Một số biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An

Hiện nay, trước những áp lực ngày càng gia tăng của quá trình phát triển nhanh về kinh tế du lịch – dịch vụ và thương mại, thành phố Hội An [Quảng Nam] đang đứng trước "bài toán" khó khi vừa phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, vừa phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Đổi thay từng ngày ở nơi “trắng” về du lịch

Tại hội thảo khoa học về sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức mới đây, khi chia sẻ về du lịch xanh ở Hội An, ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo Hội An cho rằng, không quá lời khi nói rằng Hội An là một trong những nơi sớm nhất định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, tôn trọng giá trị tự nhiên, khai thác tạo ra giá trị từ văn hóa địa phương.

Ông Lê Ngọc Thuận lý giải, nếu như trước năm 1999, Hội An gần như “trắng” về du lịch thì hơn 20 năm sau, đến nay, cộng đồng du lịch ở phố Hội đã lên tới con số hơn 300 doanh nghiệp, đa phần là về phát triển dịch vụ lưu trú, dịch vụ tham quan.

“Đặc biệt, Hội An cũng rất mạnh về các ý tưởng khai thác giá trị từ du lịch cộng đồng, du lịch làng quê, ruộng đồng”, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo Hội An cho biết thêm.

Theo đó, trước năm 2005, con trâu thường gắn liền với hình ảnh nghèo khó, thiếu thốn của nhà nông thì từ những năm 2007, những con trâu ở Hội An đã được “đổi phận” nhờ du lịch. Trâu được đưa ra đồng nhìn ngắm ruộng đồng, thong dong gặm cỏ, tắm rửa sạch sẽ để du khách chụp hình... Ý tưởng làm du lịch từ những chú trâu được một số doanh nghiệp khởi xuất, từ đó dẫn đến sức lan tỏa và tới nay là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch nơi phố Hội.

Ngoài ra, lâu nay, ở Hội An, các cộng đồng dân cư lâu đời cũng đã tổ chức đón khách vào ăn ở, trải nghiệm như một thành viên trong nhà để khách tìm hiểu văn hóa, đời sống bản địa. Khách được ra đồng theo nông dân cuốc vườn, được trồng rau, khám phá các làng nghề lâu đời... 

Giờ đây, khắp các làng quê đâu cũng dập dìu khách du lịch tham gia trải nghiệm, du lịch sinh thái làng quê kết hợp tìm hiểu văn hóa, phong tục, đời sống của người dân địa phương - điều này đã và đang đem lại thu nhập không nhỏ giúp đổi đời bà con Hội An...

Đồng quan điểm, TS Phan Thị Sông Thương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị  - xã hội, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, những năm gần đây, du lịch Hội An không còn quần tụ trong khu đô thị cổ mà đã mở rộng thêm các điểm tham quan cho du khách ở vùng nông thôn như vườn rau sinh thái, du lịch vùng sông nước, các làng nghề truyền thống...

"Nói cách khác, không gian phát triển du lịch của Hội An trải khắp các vùng đô thị, nông thôn, làng quê, biển đảo nhưng có trọng điểm trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên, tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn", TS Phan Thị Sông Thương nói. 

Cùng với sức “nóng” của di sản văn hóa thế giới Hội An, theo ông Lê Ngọc Thuận, chính quyền nơi đây cũng có nhiều chính sách quảng bá, giữ gìn tài nguyên rừng, môi trường nguyên vẹn và càng làm du khách đến tham quan nhiều hơn.

“Cộng đồng du lịch Hội An hiện nay là một khối hợp nhất, chúng tôi tự phân chia nhau mỗi lĩnh vực và dù không có quy kết rõ ràng nào nhưng tự mỗi doanh nghiệp đều hiểu rằng mình chỉ có thể tồn tại và phát triển một khi sản phẩm của mình bảo đảm 3 tiêu chí: Phù hợp với thị hiếu du khách, không làm ảnh hưởng tới môi trường và sản phẩm phải có tính lan tỏa, tạo ra sinh kế để kết nối cộng đồng”, anh Lê Ngọc Thuận nói. 

Giữ gìn nét đẹp “phố xưa nhà cổ”

Sự phát triển của du lịch đã đem đến những đổi thay về cơ sở hạ tầng, thu nhập và đời sống của người dân Hội An song cũng tạo sức ép lớn cho công tác quản lý, bảo vệ di sản nói chung. Theo đó, không chỉ phải “chung sống” hài hòa với di tích để vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai, người dân Hội An còn phải “tự đấu tranh” với chính mình trước những tiện ích, lợi nhuận mới của cuộc sống để giữ gìn nét đẹp của “phố xưa nhà cổ”.

Theo các chuyên gia, nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt cả về cơ chế, chính sách đầu tư thì đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hóa đặc thù của Hội An. Những tập quán, lối sống, nếp ứng xử của người dân phố Hội xưa kia bị ảnh hưởng ít nhiều... Đây là bài toán khó trong bảo tồn “hồn cốt” của Hội An trong bối cảnh phát triển mới.

Đưa ra các giải pháp để Hội An phát triển bền vững trong bối cảnh mới, nhất là tăng trưởng về tiềm năng du lịch, TS Phan Thị Sông Thương đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, môi trường sinh thái.

“Cần tuyên truyền và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; các chính sách cần hướng đến mục tiêu làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản, qua đó có động lực đủ mạnh để bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo thời gian”, TS Phan Thị Sông Thương nói.

Đặc biệt, góc độ không gian bảo tồn không chỉ gói gọn trong phạm vi Khu phố cổ Hội An mà phải bao gồm cả một tổng thể cảnh quan sông nước, biển - đảo, làng quê, làng nghề truyền thống; cả vùng di sản văn hóa đô thị và nông thôn. Trong đó phải tính đến cả yếu tố liên kết bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế du lịch trong vùng và khu vực.

"Đặc biệt, cần chú trọng đến chính sách đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, trong bối cảnh chịu nhiều tác động bởi thị trường du lịch thế giới hiện nay, Hội An cần phải nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, không chỉ phục vụ cho khách quốc tế mà còn hướng đến đối tượng khách du lịch trong nước. Trong phát triển các sản phẩm du lịch phải chú trọng sản phẩm dịch vụ du lịch xanh, dựa trên các giá trị cốt lõi của Hội An - đó là các di sản thế giới", TS Phan Thị Sông Thương nhấn mạnh. 

Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tiếp tục nâng cao chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng chuyển đổi từ “du lịch cổ điển” [nhấn mạnh các khía cạnh: Tăng trưởng, thị trường, quảng bá, duy trì] sang “du lịch thông minh”, du lịch tăng trưởng xanh, bao gồm các khía cạnh mới về: Xanh, sạch, đạo đức và chất lượng. Trong đó tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, có khả năng tái tạo và phát triển bền vững.

Mặt khác, cũng nhấn mạnh xây dựng mô hình du lịch gắn với phát triển cộng đồng hay còn gọi là du lịch cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đề xuất cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tương xứng với nhu cầu thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vừa góp phần bảo vệ di sản, môi trường sinh thái, qua đó các giá trị của di sản được bảo vệ toàn vẹn. 

THẢO PHƯƠNG

Chủ Đề