Hướng dẫn sử dụng tag manager

Google Tag Manager [GTM] là một công cụ không thể thiếu đối với những người quản lý website.

Đây là công cụ dành cho những bạn không giỏi về code nhưng vẫn có thể thay đổi, chỉnh sửa các thành phần trên website hay sử dụng để theo dõi hành vi người dùng.

Có rất nhiều chức năng trong công cụ này đồng thời nó có thể liên kết với các công cụ khác của Google như: Google Analytics, Google Ads,… và đương nhiên cả Facebook nữa.

Khi bạn hiểu được dữ liệu người dùng thông qua công cụ GTM bạn sẽ tối ưu được website đồng thời mang lại chuyển đổi từ đó tăng doanh thu website.

Chính vì lý do đó bạn cần phải hiểu Google Tag Manager cũng như sử dụng nó một cách hiệu quả.

Bài viết này mình sẽ hướng dẫn cho bạn những bước cơ bản dành cho người mới. Còn nâng cao hơn mình sẽ hướng dẫn thêm.

Bây giờ bắt đầu nhé.

Google Tag Manager là gì?

Google Tag Manager [GTM] là hệ thống quản lý thẻ [Tag Management System – TMS] cho phép bạn cập nhật một cách dễ dàng và nhanh chóng mã code trên website hoặc ứng dụng.

Công cụ này cung cấp cho bạn chức năng tạo và theo dõi tất cả các thẻ [tags] trên website mà bạn muốn.

Thông qua GTM bạn có thể thêm một đoạn code bất kỳ vào website hoặc vào một trang cụ thể trên website.

Bạn không cần phải là một người chuyên về lĩnh vực IT hay đi nhờ bộ phận IT để thực hiện một cách thủ công.

Tất cả bạn cần làm là tạo tài khoản công cụ và chỉnh sửa thẻ trên website đơn giản.

Có 3 lợi ích chính mà Google Tag Manager mang lại cho bạn:

  • Giảm khối lượng công việc của Developer – Dù công ty của bạn có coder hay không thì như mình nói ở trên bạn hoàn toàn có thể tự chỉnh sửa thẻ trên website được.
  • Độ chính xác cao: Khi thực hiện thêm, chỉnh sửa thẻ trên website bằng code thì không tránh khỏi bị lỗi. Nhưng qua GTM bạn chỉ cần copy, paste, click là xong, điều này hạn chế được lỗi rất nhiều.
  • Đo lường hiệu quả Marketing: Giao diện GTM rất dễ sử dụng và nó theo dõi hầu hết các thẻ trên website. Bạn có thể tạo và theo dõi các chỉ số Marketing mà bạn muốn người dùng thực hiện từ đó đo lường hiệu quả.

Từ từ đã. Trước tiên đi vào chi tiết mình muốn giải thích cho bạn một khái niệm mà mình nhắc khá nhiều phía trên đó là tags.

Tags là gì?

Tags là một đoạn mã bạn đặt vào Javascript hoặc HTML của website nhằm thể hiện một thông tin nhất định.

Mỗi tags [thẻ] sẽ theo dõi cụ thể một thông tin nào đó.

Ví dụ là: Nhấp vào liên kết, điền form thông tin, thời gian người dùng truy cập, sản phẩm người dùng thêm vào giỏ hàng hoặc xóa khỏi giỏ hàng,…

Sau đó dữ liệu thẻ này có thể gửi thông tin qua các công cụ khác như Google Analytics, AdWords,… thông qua GTM.

Bắt đầu với Google Tag Manager cũng đơn giản như Google Analytics chưa kể đây còn là một công cụ Free của Google nữa.

Cách cài đặt Google Tag Manager

1. Tạo tài khoản GTM

Bạn vào website Google Tag Manager sau đó nhấp “Start for free”.

Màn hình sẽ hiển thị giao diện như hình dưới.

Bạn nhấp vào “Create Account” để tạo một tài khoản GTM.

Tiếp đó bạn nhập thông tin doanh nghiệp/ website của bạn vào và chọn cài đặt phù hợp.

Account Name: Tên tài khoản GTM của bạn [1 Account có thể chứa nhiều Container]

Country: Quốc gia của bạn

Container name: Website của bạn [không chứa https hay www]

Ở phần Target platform mình chọn Web.

