Lê văn luyện ở đâu

Đã 7 năm kể từ vụ thảm sát kinh hoàng do Lê Văn Luyện gây ra tại tiệm vàng Ngọc Bích [phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang], chúng tôi mới có dịp quay trở lại nơi đây và chứng kiến sự sống “hồi sinh” trở lại.

Ngôi nhà từng xảy ra vụ thảm sát, tấm biển hiệu có tên “vàng bạc Ngọc Bích” vẫn được treo trên cao. Tuy nhiên, giờ đây ngôi nhà không để buôn bán vàng bạc mà đang được sử dụng để bán đồ dùng học sinh.

Tấm biển vàng bạc Ngọc Bích vẫn được treo trên căn nhà Luyện gây án cách đây 7 năm về trước.

Người đang sử dụng ngôi nhà là người thân với nạn nhân. Khi được hỏi về cuộc sống mới, người phụ nữ xua tay từ chối, không muốn nhắc lại chuyện cũ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bé gái may mắn thoát chết trong vụ án 7 năm trước đã chuyển vào miền Nam sinh sống cùng một người bên họ ngoại.

Rời khu phố sầm uất, chúng tôi di chuyển đến xã Thanh Lâm [Lục Nam, Bắc Giang], nơi những người thân của Lê Văn Luyện đang sinh sống. Nằm đối diện UBND xã Thanh Lâm, trong ngôi nhà 2 tầng đã cũ, bà Trương Thị Thơm đang ngồi một mình làm đồ vàng mã, phía trong nhà em trai thứ hai của Luyện đang ngồi xem tivi.

Đường vào nhà nơi bố mẹ Lê Văn Luyện ở hiu quạnh, quanh co.

So với cách đây 3-4 năm về trước, bà Thơm đã cởi mở hơn khi tiếp xúc với mọi người, nhưng từ khuôn mặt đến ánh mắt của bà luôn đượm buồn. Bà cho biết, bà cùng người thân mới quay trở về đây sinh sống được hơn được hơn 2 năm nay. Công việc hàng ngày của bà là làm hàng mã, ngày mùa thì lại ra đồng cấy lúa, trồng hoa màu.

Trước đây, khi chồng bà Thơm [ông Lê Văn Miên] và con trai là Lê Văn Luyện vướng vào vòng lao lý, bà đã bị sang chấn tâm lý nặng nề. Sau đó, bà cùng 2 con trai phải chuyển về nhà ngoại sống suốt một thời gian dài.

Ngôi nhà 2 tầng Lê Văn Luyện từng ở, giờ đây bà Thơm đang làm nghề đan lát hàng mã.

Bà Thơm chia sẻ, đó là khoảng thời gian đau khổ nhất đối với bà. Đi bất kể đâu bà cũng phải bịt kín mặt để không ai phát hiện ra mình là mẹ của Lê Văn Luyện, đến đám cưới cháu ruột bà cũng chẳng dám đến dự. Đứa con trai thứ hai của bà cũng phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê vì không thể chịu được những lời nói, ánh mắt của mọi người.

Tháng 9.2015, khi chồng cải tạo xong trở về cuộc sống bình thường, lúc này bà Thơm mới được an ủi phần nào. Sau đó, bà cùng chồng và 2 con trở về ngôi nhà cũ sinh sống.

Khi mới trở về, ngôi nhà hưu quạnh, xộc mùi ẩm mốc vì lâu không có người ở, phải mất một thời gian dài gia đình bà Thơm mới tìm được sự “cân bằng” trong cuộc sống.

Sau hơn 2 năm về ở căn nhà đã bớt hiu quạnh, ẩm mốc.

“Trước kia chồng tôi rất vui vẻ, nhưng từ khi đi cải tạo về ông ấy ít nói, ít chia sẻ với mọi người. Ngày đi làm xây, tối về giúp tôi làm đồ hàng mã. Hai vợ chồng tôi vẫn tự động viên nhau, phải cố gắng, ai nghĩ thế nào thì nghĩ. Bây giờ chúng tôi phải kiếm tiền để trả món nợ khổng lồ và nuôi thằng con út ăn học”, bà Thơm nói.

