phiếu này liên tục tăng giá.

Chim lợn là những người phát tán các thông tin mang tính tiêu cực

Bạn có phải là Bìm Bịp?

Ngược với chim lợn, bìm bịp là loài chim dùng làm thuốc chữa bệnh, mang lại nhiều điềm lành cho con người.

Trong giới chứng khoán, bìm bịp để chỉ những người liên tục tung ra tin tốt, hô hào cổ vũ thị trường, một doanh nghiệp hay cổ phiếu nào đó. Việc làm này nhằm đẩy giá cổ phiếu đó lên để bìm bịp có thể bán ra với giá cao hơn.

Bìm bịp luôn muốn đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn

Điều thú vị trên thị trường chứng khoán là không ai mãi mãi là bìm bịp hoặc chim lợn. Mỗi người thường thay đổi quan điểm và vai trò của mình theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Ví dụ, khi một nhà đầu tư vừa mua vào cổ phiếu, họ sẽ đóng vai bìm bịp với mong muốn đẩy giá cổ phiếu lên, để có thể bán được giá tốt hơn. Sau khi đã bán hết cổ phiếu, tài khoản đang “full tiền”, nhà đầu tư sẽ lại đội lốt chim lợn để ghìm giá xuống hòng mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn. Chu kì chim lợn - bìm bịp cứ liên tục lặp lại như vậy. Thế nên mới có chuyện hôm nay là chim lợn, ngày mai là bìm bịp, và ngược lại.

Chủ Đề