Sau đó đồng ý điều khoản thỏa thuận dịch vụ của GTM. Check cái ô dưới cùng ý.

2. Gắn mã GTM vào website

Sau khi bạn tạo tài khoản GTM xong thì Google Tag Manager sẽ yêu cầu bạn gắn mã code vào website theo hướng dẫn của họ.

Có 2 phần mã code.

  • Một phần là gắn vào chỗ cao nhất của thẻ của trang.
  • Phần còn lại là gắn vào sau thẻ của trang.

Bạn có thể nhờ coder bên bạn gắn hộ [chắc đây là điều duy nhất bạn cần nhờ khi sử dụng Google Tag Manager].

Hoặc bạn có thể sử dụng Plugins nếu đang dùng WordPress.

Đầu tiên, Bạn thêm Plugin Insert Headers and Footers vào.

Sau đó bạn chỉ cần Copy 2 đoạn mã trên vào Plugin là xong.

Hoặc bạn cũng có thể sử dụng Plugin: Google Tag Manager for WordPress

Để dễ hiểu hơn bạn có thể xem cách cài đặt Google Tag Manager ở Video dưới nhé:

3. Kiểm tra mã Google Tag Manager đã cài thành công

Điều bạn cần làm tiếp theo là kiểm tra xem Google Tag Manager có hoạt động trên website hay không.

Cách 1: Kiểm tra mã HTML trực tiếp trên website

Đầu tiên bạn vào website sau đó click chuột phải vào một nơi bất kỳ. Rồi chọn “View Page Source”

Hoặc bạn ấn phím tắt “Ctrl + U”

Sau đó bạn tìm dòng lệnh có chứa ký tự “GTM” [tổ hợp phím Ctrl + F hoặc F3 để tìm kiếm ký tự]

Nếu thấy xuất hiện đoạn mã như hình dưới là ok.

Tại thẻ

Tại thẻ

Cách 2: Sử dụng Extension của Google Chrome

[cách này đơn giản hơn]

Cài đặt Extension Tag Assistant Legacy [by Google]

Bạn mở website và bật Extension này lên và kiểm tra nhé.

Nếu hiện 2 màu xanh dương, xanh lá như hình dưới là ổn bạn nhé. Còn màu đỏ và vàng, xám thì bạn cần kiểm tra lại xem đang gặp vấn đề gì.

Cách 3: Sử dụng chế độ Preview Mode

Ở giao diện chính của Google Tag Manager bạn nhìn lên góc trên bên phải và nhấp vào nút “Preview”

Sau đó bạn nhập website của mình vào rồi nhấp “Connect”

Bạn nhìn góc phải màn hình có chữ Connected là ok rồi nhé.

Sau khi đã cài đặt thành công tiếp theo chúng ta đến phần sử dụng Google Tag Manager nhé.

Hướng dẫn toàn tập Google Tag Manager từ A-Z cho Newbie

1. Tags, Triggers và Variables

Bất cứ phần mềm nào đều có cho riêng mình một bộ khái niệm riêng. Và Google Tag Manager cũng không phải là ngoại lệ.

GTM có 3 phần chính bạn cần phải nắm rõ để sử dụng: Tags, Triggers và Variables.

Mỗi thành phần này đều có giao diện riêng trên GTM để sử dụng với chức năng khác nhau.

Vậy chúng là gì?

1.1. Google Tag Manager Tags

Bắt đầu với Tags [thẻ], đây là nơi bạn muốn Google Tag Manager thực hiện nhiệm vụ gì cho bạn.

Như hình dưới bạn có thể thấy một vài Tags đã được cài đặt.

Ví dụ:

  • FB – PageView: truyền dữ liệu toàn bộ Pageview qua Facebook Analytics
  • GA – Event – Click Reports: truyền dữ liệu toàn bộ Clicks qua Google Analytics
  • GA – Event – Scroll Reports: truyền dữ liệu cuộn chuột mỗi % trên trang qua Google Analytics

Còn rất nhiều hành động khác bạn có thể cài đặt tại phần Tags này. Đó có thể là cài một đoạn code theo dõi hay thu thập dữ liệu hành động của người dùng.