Con trai thứ 2 của bà Thơm hiện đang đi làm công nhân ở Bắc Ninh, vẫn chưa dám lấy vợ vì hoàn cảnh gia đình. Còn về phần mình, bà Thơm cho biết, công việc hàng ngày của bà là đan lát đồ hàng mã để kiếm kế sinh nhai và lấy tiền trả nợ.

Bà Thơm đã phải học một thời gian dài mới làm được nghề đan lát...

...cho đến bây giờ tay, chân bà Thơm vẫn ứa máu vì những vết cắt khi đan lát hàng mã.

“Tôi phải đi học một thời gian dài mới có thể làm được việc này. Nhìn chung nghề này cũng chẳng nhàn hạ gì đâu, tay chân bị cứa đứt nham nhở ứa cả máu. Nhưng giờ làm gì có lựa chọn khác, tuổi cao rồi không làm công nhân được, mà không làm thì lấy gì để trả nợ nên phải cố thôi”, bà Thơm nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện với bà Thơm, mỗi khi nói đến người con trai cả [Lê Văn Luyện], bà chỉ nói ngắn gọn rồi lại kể những câu chuyện khác. Theo lời kể của bà, từ khi Luyện lĩnh án, đi cải tạo [ở Nghệ An], chưa một lần bà đến thăm con.

Dù rất muốn đến thăm con, nhưng gánh nặng tâm lý và cơm áo gạo tiền khiến bà Thơm chưa thể gặp con từ ngày gây án.

“Đường quá xa mà gia đình lại chẳng có tiền, nên vài tháng tôi gửi đồ vào cho Luyện một lần. Giờ tôi chỉ mong nó ở đó cải tạo tốt, suy nghĩ về những việc sai trái mình đã làm, hối cải để sau này quay trở về làm người”, bà Thơm nói.

Nhắc đến gia đình nạn nhân ở phố Sàn, bà Thơm cho biết: “Tôi không phải là người vô tâm, muốn ra gặp họ để nói lời xin lỗi, nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Tiền đền bù chúng tôi phải gửi cho cơ quan chức năng chuyển hộ”.

Điều mong muốn lớn nhất của bà Thơm hiện tại là, 2 đứa em của Luyện không còn bị ám ảnh bởi những việc làm của anh mình, cố gắng sống tốt. Còn bản thân mình, bà Thơm vẫn luôn tâm niệm “con dại cái mang” và bà sẽ làm mọi thứ phần nào khắc phục những việc làm Luyện gây ra.

Ngày 24.8.2011, tại Phố Sàn [Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang] đã xảy ra vụ giết người cướp của đặc biệt nghiêm trọng. Hung thủ gây án là Lê Văn Luyện [khi đó chưa đến 18 tuổi] đã đi vào từ tầng 2 tiệm vàng Ngọc Bích để trộm đồ.

Khi bị phát hiện, Luyện đã sát hại hai vợ chồng và 1 cháu bé 18 tháng tuổi, chém trọng thương bé gái 8 tuổi. Sau khi gây án, Luyện đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, do phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên Lê Văn Luyện bị kết án ở mức tối đa 18 năm tù.

Lê Phương [Khám Phá]

“Sát thủ” lừng lẫy Lê Văn Luyện bước vào phòng và lễ phép ngồi xuống. Thời điểm đó là lúc sau 3 năm thụ án, Luyện trông vẫn vậy với đôi lông mày chổi xể dữ tợn.

Tuy nhiên, nét khắc sát trong tia mắt của hắn đã mờ dần. Lê Văn Luyện kể, đã từng nung nấu trong đầu ý định trốn trại, nhưng hơn một năm nay, tâm hồn quỷ dữ đó đã có nhiều lục vấn, day dứt. 

