Người to cáo là gì

Trong thực tế cuộc sống, thường bắt gặp thuật ngữ khiếu nại, tố cáo. Hai thuật ngữ hay đi cùng nhau nhưng không phải ai cũng hiểu và phân biệt được khái niệm, định nghĩa, mục đích và thủ tục khiếu nại và tố cáo.

Bản chất khác nhau, nhưng khiếu nại và tố cáo đều là những quyền cơ bản của công dân. Trong khuôn khổ bài viết này cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về Tố cáo là gì?, Khiếu nại và phân biệt giữa tố cáo và khiếu nại.

Tố cáo là gì?

Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, tại Khoản 1 Điều 2 quy định:

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a] Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b] Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Bản chất quyền tố cáo là công dân thực hiện quyền của mình báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp cải cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước.

Tố cáo đóng vai trò là tìm ra và phát hiện hành vi vi phạm hoặc có thể vi phạm. Trong một số trường hợp, tố cáo nhằm bảo vệ và mang mục đích ngăn chặn nguy cơ vi phạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước.

Tóm lại, chủ thể duy nhất của tố cáo là cá nhân; Mục đích của tố cáo gồm: Ngăn chặn hành vi vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước. Những vi phạm trái pháp luật không chỉ của cán bộ, công chức mà còn của cơ quan, tổ chức; Hành vi vi phạm có thể bị tố cáo bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Tố cáo theo tiếng Anh nghĩa là gì?

Trong tiếng Anh, tố cáo là Denounce.

Cách phân biệt giữa tố cáo và khiếu nại?

Để phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo, cần biết khái niệm khiếu nại là gì.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, bản chất khiếu nại là hành động tự vệ, mang mục đích bảo vệ hoặc khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của chính công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức khi bị vi phạm quyền.

Để phân biệt khiếu nại và tố cáo, cần xem xét dưới các góc độ sau:

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện khiếu nại, tố cáo:

  • Chủ thể có quyền tố cáo chỉ có thể là công dân [cá nhân]. Mục đích của quy định này là nhằm cá nhân hóa trách nhiệm đối với cá nhân thực hiện tố cáo. Ràng buộc trách nhiệm với người tố cáo, nếu hành vi tố cáo sai sự thật, với động cơ xấu thì tùy vào mức độ của hành vi có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
  • Chủ thể có quyền khiếu nại thì rộng hơn, gồm công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Mục đích của khiếu nại là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của chính chủ thể khiếu nại khi quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc bị đe dọa xâm phạm. Do đó, chủ thể có quyền khiếu nại mở rộng hơn chủ thể quyền tố cáo.

Thứ hai, về đối tượng bị khiếu nại, tố cáo:

  • Đối tượng của tố cáo tương đối rộng, bao gồm tất cả những hành vi vi phạm của bất cứ cá nhân, tổ chức, cơ quan nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hạt đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước. Hành vi vi phạm có thể bị tố cáo bao gồm:

Tố cáo đối với Hành vi vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của: Cán bộ, công chức, viên chức hoặc những người được giao nhiệm vụ, công vụ; Người không còn là các đối tượng nêu trên nhưng đã có hành vi vi phạm trong thời gian đương nhiệm; Người không còn được giao nhiệm vụ, công vụ nhưng đã có hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện công vụ, nhiệm vụ; Cơ quan, tổ chức.

Tố cáo đối với Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của cá nhân, tổ chức, cơ quan.

  • Đối tượng của khiếu nại hẹp hơn đối tượng của hoạt động tố cáo. Đối tượng của khiếu nại bao gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật với cán bộ, công chức.

Thứ ba, xét về mục đích của khiếu nại, tố cáo.

  • Mục đích của tố cáo là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ lợi ích của nhà nước. Như vậy, mục đích của tố cáo không chỉ là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân người tố cáo, mà còn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc cơ quan, tổ chức, lợi ích của nhà nước.
  • Mục đích của khiếu nại thì hẹp hơn, nhằm bảo vệ, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể thực hiện khiếu nại.

Thứ tư, về yêu cầu tính chính xác của thông tin khiếu nại, tố cáo.

  • Đối với thông tin tố cáo, như đã đề cập về tính ràng buộc trách nhiệm cá nhân với nội dung tố cáo. Người tố cáo phải trung thực về nội dung, thông tin, tài liệu, tố cáo và phải chịu trách nhiệm pháp luật với hành vi tố cáo của mình. Hành vi tố cáo sai còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh vu khống.
  • Đối với thông tin khiếu nại, không có quy định về yêu cầu tính chính xác/xác thực thông tin khiếu nại.

Thứ năm, về cách thức thực hiện khiếu nại, tố cáo.

  • Để thực hiện tố cáo, việc người tố cáo cần thực hiện tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết về hành vi vi phạm.
  • Để thực hiện khiếu nại, người khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thứ sáu, về thời hiệu khiếu nại, tố cáo.

  • Thời hiệu đối với thủ tục tố cáo không quy định vì nó phụ thuộc vào quyết định, ý chí của người tố cáo.
  • Thời hiệu đối với thủ tục khiếu nại là 90 ngày, tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc người khiếu nại biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thì thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định kỷ luật; khiếu nại lần hai là 10 ngày, tính từ ngày cán bộ, công chức nhận được kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày tính từ ngày người khiếu nại nhận được kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu.