Những gì diễn ra trên website bạn hoàn toàn có thể theo dõi cũng như gửi các dữ liệu đó về các phần mềm phân tích mà bạn muốn.


Có một điều lưu ý là Google Tag Manager không khuyến khích bạn tự tạo Custom Tags [tags tùy chỉnh], còn nếu bạn muốn tạo thì hãy kiểm tra xem nó có hoạt động không nhé.

1.2. Google Tag Manager Triggers

Tiếp theo là Triggers [kích hoạt]. Phần này là nơi bạn muốn Google Tag Manager khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ tại phần Tags.

Ví dụ bạn có thể thấy tại hình dưới:

  • All Links – Xảy ra khi bất kỳ người dùng nào ấn vào link thì hành động sẽ được thực hiện
  • Click – Simple Social – Xảy ra khi bất kỳ người dùng nào ấn vào một nút cụ thể [ở đây là nút Social]
  • Scroll – 10, 25, 50, 75, 90 – Xảy ra khi bất kỳ người dùng nào cuộn chuột trên trang tới 10%, 25%, 50%, 75%, 90%
  • Timer – 3 Seconds – Xảy ra khi bất kỳ người dùng nào có thời gian ở lại trên trang trên 3s

Và nhiều Triggers khác bạn có thể cài đặt tùy theo mục tiêu cụ thể.

Mỗi Tags sẽ gắn liền với một hoặc nhiều Triggers. Khi Triggers đạt đúng yêu cầu đã cài đặt thì Tags sẽ thực hiện nhiệm vụ của nó.

1.3. Google Tag Manager Variables

Cuối cùng là Variables [biến]. Phần này có liên quan tới cả Tags lẫn Triggers.

Mỗi giá trị Variables xác định chính xác những gì mà Tags và Triggers phải thực hiện.

Trong trường hợp đối với Triggers: Các Variables xác định thời điểm mà Triggers sẽ xảy ra.

Ví dụ: Bạn sẽ định hình 1 Triggers sẽ xảy ra khi URL Variable có chứa đường dẫn “/products”

Trong trường hợp đối với Tags: Các Variables xác định dữ liệu mà Tags sẽ thu thập.

Ví dụ: Bạn có thể định hình 1 Tags sẽ lấy ID sản phẩm và giá sản phẩm cụ thể. Thì lúc này Tags sẽ bao gồm Variable liên quan tới biến ID và Price trên website.

2. Cài đặt Tags trong Google Tag Manager

Khi bạn đã cài đặt xong Google Tag Manager và hiểu các thành phần công cụ rồi thì bây giờ bạn sẽ học cách để cài đặt 1 Tag cơ bản.

Bạn có thể tạo số Tag không giới hạn trong GTM với hơn 50 loại tags khác nhau.

Điều này rất có lợi trong quá trình thu thập, phân tích sâu hành vi của người dùng trên website. Nhưng nếu bạn không quản lý Tags tốt sẽ dẫn đến bị loạn.

Google khuyến nghị bạn nên đặt tên cho mỗi Tag dưới dạng sau:

Dạng Tags – Tên dữ liệu – Triggers

Ví dụ:

  • GA – Event – Scroll [Sự kiện Scroll truyền dữ liệu về Google Analytics]
  • FB – Event – Checkout [Sự kiện Vào giỏ hàng truyền dữ liệu về Facebook Analytics]
  • GAds – Conversion – Order Product 1 [Sự kiện Mua hàng 1 truyền dữ liệu về Google Ads]

Hoặc bạn có thể đặt tên theo hướng bạn muốn nhưng hãy đảm bảo mang tính hệ thống.

Để rõ ràng hơn chúng ta đi từng bước 1 cho dễ hiểu nhé.

2.1. Tạo Tags mới

Đầu tiên bạn chọn “Add a new tag” hoặc vào phần Tags chọn “New”

Đặt tên cho Tag. Ở đây mình đặt là Google Analytics UA [Universal Analytics] vì mình muốn cài mã GA vào website thông qua GTM.

Sau đó bạn lựa chọn dạng Tag bạn muốn.

Ở đây mình chọn: Google Analytics: Universal Analytics.

Tiếp theo bạn sẽ thấy hiển thị như hình dưới.