Sự đổi thay ấy, Luyện cho tôi biết, đã đến từ những ứng xử đầy tình người của đội ngũ cán bộ quản giáo. Năm qua, kết quả cải tạo của Lê Văn Luyện đạt loại khá. Anh ta đã nói về nỗi khát khao được quay về làm người một lần nữa. Phải chăng, chút mầm thiện mong manh hy vọng ấy đang lớn dần dưới sự chăm bẵm của những người thầy nơi đây?

Những ngày mới nhập trại

Lịch sử tư pháp Việt Nam đã ghi nhận vụ án của Lê Văn Luyện như một ví dụ kinh hoàng nhất của tội phạm vị thành niên. Ngày 24/8/2011, Luyện đã nhẫn tâm giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích [ở Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang] cùng con gái họ mới 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ, 8 tuổi, bị hắn chém đứt tay. Sau khi hạ sát dã man toàn bộ các nạn nhân, Luyện cướp đi số tài sản gần 1,3 tỷ đồng.

Vụ án đã gây rúng động cả nước ta bởi sự tàn bạo, man rợ. Dư luận chờ đợi những hình phạt nghiêm khắc bậc nhất dành cho sát nhân máu lạnh này. Thông thường, những tên cướp giết như Luyện, luôn phải đối diện với án tử. Đó là sự trả giá tương xứng với tính chất và mức độ của tội ác.

Tuy nhiên, quy định về độ tuổi áp dụng khung phạt tử hình đã cho Luyện cơ hội thoát chết. Tính đến thời điểm hắn gây án, Luyện còn thiếu 54 ngày, mới tròn 18 tuổi. Cho nên, dù đã phạm hàng loạt  những trọng tội, thì tổng hợp hình phạt mà Luyện phải chịu chỉ là 18 năm tù.

Ngày 4/6/2012, Luyện tới Trại giam số 3 [thuộc Tổng cục 8 – Bộ Công an] để cải tạo. Ở giữa vùng đồi núi cách TP Vinh chừng hơn 100 km, trên diện tích khoảng 700 ha thuộc địa bàn xã Nghĩa Dũng [thuộc huyện Tân Kỳ, Nghệ An], trại giam như một ốc đảo chứa đựng bên trong nó một xã hội thu nhỏ.

Thiếu tá Hoàng Công Thành [Trưởng phân trại số 1] lên tiếng cho biết: “Khi mới nhập trại, Luyện đã tỏ ra khá ngang tàng. Không chỉ thiếu tự giác trong việc chấp hành nội quy và kỷ luật lao động của trại, Luyện còn ‘dính’ vào vài vụ việc nghiêm trọng.

Năm 2013, anh ta đã đứng tên để nhận thay một gói quà gửi theo đường bưu phẩm vào trại cho phạm nhân. Đó là một gói kẹo trông bình thường, nhưng bên trong chứa ma túy. Một lần khác, Luyện đã đánh lại Đội trưởng phạm nhân, khi bị nhắc nhở về ý thức lao động. Sau những sự việc nêu trên, Luyện đều bị kỷ luật“.

Kể về những ngày đầu mới “ăn cơm tù” tại Trại 3, Luyện thẳng thắn cho biết: “Khi mới nhập trại, một số đại ca khác đã ‘thổi’ vào cháu những suy nghĩ tiêu cực. Đang buồn bã, chán nản vô cùng vì ‘tù lâu, án dài’, cộng với cá tính ngang tàng…, nên cháu phớt lờ hết mọi quy định.

Sau lần bị phạt cùm đầu tiên ấy , cháu càng thêm căm tức các thầy. Lúc này cháu chỉ muốn trốn khỏi trại và nung nấu cách thoát ra. Không chỉ riêng cháu, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh tù tội đều có khao khát được tự do.

Trốn không được thì sinh ra bất tuân, phá phách cho xả nỗi bực dọc bên trong. Cháu lại là thằng chẳng còn cái gì để mất. Cả xã hội đều đã lên án, coi cháu như con quỷ khát máu, không thể cải tạo nổi.