Như vậy, thời hiệu khiếu nại được quy định rõ ràng và cụ thể theo từng giai đoạn. Còn thủ tục tố cáo không quy định về thời hiệu.

Thứ bảy, quy định rút đơn khiếu nại, tố cáo.

  • Đối với đơn tố cáo, người tố cáo được quyền rút một phần nội dung tố cáo hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi có kết luận nội dung tố cáo. Nếu xét thấy có căn cứ cho rằng hành vi tố cáo có dấu hiệu vi phạm, hoặc nghi ngờ rằng người tố cáo bị uy hiếp, mua chuộc thì Cơ quan Nhà nước vẫn tiến hành xử lý và giải quyết vụ việc tố cáo đó.
  • Đối với đơn khiếu nại, người khiếu nại có thể rút đơn ở tất cả các thời điểm nào trong quá trình xử lý và giải quyết khiếu nại. Ngay khi người khiếu nại rút đơn, cơ quan nhà nước đình chỉ việc giải quyết khiếu nại.

Như vậy, việc nộp đơn và rút đơn khiếu nại phụ thuộc vào ý chí của người khiếu nại nếu việc rút đơn đúng quy định. Còn việc nộp và rút đơn tố cáo mặc dù phụ thuộc vào ý chí của người tố cáo song Cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể tiếp tục xử lý vụ việc nếu xét thấy có yếu tố vi phạm pháp luật.

Những quy định của pháp luật về tố cáo

Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo gồm những bước nào?

Giải quyết tố cáo trải qua các bước:

  • Bước 1: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;
  • Bước 2: Xác minh nội dung tố cáo;
  • Bước 3: Kết luận nội dung tố cáo;
  • Bước 4: Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo
  • Bước 5: Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Đơn tố cáo cần đáp ứng nội dung gì?

Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Luật Tố cáo năm 2018, đơn tố cáo cần có những nội dung sau:

  • Ngày, tháng, năm tố cáo;
  • Họ, tên, địa chỉ của người tố cáo;
  • Nội dung tố cáo.
  • Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp có nhiều công dân cùng tố cáo bằng đơn thì nội dung đơn có đầy đủ các nội dung nói trên của tất cả những người tố cáo

Có thể tố cáo trực tiếp tại cơ quan nhà nước không?

Căn cứ Khoản 3 Điều 19 Luật Tố cáo, người tố cáo có thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tố cáo trực tiếp. Khi đó, người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo làm đơn hoặc ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Trường hợp có nhiều người cùng tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn những người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Quy định về rút đơn tố cáo?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định về việc rút đơn tố cáo như sau: Người tố cáo có quyền rút đơn khi người giải quyết tố cáo cho rằng việc rút tổ cáo là có căn cứ. Nếu người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì vẫn có thể xem xét, giải quyết.

Nếu có căn cứ cho rằng việc rút đơn tố cáo của người tố cáo là do bị uy hiếp, đe dọa thì người giải quyết tố cáo áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, đồng thời xử lý đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo và tiếp tục xử lý đơn tố cáo theo quy định.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo?

Trường hợp xử lý, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ: Những tố cáo này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bị tố cáo.

Trường hợp xử lý, giải quyết tố cáo đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không là cán bộ, công chức, viên chức: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp những đối tượng trên có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Thời hạn giải quyết tố cáo?

Điều 21 Luật Tố cáo 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thị lý giải quyết tố cáo. Với những vụ việc có tính chất phức tạp, cần xác minh nhiều thông tin, thời hạn giải quyết tố cáo là 90 ngày kể từ ngày thụ lý. Ngoài ra, có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần không quá 30 ngày, với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Trên đây là bài viết tìm hiểu các quy định về Tố cáo, giải đáp các nội dung Tố cáo là gì, cách phân biệt giữa tố cáo và khiếu nại?. Nếu bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ Luật Hùng Sơn qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6518 để được hỗ trợ kịp thời.

5/5 - [1 bình chọn]

Bài này đã được sửa đổi lần cuối vào 04/10/2021 15:11

Chia sẻ
Ls. Nguyễn Minh Hải

Luật sư Hải có hơn 13 năm kinh nghiệm với vai trò là luật sư tư vấn tại Rouse Legal [Anh Quốc], Ngân hàng PG Bank, trưởng phòng pháp chế của Công ty Vinpearl [tập đoàn Vingroup]. Với những kinh nghiệm tư vấn nhiều năm cho các công ty luật hàng đầu, các tập đoàn lớn và hàng nghìn khách hàng trong tất cả các lĩnh vực. Luật sư Hải chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề pháp lý mà khách hàng gặp phải với chất lượng chuyên môn cao. Lĩnh vực chuyên môn: Sở Hữu Trí Tuệ, Hợp Đồng, Tư Vấn Đầu Tư, Quản Trị Doanh Nghiệp.

Sau An ninh nhân dân là gì? Tìm hiểu về nền tảng an ninh nhân dân »
Trước « Cơ quan đại diện là gì? Những điều cần biết về cơ quan đại diện
Để lại một bình luận

Video liên quan

Chủ Đề