Track Type mình chọn Page View. Ngoài ra còn có nhiều lựa chọn khác như: Events, Timing, Social, Transaction.

Mỗi dạng Track Type sẽ có một kiểu theo dõi riêng nhé.

Ở phần Google Analytics Settings bạn sẽ cần tạo 1 New Variable cho Google Analytics. Đây là một loại User-Defined Variables [biến tùy chỉnh].

Bạn chỉ cần nhập mã Tracking ID của Google Analytics UA sau đó nhấn Save là xong.

À. Bạn nhớ đặt tên cho Variable nữa khỏi quên nhé.

Để lấy Tracking ID của Google Analytics bạn vào phần Admin -> Property -> Property Settings để lấy nhé.

Trong trường hợp bạn check mục “Enable overriding settings in this tag” thì bạn chỉ cần nhập Tracking ID vào ở đây là xong không cần chọn Google Settings Variable.

2.2. Tạo Triggers mới

Ở đây mình chọn một Triggers có sẵn là All Pages – Page View.

Triggers này được kích hoạt khi 1 Page View trên trang được tính.

Bạn ấn “Save” là xong bước này.

Còn trong trường hợp bạn muốn tạo thêm Triggers mới thì vào phần Triggers ấn vào nút “New” để tạo nhé.

Có rất nhiều dạng Triggers để bạn tạo như hình dưới.

Nhưng để có những giá trị Variables trong những dạng này bạn cần phải bật các giá trị Variables lên nhé.

Để bật các giá trị Variables lên thì bạn tới phần Variables trong Google Tag Manager.

Chọn “Configure” sau đó bạn nhấn tích hết cột bên phải hoặc chọn những Variables mà bạn muốn.

Mình cũng đã lấy ví dụ về Variables ở phần phía trên rồi nhưng để bạn dễ hiểu hơn mình sẽ đưa ra ví dụ tiếp.

Ý nghĩa các Built-in Variables bạn có thể xem tại đây: //support.google.com/tagmanager/answer/7182738

Built-in Variables [biến tích hợp] là dạng biến được GTM tự động xác định cho bạn trên website. Phần dưới mình sẽ giải thích về biến User-Defined Variables [biến người dùng xác định].

Mặc định thì Variables chỉ bật những dạng trên: Event, Page URL, Page Hostname, Page Path, Referrer.

Nhưng nếu bạn muốn 1 Tags ghi lại khách hàng nhấp vào nút “Đặt hàng” thì cần phải có thêm Variables là Click Element, Click Classes hoặc Click ID nữa để phân biệt được với các click khác trên trang.

Các giá trị Variables này là do bên người code lên Website quy định. Google Tag Manager chỉ nhận nhiệm vụ lấy các giá trị này làm điều kiện.

Còn bạn muốn thay đổi các giá trị này bạn cần liên hệ tới bên Developer nhé. Chỉ cần đưa ra Variables và giá trị bạn muốn cho họ là được.

Lưu ý thêm ở phần Triggering

Bạn có thể để ý tại phần này là nếu bạn muốn thêm Triggers thì ấn dấu “+” góc phải, muốn xóa thì ấn dấu “-” ở mỗi Triggers.

Khi bạn thêm nhiều Triggers ở đây thì Tags sẽ xảy ra khi một trong các Triggers đạt yêu cầu.

Bạn cũng có thể “Add Exception” – loại trừ trường hợp Triggers nào đó xảy ra thì Tags sẽ không hoạt động.

2.3. Khởi động Tags

Tiếp theo bạn sẽ ấn nút “Submit” góc trên bên phải để khởi động Tags vào website.

Bạn có thể thêm đoạn mô tả thay đổi nếu bạn muốn.

Với những thay đổi đáng kể bạn nên thêm vì nếu muốn tìm lại và sửa đổi cũng dễ dàng hơn.

Và sau đó bạn ấn nút “Publish” thôi.

Khi bạn thấy kết quả như hình dưới là xong.

Tiếp theo bạn kiểm tra xem Tags đã hoạt động trên Website hay chưa nhé, bằng cách sử dụng chế độ Preview của GTM [Google Tag Assistant]

Bạn hoàn toàn có thể xóa, chỉnh sửa, thay đổi Tags, Triggers và Variables sau khi Publish nên không cần phải ngại nếu sai đâu nhé.