Người ta chỉ nhăm nhăm mong đòi bắn. Gia đình cũng vì cháu mà trở nên tan nát. Bố thì đi tù, em trai bị thất học, mẹ cháu cũng vì suy nghĩ mà thành lâm bệnh… Cháu đã quen cách sống bản năng từ nhỏ, không chịu nghe ai, làm việc không cần đến suy nghĩ, nên việc nảy sinh ra tư tưởng chống đối là dễ hiểu thôi“.

Những diễn biến tâm lý của Luyện, luôn trong tầm mắt kiểm soát của cán bộ trại giam. Tại đây, chỉ những phạm nhân có ý thức chấp hành tốt nội quy và kỷ luật lao động, mới được bố trí ra ngoài ruộng đồng, nương đồi làm việc. Còn trường hợp như Luyện phải lao động kiên trì dưới sự giám sát nghiêm ngặt, trong phạm vi bảo vệ.

Đại tá Bùi Minh Châu [Phó Giám thị] kể: “Luyện có tiếng xấu ở ngoài đời, nhưng vào đây, so với nhiều phạm nhân chúng tôi hiện đang quản lý thì chưa có ‘tuổi’ gì cả, nếu xét về thứ bậc, đẳng cấp, lẫn thủ đoạn, vây cánh… trong thế giới tội phạm. Đây là trại giam loại 1, nơi chuyên giam giữ phạm nhân cộm cán, nguy hiểm bậc nhất, có mức án rất cao từ mọi miền đưa đến.

Do làm tốt công tác quản lý và cảm hóa được giáo dục phạm nhân, kết hợp với nắm bắt  tình hình, kịp thời giải quyết những nhân tố gây bất ổn, nên từ nhiều năm nay, trại không để xảy ra bất cứ cuộc vượt ngục, trốn trại nào“.

Tự vấn để đổi thay

Lúc tôi đến Trại giam số 3, xin cho gặp Lê Văn Luyện vì muốn biết “sát thủ” ngày ấy bây giờ ra sao. Thiếu tá Hoàng Công Thành đã nói: “Trước đây đã có một số nhà báo tới hỏi chuyện rồi cuối cùng đành phải về tay không, vì Luyện lầm lì, không chịu hợp tác.

Nhưng hơn một năm trở lại đây, anh ta đã có một số biểu hiện chuyển biến tích cực, như vượt cao nhiều định mức công việc, chấp hành khá tốt nội quy của trại cũng như kỷ luật lao động. Kết quả xếp loại cải tạo của Luyện năm 2014 đạt loại khá“.

Gặp Luyện sau giờ lao động tại khu xưởng gia công mi mắt giả, anh ta trông khá rắn rỏi. Trên khuôn mặt khá là dễ nhìn, nét u uẩn và tàn bạo trong ánh mắt đã mờ dần. Thay vào đó là thái độ rất tích cực, chủ động khi tiếp xúc. Luyện cho biết anh vẫn giữ được 55 kg, sức khỏe tốt, không ốm đau, bệnh tật gì.

Cháu bắt đầu có những suy nghĩ tích cực từ khi nào?

Từ tháng 9/2013, vì lỗi lầm không chấp hành kỷ luật lao động, đánh lại anh Đội trưởng nên cháu bị cùm chân suốt 10 ngày trong buồng kỷ luật. Cũng trong thời gian đó, cán bộ Giáp, quản giáo Thành đã thường xuyên xuống thăm, phân tích cho cháu thấy những điều hơn, lẽ phải.

Mặc dù cháu vi phạm kỷ luật nhưng các chú ấy không tỏ thái độ ghét bỏ, mà rất kiên trì thuyết phục để cháu có thể hồi tâm chuyển ý. Họ khuyên giải cháu rất nhiều điều, còn khuyên cháu đọc sách về đạo Phật trong tủ sách hướng thiện của trại. Cách nói chuyện của họ rất gần gũi như bậc cha chú, khuyên dạy con cháu.

Chính sự chân thành ấy đã giúp cháu nhận được ra rằng, cháu vẫn sẽ được đón nhận trở lại cộng đồng nếu thật sự thành tâm hối cải, sửa chữa. Những ngày đó, cháu tự vấn lại lương tâm rất nhiều. Lời chú Giáp, chú Thành nói luôn luôn văng vẳng bên tai. Dần dần, cháu nhận ra là mình chưa bao giờ thực sự nghe ai nói.

