Chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Sáng 9/8, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam [VTCA] phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] phối hợp tổ chức Hội thảo Chính sách Thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt [TTĐB] đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thuế TTĐB cần đáp ứng yêu cầu cao hơn như cần đả bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, một sắc thuế TTĐB tốt thì ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ; cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Chia sẻ về chính sách TTĐB hiện hành, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, thuế TTĐB là thuế gián thu, thuế chỉ đánh ở khâu nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh dịch vụ, không đánh thuế ở khâu lưu thông, kinh doanh thương mại.

Ở Việt Nam, thuế chỉ đánh vào một số nhóm hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa chịu thuế TTĐB không thuộc hàng hóa dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, mà thuộc đối tượng cao cấp, xa xỉ; không khuyến khích hạn chế tiêu dùng hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội… cần có mức điều tiết đặc biệt, nên ngoài áp dụng thuế suất thuế GTGT ở mức 10% không được miễn giảm thuế, hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB thường có thuế suất cao.

Thuế TTĐB chiếm tỷ trọng khá lớn trong số thu thuế của ngân sách nhà nước [NSNN], khoảng 10 - 11% tổng thu NSNN về thuế hàng năm. Cụ thể, năm 2019 thuế TTĐB là 116.599 tỷ đồng chiếm 10,79%; năm 2020 là 150.228 tỷ đồng chiếm 11,5%; năm 2021 số thuê là 118.404 tỷ đồng chiếm 9,94%.

Số thuế TTĐB chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm: ô tô dưới 24 chỗ ngồi trở xuống, đặc biệt loại có dung tích xi lanh lớn; rượu, bia; thuốc lá.

Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá chiếm tỷ trọng tương đối lớn so với tổng thu nộp NSNN về thuế TTĐB. Cụ thể, năm 2019 là 14.562 tỷ đồng chiếm 12,5%; năm 2020 là 14.634 tỷ đồng chiếm 9,7%; năm 2021 là 16.840 tỷ đồng chiếm 14,2%.

Liên quan đến đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm, theo bà Cúc, việc hạn chế sử dụng sản phẩm thuốc lá cũng như rượu bia có tác động một phần bởi chính sách điều tiết tăng thuế chứ không phải tất cả.

Dẫn chứng về việc này, bà Cúc cho hay, từ năm 1990 thuế TTĐB của thuốc lá là 50%, năm 2021 là 75% là mức tăng tương đối nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá của Việt Nam vẫn cao gần nhất thế giới.

Theo bà Cúc, để hạn chế sử dụng thuốc lá cần phải thực hiện hàng loạt việc như tuyên truyền tác hại của thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện các biện pháp tài chính trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá; điều chỉnh tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Theo đó, đối với việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB với thuốc lá, Chủ tịch VTCA cho rằng cần nghiên cứu tính toán có lộ trình điều chỉnh cả thời gian tăng và mức thuế tăng.

Cụ thể, hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp tương đối và tuyệt đối thì ngoài thuế suất tương đối 75% có thể tính thêm thuế tuyệt đối 1.000đ/bao. Hai năm tiếp theo sẽ nâng dần thuế tuyệt đối lên 1.500 đ/bao. Từ năm thứ 5 nâng lên 2.000 đồng/bao.

Theo tính toán của VTCA, nếu thêm số thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao tiền thuốc thuế TTĐB đối với thuốc lá bình dân, thấp cấp phân khúc 1 [giá bán 10.000 đ] tăng 46%, thuốc lá ở phân khúc 2 [giá bán 20.000 đ] tăng trên 23,3%, thuốc lá cao cấp ở phân khúc 3 [giá bán 30.000 đ] tăng 16%.

Cũng đồng tình với Chủ tịch VTCA, bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính kiến nghị nên lựa chọn áp dụng phương pháp thu thuế hỗn hợp đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia. Theo đó, Việt Nam cần bổ sung thuế suất tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong việc phòng ngừa và sử dụng thuốc lá, từ đó giúp giảm thiểu khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuộc lá hiện nay đang cung cấp trên thị trường nội địa. Đồng thời giúp hạn chế việc di chuyển giá giữa các nhà sản suất thuốc lá và các công ty phân phối thuốc lá.