Sai chỗ nào sửa chỗ đó thôi nhỉ.

Nếu những hướng dẫn trên hơi khó thực hiện theo bạn có thể xem hướng dẫn tại video dưới nhé:

3. User-Defined Variables

Khác với Built-in Variables thì User-Defined Variables là biến do người dùng xác định hay gọi là biến tùy chỉnh.

Biến này sẽ tùy chỉnh theo giá trị bất kỳ nào bạn xác định cho chúng.

Đó có thể là giá trị một số, một chuỗi ký tự, một tập hợp các URLs.

Như mình ở trên có hướng dẫn cho bạn tạo 1 loại biến tùy chỉnh đó là Google Analytics Settings.

Ví dụ khác: Mình muốn lấy giá trị là Tiêu đề mỗi bài viết trên website thì mình cũng cần tạo biến tùy chỉnh.

  • Variable Type: DOM Element
  • Selection Method: CSS Selector
  • Element Selector: title [cái này bạn check lại HTML trên website xem có đúng không nhé]

4. Cài đặt Tags tùy biến

Đây là phần nâng cao chỉ dành cho những bạn đã sử dụng tốt Google Tag Manager cơ bản rồi nhé.

Tại sao mình lại bảo là tùy biến?

Lý do là vì có những sự kiện mà mình muốn đo lường ở tất cả các bài viết khác nhau. Nhưng hàng tuần mình đều có bài viết mới cho nên mình không thể tốn thời gian đi cài đặt từng bài viết mới được.

Tức là ở đây nếu có bài viết mới thì những sự kiện mình muốn nó cũng tự động đo lường luôn.

Ví dụ 1 trường hợp dưới đây mình muốn đo lường tỷ lệ % Scroll Page và chuyển dữ liệu qua Google Analytics.

  • Track Type: Events
  • Category: Title Variable [lấy tiêu đề]
  • Action: Scroll [tên sự kiện]
  • Label: Scroll Depth Threshold [giá trị sự kiện]
  • Google Analytics Settings: Google Analytics [biến đã gắn mã Tracking GA]

Triggering: Kích hoạt khi khớp đúng giá trị Scroll mình chọn.

Nghe có vẻ hơi phức tạp một chút nhưng điều này giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian đó.

Tóm lại là

Nếu bạn đang sở hữu website thì bạn cần phải biết tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu chính xác.

Dữ liệu sẽ cho bạn biết sức khỏe website của bạn tới đâu để có những phương án bồi dưỡng phù hợp.

Tags của Google Tag Manager – là những đoạn mã nhỏ mà bạn thêm vào website giúp bạn thu thập những dữ liệu mà bạn muốn.

Bạn có thể tùy chỉnh, triển khai và đo lường trên tất cả các Tags mà bạn thêm vào website mà không cần sự giúp đỡ của IT/ coder.

GTM có thể quản lý không chỉ một mà nhiều trang web khác nhau và điều đặc biệt hơn là nó miễn phí [biết ơn Google thật sự].

Nếu bạn thật sự nghiêm túc đối với việc phân tích website nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi thì Google Tag Manager là công cụ không thể thiếu.

Hiện tại website của bạn đã cài đặt và sử dụng Google Tag Manager chưa?

Bài viết trên có phần nào chưa rõ bạn hãy comment phía dưới mình sẽ bổ sung nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc bài.

From Cường Dizi.

Fanpage: //www.facebook.com/CuongDigitalPage/

Email: [email protected]

Nguồn tham khảo:

//blog.hubspot.com/marketing/google-tag-manager-guide

//www.semrush.com/blog/beginners-guide-to-google-tag-manager/

//www.socialmediaexaminer.com/getting-started-with-google-tag-manager-beginners-guide

//measureschool.com/google-tag-manager-variables/

2 bộ Video Youtube hướng dẫn sử dụng Google Tag Manager bạn có thể tham khảo thêm:

Getting Started with Google Tag Manager

Google Tag Manager for Beginners Course 2021

Ngoài ra còn có khóa học miễn phí Google Tag Manager bạn xem thêm nhé [có chứng chỉ đàng hoàng đó]:

//analytics.google.com/analytics/academy/course/5

Video liên quan

Chủ Đề