Lối sống ích kỷ là gì

Thứ bảy, 05/08/2017 04:59

Sống ích kỷ sẽ làm hại bản thân

[NTO] Mỗi ngày qua, chúng ta lại có thêm một bài học quý giá từ cuộc sống và có thêm cơ hội để hoàn thiện chính mình, gạt bỏ đi cái xấu và vun đắp thêm cái tốt. Gạt bỏ thói ích kỷ là điều mỗi người nên làm, bao dung và vị tha là phẩm chất chúng ta cần rèn luyện.

Nghiêm khắc với bản thân và hãy bao dung rộng lượng với mọi người. Sự bao dung có thể biến một người tầm thường trở nên vĩ đại. Ngược lại, sự ích kỷ có thể hủy hoại một con người.Người bao dung luôn biết nghĩ đến người khác, sẵn sàng tha thứ cho người khác khi phạm sai lầm. Người sống ích kỉ luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên hết, họ luôn lấy lợi ích cá nhân làm thước đo mọi giá trị. Họ không dễ tha thứ nếu ai đó làm tổn thương mình. Trong mỗi người đều tồn tại lòng ích kỉ, nhưng quan trọng là ý chí có đủ mạnh để chế ngự điều đó hay không. Ích kỉ dễ dẫn dắt con người đi đến tội lỗi, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, mà còn làm hại chính người đã “nuôi dưỡng” nó. Nếu bạn nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, luôn ép người khác làm theo ý của mình, không thích chia sẻ hay giúp đỡ người khác, đó chính là những biểu hiện của sự ích kỷ. Một người có lối sống ích kỉ thì đối với họ, giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức, không có ý nghĩa gì. Họ không xem trọng trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, thờ ơ trước niềm vui cũng như nỗi buồn củangười khác.

Nếu không cương quyết đấu tranh với lối sống ích kỷ, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang dung túng, tạo điều kiện cho lối sống đó phát triển. Từ đó, dẫn đến sự tha hóa về nhân cách, giá trị đạo đức truyền thống bị xuống cấp. Sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, thì chúng ta mới trở thành con người hoàn thiện về nhân cách, đạo đức. Bản thân của mỗi người phải nhận thức rõ tác hại của lối sống ích kỷ, luôn biết lắng nghe là yếu tố quan trọng giúp bạn loại bỏ tính ích kỷ. Thay vì chỉ biết sống cho riêng mình, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm với họ. Vì quyền lợi của bản thân, người ích kỷ có thể làm tổn hại đến người khác. Để loại bỏ thói ích kỷ, chúng ta nên tham gia vào hoạt động xã hội và trải nghiệm cách sống “mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình”. Bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau và rồi bạn sẽ thấu hiểu, quan tâm đến người khác nhiều hơn. Nếu cứ mãi sống ích kỷ, cho dù bạn có giàu sang thì vẫn bị mọi người xem thường, xa lánh. Trái lại, dù nghèo khổ nhưng nếu có một tấm lòng bao dung, chân thành thì bạn sẽ luôn được mọi người yêu quý, cảm phục.

Hãy đem niềm vui đến cho mọi người, rồi bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc thật bình thường và vô cùng giản dị.

Minh Uyên

Đề bài : Nghị luận xã hội về tính ích kỉ 

Bài tham khảo 1

Mỗi con người sinh ra là một cá thể khác biệt, có những nét tính cách khác nhau. Chúng ta phải hoàn thiện bản thân từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên có nhiều đức tính khiến cho bản thân mình trở nên đáng trách, một trong số đó chính là tính ích kỉ.

Vậy tính ích kỉ là gì? Ích kỉ có thể hiểu là chỉ sống cho bản thân mình, lo cho bản thân mình, còn người khác thì mặc kệ, không quan tâm. Những người sống ích kỉ thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, thua thiệt như thế nào.

Biểu hiện của tính ích kỉ trong mỗi con người rất rõ nét. Họ sẽ luôn sống trong tư thế không chịu mở lòng, làm việc gì cũng phải tính toán hơn thua với người khác, nếu thấy lợi về mình thì mới làm còn ngược lại thì thôi. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, không chỉ bào mòn bản chất của chính mình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

Những người chỉ lo đến mình, khư khư giữ lấy lợi ích của riêng mình luôn phải sống trong cái vỏ bọc mà họ tạo ra, rất kín đáo. Chúng ta không thể chui vào đó được, vì hàng rào rất chắc chắn, họ sẽ ít mở lòng, ít hòa đồng và hơn hết là khi nào thấy có lợi ích thì mới làm.