Vậy là cháu đã suy ngẫm rất kỹ và thấy điều cán bộ bảo ban là đúng. Suy nghĩ thông suốt rồi thì cũng là lúc cháu hết thời gian kỷ luật, được trở lại buồng. Cháu đã thay đổi cách sống, tích cực hơn nhiều trong công việc và chấp hành nội quy của trại.

Việc cháu viết thư xin lỗi bên gia đình nạn nhân như thế nào? Cháu đã viết những gì? Có phải đó là những suy nghĩ thực sự chân thành của cháu không?

Thời gian qua, trại giam có mở các cuộc vận động phạm nhân viết thư xin lỗi. Đây là dịp để chúng cháu nhìn nhận lại mọi tội lỗi của bản thân mình đã gây ra. Cháu đã hưởng ứng bằng việc viết hai lá thư xin lỗi. Một lá gửi cho ông ngoại của các nạn nhân, một lá cháu gửi cho bố mẹ.

Trong thư gửi cho gia đình nạn nhân, cháu viết: Hằng đêm, mỗi khi nhắm mắt lại là hình ảnh chém giết cứ lại hiện lên trước mắt. Cháu như bị quả báo vì toàn mơ mộng thấy bị người ta cầm dao, súng đuổi theo chém giết, làm cháu bị cụt chân, cụt tay, rồi bị xẻo từng miếng thịt và vứt vào vạc dầu sôi. Sau mỗi cơn ác mộng ấy, người cháu lại ướt sũng mồ hôi, không tài nào có thể ngủ lại được nữa.

Cháu cứ nghĩ mãi là tại sao mình lại giết người tàn bạo đến thế. Lúc đó cháu như con chó dại, cứ hễ gặp người là cắn. Cháu rất ân hận vì đã không chịu tu chí học hành tử tế, mà lại tụ tập, đàn đúm lêu lổng, mới dẫn tới hậu quả làm tan nát gia đình người ta và làm cả gia đình mình dính vào vòng lao lý.

Cháu căm hận bản thân rất nhiều và thấy không xứng đáng có mặt trên cuộc đời này nữa. Và nếu cháu có thể chết đi để làm người ta sống lại được thì cháu sẵn lòng xin được chết, dù cái chết ấy có như thế nào, cháu cũng cam lòng.

Trong thư, cháu đã hứa sẽ cải tạo thật tốt để đánh đuổi con quỷ trước đây đã ngự trị, điều khiển cháu. Cháu sẽ cố gắng hết sức mình để trở thành một con người lương thiện. Tất cả những điều trên cháu đã viết ra từ suy nghĩ thật sự trong thâm tâm của mình.

Ngoài giờ lao động, cháu làm gì?

Cháu đọc sách. Hiện nay, cháu đang đọc những cuốn sách về đạo Phật, Kinh Dịch và Khí công, có trong tủ sách hướng thiện tại các buồng giam. Trước đây, cháu không hề để ý đến chúng, nhưng nay nhờ đọc sách Phật mà tâm hồn cháu trở nên bình an dần trở lại. Cháu sẽ kiên trì việc sám hối, để dần đoạn tuyệt với cái tâm ác độc trong mình. Ngoài ra, ban đêm cháu còn luyện cả khí công để ổn định về sức khỏe và giúp tâm được an tĩnh.

Cháu muốn làm gì khi được ra trại?

Vì cháu không có tiền để bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân nên rất khó được miễn giảm án. Cháu cũng nghĩ không nên sốt ruột, cứ để thuận theo tự nhiên. Nếu được ra trại, cháu muốn theo làm nghề Đông y, cắt thuốc chữa bệnh cứu người, để mong gột rửa, chuộc lại những lỗi lầm tày trời mà cháu đã gây ra. Chú ơi, chú có thể gửi vào đây cho cháu xin mấy quyển sách về thuốc Đông y được không?

Video liên quan

Chủ Đề