Cùng với đó, nên tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá và tăng theo lộ trình; quy định rõ các sản phẩm thuốc lá mới phát sinh là đối tượng chịu thuế TTĐB như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Cạnh tranh không công bằng

Việc Chính phủ áp thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn nhằm mục tiêu giảm được lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người tiêu dùng...

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương [CIEM], trong vòng 15 năm qua, mặt hàng rượu vang và rượu mạnh đã chịu tác động của 5 lần thay đổi Thuế TTĐB, từ mức 50% [năm 2015] lên 55% [năm 2016] và sau đó lên 65% [năm 2018]. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, sau nhiều lần thay đổi nhưng các mục tiêu đặt ra đều chưa đạt được như kỳ vọng.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] chỉ rõ năm 2018, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam trong cả khu vực chính thức lẫn phi chính thức, có tốc độ tăng rất nhanh.

Giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít/người/năm thì giai đoạn 2008-2010 đã lên tới 6,6 lít/người/năm và giai đoạn 2015-2017 là 8,3 lít/người/năm. Như vậy, trong khoảng 10 năm, lượng tiêu thụ bình quân một người trong năm đã tăng hơn gấp đôi với tốc độ tăng trung bình năm lên tới 8,1%.

Bà Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực [CIEM] - cho hay, mặc dù từ năm 2010-2018, Thuế TTĐB đối với rượu/bia được điều chỉnh liên tục tăng nhưng tỉ lệ người lạm dụng rượu bia vẫn tăng cao trong khi tỉ lệ người không sử dụng giảm.

Đáng lưu ý, theo bà Hoài, trong 8,3 lít cồn nguyên chất/người/năm tiêu thụ giai đoạn 2015-2017, lượng rượu, bia tiêu thụ không chính thức ước tính lên đến 5,2 lít/người/năm, chiếm 63,85% tổng lượng rượu, bia tiêu thụ.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ - cho rằng, con số lượng rượu phi chính thức đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam thể hiện sự chưa công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Tú phân tích, nếu nhà nước cứ tăng tiền thuế đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì họ càng bị kiệt sức.

“Nếu tăng thuế tức sản phẩm phải tăng giá, song song với việc này người tiêu dùng lại chọn mua sản phẩm giá rẻ trên thị trường” - ông Tú nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tăng cường hiệu quả quản lý đối với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả.

Xem xét áp thuế hỗn hợp

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  Nguyễn Hoa Cương cho biết, để phù hợp với tình hình của Việt Nam, nhóm nghiên cứu CIEM đã tiến hành kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đánh thuế hỗn hợp và có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh Việt Nam.

Để so sánh với kịch bản cơ sở [giữ nguyên mức thuế tương đối như hiện nay là 65% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên, 35% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ] trên cả 2 khía cạnh là sự thay đổi số thu ngân sách Nhà nước và sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ toàn ngành, nghiên cứu của CIEM đưa ra một số kịch bản khác nhau.

Cụ thể, kịch bản 1 là giữ nguyên phương pháp thuế tương đối và tăng thuế suất theo lộ trình. Theo đó, trong 2 năm đầu tiên, áp dụng mức thuế suất TTĐB như sau: 70% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 40% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ; trong 2 năm tiếp theo: 75% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 45% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ.

Trong đó kịch bản 2 áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít sản phẩm tiêu thụ. Kịch bản này đang được ưu tiên lựa chọn.

Theo đó, giữ nguyên mức thuế suất TTĐB tương đối, cụ thể: 65% đối với sản phẩm bia và rượu từ 20 độ trở lên; 35% đối với sản phẩm rượu dưới 20 độ; đồng thời áp dụng thêm mức thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ đối với từng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn.

Kịch bản 3 tương tự kịch bản 2 song thuế suất tuyệt đối tính trên mỗi lít cồn nguyên chất [LPA], thay vì mỗi lít sản phẩm tiêu thụ…

Nghiên cứu cho thấy so với kịch bản cơ sở, mức tăng thu ngân sách Nhà nước từ ngành đồ uống có cồn đều vượt trội, đặc biệt ở các kịch bản 2. Cụ thể, nếu theo kịch bản 2 hoặc 3, mức tăng thu ngân sách vào khoảng 63%. Rõ ràng là, phương pháp thuế hỗn hợp hoàn toàn giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về mặt ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, phương pháp thuế hỗn hợp với hiệu ứng trading-up tăng cao hơn, hàm ý người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng, thương hiệu tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm…

Video liên quan

Chủ Đề