Trong một lớp học, sự ích kỉ biểu hiện rất rõ nét. Khi mình học giỏi hơn bạn, nhưng bạn hỏi về bài toán thì lại bảo không biết, chưa làm được. Đây là một hành động không nên. Và chúng ta nên hạn chế, đừng để nó xảy ra trong cuộc sống của mình. Vì làm như thế chúng ta sẽ bị họ xa lánh, bị bạn bè nói này nói nọ. Bản thân bạn càng ngày càng có thêm thói quen xấu.

Lòng ích kỉ còn có biểu hiện khác, không kém phần sắc nét. Những người có sẵn tính ích kỉ trong người thường né tránh những việc khó khăn, thử thách. Họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, vì ngại khó khăn gian khổ, chỉ muốn đươc hưởng thụ quyền lợi. Có thể họ làm được lần đầu tiên nhưng sẽ không có lần thứ 2 và thứ 3 vì mọi người đã biết tính cách của bạn xấu xa như thế nào.

Một người luôn mơ ước có cái này cái kia, thành ông này ông nọ nhưng lại ngại khó khăn, gian khổ, luôn toan tính để đạt được mọi việc bằng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc lâu đài cát ấy sụp đổ.

Hậu quả của tính ích kỉ thật khó lường. Bị mọi người xa lánh, và chính bản thân mình cũng không bao giờ có thể phát triển được. Vì ích kỉ nên khi bạn gặp khó khăn thì chỉ một mình bạn vượt qua, không có bạn bè, không có ai bên cạnh. Bạn gieo nhân nào thì gặp quả đấy. Đó chính là luật nhân quả mà bạn phải biết để có thể hoàn thiện bản thân mình từng ngày.

Nếu xã hội có rất nhiều người như vậy thì chắc chắn rằng xã hội đó sẽ không bao giờ phát triển được.

Bởi vậy để có thể mang lại một xã hội tốt đẹp cũng như giúp bạn có thể hoàn thiện mình hơn thì hãy vứt bỏ tính ích kỉ, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người, quan tâm đến mọi người. Như thế bạn đang tự xây dựng một con người tốt đẹp cho mình.

Người ta cho rằng “khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút để thấy rằng: đằng sau vấn đề nổi cộm về một lối sống tiêu cực của con người, là bài học vô cùng quý giá và sâu sắc.

“Thói ích kỉ” trong nhận định trên nên được hiểu là lối sống thực dụng, vụ lợi, đặt quyền lợi , địa vị của bản thân lên trên hết, mà không coi trọng lợi ích của tập thể hay quyền lợi của người khác. Những người nhiễm “thói ích kỷ” nhất định thờ ơ với cộng đồng, thờ ơ với những người sống xung quanh. Bới tôn chỉ của họ là “đèn nhà nhà nào rạng nhà ấy”, “sống chết mặc bây”. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, hoặc thậm chí là gây tổn hại cho người khác.

Rõ ràng, trong ý niệm của những người nhiễm “thói ích kỷ”, không thể nào tồn tại hai tiếng “sẻ chia”. Bởi “sẻ chia” và “ích kỷ” là hai xu thế đối nghịch nhau. Nếu “ích kỉ” nghĩa là chỉ biết đến bản thân mình, thì “sẻ chia” là hành động hướng về người khác, “thương người như thể thương thân”. Người có khả năng sẻ chia là người có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông và thấu hiểu. Thông qua sẻ chia mà trái tim được sưởi ấm, linh hồn được cứu rỗi, và người gần người hơn, nhân tính hơn.

Sống trong cộng đồng, sẻ chia là cần thiết. Nhưng tiếc thay, “thói ích kỷ” vẫn đang tồn tại như một xu thế của xã hội hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của dành giật, bon chen và những toan tính vật chất. Nếu một ngày nào đó thế giới chỉ còn lại những người ích kỷ, thì đời sống còn gì ngoài những trao đổi, mua bán? Nếu mọi cá nhân đều vụ lợi, thực dụng thì bất kì điều gì người ta làm – “yêu”, ghét, cười, nói, ăn cắp, tặng quà, làm từ thiện hay dồn ép người khác vào đường cùng … – dù là việc gì đi nữa, tất cả chúng đều được thực hiện nhằm mục đích nào đó, với chủ ý nào đó.

Nơi mà ích kỷ trở thành lối sống của con người thì tình yêu và sự sẻ chia sẽ không còn đất sống. Người ta cũng yêu đó! Nhưng chỉ là “tỏ ra yêu”, “giả vờ yêu”, hoặc tự lừa bịp và ảo tưởng rằng mình yêu, để được thỏa mãn lòng tham hay những nhu cầu mà họ cố giấu. Nơi ấy, tình yêu và sự sẻ chia chỉ còn là “những giá trị lạc lõng”, con người tự đào mồ để chôn cất trái tim mình… Cuối cùng, giả vờ yêu cũng là điều khó nữa, sẽ có lúc trung tâm tình yêu co lại, con người đi đến lãnh cảm, lạnh lùng và khô cứng. Lạnh lùng và khô cứng – nên nhớ rằng đây là những tính chất của xác chết.

“Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tình yêu thương và sự sẻ chia sẽ chỉ còn là những giá trị lạc lõng”.

Đây là một nhận định đúng đắn, được nêu ra như là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đã và đang nhiễm “thói ích kỷ”. Tuy nhiên, ta hãy đào sâu suy nghĩ thêm một chút. Liệu con người có thể sống hoàn toàn không ích kỷ ? Và liệu bạn có sẵn sàng luôn nhận phần thiệt thòi về mình? Vì điều gì? Theo tôi, vấn đề không nằm ở chỗ bạn có nên giữ trong mình một chút ích kỉ hay không, quan trọng là chúng ta hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình. Ích kỉ hay hi sinh đều là không cần thiết. Một người ích kỉ chẳng khi nào vui được, anh ta đã lãnh cảm rồi, sao còn vui được nữa? Người biết cách hy sinh vì người khác thì có vẻ hạnh phúc hơn, nhưng sự viên mãn của anh ta không tràn đầy, niềm vui của anh ta không trọn vẹn. Anh ta cảm thấy thiếu vắng hay mất mát thứ gì đó. Nhưng vì anh ta hữu ích và có chút khác thường nên những con người kích kỷ xung quanh cứ ca tụng anh ta, khiến anh ta có cảm giác rằng mình đã đúng. Không nên ích kỷ và cũng không nhất thiết phải hy sinh, vậy thì điều gì còn lại?

Có một điều may mắn là “thói ích kỷ” không thuộc về bản chất ban sơ của chúng ta, và “hy sinh” cũng không là bản tính của ta. Chúng chỉ là những phẩm chất khả dĩ mà ta tiếp thu và bộc lộ trong quá trình sống. Bên trong một người ích kỷ – nếu chưa đi đến lãnh cảm – thường khởi lên những “tiếng nói nội tâm” khi anh ta làm điều gì đó trái với bản tính của mình. Và “tiếng nói” ấy rất nhỏ bé, tinh tế, thậm chí là phi ngôn ngữ. Anh ta có thể đối diện với nó hoặc phớt lờ nó. Và dù anh ta có nhận ra hay không thì nó vẫn có đó. Nắm bắt được “tiếng nói nội tâm” là dần bắt đầu sống thuận với bản chất của mình. Sống thuận với bản chất của mình thì những phẩm chất đẹp đẽ trong ta cũng tự nhiên hiển lộ.

Một đứa trẻ thì sống một cách tự nhiên, không bị chia chẻ thành nửa này, nửa kia. Nó sống vì bản thân một cách toàn bộ. Đứa trẻ không biết hy sinh là gì, nó cho vì nó muốn thế, nó cho mà không hề bận tâm. Nó làm mọi thứ từ niềm vui của chính nó, hạnh phúc của chính nó; nó không làm thế vì người khác nên không cảm thấy mất mát chút nào. Đó là sự cống hiến cao cả nhất, vượt trên cả hy sinh… Không những thế đứa trẻ còn vượt lên khỏi tính ích kỷ nữa. Người ích kỷ là kẻ nông cạn, hắn chỉ biết đến vật chất, quyền lợi và hư vinh. Những thứ đó chính là mục tiêu của đời hắn. Đứa trẻ biết nhiều thứ quý giá hơn, như là tình yêu, như là sẻ chia… Đứa trẻ không chỉ sống vì quyền lợi, nó sống vì cuộc sống [và quyền lợi là một phần trong đó]. Nếu gọi là ích kỉ thì đó là một sự ích kỉ toàn bộ, sự ích kỉ ở tầm cỡ hoàn toàn khác.

Vui thay ta sống hồn nhiên, không ưu phiền, không hy sinh mà hy sinh, ích kỷ mà không ích kỷ. Ta sống toàn vẹn với thân thể này, trí tuệ và trái tim này … Thế rồi ích kỷ tự tiêu. Thế rồi, tình yêu tràn đầy.

- Du Li -

Người Đăng : Admin

Video liên quan

Chủ Đề